Hồi còn đi học, lớp trẻ chúng tôi muốn tìm hiểu về mỹ thuật thế giới (tranh, tượng, …) thường chỉ có nơi duy nhất là cuốn Từ điển Larousse của Pháp. Trong đám bạn bè, có gia đình có cuốn từ điển quý giá đó, nhưng tôi thường phải xem bằng cuốn Từ điển ở Thư viện quốc gia. Lúc ấy, chỉ cần học lớp 8 – lớp đầu cấp 3 – là đã có thể làm thẻ vào đọc sách ở Thư viện. Những bức tranh trong đó đều nổi tiếng và tiêu biểu cho mỹ thuật cổ điển nhưng thường nhỏ, có những bức chỉ lớn hơn một con tem. Dù sao, chúng tôi cũng đã có được những hiểu biết ban đầu về nền mỹ thuật của con người qua các thời đại.
Đến một hôm, không nhớ ai trong lớp đã lan truyền một phát hiện: cửa hàng sách Ngoại văn phố Tràng tiền có bán tạp chí Ikustvo (Nghệ thuật), chuyên về mỹ thuật. (Trước những năm 90 của thế kỷ trước, cả Hà Nội chỉ có duy nhất một cửa hàng bán sách báo ngoại văn ở 57 phố Tràng Tiền. Chúng tôi biết đến cửa hàng này từ hồi học lớp 6. Để có thêm bài tập Toán trau dồi, học sinh lúc bấy giờ ngoài tìm tòi trong các sách Toán cũ của giáo dục thời Pháp để lại, còn tới Cửa hàng này, nói với các chị bán hàng cho “xem” – vì không có tiền mua – các sách Toán của Nga rồi cùng nhau chép lại. Các chị bán hàng cũng dễ tính, thường bảo chúng tôi đứng vào phía trong để khỏi ảnh hưởng đến khách mua hàng). Tạp chí do Liên Xô xuất bản bằng tiếng Nga hàng tháng. Không chỉ giới thiệu các tác giả và tác phẩm nói chung, Tạp chí còn đặc biệt giới thiệu các họa sĩ Nga và tác phẩm của họ. Khổ của Tạp chí lớn hơn khổ giấy A4 nên lần đầu, chúng tôi được xem các bức tranh với kích cỡ như thế. Một chân trời mới đã mở ra cho chúng tôi, bên cạnh những Leona de Vinci, Mikenlange, Rafaen, Rondin, .. là.những tên tuổi và kiệt tác của Nga như Levitan, Repin, Kramskoi, … Qua Tạp chí, chúng tôi cũng biết tới và vô cùng khâm phục nhà sưu tập nổi tiếng T’retytakov. Là một nhà kinh doanh giàu có, ông còn là người có niềm say mê và năng lực thẩm tranh tuyệt vời. Bộ sưu tập khổng lồ đã được ông hiến tặng cho thành phố Maxcơva trước khi qua đời. Từ đó, tôi vẫn hằng ao ước được xem những bức tranh bằng nguyên bản chứ không phải qua ảnh chụp.
Ngày thứ hai đặt chân tới nước Nga, tôi đã tới thăm Nhà trưng bày (garely) T’retytakov bên dòng sông Maxcơva. Sưu tập những tác phẩm thế kỷ 20 được trưng bày trong hơn 40 căn phòng trên tầng 4 của tòa nhà, có nhiều phòng rộng hàng trăm mét vuông. Ở đây, người xem có thể chiêm ngưỡng hầu khắp các tác phẩm nổi tiếng của các họa sĩ Nga với nhiều thể loại và trường phái trong suốt thế kỷ trước.
Thật may mắn, hôm tôi đến là một trong hai ngày cuối trưng bày các tác phẩm của Rêpin (1840 – 1930), người được mệnh danh là L. Tonstoi trong hội họa Nga. Mấy trăm bức tranh đủ kích cỡ đang được trưng bày rải rác trong các bảo tàng mỹ thuật khắp thế giới được đưa về. Gần 60 năm trước, tôi được xem bức tranh Kéo thuyền trên sông Vonga qua tạp chí Ikustvo với ấn tượng sâu sắc về sự lam lũ, khốn cùng của những người phu kéo thuyền và ánh mắt căm hờn đầy sức phản kháng của họ. Cảm nhận ấy sâu sắc hơn cùng với bài hát Hò kéo thuyền trên sông Vonga chắc thế hệ học sinh U.80 Hà Nội đều biết. Hôm nay tôi đã tận mắt cảm nhận bức tranh qua nguyên bản cùng với hầu khắp tác phẩm của Rêpin, mà trong đó, nhiều bức choán cả một phần tường.
Sau đó, tôi còn được đến các Bảo tàng Nga và Bảo tàng Ermitage để chiêm ngưỡng nhiều nghìn tác phẩm nghệ thuật được trưng bày một cách trang trọng để vinh danh những báu vật của thế giới loài người.
Cũng trong dịp này, bên cạnh niềm vui xem tranh, tôi còn được tận mắt chứng kiến đời sống văn hóa của người Nga. Vé vào cửa các Bảo tàng không hề rẻ (600 rup, 700 rúp tương đương 240.000 – 280.000đ Việt Nam) nhưng đã có hàng nghìn người tới xem tranh hàng ngày, đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu, … Chương trình trưng bày tranh của Rêpin được khai mạc từ tháng 3.2019, nhưng đến ngày kết thúc (cuối tháng 8), 6 phòng trưng bày vẫn đông nghịt, có lúc, tôi cảm thấy còn đông hơn siêu thị ở ta. Để vào Bảo tàng Ermitage, người xem phải xếp hàng rồng rắn mua vé (dù đã có không ít người đã mua vé online), xếp hàng vào cửa và kiểm tra an ninh. Đông, đôi lúc có thể “chen vai thích cánh” nhưng tuyệt đối không ồn ào, chỉ nghe thấy tiếng bước chân di chuyển nhẹ nhàng, ai cũng như nín thở để chiêm ngưỡng những đỉnh cao nghệ thuật.
Về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, … không dám nói, nhưng về “món” này, có lẽ chúng ta đang chậm hơn vài ba thế kỷ.
Bác ơi cháu đang thắc mắc là ở khúc cuối bài, bác ghi là chúng ta có lẽ còn thua vài ba thế kỉ về ” món” đó, vậy cái ” món” bác nói đến nghĩa là nghệ thuật Việt thua kém nghệ thuật Nga hay là lòng đam mê, tôn sùng nghệ thuật của người Việt thua kém người Nga vậy? Cháu cảm ơn bác vì những bài viết rất hay về nước Nga!
Cám ơn bạn đã đọc các bài viết của tôi. Cuối bài, ý tôi muốn nói bạn đã hiểu, nước Nga có một nền nghệ thuật phát triển rực rỡ mang tầm vóc thế giới, còn lòng yêu nghệ thuật của người Nga là tấm lòng của những người ngoài nhu cầu vật chất còn coi những món ăn tinh thần là không thể thiếu. Đất nước và con người họ đáng để chúng ta ngưỡng mộ và noi theo.
Chúc bạn nhiều sức khỏe và niềm vui.
Sao mà em có nhiều điểm giống bác Giao thế. Chỉ có điều may hơn vì dạo em là SV vé vào cửa Bảo tàng chỉ bằng giá cái bánh mỳ gối bây giờ thôi