Thời còn trẻ, tôi đã đọc M. Gorki. Ban đầu là tiểu thuyết Người mẹ. Sau đó là bộ ba Tự truyện (Thời thơ ấu, Kiếm sống và Những trường đại học của tôi). Rồi khá nhiều truyện ngắn, …. Nhưng tôi vẫn thích nhất và nhớ nhất một câu của nhà văn, hình như từ trước 1917, khi ông chưa làm Chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô: “Tôi sinh ra trên cõi đời này để không bằng lòng về nó”.

Câu nói thể hiện trách nhiệm của nhà văn với cuộc sống. Không thể có cuộc đời hoàn thiện hoàn mỹ, nên con người không bao giờ vừa lòng với cái hiện tại, luôn mong ước và hành động để cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Tốt đẹp hơn cho con người, cho đồng loại, dù biết rằng người ta chỉ có thể tiếp cận với lý tưởng mình mơ ước.

Từ ngày tham gia facebook, tôi vẫn thích kết bạn với các nhà văn, các nghệ sĩ (dù cũng có khi giật mình vì cái tính thích chơi trèo của một anh “vô danh tiểu tốt”`) bởi luôn nghĩ, họ là những người luôn nặng lòng với cuộc đời, đau nỗi đau của con người, tha thiết với những khát vọng rất đỗi bình dị của nhân loại, kết bạn với họ, mình sẽ được sẻ chia, sẽ được học hỏi..

Và tôi đã được thỏa nguyện khi được đọc những trang viết của một số nhà văn. Có người trong một ngày có nhiều bài trên trang của mình đề cập tới rất nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống. Tất nhiên, một người khó có thể “bao sân” được mọi chuyện. Vừa để giãi bày được lòng mình, đồng thời cũng là  để “quảng bá” những tiếng nói của lương tri,  nhà văn đã mượn bài viết của những người khác. Chỉ cần một vài lời bình, vài câu tóm lược, nhà văn cũng đã thể hiện tấm lòng của mình với cuộc sống của nhân dân.

Cũng có những nhà văn, chắc do sự eo hẹp của thời gian, không thể viết nhiều. Nhưng thái độ với những nỗi bất công trong cuộc đời luôn được nhà văn biểu hiện một cách quyết liệt, không né tránh. Tác giả  không ngại va chạm, không ngại bị “thổi còi”, coi là “lề trái” khi biểu hiện lập trường đứng về phía những người chịu áp bức, lên án không khoan nhượng những chính danh thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Dù nhiều khi chỉ là một câu, một đoạn, thậm chí chỉ là cái dằn giọng cố kìm nén  căm phẫn nhưng tấm lòng với nỗi thống khổ của con người không ai có thể phủ nhận.

Những nhà văn như thế, tôi vô cùng trân trọng. Họ vừa là những con người đầy lòng trắc ẩn, một phẩm chất không thể thiếu của những người tử tế, vừa là những người nghệ sĩ chân chính đời nào cũng được tôn vinh. Đọc họ, tôi nhớ tới Nam Cao, tới Nguyên Hồng, … các  nhà văn của những người lao khổ.

Nhưng tôi vô cùng thất vọng khi theo dõi các bài viết, nhiều bức ảnh  của nhiều nhà văn, nghệ sĩ ở đủ các thể loại nghệ thuật.  Họ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Họ “nhấm nháp” hoài niệm về một thời  trẻ trung  “nghiêng nước nghiêng thành”. Họ thỏa mãn với những thành công từ nhiều chục năm trước (mà chắc ai cũng biết, các loại giải thưởng của nước ta có giá trị như thế nào). Họ vui với những cuộc liên hoan, trao bằng nọ kia với khuôn mặt mãn nguyện. Họ cười thoải mái với những bộ cánh đắt tiền trong những khung cảnh miễn chê cùng với những người đồng hội đồng thuyền. Họ phủ phê với những bữa ăn thịnh soạn được chiêu đãi bằng tiền công quỹ. Họ hãnh diện với cái tham luận đem từ hết cuộc hội thảo này đến cuộc hội thảo khác, cuộc nào cũng được ban tổ chức chi tiền mà  chắc chẳng cuộc  nào rút ra được một kết luận gì có ích cho nghệ thuật nói riêng và đất nước nói chung. Có lúc chắc cũng cảm thấy cái vô vị, nhạt nhẽo của những trò đùa trong vòng quay của Tạo hóa, họ cũng tạo nên những thi vị bằng cách gán cho những chuyến đi được sắp đặt từ A tới Z trên những chuyến bay của Vietnam airline, đến đâu cũng được  đón rước linh đình trong những nhà hàng sang trọng bằng từ  “phượt” cố tình không hiểu đó là từ chỉ những chuyến đi của các  chàng trai cô gái ưa mạo hiểm, sẵn sàng đối mặt với mọi bất an trên con đường khám phá non sông và khám phá bản thân mình. Họ dùng những “ngôn ngữ tuổi teen” cho thêm phần xuân sắc mặc dù cái tuổi ấy đang thuộc thế hệ thứ 3, thậm chí thứ 4 của họ sở hữu. Đó là chưa kể tới không ít  những “rung động” phản cảm lẽ ra không thể có ở những người được gọi là “nghệ sĩ”.

Chẳng ai ngăn cản những sở thích riêng của mỗi cá nhân, nếu đây chỉ là những bộc bạch, chia sẻ của các cậu bé, cô bé chưa đủ tuổi lớn khôn, còn đang ở độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Chỉ tiếc rất nhiều những trang viết của những con người  vẫn được coi là  văn nghệ sĩ ấy, những người được coi là “người của công chúng”,  tất cả các vị đều đã qua cái tuổi “trẻ người non dạ” từ lâu lắm rồi,  tất cả các vị đều có nguồn gốc từ những người lao khổ, và cũng đã từng qua gian khổ nhưng  không hề có những vang vọng từ đời sống. Giờ đây hình như họ đang cố quên đi cái quá khứ “chân lấm tay bùn”, quên đi nỗi vất vả của mẹ cha, đắm chìm  ở một thế giới khác, với hạnh phúc tràn trề và tất cả đều viên mãn.  Những thống khổ của biết bao bà mẹ  nghèo lam lũ; những nỗi đau, kể cả tiếng súng nổ của bao dân oan  mất đất; những cái chết của bao sinh linh trong các bệnh viện  vì thói vô trách nhiệm và sự dốt nát của  những kẻ vẫn được coi là “từ mẫu”; những cái chết tức tưởi đầy nghi vấn trong các đồn công an; những thói biển lận trắng trợn của viên chức nhà nước; những tiếng nói đòi dân chủ bị bóp nghẹt, những hồ thủy điện đang đe dọa vỡ bất cứ lúc nào uy hiếp mạng sống của biết bao con người, những hành động xả thân vì đồng loại… không hề có một chút dấu vết trên các trang viết, trong các bức ảnh của họ trên mạng xã hội. Nghĩa là chẳng có một chút  đồng cảm gì với nỗi đau đớn hay niềm vui sướng của đồng loại.

Nói gì đến thiên chức của nhà văn, của nghệ sĩ?

2 BÌNH LUẬN

  1. Cám ơn bác đã đọc ý kiến của tôi! Bác đã bình luận gián tiếp bằng một bài rất dài. Nhờ nó mà tôi biết được Website “Ông Giáo Làng”.
    Thời tôi còn blog “Nghệ Nhân Huyện Quỳnh”, tôi cũng hăng hái viết, hăng hái chia sẻ, hăng hái tranh luận…, bây giờ mệt mỏi rồi ,ít viết; thỉnh thoảng chỉ nêu những ý kiến ngắn. Hóa ra vẫn còn những người thích đọc mình, thích trao đổi nhẹ nhàng, sâu sắc. Âu đây cũng là cái hay của một cộng đồng hướng thiện.
    Đã biết được chỗ này, thỉnh thoảng tôi sẽ vào đọc và suy ngẫm.
    Chúc bác sức khỏe và cảm xúc sáng tạo!

  2. Hình như dạo này Ông giáo làng cũng ít viết hơn trước.Hồ Bất Khuất cũng thế. Tôi có đọc một số bài của anh HBK .Bạo liệt như tính cách người xứ Nghệ. Tôi khoái cái ấn tượng mạnh với ‘Học thuyết mâm thịt chó” & “Học thuyết số ít” do anh đè xuất?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here