Vừa đọc cuốn sách “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc viết về Tây Nguyên. 24 truyện tất cả. Nhiều câu chuyện, nhiều con người gắn bó với  cao nguyên ở những thời kỳ khác nhau, rất cảm động.

Trong sách, nói về thời gian Pháp mới đặt ách cai trị vùng đất mới, Nguyên Ngọc viết:

“Bấy giờ, sau những cuộc chinh phục tàn bạo và bị đánh trả quyết liệt bằng những cuộc khởi nghĩa của Ma Trang Lơn, M’Kwl, M’Wal, M’Trang, Gưh, Ae Muoi, …người Pháp đưa đến Tay Nguyên một ông quan cai trị, một học giả, tên là Sabatier. Sabatier tới Đắc Lắc, học tiếng Ê đê; và kết nghĩa làm anh em với tù trưởng A Ma Thuột. Chính cái thành phố Ban Mê Thuột ngày nay ra đời là từ đó (Buôn Ma Thuột = Làng Ông Thuột). Sabatier lập trường, và bắt trẻ con phải đi học. Trẻ con nào không đi học thì cha mẹ bị bắt trói lại, đánh đập tàn bạo. Mỗi Tổng (có lẽ tương đường với huyện bây giờ) lập một trường. Mỗi trường phải có đủ 40 học sinh. …. Khi một học sinh bỏ học, phải bắt cho được một tên thay thế…

… Chính những trường này đã đào tạo ra lớp trí thức đầu tiên của Tây Nguyên và tuyệt đại đa số về sau đều trở thành cán bộ nòng cốt của cách mạng trên vùng đất này.”

Thế ra, bên cạnh việc bóc lột tài nguyên và nhân công rẻ mạt để đưa về chính quốc, kẻ thực dân cũng chú ý tới việc mở mang dân trí, khai hóa cho những người dân ở một đất nước còn quá nghèo nàn và lạc hậu. Và quả thật, sau hơn nửa thế kỷ, cho tới năm 1945, họ đã tạo nên một bộ phận trí thức có vóc dáng của những con người hiện đại

Cũng giống như Hà Nội hồi đầu thế kỷ trước, người Pháp đồng thời với việc xây dựng một thành phố hiện đại theo kiểu châu Âu cũng phải cho các thầy “min đơ” và “min toa” (cảnh sát) đi xe đạp tuần tiễu các phố, phạt rất  nặng những người vứt rác hay cho trẻ con “ị” ngoài đường. Các tờ bào lúc ấy cũng thông qua  hai nhân vật Lý Toét và Xã Xệ để châm biếm, đả kích những người mang lối sống nhà quê ngốc nghếch vào đô thị kiểu mới.

Nghĩ cho cùng, cai trị và giáo hóa là hai mặt không thể thiếu trong công việc của nhà cầm quyền. Người dân còn lạc hậu, tối tăm, người cầm quyền có trách nhiệm mở mang đầu óc cho họ, dạy cho họ những cái thuộc về văn minh mà trong đời sống cũ, họ còn xa lạ. Khi họ có hiểu biết, việc cai trị sẽ thuận lợi hơn vì người có tri thức ít nhiều  thường dễ hướng dẫn. Xã hội từ đó cũng ngày càng tiến bộ.

Tiếp thu cái mới, điều lạ đâu phải việc dễ dàng. Thay đổi tập quán, thói quen cũ vô cùng khó khăn, chẳng thế mà xưa đã có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Nhưng muốn phát triển, muốn tiến bộ để có cuộc sống văn minh hơn, không thể không thay đổi. Ai không tự giác thay đổi, không tự nguyện tiếp thu cái mới,  phải cưỡng bức. Kiên trì, có thời gian, nếp sống, cách suy nghĩ tiến bộ mới dần trở thành thói quen. Lúc đó, xã hội mới kịp theo bước tiến của thời đại.

Báo chí, truyền thông rất có điều  kiện để đi đầu trong việc khai hóa, mở mang dân trí. Lâu nay, báo chí nói nhiều đến nạn khan hiếm vé tàu xe mỗi dịp Tết đến, nói nhiều tới nỗi khổ của những người xa quê mỗi khi muốn sum họp gia đình vào dịp cuối năm. Nhưng hình như chưa có bài nói với người dân rằng: sum họp gia đình đón năm mới là một truyền thống của người Việt Nam ta. Nhưng điều đó chỉ phù hợp trước đây, khi người ta còn coi tha phương cầu thực là điều bất hạnh, số người phải đi làm ăn xa rất  ít. Phương tiện giao tiếp cũng hạn chế  và lạc hậu, một phong thư phải mất hàng tháng mới tới tay người nhận. Nay người phía bắc vào nam làm ăn sinh sống có lẽ tới hàng triệu người. Giao lưu tình cảm, thăm hỏi người thân đâu phải cần vượt hàng nghìn cây số tàu xe vất vả, tốn kém, thậm chí tai nạn. Sao không vui Tết ở nơi mình làm ăn, vừa hòa nhập với vùng đất  mới, thêm gắn bó với những người thân quen, vừa đỡ tốn kém cho bản thân vốn đồng lương chưa đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, lại đỡ cảnh ùn tắc xe cộ, tai nạn giao thông…

Hay nói như chuyện tiêm vắc xin. Mỗi khi có những tai biến, báo chí đua nhau lên án nhân viên y tế. Tôi không bênh vực cho những người tắc trách, làm chết trẻ em.  Nhưng tiếc là chưa thấy có bài báo nào phân tích để người dân hiểu thuốc gì cũng có một tỷ lệ nhất định tác dụng phụ, gây tai biến, thậm chí chết người. Cho tới nay, tỷ lệ gây chết người là bao nhiêu phần trăm? Có nằm trong giới hạn cho phép không? Sao không nói để dân hiểu loại vắc xin mà ta dùng đại trà miễn phí hiện nay chưa phải là loại  được sản xuất với công nghệ hiện đại nhất nhưng nó rẻ tiền, phù hợp với một nước vừa mới thoát nghèo,  phần ngân sách dành cho y tế còn khiêm tốn như nước ta. Cha mẹ muốn con mình được an toàn (cũng chỉ ở mức cao hơn chứ khó tuyệt đối), có thể tiết kiệm tiền (kể cả tiền ăn nhậu) để tới những cơ sở có loại vắc xin chất lượng tốt hơn, đảm bảo hơn.

Còn rất nhiều thí dụ tương tự. Nhà báo là những người có tri thức hơn quảng đại quần chúng, nếu thấy cần mở mang dân trí, sẽ có nhiều bài viết giúp cho đời sống vốn đã nhiều khó khăn đỡ phần bức bối.

Còn nhà nước ta hiện nay, hình như chỉ coi nặng việc cai trị, nhất là việc thu các khoản thuế, còn việc khai hóa, nâng cao dân trí và dân khí thì lãng quên.

Bên cạnh việc “giáo hóa”, nhà nước cần kiên quyết thực hiện luật pháp đã có, tránh tình trạng sợ dân phản ứng. Con người ta thường “bất kham”, dân nước nào cũng vậy. Nhưng nếu nhà nước kiên quyết, người dân sẽ dần tạo được  thói quen sống thích nghi với pháp luật, tự giác làm theo luật. Vì sao Đà Nẵng không có nạn đua xe? Vì đua xe sẽ bị tịch thu. Hà Nội, Sài Gòn không dám tịch thu chắc vì sợ đụng chạm tới các quan chức (chủ yếu con em các quan chức mới có tiền, mới dám ngông nghênh đua xe coi thường pháp luật vì đã có cha mẹ là cái ô che chắn) cho nên đua xa luôn xảy ra.  Tôi nhớ có một quan chức phản đối việc phạt nặng với lập luận: đến tử hình như buôn bán ma túy mà người ta đâu có sợ? Xin hỏi ông: tỷ lệ số người to gan, coi thường tính mạng mình buôn bán ma túy là bao nhiêu phần trăm dân số? Xe cộ (xe máy, ô tô) cần có giấy đăng ký. Chuyển quyền sở hữu trong một thời hạn nhất định phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Thời thực dân cũng thế, nước nào cũng thế. Có như vậy, nhà nước mới quản lý được phương tiện giao thông, vừa hạn chế trộm cắp, vừa có thể “phạt nguội” để việc thực hiện luật giao thông được nghiêm minh. Vậy sau một thời gian tạo điều kiện cho người dân tiến hành sang tên đổi chủ lại hạ mức phạt với những trường hợp vi phạm?

Rồi còn rất nhiều chuyện khác, nào là cấm điều khiển xe máy, ô tô sau khi uống rượu bia, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm xả rác ra đường phố, cấm buôn bán hàng rong trên vỉa hè, …Toàn chuyện đúng đắn và cần thiết cả. Chuyện nào cũng có luật, có nghị định, có thông tư, nhưng đều đánh trống bỏ dùi, làm một thời gian, hết chiến dịch  lại bỏ khiến mấy chục năm nay, nếp sinh hoạt của người Việt Nam ngay ở các đô thị lớn tiến bộ chẳng là bao, thậm chí có nhiều biểu hiện còn lạc hậu hơn cả trước năm 1945.

Hay là sự hỗn mang trong thực thi pháp luật dễ cho những người thi hành công vụ “đục nước béo cò”.

7 BÌNH LUẬN

  1. Em rất thích bài viết của thầy ạ. Đôi khi truyền thống bó chặt con người ta, khiến họ mất đi một phần tự do đáng ra họ được hưởng. Em thấy một điều rất lạ, các bạn trẻ nước mình học ăn chơi thì có vẻ rất nhanh nhưng học lịch sự, văn minh thì hình như hơi chậm

  2. Hoàn toàn tán thành bài viết của ông Giao. Xin góp thêm : Để nâng cao dân trí trước hết phải làm tốt việc giáo dục quan trí đã.

  3. Nhưng ngẫm lại thấy ông ấy nói cũng có phần đúng đấy chứ ạ. Dân vẫn nai lưng ra đóng thuế để nuôi các ông ấy thì rõ ràng là dân trí thấp rồi.

  4. Tự nhiên đi khoe cái THỐI NÁT của chế độ, chẳng nhẽ bầu mấy ông thất học lên để họ nhận xét: dân trìh độ cao hơn chúng tôi?????

  5. Xin thưa:không dễ gì mà cổ nhân đã tổng kết:”Đầy tớ khôn hơn chủ nhà thì lụy đến thân” và “Được vạ thì má đã sưng!” Cái lí là của kẻ mạnh mà!

  6. Năn 1963 tôi di xe từ Nhatrang vào SaiGòn đền Long Khánh anhlơ xe(phù xe)Nhác di nhắc lại “Bà con co bỏ rac thì bỏ trong xe không dược ne8m ra ngoài dương”
    Nghe đồn có 1 bà nọ đ xe ngang qua cầu sắt Biên Hòa quen tay ném vỏ chôm chôm xuống cấu,anh lính gác câu băt xe ngừng lai,bắt anh tài xế và lơ xe cầm 2 cá chổi chà quét từ đầu câu đên cuối câu.Bà nọ dưa tiền cung không nhận,xin quet tahy cũng không cho.Đến năm 1980 dân vẫn không dám xả rac khi qua cầu

  7. Ông giáo nói chả sai, nhưng quan chức các cấp liệu có ai đọc không? Nếu có đọc chắc các Vị ấy lại kêu: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
    Thật buồn đến nay 2016 rồi mà không bằng thời thuộc Pháp cai trị năm 1945. Đi giật lùi ư?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here