Nước ta có tục lệ sau khi mất được 35 ngày (ngũ tuần) thì “vong” (linh hồn người chết) được đưa lên chùa. Trong nam tục lệ này được gọi là lễ cầu siêu, cũng thực hiện trong vòng 49 ngày (nhưng hình như thường ngay sau khi mất). Người theo Phật giáo coi đây là lễ mong cho người vừa mất được siêu thoát.
Năm 1989 (Kỷ Tỵ), Mẹ tôi mất. Khi ấy, việc thờ cúng, lễ bái đã có phần được khôi phục. Nhiều người khuyên đến 35 ngày cần làm lễ để Mẹ tôi được lên chùa, được “mát mẻ”. Nghe nói rất mơ hồ, nhưng vì tự thấy mình là người chưa hiểu biết, chưa tinh tường được nhiều lẽ huyền bí của kiếp người, chỉ đơn giản nghĩ làm như thế là tỏ ra có hiếu, tỏ lòng thương tiếc Mẹ nên tôi đã theo.
Về mặt tiền bạc, cũng chẳng tốn kém gì nhiều , mua sắm những thứ cần thiết theo yêu cầu của nhà chùa đã có mấy con gái, con dâu lo liệu. Mình chỉ có một việc tới hôm ấy, đến chùa, ngồi sau nhà sư chủ lễ, nghe đọc kinh các loại. Thấy bảo đứng lên thì đứng lên, bảo ngồi xuống lại ngồi xuống. Rồi vái lậy, ê a đọc theo, … tất tần tật đều có sự chỉ đạo chẳng khác gì con rối. Lỡ có lúc lơ đễnh, không tập trung nghe lời kinh thì sau đó giật mình, ân hận lắm. Chỉ có thế mà mệt rã rời. Không dám kêu, vì đoán chắc ngần ấy các em, con cháu chẳng ai không mệt. Chỉ buồn cười: bà Bác tôi năm ấy đã ngoài 80, tu tại gia, mà lòng thành của Cụ thì không thể ai nghi ngờ. Mỗi tháng, Cụ ăn chay 6 ngày, còn ngày nào, Cụ cũng lên cái gác nhỏ bằng gỗ đọc kinh hai lần, sáng và chiều. Con cháu đều được dặn, khi thấy Cụ đọc kinh trên gác, cấm được hỏi han làm kinh động. Từ xa tới thăm, Cụ bảo: Cứ thấy tôi đang tụng kinh là biết tôi khỏe, đợi được thì đợi, có việc gì vội thì cứ về! Hôm ấy Cụ ngồi cùng đọc kinh ngay sau nhà sư chủ lễ, tôi thì ngồi cách đó không xa (con trưởng mà!). Đang đọc, bỗng nghe thấy Bác tôi nhắc khẽ nhà sư: “Cụ đọc sai hết rồi!” Nhà sư vẫn đều tay gõ mõ, không quay lại, bảo: “Có cụ sai thì có!” Chẳng biết ai sai, nhưng tôi tin Bác tôi hơn!
Chuyện rồi cũng qua đi.
Gần chục năm sau, Cô tôi mất. Các em con Cô Chú tôi cũng làm lễ lên chùa khi tới tuần 35 ngày. Tôi là phận cháu, không phải theo cả buổi lễ, chỉ tới thắp hương ở chùa rồi về đi làm. Hôm sau, tới thăm Chú tôi, thấy Cụ mệt mỏi, chẳng thiết nói năng gì. Ngồi một lúc, Cụ than cái ngày hôm qua sao mệt quá, khổ quá, mà không biết khổ như thế để làm gì? Chẳng biết Cụ bà có được cái gì không? Ít lâu sau, Cụ “di chúc” với các con: Khi Bố chết, các con lo chôn cất chu đáo, tới ngày giỗ, anh em con cháu sum họp, thắp nén hương, thế là đủ. Đừng đưa lên chùa làm gì, khổ cho mọi người lắm.
Khi Chú tôi mất, nhớ tới lời dặn của Cụ, con cháu cũng có người lâu nay rất “khoái” chuyện “tự do tín ngưỡng”, say mê hương khói cảm thấy áy náy nhưng vẫn phải nghe theo. Con nhà tử tế, được ăn học đàng hoàng, cũng là có giáo dục, sao dám làm trái với ý nguyện của người đã khuất! Có họa là đồ vô phúc!
Chú tôi mất tới nay đã được 15 năm, mọi việc của con cháu trong đại gia đình đều không có gì phải lo lắng ân hận.
Từ sau khi nghe lời dặn của Chú, nghĩ tới khi Bố sẽ tới ngày trăm tuổi, tôi vẫn có ý tìm hiểu về tục lệ này vì quả thật cảm thấy có gì đó chưa được thuyết phục. Càng nhiều tuổi, tôi càng không thích làm việc gì chỉ vì “người ta vẫn làm như thế”. Cách giải thích của nhiều tài liệu không giống nhau và đều ở tình trạng “u u minh minh” đầy huyền hoặc. Sau thời gian dài suy xét, có tham khảo ý kiến của nhiều người nhất là những người cao tuổi, có hiểu biết, trong đó có những người am hiểu đạo Phật hoặc chân tu, tôi tự rút ra kết luận: Con người ta chết là hết, tất cả những hành vi của con cháu với người đã khuất chỉ là những ước lệ để tỏ lòng hiếu thảo, nỗi niềm chân thành thương tiếc. Tình cảm với Cha Mẹ trước hết thể hiện khi các bậc sinh thành còn sống cùng con cháu nơi dương thế, mà thế nào là hiếu thuận, làm sao là kính yêu chắc chẳng phải nhiều lời, ai cũng thấu hiểu. Mọi việc làm sau khi Cha Mẹ an giấc ngàn thu nên trân trọng và đơn giản. Những sự nhiêu khê tốn kém đang có xu hướng phát triển ngày nay phần lớn đều do nhiều người chỉ “thấy người ta làm như thế” và cũng do không ít kẻ có quá nhiều tham vọng muốn cầu xin và lo sợ bản thân mình chịu nhiều tai ương vì đã làm từng làm điều không lương thiện. Lòng tham không đáy và nỗi sợ hãi mơ hồ ám ảnh khiến nhiều người nhìn bên ngoài cũng “đạo cao đức trọng” đã có những nghĩ suy và hành xử như kẻ ngu muội. Còn các “thầy chùa” thì ra sức khuyến khích vì mối lợi vô cùng hấp dẫn từ đông đảo các tín đồ.
Tôi quan niệm chỉ nên làm lễ “đưa vong lên chùa” khi ở một trong ba hoàn cảnh: một là người mất khi còn sống đã tin theo đạo Phật, thường xuyên tới chùa thể hiện tín ngưỡng hoặc tu tại gia, khi sống “ăn chạy niệm Phật” nên khi chết cũng muốn “nương nhờ cửa Phật”; hai là người chết không có con cháu nối dõi, không có người lo việc hương khói, đưa lên chùa cũng giống như tục “cúng hậu”, xưa đã có nhiều người thực hiện, muốn nhờ nhà chùa lo việc hương khói về sau; và ba là, người đã mất khi còn sống đã từng làm những điều vô nhân bạc nghĩa, nay cần đưa lên chùa để có điều kiện sám hối.
Nhìn cảnh người ta xì xụp cầu khấn, đủ thứ tốn kém để cúng bái, lúc sinh thời, Bố tôi thường bảo:
– Có cho được cái gì, Cha Mẹ cho hết rồi, không việc gì phải xin xỏ; mà làm sao Cha Mẹ, Ông Bà lại làm điều gì có hại cho con cháu để phải hãi hùng lo sợ rồi phải hương khói lễ lạt cho tốn kém?
Nhiều người nghe tôi nói đều không phản đối, vì thế, khi Bố mất, tôi đã trình bày những suy nghĩ này với anh em, con cháu trong nhà và rất may mắn, đã tìm được sự đồng thuận. Chắc ai cũng thấu hiểu cái mệt mỏi và sự vô nghĩa khi làm việc này mà không dám nói sợ bị hiểu lầm.
Bố tôi mất đã được 6 năm, đời sống của con cháu từ chuyện làm ăn tới việc học hành đều “thông đồng bén giọt”. Cùng với nhiều điều khác trong đời sống việc này càng khiến tôi tin rằng chỉ nên coi phong tục là những nét văn hóa, đừng để phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc khiến mình trở thành người vô tình góp phần vào sự khủng hoảng và dung tục hóa cái vẫn được gọi là “thế giới tâm linh”.
Đạo Phật là một tôn giáo có lý thuyết cao siêu tín đồ đạo này phải “Tận nhân lực ” mới mong chính quả .Trong thực tế chỉ vài người trong cả trăm triệu người đạt được tức là chết đi để lại xá lỵ như ngài Thích Quảng Đức .Ngày nay đạo Phật hội nhập vào đời sống các Tăng lữ cũng hội nhập luôn khiến cho phật tử tu hành theo tận nhân lực thì ít mà chay theo thủ tục phụ giúp hòng cho mau chính quả thì nhiều mà chánh quả là cụ thể hiện tai như thăng quan ,mau giàu ,thi đỗ .Các tăng lữ cũng chớp cơ hội kiếm tiền của Phật tử moder khiến loạn pháp,loạn chùa .Cứ kiểu này Phật giáo của Việt nam tan rã mà thôi
Đừng lên chùa ‘làm việc thiện’
http://www.tintuchangngayonline.com/2014/10/ung-len-chua-lam-viec-thien.html
Khi sống là người tự do
Hại thay thác xuống con cho vào “tù”-chùa
Cảm ơn Thầy Giáo, câu chuyện thầy kể cứ nhẩn nha mở ra dần dần đến hồi kết thật hay. Gia đình em vừa tiễn bà mẹ chồng thọ ngoài 90. Rất nhiều thủ tục em không dám nói rườm rà. Không riêng em cả người anh con thứ rất mực hiếu thảo cũng cho rằng: thôi mọi việc người ta lo, mình ráng sức tham gia để “có kiêng có lành”. Nhưng còn nhiều việc liên quan tâm linh khác thì chỉ cảm giác mà không thể nói ra lời. Đọc bài viết này quả thực cuốn hút từ đầu đến cuối. Em thấy tâm đắc quá Thầy ạ.
Bạn ơi, dù nhiều thủ tục rườm ra nhưng nếu cứt bỏ tục đưa vong vào chùa thì đó là may cho Cụ và con cháu của Cụ. Tôi chúc mừng bạn gia đình nếu cắt bỏ được!!
Theo ý định của Bác Những người Vô Nhân bạc nghĩa mà đưa cả lên chùa để những người này “sám hối”…Theo cháu nhà chùa phải cấm cửa những người này …gieo nhân gì gặp quả ấy…Nhà chùa không thể là nơi chứa phường bất nhân ..và cũng khó cải hóa được bọn người này…còn nếu nhận tất cả vong linh đều mang lên chua thì cửa chùa cũng giống cửa chợ mà thôi..
Chùa là chốn thiền môn,luôn mở lòng từ bi vói mọi chúng sinh.tin hay không tùy ở mỗi người. Tín ngưỡng của người Việt là hoà đồng phật giáo +nho giáo +đạo mẫu, cho nên tùy nhân thực và hoàn cảnh gia đình mà làm
Chùa là chốn thiền môn,luôn mở lòng từ bi vói mọi chúng sinh.tin hay không tùy ở mỗi người. Tín ngưỡng của người Việt là hoà đồng phật giáo +nho giáo +đạo mẫu, cho nên tùy nhân thực và hoàn cảnh gia đình mà làm.
D
Điều cốt lõi là sự nhất tâm của gia đình. Đừng chạy theo ” đám đông “,đông chưa chắc là đúng .có tâm mà không có tuệ là vô minh.Thầy pháp cũng có nhiều trình độ và khả năng nhận thức khác nhau.
Chú ơi, cháu hay vào trang của chú đọc trộm lắm, Hihi. Cháu tự đọc Phật Pháp ngày nay. Cháu rất thích những bài viết của chú. Cháu thường nói với con cháu: Khi cháu trăm tuổi không phải cúng trăm ngày, chẳng phải 49 ngày gì hết. Càng học Phật pháp càng thấy Phật pháp đơn giản, chỉ là sự tử tế mà thôi chú nhỉ
Nhà cháu ở gần chùa và gần Đình chú ạ, Trong thâm tâm cháu: Trong chùa không có Phật. Phật tại tâm con người. Khi ta làm việc thiện thì Phật trong tâm chúng ta. Khi chứng kiến những cảnh sư chùa cháu hành xử thì từ lâu rồi cháu không đi chùa nữa chú ạ,Cháu thấy những bài viết của chú hay lắm.
Bài của Anh viết rất hay !
Người chết là hết . Còn gì nữa đâu !
Đây thực sự là vòng luôn hồi mà . Các gia đình nên tĩnh tâm , đừng tổ chức cúng Bái Lê thê , tuần kéo dài gây nỗi buồn thê lương
Cha mẹ mất đi, đã là tổn thất lớn lao rồi. Đoàn kết, quan tâm yêu thương nhau. Gìn giữ tình cảm mới đáng quý !
Người chết sau tuần bốn chín có nên đưa lên chùa ?
Gần đây có quan niệm : Chùa là nơi thờ phật. Là cửa để tiếp nhận vong linh về với cõi phật . Muốn về cõi phật, được siêu thoát thì đưa vong lên chùa. Để được đăng ký tiếp nhận vào cõi âm . Người chết có một thế giới riêng của họ. Cũng có hội, có thuyền. Có tỏ chức riêng . Khi siêu thoát họ được chu du nơi miền cực lạc . Chỉ nhớ về nhà vào các ngày giỗ , mà con cháu thỉnh mời ! Kiếp luôn hồi là vậy , đừng nặng nề u ám ảnh hưởng sức khỏe. Làm việc thiếu sáng suốt hỏng việc. Đổ tại vận áo sám . Tội nghiệp !!!
Tôi cũng có quan niệm giống thầy.