Xưa ít có lãng phí, chỉ có phí phạm.  Phí phạm chính là một dạng của lãng phí, lãng phí “cấp thấp”,  như trong gia đình, dùng một tờ giấy trắng làm nháp, cái bút chì còn một mẩu nếu quấn thêm giấy còn có thể dùng được mà đã vội bỏ, một chút cơm thừa lẽ ra phải cho gà ăn lại đem đổ đi,…phí phạm được coi là một thói xấu.

Tôi nhớ hồi đi học, một hôm lên bảng chữa bài tập. Đang viết thì viên phấn gãy. Tôi định quay lại lấy viên phấn khác trên bàn thầy, thì thầy giáo tôi cúi xuống nhặt mẩu phấn rơi xuống sàn, đưa cho. Đó là việc rất nhỏ nhưng nêu gương tốt cho học trò về việc không được lãng phí.

Lãng phí ít vì con người nói chung, ít ai dám phí phạm mồ hôi nước mắt của bản thân hay những người trong gia đình mình. Còn những người có quyền chi tiêu bằng công quỹ – quan lại các cấp đều là những người xuất thân từ con nhà tử tế, được dạy cần kiệm từ nhỏ, lớn lên lại học hành quy củ, có giáo dục. Họ biết sau chữ Cần là chữ Kiệm, đó là đức tính quan trọng thứ hai của con người. Và cùng với nó là chữ Khiêm, khiêm tốn, khiêm nhường. Khiêm nhường ngay từ việc đặt tên cho con cháu, không đặt tên bằng những  tên hay, đẹp, mĩ miều  vì sợ khi lớn lên, con mình không đạt tới, không xứng, như tên con trai là Anh Tuấn mà không được thông minh, còn gái là Ánh Tuyết mà nước da lại không được trắng trẻo, …  chẳng hạn thì thật ngượng với chính mình (chứ không phải vì sợ ma quỷ bắt như quan niệm của người người ít học) cho đến   ăn mặc, chi tiêu, … Ăn  bát cơm phải nhớ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, may bộ quần áo, phải nghĩ tới “y phục xứng kỳ đức”, …Đọc các truyện của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Đồ Phồn, … những nhà văn đả kích quan trường xưa rất nhiều nhưng không thấy nói việc lãng phí.

Ban đầu, lãng phí trong các cơ quan công quyền chỉ như một cái tệ. Tiêu tiền của mình luôn eo hẹp, phải tính toán, chắt bóp, nay được tiêu tiền của “người khác” thì rộng rãi, “xông xênh” hơn. Thế thôi, nên lãng phí còn chưa lớn.

Nhưng từ ngày đổi mới, cán  bộ viên chức bắt đầu học được cách xài sang, nhất là những người có quyền chi tiền của công quỹ. Lãng phí cũng bắt đầu phát triển. Đến  nay tình trạng lãng phí trở nên tràn lan, từ cái nhỏ như một cuộc họp mà bao nhiêu là hoa tươi, tài liệu được in ấn, photo phát khắp nơi, rồi sau đó thừa không sử dụng hết rất nhiều, đem bán cân, … tới những bữa cơm tiếp khách mà nhiều món chỉ được đụng đũa vì thức ăn nhiều quá, bia rượu thì như suối như sông. Đó là cái hàng ngày, “chuyện thường  ngày ở huyện”, ở tỉnh và  ở mọi nơi. Các nhà hàng ở huyện, ở tỉnh nhằm  phục vụ cho các cuộc thù tạc này chiếm tỷ lệ không nhỏ. Còn mua ô tô và các đồ dùng khác trong các cơ quan. Rồi nhà cửa, trụ sở, …thì chẳng đâu chịu thua kém. Những chuyện quan chức tỉnh này nhận lời mời sang đánh ten-nit ở tỉnh bên cạnh, rồi dĩ nhiên có chiêu đãi. Tuần sau có cuộc mời ngược lại. Có thù chẳng lẽ lại không có tạc? Toàn tiền nhà nước, nghĩa là tiền thuế của dân cả. Tiền xăng xe, tiền điện nước, tiền ăn nhà hàng sang trọng. Mà tệ cái là bây giờ người ta không cần biết ăn có ngon miệng không, có đủ dinh dưỡng không. Người ta cần không chỉ có sơn hào hải vị,  cái cần hơn cả là bữa tiệc đãi khách trị giá bao nhiêu tiền. Tiền càng nhiều, càng tỏ ra mến khách, càng tỏ ra chịu chơi, càng tỏ ra sành điệu, Chủ trì được đẹp mặt, cái anh nhân viên đứng ra tổ chức càng được nhiều tiền “hoa hồng” của nhà hàng khi trả tiền. Chỉ có chủ chi là những người dân là ốm nặng, chỉ còn da bọc xương.

Tệ lãng phí ngày càng nghiêm trọng, luôn ở tình trạng “năm sau nhiều hơn năm trước” vì bây giờ lãng phí là một cách để chấm mút, để bòn rút của cải nhà nước, tiền thuế của dân. Tiền trong kho bạc sao lấy ra được để tiêu sài, để đút túi, …cũng giống như chai dầu, lọ mỡ để nguyên đó thì sao rơi vãi, sây sớt. Muốn có dầu mỡ rơi vãi để liếm láp phải rót từ chai nọ sang lọ kia.  Cho nên mới xin dự án. Muốn bòn rút được cần phải chi. Muốn được chi cần phải xin, muốn thanh toán được cũng phải xin vì trong những khoản chi đó chứa đựng biết bao sự vô lý. Mà chẳng ai cho không bao giờ. Chi nhỏ như mua hoa cũng phải mua thật nhiều, mua sắm cái gì cũng sao cho thật “hoành tráng”, trên mức cần thiết, chi lớn như mua ô tô, xây trụ sở  và trăm thứ bà rằn đều như thế cả.  Nhìn rồi so sánh những cuộc tiếp tân của ta và của Tây trên ti vi hàng ngày mới thấy biết bao là xót xa.

Các quan ngồi nhàn rỗi, bỗng thấy “nhạt miệng” thế là nẩy ra sáng kiến làm con đường tâm linh,  xây nhà lưu niệm, di chuyển tượng đài, … cái nào cũng cả trăm tỷ, nghìn tỷ. Mà đố anh nào dám ngăn, dám không duyệt. Vừa vì toàn là những thứ thiêng liêng, đụng vào rất lôi thôi, vừa vì  anh nào cũng có phần.  Xưa cái phần rơi vãi chỉ 10% nhưng nay số ấy liếm láp không “đã” nên ngày càng được đẩy lên cao. Tục ngữ mới có câu “Ghế thì ít, đít thì nhiều”,  ngồi được vào cái chỗ để mà “sáng kiến” tốn kém lắm. Rồi muốn êm cũng phải biết chia năm xẻ bảy. Càng lãng phí, càng có nhiều cơ hội bỏ túi. Cho nên thiệt hại đơn thiệt hại kép, không thể nào tưởng tượng nổi.

Các đại gia, thiếu gia xài sang, chơi ngông hoàn toàn do tiền túi của họ, chỉ có thể khuyên không nên, chứ không thể phê phán. Nhưng lãng phí tiền thuế của dân thì không chỉ cần phê phán …

Lãng phí khủng khiếp như hiện nay còn góp phần không nhỏ làm băng hoại đạo đức của xã hội, nó nêu những tấm gương rất xấu cho lớp trẻ với cái vẻ ngoài là chịu chơi, là sành điệu, …

Lãng phí giờ đây không chỉ còn là lãng phí. Nó tiếp tay cho tham nhũng. Nói lãng phí, tội nhẹ quá. Ngay tham nhũng tới trăm nghìn tỷ cũng có sao đâu!

Cho nên lãng phí thì sao có hề hấn gì!

2 BÌNH LUẬN

  1. Tham nhũng, lãng phí là những tệ nạn chỉ giới quan chức mới có. Dân ngu khu đen chỉ biết nai lưng đóng thuế để các “cha mẹ” dân sài tha hồ mà thôi !

  2. Nước CHXHCNVN khác xa các NƯƠC TƯ BẢN.
    Nước Mỹ ,Singapore không có cổng chào “Khu Phố Văn Hóa,Gia Đình
    Văn Hóa nhưng họ rất VĂN HÓA .Con ViêtNam thì khắp nơi đều lá
    “Khu Phố Văn Hóa,Gia Đình Văn Hóa nhưng “VÔ VĂn Hóa”
    Cả nước UC chỉ đốt PHÁO HOA trong đêm Giao Thưa tại cầu cãng
    Sidney ,VN HaNôi TP HCM tỉnh nào cũng đốt 30/4 ,2/9 ,Tết Tây
    Tết Ta mỗi lần đốt cảc chục địa điểm.
    Lễ nào cũng treo cờ ,cũng treo panô “Nhiết Liệt Chào Mừng”
    ngày Nhà Giáo ,Ngày Phụ Nữ ,Ngày Thày Thuốc v.v .v

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here