Khi máy bay hạ độ cao, có thể thấy những con đường dưới mặt đất to, nhỏ đều thẳng tắp. Ở Việt Nam, cũng có những con đường khá thẳng nhưng nhìn từ xa hay trên cao vẫn có cảm giác “xộc xệch”, là vì bản thân con đường có thể thẳng, nhưng các công trình kiến trúc dọc hai bên con đường ấy, nếu cái nhô ra, cái thụt vào thì cảm giác về một cái đẹp hoàn mỹ đã không còn. (Ấy là còn chưa nói tới những con đường uốn lượn được gọi bằng mỹ từ “đường cong mềm mại”).

Khác với Yangoon, cố đô của Myanmar rất  nhiều đường phố to rộng, nhiều làn xe nhưng vẫn yên tĩnh, ở Băng-cốc bên cạnh những đường phố lớn luôn tấp nập xe cộ không tránh khỏi ùn tắc, còn có khá nhiều những đường phố hẹp, được gọi là ngõ (“soi” trong tiếng Thái). Những con “ngõ” ở đây hẹp, chỉ có thể có 2 làn xe xuôi ngược, muốn lưu thông, người lái xe máy chắc không thể không có “tay lái lụa” để len lách, thậm chí leo lên vỉa hè. Mà vỉa hè cũng rất hẹp, nhiều đoạn có cảm giác như không có. Nhưng ngược lại ở Hà Nội hay Sài Gòn, các “ngõ” ở đây đều rất dài, thường  dài tới vài km, chúng đan xen với nhau tạo nên những khu vực khá yên tĩnh trong thành phố rất sôi động. Ở ta, nói tới “ngõ”, thậm chí ngay cả những đường phố người ta nghĩ ngay tới lối kiến trúc nhà ống, mỗi nhà được chừng 3 – 4 mét chiều ngang, chạy sâu chừng một vài chục mét. Vì ngõ hẹp, đất chật, lại luôn luôn muốn “bành trướng” nên nhà cửa xộc xệch, kèm theo không tránh khỏi cuộc sống “lúi xùi”, chẳng có nét gì của một thành phố hiện đại. Trong các ngõ ở Băng-cốc, hầu như các chủ sở hữu đều có nhiều trăm, thậm chí nhiều nghìn  mét vuông đất, các tòa nhà ở đây có thể cao thấp, to nhỏ khác nhau, kiểu dáng và chất liệu xây dựng không giống nhau, nhưng đều được quy hoạch một cách bài bản, hợp lý. Trên mỗi khu đất, các tòa nhà được sử dụng làm bệnh viện, trụ sở công ty, siêu thị, khu chung cư, hiệu ăn, …

Băng-cốc cũng có nhiều đường phố lớn, xuôi ngược mỗi bên chừng 4 đến 6 làn xe. Hầu hết những đường phố lớn đều có hệ thống đường trên cao với số làn xe không thua kém dưới mặt đất. Nhưng xe cộ luôn tấp nập, giờ cao điểm nhiều nơi tắc đường, để đi đoạn đường vài cây số có thể mất hàng giờ đồng hồ.

Đường phố xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, đi bộ muốn qua đường không phải dễ, nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng còi xe. Tắc đường tới cả giờ đồng hồ nhưng cũng không thấy lấn đường hay tiếng còi giục giã. (Ở Thái Lan hơn một tuần lễ, đi khá nhiều nơi kể cả các tỉnh xa Băng-cốc nhưng tôi không nghe thấy bất cứ một tiếng còi ô tô nào). Mỗi chu kỳ đèn tín hiệu ở các ngã tư đều lên tới 2 phút, hoàn toàn không có cảnh lấn vạch sơn, không có cảnh đèn còn dăm bảy giây nữa mới chuyển sang màu xanh đã vội vàng lao lên phía trước. Những người lái xe ôm (có đồng phục và biển số xe màu riêng để nhà nước còn quản lý và thu thuế) nổi tiếng về lạng lách, đánh võng, … đôi khi thấy “leo” lên vỉa hè, nhưng cũng không thấy “bác” nào dám phạm luật. Cũng phải nói xe máy ở Băng-cốc không nhiều, phần lớn của cánh xe ôm trong các ngõ, vì người ở đây muốn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe điện, … đều phải đi ra các đường phố lớn.

Ở Băng-cốc, lang thang nhiều nơi, tôi chỉ một lần thấy cảnh sát. Đó là hôm đi chơi ở phố Tàu (China town), đang lớ ngớ nhìn ngược ngó xuôi tìm taxi thì cảnh sát tới trước mặt. Sau khi biết mục đích của chúng tôi, anh ta nhanh chóng vẫy cho một xe, nói với người lái xe địa chỉ chúng tôi muốn tới, rồi đưa tay mời lên xe với nụ cười thân thiện. Tôi mới nghĩ, ở ta, do ý thức rất kém của dân chúng, chỉ riêng trong giao thông ở những thành phố lớn đã tốn kém biết bao tiền bạc, công sức. Tìm hiểu thêm, được biết, ở Thái Lan, chính phủ giao cho người dân có quyền và chịu trách nhiệm về những gì là của mình. Ở những tòa nhà lớn, lực lượng bảo vệ ngoài chức năng như ta vẫn thấy, còn luôn có một người mặc áo có băng phản quang, tay cầm lá cờ để giúp xe ra vào thuận lợi, tránh va chạm với xe đang lưu thông trên đường. Thấy một xe sắp ra, anh ta giơ cờ làm hiệu để các xe xuôi ngược biết chừng. Khách trong khu nhà cần gọi taxi, không cần đứng trên hè chờ đợi, cứ yên tâm ở phía trong, anh ta sẽ giúp đỡ. Ở bến xe đi các tỉnh, tôi cũng không thấy cảnh sát. Việc giữ gìn trật tự ở đây do người chủ của bến xe đảm nhận thông qua những người đeo băng và cầm cờ hướng dẫn. Trên xe, thấy một lời cảnh báo cấm hút thuốc, phía dưới là “chế tài”, người hút thuốc phải phạt 5.000 bath (bạt, tương đương khoảng hơn 3 triệu đồng Việt Nam). Tôi hỏi, người ta không có tiền nộp thì sao? Được trả lời: Người lái xe sẽ đưa tới gặp cảnh sát, người vi phạm sẽ bị tạm giữ chờ người nhà mang tiền tới nộp phạt sẽ được phóng thích. Thú vị ở chỗ chủ xe sẽ được nhận số tiền phạt đó. Vì thế, “lệnh” ban ra rất có hiệu lực.

Đất đai ở Băng-côc rất đắt, có lẽ vì thế nên suốt mấy ngày ở đây, tôi không thấy trong thành phố có vườn hoa hay công viên. Thay vào đó, đâu đâu cũng có cây xanh. Bên cạnh những khu vườn trong các tòa nhà, dọc đường phố, thay cho những bức tường bằng gạch hay bê tông là những hàng rào bằng cây xanh. An ninh tốt và có nhiều cách bảo vệ hiện đại  nên tường rào chỉ mang tính chất tượng trưng. Có cây cổ thụ, có cây tầng thấp, có cây bám trên các trụ của đường trên cao, cây leo trên cổng ra vào, có chậu cây đặt ở những nơi vỉa hè rộng rãi. Cảm giác như bất cứ nơi nào có thể trồng cây là có màu xanh. Vì thế đi trên đường phố tấp nập người xe qua lại nhưng người ta không thấy cảm giác căng thẳng. Hình như cuộc sống hạnh phúc đâu phải chỉ cần no đủ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here