Đây vốn là một truyện của Trạng Quỳnh,  nhân vật nổi tiếng, vẫn được coi là tài trí thông minh của ta. Nổi tiếng thì đúng, nhưng “tài trí thông minh” có lẽ phải bàn thêm.

Truyện thế này:

Quỳnh hàng ngày đi học phải qua một con sông bằng đò ngang, nhưng là một anh học trò nghèo, tiền đò dù ít ỏi Quỳnh cũng không có, đành phải chịu, chờ ngày đăng khoa trả một thể. Nhưng Quỳnh thi mãi không đỗ, khoản tiền đò “tích tiểu thành đại”, người gọi là có chữ có nghĩa mà cứ nợ hoài nợ mãi một người lái đò nghèo cũng thấy khó coi, Quỳnh bèn nghĩ ra một kế.

Giữa cái đầm nước rộng mênh mông gần đó có một gò  đất nhỏ nổi lên, Quỳnh cho làm một cái lều, hàng ngày vẫn ra gọi là “nấu sử xôi kinh”, phong cho nó cái tên  “lều văn của Trạng”. Quỳnh tung tin, trong lều có rất nhiều điều kỳ lạ, đó chính là cái nơi hàng ngày Quỳnh dùi mài kinh sử  để chuẩn bị lai kinh ứng thí. Mà cái sự học khi ấy chưa phải là phổ biến ai cũng lạ lẫm và kính phục. Người người đua nhau tới xem. Nhưng muốn tới “lều văn” phải đi đò. Quỳnh gọi người lái đò tới chở khách từ bờ ra thăm lều văn, thu tiền, gọi là đền đáp công chở đò cho Quỳnh qua sông chưa  lấy được tiền bấy nay.

Người đi đò ra xem ai cũng tức giận vì ra tới nơi mới biết mình bị lỡm. Trong cái lều tranh chẳng có gì ngoài một cái chõng tre và mấy chữ viết nguệch ngoạc trên tấm mo cau treo vách: “Đ. mẹ thằng nào bảo thằng nào”. Nhưng chẳng biết kêu ai vì cái tính hiếu kỳ, dại dột. Vừa do lời chửi thề treo trong lều, vừa muốn cho kẻ khác cũng mắc lỡm để mình đỡ “thiệt thòi” nên chẳng ai nói với ai. Người chưa đi, hỏi người mới về đều chỉ nhận được sự im lặng đầy bí hiểm nên càng tò mò. Càng tò mò thì người ra thăm “lều văn” càng đông, anh lái đò càng thu được nhiều tiền, mục đích của  Quỳnh càng thắng lợi rực rỡ.

“Lều văn của Trạng” dần trở thành một thành ngữ chỉ cái nơi chẳng có gì đáng xem, nó trở nên hấp dẫn chỉ vì cái tính hiếu kỳ, tò mò của người đời.

Mấy anh em chúng tôi sau hơn chục năm du ngoạn bằng xe máy khắp mọi miền đất nước từ Lạng Sơn tới Cà Mau đã rút ra một kết luận: Đi chơi chính là chơi cái cuộc đi. Mọi điều kỳ thú, hấp dẫn nằm trên đường đi. Phong cảnh ngoạn mục. phong tục độc đáo, món ăn món uống đặc sắc, mưa nắng thất thường, những cuộc gặp gỡ thú vị… cho tới những sự cố đột xuất xảy ra khiến cả bọn lắm khi dở khóc dở cười trên đường đều để lại ấn tượng khó phai mờ. Cái bất ngờ bao giờ cũng mang lại sự thích thú và trở thành kỷ niệm khó quên..

Đáng tiếc cái đích đến để lại ấn tượng, khiến mỗi người đều trầm trồ khi đặt chân tới và đầy tiếc nuối mỗi khi chia tay  thường không phải là những cái tên có trên bản đồ du lịch. Những Hòn Vọng phu, thánh địa Mỹ Sơn, Bà Nà tiên cảnh,  rồi Khe Sanh, Lao Bảo, thậm chí cả Thung lũng Tình yêu hay hồ Than thở ở Đà Lạt, … đều để lại những nỗi thất vọng ê chề. Ngành du lịch Việt Nam đã chiếm kỷ lục quán quân trong việc phá hoại các cảnh quan du lịch. Nơi nơi đều chỉ có những khối bê tông đơn điệu, những “hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng” vụng về bởi những bàn tay thợ vụng. Quả thật, đó chỉ là những cái “lều văn của Trạng”.

Có hơn chắc chỉ là ở những đeo bám, những chặt chém, những ô nhiễm vì rác thải và xú uế mà lều văn của Trạng không thể có.

Giật mình khi du lịch Việt Nam vừa khởi động chương trình cáp treo lên Phanxipan, nóc nhà Đông Dương. Năm 2004, tôi muốn đăng ký leo để thử sức, để thám hiểm và chiêm ngưỡng nhưng bị từ chối vì quá tuổi cho phép. Năm ngoái, nghe nói tuổi của người leo núi đã được nâng lên, nhưng sau mấy năm “thế lực thù địch” đã kịp luồn vào cái khớp  gối của tôi nó rắp tâm phá hoại. Ước muốn sẽ mãi mãi chỉ là ước muốn.

Dù không thể leo lên Phanxi pan, tôi cũng chẳng  bao giờ thích “chiếm lĩnh” đỉnh cao nhất Việt Nam ấy bằng cáp treo. Bao nhiêu kỳ thú trên đường, bao hiểm trở của những vách núi cheo leo, những thác nước ào ào tung bọt trắng xóa, những con suối róc rách chảy, rừng cây cổ thụ mấy người ôm, tảng đá đầy rêu bám sẵn sàng cho anh “xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”, … sẽ chẳng còn. Và một cái việc quan trọng là khám phá bản thân mình, thử cái sức dẻo dai, cái nghị lực, ý chí sao đạt được! Rồi sẽ có một lượng người khổng lồ mặc sức tung hoành phá họai cảnh quan, xả rác bừa bãi và đủ các loại chất thải vương vãi khắp nơi trên phong cảnh núi non hung vĩ. Lúc ấy, “lều văn của Trạng” từ đồng bằng đã leo lên nóc nhà Đông Dương. Vèo một cái, chỉ 15 phút đã chễm chệ ngồi trên đỉnh cao, từ cụ già trên trăm tuổi tới đứa trẻ con mới lọt lòng. Lên đỉnh cao nhất Việt Nam bằng cáp treo có lẽ chỉ chứng tỏ được sự hợm hĩnh, cái điều ấy ở nước ta bây giờ hình như quá dư thừa!

Hôm nay lại nghe nói Quảng Bình với Phong Nha- Kẻ Bàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Chỉ mong rằng dưới bàn tay của du lịch Việt Nam, cái kỳ diệu mà  Tạo hóa ban cho mảnh đất miền Trung  sẽ không  biến thành một lều văn của Trạng?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here