Năm ấy, tôi mới 9 tuổi, học lớp 3. Sáng tới lớp, khi còn ở dưới chân đồi, Khiết đã từ trên lớp học chạy xuống, hớt hải hỏi tôi:

– Mày có đi xem “phin” không?
Tôi chưa hiểu chuyện gì, Khiết nhắc lại:
– Tối nay có “phin” đấy! Mày có đi xem không?


Tôi không biết “phin” là cái gì, mắt cứ trố ra:
– Phin” là cái gì cơ?
Khiết lúc ấy mới lúng túng:
– Tao cũng không biết!
Lên đến đỉnh đồi, quanh lớp học, đã thấy chúng nó cứ túm tụm thành từng tốp một, bàn tán chuyện tối nay “đi xem phin”. Nhưng không có đứa nào biết “phin” là cái gì. Trí tưởng tượng của chúng tôi khi ấy nghèo nàn lắm. Cái mà chúng tôi được xem chỉ là “liên hoan”. Đó là từ chỉ những buổi bây giờ gọi là biểu diễn văn nghệ có tính chất “cây nhà lá vườn” của bộ đội mỗi lần hành quân qua làng, tạm nghỉ vài ngày trước khi lên đường đi tiếp những chặng đường mới.

Đến lúc thầy giáo đến, một đứa mạnh dạn hỏi thầy:
– Thưa thầy “phin” là cái gì ạ? Tối nay thầy có đi xem “phin” không ạ?
Thầy giáo cười, bảo:
– A, thầy nghe nói đó là “xi-nê-ma”. Trước đây ở Hà Nội có, nhưng thầy cũng chưa được xem bao giờ.
Nghe thầy giải thích xong lại càng khó hiểu. Có đứa gọi là “xi-lê-ma”, có đứa lại gọi là “xi-la-ma”. Cãi nhau cứ loạn cả lên!
Khi vào lớp, thầy bảo tất cả:
– Tối nay ở Ấm Thượng có “xi-nê-ma”, chả là địa phương ta đang chuẩn bị phát động giảm tô, cải cách ruộng đất. Các em nên đi xem để thêm hiểu biết.
Buổi học hôm ấy nghe chừng cũng không mấy hiệu quả. Cả lớp cứ “nháo nhác” bàn chuyện buổi tối.

Ấm Thượng nghe nói là xa lắm. Cũng không biết là mấy cây số. (Đầu năm nay, 2013, tôi có dịp trở lại mảnh đất này. Mọi thứ tất nhiên đã đổi khác. Từ nơi tôi ở khi ấy tới Ấm Thượng đã có đường ô tô chạy được, có cột cây số, khoảng cách là 9 km, 60 năm trước, đường rừng, không biết bao xa?) Đường đi cứ hết quả đồi này sang quả đồi khác. Có chỗ rậm rạp lau lách, có chỗ qua những thửa ruộng, có chỗ phải lội qua ngòi, qua suối. Chỉ nghe mấy đứa lớn đi rồi bảo phải đi gần hết một buổi. Lúc ấy cũng chẳng có đồng hồ. Xác định thời gian chỉ có sáng, trưa, chiều, tối, đêm, rất tương đối. Mà tôi thì chúng nó đang bàn nhau không cho đi vì “Thằng Giao đi chậm lắm, chỉ tổ vướng chân!” Háo hức lắm nhưng cũng lo lắng vô cùng. Cũng không dám trách gì chúng nó. Quả thật là tôi không thể đi nhanh bằng, vì so với các bạn cùng lớp, tôi kém họ đến 4, 5 tuổi, đứng chỉ ngang ngực họ. Họ có thể vác cây tre đi băng băng, còn tôi thì vác cây “hóp” (loại cây họ tre nhưng nhỏ hơn tre) mà đi chỉ vài bước đã phải chống cái gốc cây xuống dừng lại thở. Không thể đi một mình được, vừa chưa biết chỗ, vừa đi đêm. Nhưng sau may quá! Khiết, anh bạn thân với tôi không biết nói thế nào, chúng nó bằng lòng cho đi cùng. Thế là khi tan học, hẹn nhau, trưa về, ăn cơm xong, mỗi đứa mang theo một bó đuốc, đến nhà thằng Túc rồi cùng đi.

Tan học về, tôi đi như chạy. Về đến nhà, vừa thở hổn hển, vừa khoe với mấy đứa em:
– Anh được đi xem “phin”.
Bỗng nghe tiếng cô tôi, hỏi:
– Xem gì?
Cô tôi làm việc ở trại trẻ Thanh Hương (nơi nuôi dạy con em của các cán bộ trung ương), không hiểu sao hôm nay lại ở nhà, nghe tôi nói, sửa cho:
– Phải nói là xem “phim”. “Phim” chứ không phải “phin”. Tiếng Pháp là xi-nê-ma. Người Việt Nam gọi là “chớp bóng” hay “chiếu bóng”.
Tôi vội vàng hỏi: 
– Cô ơi, phim là thế nào ạ? Cô đã xem phim bao giờ chưa ạ?-
– A, cô xem rồi. Ở Hà Nội, mới có. Trên một tấm vải trắng, người ta chiếu lên cho mình xem những hình ảnh chuyển động được. Hay lắm!

Trong đầu tôi lập tức hiện ra hình ảnh những tấm vải trắng dài độ hai ba mét người ta mua về nhuộm nâu hay đen để may quần áo. Vải khổ hẹp (chỉ khoảng 40 cm vì dệt thủ công), sau khi nhuộm, phải căng bốn góc ra trên bốn cái cọc nhỏ trên bãi cỏ bên lề đường để phơi khô. Chỉ có thể nghĩ đến thế, còn hình ảnh thế nào thì không sao hiểu nổi. Tôi hỏi:
– Cô có đi xem không?
Cô tôi bảo:
– A, tối nay ở Ấm Thượng có chiếu đấy. Nhưng xa lắm, cháu có đi được không? Cô tôi còn nói thêm:
– Ở Hà Nội, xem phim ở trong rạp, ngồi ghế vừa xem vừa ăn kẹo. Thích lắm! Đi xa mỏi chân, cô chẳng đi!
Càng nghe, tôi lại càng thắc mắc. “Rạp” là thế nào nhỉ? Còn cái “ghế” cũng chỉ có thể hình dung cái ghế gấp lại được của ông thợ cắt tóc thỉnh thoảng vẫn mang theo cùng cái hòm con con đi qua làng, “cái kẹo” thì trong óc tôi cũng chỉ có thể nghĩ đến cái kẹo bột mà bà tôi mua mỗi khi có việc đi chợ huyện.
Không cần biết là xa hay gần, tôi xin phép bà và cô, cho hai củ khoai luộc còn lại từ buổi sáng vào hai túi áo (áo cánh lối xưa, có hai túi phía dưới, giống áo “bà ba”), ra đầu nhà lấy lạt buộc ba cây nứa khô thành bó, vác lên vai, lên đường với bao nhiêu háo hức chờ đợi những điều chưa hề biết.

Đến nhà Túc, rất nhiều đứa đã có mặt. Đứa nào cũng có một bó đuốc. Nếu đi buổi tối trên những lối đi quen thuộc, chúng tôi thường truyền cho nhau kinh nghiệm “mưa tránh trắng, nắng tránh thâm” (khi trời mưa, những vũng nước thường có màu sáng, còn khi trời khô ráo, những hố hoặc bãi phân trâu thường có màu xẫm hơn. Nhưng đường xa, lại chưa quen thì phải có “đuốc” (mấy cây nứa khô, đập rập, bó lại). Mấy người cùng đi đốt một bó đuốc soi đường, hết bó này đốt tiếp bó khác. Đuốc còn có tác dụng xua đuổi thú dữ khi đi trong rừng. Còn cái ăn thì rất phong phú, cũng là khoai sắn cả, nhưng đứa luộc, đứa nướng, gói trong lá chuối, lá dong, có đứa còn mang cả chuối, bưởi hái trong vườn. Cả bọn đứng ngồi lộn xộn, chuyện trò rôm rả, tôi vội đem những hiểu biết của cô tôi truyền cho, nói với các bạn, cả lũ cứ trố mắt ra nhìn, có đứa không tin. Mãi đến khi thằng Khiết bảo: “Cô nó làm y sĩ ở trại trẻ trong Thanh Hương đấy!” chúng nó mới hết nghi ngờ.

Một lúc sau, cũng không biết là mấy giờ, Túc là “thủ lĩnh” trong mọi việc của chúng tôi, bảo:
– Cũng muộn rồi đấy, đi mau kẻo tối cũng không đến đâu.

Cả bọn răm rắp nghe theo, vì Túc là một trong số rất ít đứa đã đến Ấm Thượng, còn phần lớn chỉ “nghe nói”. Tất cả lên đường rất vui vẻ, chuyện trò râm ran, quên cả cái nắng mùa hè.

                                                            *         

Quả là “khắc đi khắc đến thôi!” (câu người miền ngược thường bảo nhau mỗi khi đi đường xa, ý nhắc phải kiên nhẫn), đến khi mặt trời lặn thì chúng tôi tới nơi.

Từ xa đã nghe thấy tiếng trẻ con hò hét, gọi nhau í ới trên một sườn đồi. Đúng là có một tấm vải to căng trên hai cái cọc tre. Nhưng tấm vải hình vuông, xung quanh viền vải xanh chứ không dài như tôi tưởng tượng. Càng tới gần thấy tấm vải càng to. Chắc để tránh gió thổi đổ, hai cái cột còn được giằng bằng mấy sợi dây thừng níu xuống đất. Cạnh tấm vải, thấy có mấy cái thang (ở đấy gọi là cái “đừng”), chụm lại, trên hình như là một cái hòm vuông to lắm, phủ một tấm vải màu xám kín mít. Phía trước tấm vải, cách chừng hơn chục mét là một cái lán, lợp mấy tàu lá cọ, bên trong để cái máy, có hai bánh xe hình tròn và một cái “loa” hướng lên tấm vải.

Túc bảo chúng tôi xếp tất cả các bó nứa vào một đống, dùng sợi dây buộc lại. Quả xứng là “thủ lĩnh”, rất chu đáo, chứ nếu không, chẳng biết chúng tôi loay hoay thế nào với mỗi đứa một bó nứa dài ngoẵng trong tay. Cả bọn cứ chạy hết chỗ này tới chỗ khác, trầm trồ. Trời còn sáng nên nhìn rõ lắm, nhưng không biết đó là những cái gì. Cũng không biết hỏi ai vì toàn là trẻ con. Mà người lớn cũng chẳng có ai biết! Ban đầu còn chen nhau, đứa nào cũng cố lách vào thật gần. Nhưng rồi cũng chán. Thế là tản ra, mỗi đứa một nơi, có mấy đứa lấy khoai lấy sắn ra ăn.

Một lúc sau, trời nhá nhem tối, bỗng thấy tiếng “ình ình” như tiếng máy bay từ xa vọng tới. Cả bọn chạy như bay tới xem. Tôi chậm chạp, chạy tới nơi thì bao nhiêu người cả người lớn lẫn trẻ con đã xúm quanh. Chưa bao giờ thấy một cái gì sáng như thế, chói cả mắt treo trên cây. Trời đã tối mà nhìn những người xung quanh rõ mồn một, còn hơn cả ban ngày. Sau mới biết đó là cái đèn điện. Không biết bên trong có gì, chỉ thấy tiếng kêu “ình ình”, ghé sát vào tai nhau hét mà cũng chẳng nghe thấy gì. Nhưng bé người cũng có cái lợi. Cuối cùng tôi len vào được, thấy một cái máy đang nổ, một người đang hí hoáy không biết làm cái gì, tiếng máy có lúc gầm lên, có lúc lại nhỏ đi. Cứ khi nào nó “gầm” thì đèn lại sáng bừng lên. Từ trong cái máy có luồng khói đùn mạnh lắm. Khói rất đen mà mùi thì không giống như mùi khói bếp, chưa bao giờ ngửi thấy mùi này. Có đứa đến sát ngửi thử, ho sặc sụa. Xem một lúc thấy cũng không thấy có gì hấp dẫn, tôi lại len ra ngoài.

Đang đưa mắt tìm các bạn, thì nghe thấy tiếng người ở đâu oang oang. “A lô! a lô!” Cái tiếng “a lô” tôi cũng chẳng lạ gì. Thỉnh thoảng, mấy anh thanh niên vẫn mang cái loa bằng sắt tây, leo lên cây gạo đầu làng thông báo mời mọi người đi họp, hay tập trung chuẩn bị đón bộ đội, cũng có khi đọc tin chiến thắng… Trước khi nói cái gì các anh ấy vẫn “a lô” như thế. Nhưng tiếng “a lô” này nghe to lắm, từ xa đã nghe rõ. Chúng tôi chạy lại gần. Thì ra tiếng “a lô” phát ra từ trong cái hòm trùm vải đặt trên mấy cái thang. “Người” từ trong cái thùng ấy thông báo: “Hôm nay, đội chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân bộ phim Bạch Mao Nữ.” Cả bọn xúm quanh, nghếch cổ lên chờ để thấy cái người trong đó to lớn thế nào mà giọng nói như sấm? Nghe thấy anh ấy cứ nói đi nói lại, mời mọi người tới xem. Nói nhiều và gào to như thế mà không thấy mỏi mồm, khản giọng. Tài thật!

Đang lúc ấy, có đứa reo lên: 
– Không phải đâu chúng mày ơi! Cái anh nói ấy đang ngồi trong kia kìa!
Chúng tôi chạy lại chỗ cái lán. Đúng là có một anh đang ngồi trên một cái ghế thấp, trước cái hòm gỗ làm bàn, trên cũng có một ngọn đèn điện, đang “a lô”. Lại càng thêm thắc mắc. Tại sao người nói ở tận đây mà tiếng nói lại vang lên ở tận đầu kia nhỉ? Sau mới nhớ ra cái trò chơi của trẻ con: lấy da con ếch, bịt vào một đoạn ống nứa, sau lấy một sợi chỉ nối hai cái ống với nhau, mỗi đứa cầm một cái, đứng xa nhau (xa gần do sợi chỉ dài hay ngắn), một đứa chỉ nói thầm mà đứa kia ghé cái ống nứa vào tai cũng nghe được. Chắc cái này cũng giống thế.

Một lúc sau thì đèn tắt, tất cả tối om. Nhưng cái tấm vải trước mặt thì sáng bừng lên. Đúng là cùng một lúc, có thể xem được chữ nghĩa, hình ảnh và nghe được tiếng nhạc, tiếng người nói. Hóa ra chiếu bóng tức là mình được xem một câu chuyện bằng hình ảnh, gần giống như xem diễn kịch nhưng không cần có người thật. Nhưng nói thế chứ chiếu bóng hay hơn nhiều!

Cả lũ mê mải hướng lên màn ảnh. Cứ chiếu một lúc, máy lại dừng, đèn bật sáng. Cả lũ lại đứng hết cả lên, nhìn vào cái lán để máy, thấy các anh ấy lúi húi lấy cuộn phim trước ra, lắp cuộn phim mới vào. Rồi đèn lại tắt, tiếng “lạch tạch” lại vang lên, hình ảnh lại nối tiếp nhau hiện ra trước mắt.

Khi cuốn phim cuối cùng hết, nghe tiếng loa vang lên: “Bộ phim đến đây là hết!” cả lũ đều tiếc ngẩn ngơ, phải một lúc mới chợt như bừng tỉnh sau một giấc mơ đẹp.

Cả bãi nhốn nháo, khắp nơi râm ran tiếng cười nói, tiếng í ới gọi nhau. Rồi các bó đuốc được đốt lên, người nối nhau tỏa về các hướng.

Bọn tôi đi được một quãng thì thấy đèn ở bãi chiếu tắt. Trời tối đen như mực. Đi một lúc thì thấy mờ mờ vì trời khá nhiều sao. Hơn chục đứa nhưng chỉ dám đốt một bó đuốc vì sợ hết đuốc khi chưa về tới nhà. Chuyện tíu tít, tranh nhau nói, đứa nào cũng muốn kể lại cái cảnh mình thấy hấp dẫn nhất. Đi một lúc bắt đầu mệt, cái hào hứng cũng nguôi đi, cái đói trỗi dậy. Suốt từ chiều, mỗi đứa chỉ có củ khoai, củ sắn. Háo hức chờ đợi xem phim nên chẳng đứa nào thấy đói. Bây giờ mới thấy bụng cồn cào.

Mà không thể đi nhanh được. Trời tối, mỗi khi gặp đoạn đường khó đi, người cầm đuốc phải dừng lại, soi đường cho cả bọn đi qua rồi mới đi tiếp, nhất là những đoạn qua suối, qua khe chờ đợi mất nhiều thời gian lắm. Lại càng đói. Lúc nào thấy bó đuốc có vẻ lụi đi lại phải dừng lại cho bớt gió để nó cháy bùng lên. Sắp hết đuốc lại đốt bó khác. Rồi buồn ngủ díp cả mắt. Ban đầu, đứa nào cũng sợ ma, chen nhau đi sát đứa cầm đuốc. Nhưng rồi vừa mệt, vừa đói, có lúc không muốn đi nữa, chỉ chực gục xuống bên đường mà ngủ. Nhưng rồi lại sợ cảnh đêm tối mênh mông, sợ lần sau chúng nó không cho đi cùng nên lại phải cố. Cứ một lúc lại có đứa ngã, vì vấp, bước hụt, trượt chân, …vì cứ bước chứ có nhìn rõ đường đi đâu! Có đứa ngã là phải dừng lại chờ nên đi càng chậm. Quần áo chắc lấm bê lấm bết nhưng không nhìn thấy, chỉ có hai bàn tay đầy bùn đất, mà không có nước rửa, đành chùi tạm xuống vệ cỏ hay thân cây ven đường rồi để cho nó tự khô. Khổ nỗi trời tối , lại đi lần đầu, không xác định được đã đi tới đâu. Cả lũ cứ lầm lũi mà đi. Chẳng còn thấy đứa nào lên tiếng.

Tất nhiên, “khắc đi khắc đến” nên cuối cùng chúng tôi cũng về tới làng. May là còn đuốc nên mỗi đứa cầm một đoạn nứa châm lửa để soi đường về nhà.
Có vẻ như trời sắp sáng vì đã nghe tiếng gà gáy. Tôi cũng chẳng thiết ăn uống gì, lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau, nhiều đứa nghỉ học. Thầy trò toàn nói chuyện về bộ phim hôm qua mới được xem. Thỉnh thoảng có đứa đứng lên hỏi, thầy lại giải thích. Suốt cả buổi hình như chẳng học được cái gì.

Từ đó, cứ thỉnh thoảng lại có chiếu phim. Tất nhiên ở các nơi khác nhau. Nhưng dù xa mấy cũng không bao giờ vắng mặt chúng tôi.

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Vé coi phin khi đó chỉ có 5 xu hay 1 hào chi đó nhưng cũng có dạo túng tiền không thể vào trong được đành phải chờ tháo khoán. Khi ấy đã gần hết nửa phim.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here