Dân gian Việt Nam có câu “Mượn (thừa) gió bẻ măng” để nói về những hành động cơ hội, lợi dụng tình thế nhằm mưu lợi riêng của những kẻ tham lam.

Chuyện xưa kể rằng, buổi sáng, chủ nhà nhìn ra bụi tre góc vườn thấy mấy cái măng rất mập “không cánh mà bay”. Đoán anh hàng xóm xấu tính chặt mất đêm qua nhưng vốn nguời tử tế, không muốn mất hòa khí, chủ nhân chỉ nói vài câu bóng gió tỏ ý tiếc. Anh hàng xóm có tật giật mình vội “lý giải”,  ý rằng “đêm qua có một trận gió to, chắc mấy cái măng bị gãy rồi gió thổi bay mất”. Rõ cách giải thích đó là vô lý. Nhưng kẻ tham lam, lại không còn nhân cách thì còn cần gì lý với lẽ, hắn chỉ nói lấy được, tạm xoa dịu, bất chấp nguời nghe có tin được hay không.

     Xem ra cái vụ chặt cây ở Thủ đô vừa qua rõ là chuyện những nguời trong cuộc  đã “mượn gió bẻ măng”. Lợi dụng một chủ trương đúng đắn, cần phải chỉnh trang các đường phố để Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, họ “đồng loạt ra quân”, huy động cả “hệ thống chính trị”, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, chặt hạ tới 2.000 cây xanh trên các đường phố Hà Nội. Cũng may là công luận lên tiếng để ngăn chặn. Nếu việc chặt cây chỉ giới hạn trong những cây sâu, cây mọt, cây tán bưng che tầm nhìn, cây thân dòn, thân mềm dễ gãy, cây cong queo ảnh hưởng tới mỹ quan…. thì chắc chắn dư luận sẽ chỉ có hoan nghênh. Về việc này, Hà Nội nhiều khi còn quá chậm, khiến mỗi khi chỉ cần một trận gió to đã có những cây gãy đổ khiến nguời thương vong, ô tô, xe máy  bị đè bẹp phía dưới.

Các ngài lãnh đạo thành phố mỗi khi công luận hỏi đến đều “thề sống thề chết” rằng việc này “Hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích”, “trong dự án thay thế cây xanh không có tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.”

Nghe các vị nói, ban đầu nguời nghe còn có thể “bán tin bán nghi”. Nhưng dần dần, khi câu chuyện ngày càng phát lộ những sự thật thì đúng là chẳng ai còn tin được.

Có tin được không, khi chỉ có việc đánh dấu cây cần chặt hạ bằng cách dùng cái chổi rơm, quét lên một chữ “X” bằng vôi trắng mà các vị nói cần tới 670.000 đồng. Xin nói thêm, công việc này chẳng cần đến chất xám hay kỹ thuật cao siêu, cũng chẳng cần đến sức khỏe khác thường  hay sự kiên nhẫn cẩn trọng đặc biệt. Số tiền ấy tương đương 3 ngày công của một nguời lao động phổ thông. Các vị đã trả công cho nguời lao động trực tiếp bao nhiêu? Còn bao nhiêu để chia nhau đút túi?

Có tin được không, khi chi phí chặt hạ một thân cây được tính với giá 25.000.000 (hai mươi lăm triệu) đồng. Rồi còn thêm 10.000.000 (mười triệu) đồng để đánh gốc. Quan sát việc chặt hạ diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” mấy hôm vừa qua, mỗi nhóm có bao nhiêu nguời, họ cần thời gian bao lâu để hoàn thành việc cưa cắt, thu dọn và đánh gốc  một cây thì mọi người  đâu có lạ. Nhất là hiện nay, phần lớn công việc đều tiến hành bằng máy móc, giá thành thấp hơn rất nhiều so với việc tiến hành bằng sức nguời. Các vị đã thực chi phí hết bao nhiêu? Còn bao nhiêu để chia nhau đút túi?

              Có tin được không, khi các vị cố tình lảng tránh câu hỏi của các nhà báo: Số lượng cây sau khi bị chặt hạ là bao nhiêu và sẽ được dùng vào mục đích gì? Để rồi sau đó vài ngày phóng viên báo Tiền phong phát hiện: “Sau một đoạn đường dài đeo bám, PV thấy chiếc xe này rẽ vào làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Chủ một xưởng gỗ tại làng Chuông cho biết, mấy ngày qua có rất nhiều xe chở gỗ về đây, chủ yếu là xà cừ. Theo chủ xưởng gỗ này, xà cừ thường được mua với giá khoảng 6 đến 7 triệu đồng/m3, tùy chất lượng từng cây. Trước đó, khoảng 20h ngày 19/3, PV phát hiện một xe tải chở đầy gỗ tươi lưu thông hướng Giải Phóng – Thường Tín. Tiếp tục truy tìm, các PV phát hiện 1 bãi tập kết gốc, thân cây vừa chặt hạ tại khu vực Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm. Bãi tập kết có diện tích chừng 10ha, được quây kín tôn, cổng khóa chặt và luôn có “lính gác” túc trực chẳng khác gì doanh trại quân đội.” Hóa ra, số gỗ này đã được bán trao tay “ngay tắp lự” để thu về “tiền tươi thóc thật”. Vậy tổng số gỗ là bao nhiêu mét khối? Bán được bao nhiêu tiền?

           Có tin được không, khi các vị nói rằng trồng thay thế sẽ là cây vàng tâm, một loại gỗ quý hiếm, trong khi thực tế, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trên báo Dân Trí cho hay, “có thông tin cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm nhưng thực tế khi tôi trực tiếp khảo sát thì lại là cây mỡ” và “cây Mỡ cũng không được nghiên cứu làm cây bóng mát vì tán của nó rất hẹp.”

          Có tin được không, khi chưa bao giờ một công việc “ích nước lợi dân” được tiến hành vô cùng khẩn trương, chỉ  trong vòng chưa đầy một tuần đã hoàn thành tới một phần ba công việc của 2 năm?

Các vị sẽ giải thích thế nào nếu không phải đó là hành động chụp giật, tranh thủ thời cơ để mau chóng hoàn thành sự cướp đoạt trước khi bị công luận phanh phui.

        Đích thị, vụ chặt cây hàng loạt ở Hà Nội vừa qua là một hành động kiểu “mượn gió bẻ măng”.

        Chỉ hành động tham nhũng, nguời xưa có 3 từ rất hình tượng, gợi cảm, nói lên được cái đê tiện, vô liêm sỉ của những kẻ hại nước hại dân: đục khoét, bòn rút và chấm mút.

    Quả thật trong vụ này, tài nguyên quốc gia đã bị đục khoét. Những cánh rừng nguyên sinh đã bị tàn phá triệt để, muốn có những cây cổ thụ hàng trăm năm, nguời ta phải băng rừng lội suối, tới những nơi chưa có vết chân nguời. Rồi chặt hạ được một cây, việc vận chuyển vô cùng khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Nay giữa Thủ đô phong quang, kiếm được một kho gỗ khổng lồ, họ không cầm lòng được bất chấp lịch sử, văn hóa, cảnh quan hay môi trường nơi trái tim của Tổ quốc.

     Từ những khoản chi được coi là hợp lý, họ khai “vống” lên hàng chục, hàng trăm lần, bất chấp lương tâm, lẽ phải miễn sao bòn rút được nhiều nhất ngân quỹ đang cạn kiệt vì những khoản nợ công.

      Và ngay từ những khoản chi tưởng chừng rất nhỏ như đánh dấu vôi trên thân cây, những khoản tiền đóng góp nhỏ bé của những nguời có hảo tâm với thủ đô, họ cũng tìm cách chấm mút nhiều nhất có thể.

      Mượn gió bẻ măng, không thể có cách nào biện minh cho những hành động xấu xa ấy. Công luận nghiêm khắc đòi hỏi những kẻ chủ mưu và đồng lõa phải được xử lý bằng luật hình sự.

      Chỉ tiếc rằng, giữa Thủ đô vẫn  được ngợi ca nào là “nghìn năm văn hiến”,  “lương tâm của thời đại”, nào là “thành phố vì hòa bình”, “xứ sở của hạnh phúc”, lối sống chụp giật, mượn gió bẻ măng không còn là cá biệt với hầu hết cán bộ viên chức nhà nước.

7 BÌNH LUẬN

  1. Lãnh đạo hơn 6 triệu con người,tại thành phố là trung tâm chính trị mà lại có kiểu “không lường trước được hậu quả”. Bất chấp hậu quả thì có.

  2. Chúg nó toàn dùng nhữg lời lẽ nghe có vẻ có lí chỉ để xoa dịu lòng dân! Vấn đề là khôg nghe chúg nói nữa mà là bắt chúng phải đền thiêt hại . Phải thanh tra nghiêm tuc. Truy cứu trach nhiêm công khai để dân đuoc biêt. Có như vậy thì mới yên lòng dân. Và nhân đây cũg là cảnh báo nguy cơ làn sóng chống lại nhữg viêc làm sai trái cua chính quyền. Nó ảnh huởg sâu săc tới lòg tin của dân với Đảng. Hãy giải quyêt nghiêm tuc vấn đề! Đừg bao che nữa!

  3. Vụ chặt cây là do các chú báo cáo, anh pct hùng thấy ngon ăn quá, kiếm tiền tỷ dễ quá nên Ok cho các chú là m

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here