Với những khái niệm người lịch sự, người văn minh, người hiện đại, … “người tử tế” mang một nội dung không đối lập và cũng không hoàn toàn khác biệt. Đó là quan niệm con người tốt, đáng tôn trọng và noi gương trong xã hội Việt Nam (phong kiến và thực dân) đầu thế kỷ. Tất nhiên trải qua thời gian dài, “người tử tế” xưa đã có những nét cũ kỹ cần thay đổi cho phù hợp với thời đại mới. Trong phạm vi bài viết ngắn này, với mục đích để các bạn trẻ dễ vận dụng, tôi chỉ nói tới những nét tích cực cần duy trì và phát triển. Rất mong các bạn quan tâm, có thêm ý kiến để cách hiểu về “người tử tế” ngày càng hoàn chỉnh.
-
Trước hết, người tử tế là người biết và giàu lòng tự trọng. Vì có lòng tự trọng, họ luôn làm tròn bổn phận, chăm chỉ khi còn ở lứa tuổi học hành và tận tụy trong công việc khi đã trưởng thành dù làm bất cứ ngành nghề gì, không để người khác chê trách. Với đấng sinh thành có lòng hiếu thảo, với con cháu họ thương yêu, đầy đủ trách nhiệm rèn cặp để mọi thành viên trong gia đình đều trở thành “người tử tế”. Tự trọng nên họ sống trung thực, không nịnh nọt, bợ đỡ, hối lộ, … vì chung quy những thái độ ấy chỉ nhằm giành được nhiều lợi ích hơn công sức mình bỏ ra. Người tử tế tự trọng ngay trong cách xưng hô. Buổi đầu mới gặp hay quan hệ trong công việc, họ luôn xưng “tôi” để đảm bảo sự độc lập và bình đẳng với đối tác. Cách xưng hô chỉ thay đổi trong quan hệ ngoài công việc với tình cảm thân mật nhưng cũng không mất đi tự trọng. Con người luôn luôn phải có sự chọn lựa trong cuộc sống. Với nhiều người, tiêu chí để chọn lựa là danh và lợi, với người tử tế, họ lựa chọn nhưng luôn chú ý để giữ được thanh danh với ý thức “giấy rách phải giữ lấy lề” (của bản thân, của gia đình, dòng họ), không bị “mang tiếng”, tức là họ rất trọng danh dự, không muốn có bất cứ lời đàm tiếu nào dù ở sau lưng.
Tự trọng nên “người tử tế” không chạy theo danh hão (giờ thường gọi là các “giá trị ảo”, rất nhiều người có tài, có đức đã từ chối những danh hiệu, học hàm học vị, bằng cấp, chức tước, … dù biết kèm theo là những bổng lộc vì họ biết “cái áo không làm nên thầy tu”, họ biết tự chăm chút cái cốt lõi để tạo nên những giá trị thực cho bản thân và cuộc sống.
-
Rất biết tự trọng, nhưng người tử tế luôn sống giản dị và khiêm nhường. Khiêm nhường, giản dị từ cách ăn mặc, nói năng, không muốn nổi trội giữa đám đông, lại càng không bao giờ hạ thấp người khác để đề cao bản thân. Họ luôn hòa mình cùng mọi người nhưng không tự đánh mất mình, vẫn giữ được bản sắc riêng của bản thân vì họ cũng là người có bản lĩnh, biết “bảo thủ” những giá trị riêng có thể người khác không thấy hoặc thậm chí bài xích, chê bai. Trước bể học mênh mông, người tử tế luôn cảm thấy “những hiểu biết còn rất hạn chế”, hoặc nhiều lắm cũng chỉ là “chỉ có chút ít kinh nghiệm”, nên không ngừng học hỏi; không bao giờ họ dám cả gan tuyên bố “về điều này, tôi không được giỏi lắm” (tức là “giỏi”, chỉ không “lắm” thôi).
Khiêm nhường nên “người tử tế” có lối sống kín đáo, không khoe khoang những “thành tựu” của bản thân hay gia đình với mọi người, cũng không “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” chia sẻ chuyện mình hay chuyện người chỉ để “câu chuyện làm quà” theo kiểu “ngồi lê đôi mách”.
-
“Người tử tế” cũng là người rất biết tự tin. Họ tin vào năng lực cùng sự cố gắng của mình và vừa lòng với cuộc sống dù còn đạm bạc nhưng do hai bàn tay mình tạo nên. Tự tin nên không “a dua a tòng”, chạy theo đám đông, họ cũng là những người rất khó kích động. Không tìm đến sự sung túc bằng cầu may nên họ chẳng bao giờ theo đuổi xổ số hay số đề. Việc hương khói được thực hiện có chừng mực để tỏ lòng biết ơn với Tạo Hóa và ông bà tổ tiên chứ hoàn toàn không vì những dị đoan với hy vọng trăm bó đuốc ắt bắt được con ếch như “con người hiện đại”. “Người tử tế” cũng đi chùa nhưng mục đích (nhất là với đàn ông) là để vãng cảnh, tiêu dao chứ không với mục đích cầu cúng, xin xỏ.
-
Không “ích kỷ hại nhân”, luôn đặt lợi ích của cộng đồng trên lợi ích cá nhân là một đặc điểm quan trọng. Vì tự trọng và khiêm nhường, “người tử tế’ quan hệ, cư xử với đồng loại trong quan hệ con người với con người, không phụ thuộc vào địa vị cao sang, thấp hèn, giàu nghèo, … thậm chí ngay cả với những người chỉ đáng tuổi con cháu cũng với thái độ tôn trọng. Xưa, trẻ con được dạy, với người ngang hàng với bố mẹ thì gọi bằng ông/bà, với người ngang ông bà thì gọi bằng cụ. Người ngoài, đáng tuổi cháu (của ông bà) đã tới tuổi trưởng thành, thường được gọi bằng anh/chị (ý coi như con); người đáng tuổi con thì gọi bằng cô/ chú (ý coi như em). Khi nói tới người không có mặt, dù là ai (người qua đường, người bán hàng ngoài chợ, chú bé đánh giày, bán báo…) không bao giờ dùng “nó” hay “chúng nó”. Từ thường được sử dụng là “ông ấy”, “bà ấy”, “cậu ấy” hoặc “họ”, không “mày/tao” với bất cứ ai dù đó là người ăn mày. Việc tôn trọng mọi người còn thể hiện ở chỗ “người tử tế” hết sức hạn chế làm phiền người khác. Quan hệ qua lại giữa con người với con người là không thể tránh được việc giúp đỡ và nhờ cậy lẫn nhau, nhưng làm phiền người khác là sự khiếm nhã mà “người tử tế” luôn tránh. Cho nên ngay với con cháu trong nhà, dù ông bà, cha mẹ cũng cố tự lực, hạn chế sai bảo, phiền lụy; ở chốn đông người, tránh không va chạm, gây ồn ào, sẵn sàng nhường nhịn người xung quanh. Đám giỗ, đám cưới, “người tử tế” biết hạn chế trong đại gia đình của mình không “rải truyền đơn” khắp nơi để mong chút lợi lộc về tiền tài và danh tiếng khiến người ngoài phải khó xử vì miễn cưỡng. Trong mọi mối quan hệ, “người tử tế” biết cách để cả hai phía đều được tôn trọng, đều có thể bộc lộ nét đẹp nhằm tôn vinh Con Người.
Tránh phiền lụy nhưng “người tử tế” luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người (thân thích hay người dưng) với phương châm “tối lửa tắt đèn có nhau” chứ không sống theo kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”.
-
“Người tử tế” biết tôn trọng lẽ phải, bảo vệ lẽ phải và trong trường hợp bất khả kháng không bao giờ dung túng, đồng lõa với cái xấu. Cái lẽ phải trước hết là pháp luật, tôn trọng pháp luật đồng thời cũng là biết tôn trọng mọi người. Với các luật bất thành văn, tức là những quy ước trong cộng đồng từ lớn tới nhỏ đều được họ tôn trọng. Với những điều “ngang tai trái mắt” họ không làm ngơ, biết tỏ thái độ ở mức độ phù hợp. Thấy cái xấu nếu không thể ngăn cản thì họ cố tránh xa, tuyệt đối không vì lợi lộc riêng mà “nhắm mắt làm ngơ”, càng không thể “ngậm miệng ăn tiền”.
-
“Người tử tế” có lối sống giản dị và tiết kiệm. Biết thế nào là đủ, họ có thể sống đúng là mình, không phải chiều lòng người khác; hiểu giá trị của đồng tiền được làm ra đều là “mồ hôi nước mắt”, biết nhiều người xung quanh còn thiếu thốn nên họ không bao giờ dám xa hoa lãng phí. Với họ, tiết kiệm không phải vì nghèo mà là một phẩm hạnh, cái cần quan tâm không phải là hình thức “hoa hòe hoa sói” mà là cái cốt cách bên trong của con người; có giản dị, tiết kiệm mới không bị đồng tiền chi phối để giữ được nhân phẩm.
Cháu thích nhất câu này của bài viết: “Tiết kiệm không phải vì nghèo mà là một phẩm hạnh”
Thưa thầy, người tử tế bây giờ hiếm lắm, “hiếm có, khó tìm ” đặc biệt là cán bộ quan chức.
Rất sâu sắc.