Khi nào mấy đứa trẻ con khoảng 4, 5 tuổi, không chịu nghe lời, như không chịu cất dọn đồ chơi, không chịu ăn, không chịu đi tắm, …không chịu làm theo yêu cầu của người lớn, nếu có hai đứa trở lên, chỉ cần người lớn “phát động” một cuộc thi,  đại loại như: Thi xem ai ăn xong trước (nhanh hơn) nào! chắc chắn mọi việc sẽ được như ý, chúng sẽ đua nhau thực hiện lời của ông bà, cha mẹ… một cách rất nhanh chóng.  Mọi việc đều thế cả.

Thành công ngoài mong đợi này đơn giản là do người lớn đã biết kích thích tính ganh đua của con trẻ. Từ điển tiếng Việt định nghĩa ganh đua là: “Cố hết sức làm cho mình hơn mọi người trong một hoạt động có nhiều người cùng tham gia, không muốn thấy bất cứ ai hơn hoặc bằng mình”. (Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội – 1988 tr. 393). Còn thơ dại, chưa hiểu nguyên nhân vì sao phải làm, nghĩa là khi chưa có nhận thức lý trí, con trẻ sẽ làm vì không chịu thua kém người khác, vì muốn hơn người. Dù thắng cuộc cũng chỉ được một lời khen “suông” hoặc vài cái vỗ tay “hão” nhưng chúng cũng cảm thấy rất được toại nguyện và lại sẵn sàng cho những cuộc đua tiếp theo. Lẽ ra, càng lớn, nhận thức lý tính càng cao, con người làm việc gì đều do nhận thức sự cần thiết, không cần tới những cuộc đua như vậy.

Rất tiếc, người nước Nam ta tới khi đã lớn nhưng vẫn chưa chịu trưởng thành, cái tính ganh đua này không những chẳng ít đi  mà còn có vẻ nặng thêm. Từ chuyện nhỏ như không chịu thua chị kém em một cái áo, một bộ váy; cảm thấy tức tối vì cái xe máy, cái điện thoại “nó” hơn mình; cho tới chuyện nhà lầu xe hơi, trang trại, …Thành ngữ đã có câu: “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly” đó sao? Hai nhà liền nhau, người làm nhà sau bao giờ cũng phải hoặc nhô ra phía trước, hoặc nền cao hơn, hoặc  có những trang trí ấn tượng hơn nhà bên cạnh. Họ chỉ cần biết như thế là mình hơn “nó” chứ không thèm biết như vậy, cái khung cảnh chung xấu đi nhiều lắm. Cái nội thất mới cần “xịn”, cần choáng vì nó là của mình, có thể so sánh với người chứ còn cái ngoại thất kia thì xấu đẹp ra sao cũng mặc. Có những người không thích sự thay đổi, mất tiền đi du lịch không phải vì thích mở rộng tầm mắt mà chỉ vì “nó” vừa đi về, khoe với mọi người rất nhiều những ảnh đẹp, chụp toàn ở những nơi nổi tiếng. Chẳng lẽ mình lại chịu thua kém! Đua nhau mua xe sang, có thể tới nhiều tỷ, nhưng suy đi tính lại chẳng mua nổi cuốn sách độ trăm bạc, vì cái ô tô nhiều người nhìn thấy, nhưng cuốn sách chỉ để trong nhà, và nhất là cái hiểu biết do cuốn sách mang lại thì chẳng mấy người biết. Những sự ganh  đua như thế thôi thì cùng lắm chỉ tốn tiền, hay ảnh hưởng tới cái vẻ đẹp chung mà bây giờ có nói đến, nhiều người cho rằng “chỉ được cái dỗi hơi”, rằng “ăn cơm nhà, vác ngà voi”, …Xin không bàn tới.

Nhưng cái sự ganh đua này thì nên nói. Nên nói vì nó không chỉ gây tốn kém (các tín đồ của sự ganh đua này thường không thiếu tiền hay ít nhất cũng tỏ ra không thiếu tiền), gây mất mỹ quan mà nó còn tiềm ẩn khả năng làm thui chột sự phát triển của một con người trong khi mỗi gia đình nay thường chỉ có một hoặc hai con, đứa con luôn luôn là niềm hy vọng, là tương lai, là hạnh phúc của tất cả các cặp vợ chồng.

Trước hết là cái không chịu thua kém về thể trạng bên ngoài. Mong cho con cháu khỏe mạnh là một nhu cầu chính đáng của các bậc ông bà, cha mẹ. Nhưng chỉ vì mong cho con cháu to khỏe như tranh vẽ và hơn đứt con hàng xóm mà ba bốn người trong gia đình phải “giễu hành” trên đường phố, với cả “trống giong cờ mở” để cho con ăn, không cần biết một chân lý đơn giản: ăn là một bản năng, ai cũng có, nhưng người ta chỉ cần ăn khi có nhu cầu, trẻ con không ăn vì nó không đói. Thế thôi! Phải tìm mọi cách nhồi nhét đủ loại thức ăn bổ dưỡng, những của ngon vật lạ hoàn toàn chưa phù hợp với sự hấp thụ của con trẻ, …vì chỉ sợ con mình thua kém các  bạn trong lớp,  sẽ dẫn tới tình trạng béo phì và biết bao chứng bệnh nan giải khác cho tương lai sau này.

Mong cho con cháu học giỏi là nỗi niềm không của  riêng ai. Nhưng vì thế gây áp lực cho chúng, mỗi khi đi học về là lập tức  nhận được câu hỏi của người lớn ngay khi chưa bước vào nhà: “Hôm nay có điểm gì không?” sẽ gây sự ngộ nhận cho đứa trẻ về mục đích học tập và nhiều việc khác sau này. Học không phải là niềm vui, học chỉ vì điểm, làm chỉ vì để được khen. Không được điểm cao thì chán nản không muốn học, không được khen thì trễ nải, không thiết làm. Lớn lên sẽ không có ý thức về bổn phận, về trách nhiệm với gia đình, với tập thể, với cộng đồng. Cứ nhìn thái độ làm việc của rất nhiều phần trăm viên chức nhà nước đủ các cấp  hiện nay là sẽ rõ hậu quả.

Để con không thua kém và còn hơn chúng bạn, cha mẹ thường không tiếc tiền, ép con đi học thêm hết lớp này tới lớp khác mà hoàn toàn đó chỉ là sự lựa chọn của người lớn. Sự lựa chọn ấy nhiều khi rất cảm tính, chỉ do “người ta nói”, do “con cô ở cơ quan mẹ nó bảo…”, rồi “thầy ấy dạy nổi tiếng lắm!”… mà hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu, sở thích chính đáng và năng lực của  con mình. Thế là biết bao niềm vui của tuổi thơ, biết bao những bài học bổ ích và lý thú từ  đời sống, từ  thiên nhiên bị bỏ qua thay vào bằng việc gò lưng đạp xe và cắm cúi miệt mài hết lớp học thêm này tới lớp bồi dưỡng khác để kết quả là một con người bán thân bất toại về trí tuệ và tiên thiên bất túc trong đời sống tinh thần.

 Từ ngày đất nước phát triển, các cơ quan, công ty, nhà máy… có phong trào khen thưởng cho các cháu con cán bộ nhân viên là học sinh giỏi đã làm khốn khổ cho biết bao đứa trẻ vô tội. Chúng bị học thêm chưa đủ, cuối năm học, cha mẹ bằng nhiều cách khác nhau  xin điểm các thầy cô giáo. Ban đầu chúng còn thấy ngượng ngùng với bè bạn, nhưng rồi cái sợi dây thần kinh xấu hổ ấy chùng dần, rồi đứt hẳn. Cái “mặt trơ trán bóng” trong tương lai có tiềm ẩn từ những chuyện tưởng như vặt vãnh này. Chỉ đơn giản là vì: bản thân cái phần thưởng nhiều khi cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng tâm lý “một nghìn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, tâm lý không chịu thua kém đồng nghiệp (mà không ít người  chính là đối thủ cạnh tranh trong những chuyện vô cùng vớ vẩn). Và cái thói đua tranh ấy đã khiến con người khi lớn lên thì phải cố làm sao cho có cái danh anh hùng, chiến sĩ, rồi “nhân dân”, “ưu tú”… Tài hèn sức mọn nhưng vẫn không chịu thua kém, lại còn thích hơn người  thì đành phải gian dối hay chạy chọt. Thế là vì một cái hư vô mà con người chỉ còn  thấy phần “con”.

 Người ta sẵn sàng cho con đi học để viết chữ đẹp trong khi việc đọc sách hàng ngày, hay việc phát triển những  năng khiếu về các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, múa, kịch, .. cũng  không được  cha mẹ ủng hộ,  không muốn con theo học. Lý do thường đưa ra là mất thời gian, cần tập trung đầu tư vào mục đích chính và quan trọng nhất, còn những cái ấy để sau cũng được, …. Nhưng  những năng khiếu bẩm sinh ấy nếu không được vun trồng, chăm sóc  kịp thời sẽ thui chột, cái “sau này” ấy sẽ chẳng bao giờ có.  Chẳng qua chỉ vì, chữ thì ai cũng viết, xấu đẹp biết ngay, chứ còn những bộ môn nghệ thuật ấy ít người theo học, sao mình phải theo? Trong cái thiểu số ấy, sao tỏ rõ “tài năng”, mà dù có hơn trong cái số ít ỏi đó,  cũng kém “hoành tráng”. Đó là mảnh đất khó tỏ được cái vẻ hơn hẳn, cái nổi trội là thứ không thể thiếu được đối với nhiều người.

 Thói ganh đua chỉ có thể phù hợp với lứa tuổi trẻ con. Thích lao vào đám đông, thích làm những điều nhiều người cùng làm chính là để ở  trong đó, người ta đạt được mục đích ganh đua, đó là sự không chịu thua kém người khác, được hơn người, trong khi xã hội văn minh là nơi mỗi con người riêng biệt có thể được phát huy hết những năng lực và sở thích cá nhân, và niềm hạnh phúc chính là ngoài cuộc sống no đủ, con người được sống và làm những công việc mình thích thú

Đầu thế kỷ trước, nhà thơ Tản Đà đã có lời than:

Dân hai lăm triệu ai người lớn,

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Nghe chừng gần một thế kỷ đã trôi qua, tâm trạng  đầy thất vọng  của  nhà thơ xứ Đoài vẫn còn là lời nhắc nhở mà người lớn đừng quên

Mong các bậc làm cha mẹ đừng vì những ý thích cá nhân hão huyền mà làm trở ngại tới sự phát triển tự nhiên của những viên ngọc quý mình luôn luôn nâng niu..

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hay và có lý, về cơ bản thế giới có sự ganh đua thì mới có sự phát triển, là một triết lý không thể phủ nhận và được học từ cấp 3. Tác giả nói tới cách dạy con cái học ganh đua từ nhỏ, làm sai lệch mục đích sống của trẻ về sau, vậy tác giả có cách nào để tận dụng mặt tích cực của nó và loại bỏ mặt tiêu cực của nó không?. Phải chăng chỉ có cách theo sát và định hướng đúng lúc?

  2. Ý hay lắm! So sánh ngày hôm qua với ngày hôm nay của chính nó. Khen và khuyến khích đúng lúc – không chê (“sao con dở thế” thay bằng “nếu con cố gắng hơn 1 chút thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều”…).

    • Có đúng thì nhận xét cho đúng. Con mà có khả năng nhưng không làm cho đúng khả năn thì nói cho biết là “dở” . Người “lớn” dở cũng nhận xét như thế chứ cứ phải xoa bóp dụ kẹo làm gì. Thứ ấy chỉ có làm cho con mình cảm thấy “ấy thế cũng được rồi”.

      Sau 35 năm sống ở nước ngoài, một điều nhận thấy người Việt tranh đua với nhau cái xe, cái nhà, cái smartphone vv, nhưng lại không thể tranh đua với nhau làm sao cho xã hội tiến lên. Hễ cứ giữa người Việt thì có sự tranh đua về những thứ không cần. Và việc cần thì ai cũng “không rảnh” để là tham gia nữa là là “thi đua” !

  3. Mấy đứa con của cháu lúc bé chúng lười ăn lắm. Cái này không thích, thứ nọ không muốn. Nhưng chẳng cần thi, không ăn thì vẫn phải ăn, ăn cho hết phần cơm trong giờ đã định, bằng không thì không được chơi mà lại phải phạt.

    Bây giờ lớn lên cái gì cũng ăn. Chẳng phải thi với đua. Không học bài, điểm giở thì không chơi game. Không dọn đồ chơi thì sẽ bị cất đi hết.

    Khi lớn ra xã hội không mấy khi cần phong trào thi đua. Người biết lo nghĩ cho mình và xã hội, đất nước tự làm. Cho mình và cho người chứ thi đua với ai.

    Có lẽ vì tính trẻ con thích thi đua nên VN ta không khá. Vì không thi đua thì sẽ không làm !

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here