Cách đây 12 năm (năm 2003), nhóm anh em chúng tôi đã có một chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Lúc ấy, còn quá nhiều công việc khiến chuyến đi không thể kéo dài dù còn rất nhiều nơi chúng tôi muốn tới. Nay thời gian đã rộng dài, dù tuổi đã không còn trẻ, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi lần thứ hai để có thể tới được nhiều hơn những vùng đất còn chưa được khám phá.

Ngày thứ nhất (08.9.2015)

Đúng 6 giờ sáng, cơn mưa như trút không cản được cả nhóm lên đường. May mắn, tới gần Xuân Mai thì mưa ngớt rồi tạnh hẳn. Suốt ngày trời đẹp khiến hành trình rất thuận lợi.
Dời Xuân Mai, qua Yên Thủy (Hòa Bình), đường HCM qua nhiều huyện của tỉnh Thanh Hoá: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân.
Huyện đầu tiên của Nghệ An trên tuyến đường này là Nghĩa Đàn. Từ lâu đã nghe nói nhiều tới sữa TH milk, hôm nay mới được chứng kiến những cánh đồng cỏ để nuôi bò. Diện tích nghe nói rất lớn nhưng vì xen giữa những vùng đồi núi nên không có được cái cảm giác mênh mông. Sau Nghĩa Đàn là Tân Kỳ, cũng là một huyện miền núi. Tân Kỳ là nơi Bộ Giáo dục đã tổ chức nuôi dạy các cháu ở Vĩnh Linh ra tránh bom đạn hồi chiến tranh.
Ngày đầu thuận buồm xuôi gió vượt qua 290 cây số.
“Tinh vi” với cả nhà một chút: tối nay, ba anh giáo quèn nghỉ tại Khách sạn Đại Phú Gia hẳn hoi nhé! Oách chưa?!!
P/S: trong ảnh là hình ảnh con sông Chu, hồi đi học luôn phải ghi nhớ là một trong ba con sông lớn ở Bắc Trung bộ (cùng với sông Mã và sông Cả, nay quen gọi là sông Lam). Con sông Chu hiền hòa, thân thiện, không biết vì sao giờ it thấy nói tới. Hôm nay lần đầu được gặp sông Chu.

Ngày thứ hai (09.9.2015) Tân Kỳ (Nghệ An) – Phúc Trạch (Quảng Bình)

Đại ca của nhóm chúng tôi là bác Đặng Bàn, năm nay mới có 77 tuổi (bác sinh năm Mậu Dần – 1938). Do thường xuyên có mặt trên các nẻo đường miền núi tới các bản làng vùng cao nên bác được những người hâm mộ đặt cho biệt danh Lão Bản. Mỗi khi được hỏi tới chuyện tuổi tác không thich hợp với những đèo dốc, mưa nắng và ăn ngủ thất thường, bác hay vuốt chòm râu bạc, cười “khà khà” mà “phán” rằng:
Cho hay muôn sự trên đời,
Tại mình chín chục, tại trời nửa li.
Còn sức lười chẳng chịu đi,
Thiệt là cái chắc một khi đóng … hòm.
Hôm nay ông Giời định bỡn cợt, thử thách nên mưa nắng thất thường. Nhưng đã “ăn chơi sợ gì mưa rơi”, chúng tôi vẫn vượt qua 260 cây số nhiều đèo dốc từ Tân Kỳ qua Anh Sơn của Nghệ An, qua Hà Tĩnh tới Bố Trạch, Quảng Bình đúng dự định. Lúc đang xuống đèo Đá Đẽo, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú hiện ra trước mắt, phía dãy núi phiá trước, một đàn bướm khổng lồ chắc có thể tới nhiều vạn con đang múa lượn, khi tụ lại, lúc tản ra phản chiếu ánh ráng chiều lúc mặt trời sắp khuất núi. Đàn bướm khi đậm khi nhạt, lúc sáng lúc tối, lấp lánh muôn màu. Rất tiếc không ghi lại được cảnh sắc có một không hai ấy.

Ngày thứ 3 (10.9.2015) Bố Trạch, Quảng Bình – A Lưới, Thừa Thiên -Huế.

Nói tới “đường HCM”, người ta thường nghĩ tới sự vắng vẻ, thiếu tiện ích. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước khi con đường mới hoàn thành. Giờ đây, cư dân địa phương đã bám sát mặt đường, hình thành những khu dân cư, có nơi khá sầm uất. Chỉ có từ Quảng Bình trở vào, nhất là đoạn Khe Ve, đường xuyên qua núi đá nên suốt cả hai chục cây số, hai bên đường không hề có người ở. Có con đường chạy qua, đời sống của người dân địa phương cũng không còn dáng vẻ của “vùng sâu vùng xa”, hàng cà phê, quán “net” không còn là “của hiếm”. Đời sống người dân ở đây không khác nhiều với vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Vào mỗi buổi sáng và trưa, thấy không ít học sinh đi học bằng xe đạp điện.
Xăng dầu là loại hàng chiến lược nên mật độ các cửa hàng khá dày, chỉ dăm ba cây số là có chỗ bổ sung năng lượng. Từ Quảng Trị trở vào, đời sống cư dân người Pa cô, Vân kiều, … có nhiều thay đổi. Trong chuyến đi lần trước (2003), hai bên đường có khá nhiều những căn lều khung bằng tre, gỗ nhưng mái và bao quanh bằng ngững tấm ni-lông, vải nhựa cũ, … màu sắc đa dạng chẳng khác gì những tấm áo vá của cố nông thời cải cách ruộng đất xa xưa. Nhưng hôm nay, cũng trên con đường ấy đã chỉ thấy “kém cỏi” nhất cũng là những căn nhà mái lợp phi-brô xi-măng, vách gỗ trông khá chắc chắn. Các trường mẫu giáo và tiểu học, THCS đều được xây cất khang trang như trường sở mọi nơi, kể cả các cụm trường phân tán. Duy cái ăn chắc chưa được no đủ, nhìn vẻ mặt con người nhất là trẻ con vẫn lộ vẻ thiếu đói. Nhưng khi tan trường cũng thấy nhiều cháu đã có xe đạp đi học. Trên đường tới huyện lỵ A Lưới, thấy các làng hai bên đường đều được gắn biển, các tấm biển đều thống nhất, chứng tỏ được những người có “đầu óc” thật sự lo liệu. Mỗi tấm biển phía trên là tên xã, phía dưới là tên làng bằng cả ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp. Nhìn hình ảnh rất chuẩn mực ấy, tôi thầm đoán chắc thuộc một Dự án do tổ chức phi chính phủ nào đấy tài trợ. Nhưng một người dân địa phương đã cho tôi biết, đó là kết quả do người dân đóng góp. Hình như ngay trong các quận nội thành ở Thủ đô cũng còn khối nơi thiếu hẳn sự đồng bộ đáng trân trọng này.
Hôm nay trời vẫn còn mưa dù đã ít hơn hôm qua. Suốt ba ngày, chiều nay mới gặp một con đèo đáng “nể” đèo Kepêr, cách thị trấn A Lưới khoảng hai chục cây số. (Đèo được gọi theo tên làng ở chân đèo phía nam). Đèo dài khoảng hơn chục cây số, nhiều đoạn có độ dốc 10o/o. Vượt đèo đúng lúc trời mưa to, nhưng sự cẩn trọng cùng những kinh nghiệm vượt đèo dốc suốt mười lăm năm qua khiến anh em chúng tôi vẫn an toàn sau chặng đường hơn 260 km.

Ngày thứ tư (10.9.2015) A Lưới – Prao – Đà Nẵng – Hội An

Từ Quảng Bình, đường HCM mới có dáng vẻ của một con đường miền núi, quanh co đèo dốc, suối chảy mây bay, sau mỗi khúc “cua” là một bất ngờ hiện ra trước mắt. Từ A Lưới tới Prao, chúng tôi đã vượt qua hơn trăm cây số ngoằn ngoèo quanh co như thế. Dù chưa thể sánh được với những nẻo đường Tây bắc nhưng sự kỳ thú của cảnh quan cũng bõ công những người say mê. Đường vắng, rất ít ô tô, xe máy cũng chỉ thấp thoáng, hoàn toàn không có cư dân khiến những người yếu bóng vía phải ngại ngần. Thỉnh thoảng lắm mới thấy một vài người Pa cô, Kơ ho hay Vân kiều đang phát cỏ bên rẫy hay gùi củi trên đường. Đây cũng chính là khu vực bảo tồn sao la, loài động vật được ghi trong sách đỏ.
Trên đoạn đường này, trong chuyến đi từ 12năm trước, chúng tôi không thể quên một kỷ niệm. Hôm ấy, sau khi tới Lao Bảo, thăm nhà tù và cửa khẩu, chúng tôi xuất phát từ Khe Sanh và đích tới là Hiên, thị trấn của huyện cùng tên (nay mang tên mới Prao). Dừng chân ở A Lưới, nhìn đồng hồ mới 3 giờ chiều, tất cả đều yên tâm sẽ tới đích sớm để nghỉ ngơi vì trên bản đồ, khoảng cách giữa hai nơi chỉ là 70 km. (Tối hôm trước, mãi hơn 8 giờ tối cả nhóm mới tới được Khe Sanh). Đi được khoảng dăm cây số thì thấy đường xấu một cách bất thường. Thì ra thời gian này đường đang được cải tạo. Đoạn từ Đăkrông tới A Lưới mới hoàn thành nên người đi trên đường đều cảm thấy hành trình rất “ngon lành”, còn đoạn từ A Lưới trở đi, công việc chỉ mới bắt đầu. Thêm chừng mấy cây số nữa trời bắt đầu nhá nhem tối, rồi ở vùng rừng núi, bóng tối ập tới rất nhanh. Ý thức được những trắc trở đang chờ phía trước, chúng tôi quyết định tạm dừng, lấy lương khô ra “nạp năng lượng”. Ai ngờ, mỗi người mới ăn được vài miếng thì nghe tiếng còi rúc và tiếng kêu lớn “nổ mìn! Nổ mìn”. Thế là tất cả vội vàng “tháo chạy” mong nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trời đã tối đen, xe máy chạy chậm khiến ánh đèn không đủ độ sáng, ánh sáng của đèn pin không đủ xua đi cái tăm tối của rừng già. Chúng tôi lái xe đi hoàn toàn theo cảm giác, có lúc xe như lao xuống một vùng trũng, có khi phải xuống xe, vừa “rồ” máy, vừa đẩy. Chúng tôi chỉ biết hướng về phía trước. Thỉnh thoảng gặp một cái lán của công nhân giữa rừng, hỏi họ về quãng đường tới Hiên, người bảo “còn dăm sáu cây”, lát sau hỏi, lại được trả lời “còn gần trăm cây, có nơi lạI bảo “còn xa lắm”. Hóa ra mỗi đơn vị nhận nhiệm vụ thi công dăm ba cây số, “lính tráng” chỉ biết riêng cái đoạn ấy, còn chuyện con đường ấy chạy về đâu, dài bao xa nào mấy ai quan tâm. Sau, chẳng ai thiết hỏi, và cũng không ai đưa ra ý kiến ngủ nhờ các lán công nhân, mai đi tiếp.
Cứ trầy trật như thế, khi tới Hiên, gọi cửa một nhà khách xin ngủ, họ mở cửa cho vào, lúc ấy đã là 2 giờ sáng. Tắm giặt xong, mỗi người ăn một bát mì rồi đi nằm, tiếng gà gáy đã eo óc.
Hôm nay đi lại trên con đường này, chúng tôi đã có biết bao thuận lợi. Dù hoàn thành đã nhiều năm, mặt đường vẫn êm thuận, đi vào ban ngày, được thưởng ngoạn vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên, có cảm giác “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, mỗi lần “vít” tay “ga”, con xe băng băng leo dốc uốn lượn theo những sườn núi và vực sâu, văng vẳng bên tai là những tiếng chim hót với biết bao cung bậc, tiếng suối róc rách hay tiếng thác nước ào ào, ai cũng cảm thấy niềm hạnh phúc vô bờ mà nếu cam chịu chết già ở Hà Nội thì làm sao có được.

Ngày thứ 5 (12.9.2015) Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Sáng nay sau một trận mưa rào, trời nắng đẹp. Từ Cửa Đại (Hội An), men theo đường ven biển, chúng tôi tới bán đảo Sơn Trà, thuộc thành phố Đà Nẵng. Từ xa đã thấy nổi bật trên nền trời pho tượng Phật Bà trắng muốt. Đó là pho tượng lớn đặt trước chùa Linh Ứng, cao 69,7 mét, hướng ra biển. Ngôi chùa không lớn nhưng xứng đáng được coi là một công trình kiến trúc – văn hóa – tín ngưỡng có giá trị, đáng để thưởng ngoạn trong tình trạng lạm phát các loại chùa chiền hiện nay.Ngôi chùa nằm trên sườn núi, phần lớn diện tích dành cho khuôn viên, phần “phụ trợ” chỉ được một phần đất ít ỏi nhưng nhờ có quy hoạch khoa học nên du khách vẫn có cảm giác thoáng đãng. Bên ngoài, ô tô, xe máy được gửi miễn phí, xung quanh hoàn toàn không có bóng dáng của những hàng bán hương hoa, vàng mã, không có những kẻ bám quanh để trục lợi nhờ tín ngưỡng. Bên trong chùa, trên ban thờ vẫn đầy đủ các phẩm vật, vẫn thắp hương nhưng ở mức vừa phải, hoàn toàn không gây cảm giác ngột ngạt. Chỉ có mùi hương không quen với những người sống ở phía bắc với ngôi chùa truyền thống. Có cảm giác người đến vãn cảnh chùa với mục đích “bất vụ lợi”.
Nơi thứ hai chúng tôi hướng tới ở Sơn Trà là một khu vườn có bộ sưu tập nhiều loại tre. Nghe nói chủ nhân của nó là một sư thầy mang tên Thích Thế Tường, khu vườn mang tên Sơn Trà tịnh viên. Nhưng hỏi nhiều người ở nhiều nơi khu bán đảo này nhưng khoảng nửa số người lắc đầu không biết, phần còn lại rất nhiệt tình hướng dẫn nhưng dù chạy khắp nơi, lên cả đỉnh Bàn Cờ cũng không thể tìm thấy. Ai ngờ, trên một vùng đất không lớn, khu vườn cũng đâu nhỏ thế mà tất cả đang đứng trước cảnh “đáy bể mò kim”. Sau gần hai giờ xuôi ngược, chúng tôi đã tới nơi. Nó chẳng ở đâu xa, chỉ cách một đường phố của Đà Nẵng khoảng cây số. Khu vườn nằm trên sườn núi, trong vườn có hồ nước, có các tiểu cảnh và đặc biệt có hơn trăm loài tre trúc sưu tầm từ khắp mọi miền đất nước. Có thể coi đây là một bảo tàng về tre ở nước ta. Sư thầy vốn người gốc Huế, tu hành từ năm 14 tuổi, đã tới đây ẩn dật và xây dựng khu vườn được mười năm. Công sức của một người, hoàn toàn không được nhà nước tài trợ nên dù còn nhiều việc cần bổ sung, hoàn chỉnh, đây cũng là một việc làm đáng trân trọng. Anh em chúng tôi cũng đã có chút ít đóng góp dù biết đó chỉ là cử chỉ mang tính tượng trưng.
Chắc có người muốn hỏi tới những cao ốc, những ngôi biệt thự, những trung tâm thương mại … ở nơi đang được coi là thành phố “đáng sống nhất” cả nứớc, nhưng đó không phải mục đích chuyến đi của chúng tôi.

Con đường gian khổ mà chúng tôi vượt qua trong đêm tối 12 năm trước không phải chỉ 70 cây số. Nó là 103 km, theo cột cây số đặt bên lề đường.

14 BÌNH LUẬN

  1. Chúc các ông bạn 70 vẫn hăng say trên đường xuyên Việt khoẻ, bền, dẻo dai ! Kính nể ! Muốn theo, không kịp.

  2. Tiếc quá Thầy không đem theo máy quay ạ.Khâm phục các cụ quá,cầu mong thời tiết tốt lên để không ảnh hưởng tới cuộc hành trình có một không hai này.Kính chúc các Thầy luôn khỏe mạnh để đạt niềm mơ ước.

  3. 30 năm trước, một anh bạn của minh đã rủ mình làm một chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Tiếc rằng chưa kịp thực hiện thì anh ấy mất đột ngột ! Mộng giang hồ dang dở, bây giờ dẫu có muốn cúng đành chịu .

  4. Con ngưỡng mộ các Chú quá, trong thế mà mỗi ngày đi mấy trăm cây số, Con kính chúc các Chú xuyên việt bình an

  5. Nhóm tôi cũng có khoảng 3-4 người (đều trên 70 tuổi cả rồi) rất thích chu du bằng xe máy đi xuyên Việt nhưng chưa dám đi vì chưa ai có kinh nghiệm. Bản thân tôi đã đi xuyên Việt công tác nhiều lần nhưng toàn cưỡi ô tô do người khác lái nên cũng rất mong được một lần thử thách bằng xe máy. Nếu bác có tổ chức đi nữa thì cho nhóm tôi tham gia với nhé. đọc nhật ký của bác thấy thèm được đi quá.

  6. Ông Giáo có cơ hội đi du lịch dể nhắm vẻ đẹp cua QUÊ HƯƠNG ,nếu kết hợp với “THĂM DÂN ” để biết DÂN sống thế nào thì chuyến du lích thêm phần HỮU ICH.Người Dân có biết trồng những cây có giá trị cao như Cây QUẾ,SÂM ,Duơng Qui,Thục Dia ,PƠMU,,HOANG ĐAN vv
    .Trình độ Thày Giào và Hoc Trò so với miên xuôi thế nao.
    Có cảnh UBND hoành trang như dinh ĐÔC LÂP con trương học nhu cái CHUÔNG BÒ không.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here