Mấy chục năm đã trôi qua tôi vẫn chưa quên được ấn tượng về những phiên chợ miền núi từ những năm 60 ở Định hóa (Thái Nguyên), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), … Năm 2007, có dịp tới Bắc Hà, tôi cứ nuối tiếc mãi vì khác với trước đây, chợ họp vào những ngày âm lịch định trước, lâu nay, các phiên chợ vùng cao đều họp vào các ngày chủ nhật. Ban đầu để phù hợp với lịch làm việc của cán bộ nhà nước, không tranh thủ đi chợ quên việc cơ quan, giờ thì thêm một lý do nữa, phù hợp với các chuyến đi của khách du lịch. Suốt 10 năm, cứ mong ngóng tới Bắc Hà đi chợ nhất là sau khi nhiều phương tiện truyền thông coi đây là phiên chợ rất đặc biệt ở vùng cao, trong đó có chợ trâu, ngựa thu hút cả các thương lái khắp miền bắc.

Nhờ sự phát triển của các phương tiện vận chuyển hành khách, giờ đây từ Hà Nội đi Bắc Hà không còn mất quá nhiều thời gian. Nếu đi xe máy như thông thường, với quãng đường khoảng  gần 300 km, chúng tôi cần 3 ngày, trong đó có 2 ngày cho việc đi lại. Nay thời gian đã giảm chỉ còn một phần ba. Buổi tối có mặt ở Mỹ Đình, ngủ một giấc, sáng hôm sau, đã có thể ngồi ăn phở trộn, một đặc sản của Bắc Hà, đi chợ và một vài nơi lân cận rồi sáng hôm sau, đã có mặt ở Hà Nội.

Trước đây, về mặt kinh tế, chợ là nơi duy nhất để người dân mọi miền trao đổi hàng hóa. Tới chợ, người ta có thể thấy các nông lâm thổ sản đặc trưng của mỗi miền. Nào quế, hoa hồi, măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, cánh kiến, … và nhiều sản vật khác của rừng. Thứ gì cũng được vun đống hoặc những giành, sọt, thúng, … cao chất ngất chờ các nhà buôn miền xuôi. Chợ cũng là nơi người dân vùng cao tới mua sắm các sản phẩm công nghiệp hoặc sản vật của miền xuôi, điển hình là muối, dầu hỏa, … rồi kim, chỉ màu các loại, vải vóc, … rồi cuốc, xẻng, dao, rựa, …do các nhà buôn miền xuôi đưa lên. Để đưa hàng tới chợ, ngoài việc gánh, gùi trên vai, những người có nhiều hàng đều sử dụng ngựa thồ, kể cả người miền xuôi lên buôn bán. Một khu vực không thể thiếu và có lẽ nhộn nhịp, nhiều màu sắc nhất là khu mua bán các mặt hàng may mặc, những váy áo, vỏ chăn, tấm đệm, … sặc sỡ luôn luôn thu hút khách hàng nhất là các phụ nữ và trẻ em vùng cao. Người ta thấy những khuôn mặt rạng rỡ của các em, đôi má ửng hồng của các cô gái hay nụ cười mãn nguyện kín đáo của các bà mẹ già khi mặc thử những tấm áo, ngắm nhìn những bộ váy sặc sỡ đủ màu.

Chợ thường họp trên một thung lũng rộng rãi nhiều khi được mở rộng một cách tự phát lên các sườn núi xung quanh khiến khung cảnh thoáng đãng , mỗi khu vực có một cảnh sắc riêng nhưng vẫn nằm trong một tổng thể  tỏ rõ cái nhộn nhịp, sầm uất, náo nức của những người bán, người mua và những người đến chợ chỉ để giao lưu, gặp gỡ bè bạn.

Nhưng nay, chợ không còn giữ được cái không khí của những phiên chợ vùng cao xưa. Có lý do của sự phát triển chắc khó có thể cưỡng lại. Ngày nay, ở từng thôn bản đã có những cửa hàng nhỏ cung ứng cho người dân gói bột canh, lon nước giải khát  và nhiều nhu yếu phẩm khác; từng xã đã có không ít cửa hàng bán các loại hàng kim khí như cuốc,  xẻng, … thậm chí cả máy bơm nước, bình phun thuốc trừ sâu. Chẳng ai phải chờ đợi tới phiên chợ bảy ngày một lần để chờ mua sắm các mặt hàng thiết yếu đó.

Phiên chợ xưa thường không thể thiếu cái lò than cùng tiếng bễ phì phào, tiếng chí chát búa đập trên đe của ông thợ rèn. Họ đều là người Kinh, ở vùng xuôi lên, với cái bễ nhỏ cùng một ít than và đôi ba thứ dụng cụ cần thiết, những người thợ rèn lần lượt đi khắp các phiên chợ. Ở từng nơi, các ông đã có cái lều nhỏ cùng cái lò đắp sẵn, chỉ cần sửa chữa qua loa, lửa đã có thể đỏ rực, sửa chữa các loại dao cuốc phục vụ người dân. Nhưng nay các mặt hàng kim khí do Trung Quốc rất rẻ (mặc dù thời hạn sử dụng ngắn) cộng với việc các phiên chợ đồng loạt họp vào ngày cuối tuần đã khiến các ông “phó” rèn thất nghiệp, phải chuyển nghề.

Những gia đình sản xuất, thu hái được nhiều sản phẩm đã có những xe tải nhỏ hay xe máy cùng với việc cung ứng các mặt hàng cần thiết hàng ngày, tới thu mua tại chỗ, không cần chợ để làm nơi trao đổi hàng hóa.

Các mặt hàng may mặc thủ công  nay trở thành quý hiếm để cho các mặt  hàng công nghiệp thay thế. Trả lời câu hỏi của tôi nhận xét cách mặc của phụ nữ Mông kém đa dạng, một người dân địa phương giải thích: Để dệt và thêu  một cái váy bằng lanh theo lối truyền thống mất nhiều công phu, trong khi hàng “Tàu” tràn lan với cái giá rất rẻ. Phụ nữ Mông bây giờ chỉ để công dệt và thêu một cái váy cho ngày về nhà chồng, còn hàng ngày họ sử dụng cái váy ni-lon công nghiệp với giá khoảng 80 nghìn, trong khi cái váy làm thủ công có giá gấp mười lần như thế. Ông nói vui: Cái váy “Tàu” mặc cũ rồi cũng chưa phải vứt đi, người ta có thể cắt thành các dải nhỏ để buộc hàng rào thay cho cái lạt tre cổ xưa. Lời ông nói cắt nghĩa cho tôi vì sao trên các hàng rào của người dân bản địa cùng với tre, nứa, hay cọc gỗ thường thấy các dải vải màu đã bạc phếch vương vất. Chợ vùng cao giờ không còn thấy bóng các mặt hàng dệt thủ công do người dân địa phương làm ra, thay vào đó là tiếp nối cả dãy dài các hàng bán toàn đồ “Tàu” nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Thất vọng, tôi tìm tới khu vực bán trâu và ngựa, hy vọng sẽ tìm thấy một chút cảnh sắc xưa. Khu vực bán trâu có tới khoảng trăm con trâu chờ khách mua. Trái với ấn tượng về những con trâu truyền thống được lưu truyên trong tục ngữ “sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, lưng chữ “cụ” vú chữ “tâm””, trước mắt tôi, hầu hết là những con trâu có dáng ngoài không mấy vừa mắt. Thay vì làn da đen bóng, chứng tỏ sức khỏe và dáng vẻ của một “đầu cơ nghiệp” đáng tin cậy, nhiều con trâu ở đây bùn đất đầy mình, cả trên đầu, trên sừng. Trả lời câu hỏi của tôi sao trâu không được tắm rửa sạch sẽ trước khi mang tới chợ, một người Mông đang xem trâu cắt nghĩa: trâu không được ăn cỏ, chủ thường xuyên cho ăn cám công nghiệp nên da rất xấu, nhìn là biết ngay. Người ta đem bùn đất để che giấu khiếm khuyết đó. Trâu ấy chỉ có thể mua đưa về các lò mổ. Ít người mua vì giá trâu không hề rẻ. Một con nghé mấy tháng tuổi có giá không dưới 10 triệu, một con trâu có thể kéo cày bừa, có vẻ ngoài đáng tin cậy cũng có giá tới 45 triệu. Đó chính là lý do vì sao vắng khách mua trâu để phục vụ sản xuất.

Sang khu bán ngựa, cảm giác thật buồn. Khó có thể hình dung được các chú tuấn mã với những nước “kiệu”, nước “đại” trên đường thiên lý khi nhìn thấy những con ngựa ở đây. Những chú ngựa đủ màu lông, đủ lứa tuổi được buộc bên hàng rào một công viên đang xây dựng, nhưng hầu hết đều còm cõi, nhiều chú gày trơ xương chứng tỏ các chú luôn luôn trong tình cảnh thiếu đói. So với trâu, ngựa có giá thấp chỉ khoảng một nửa. Một con ngựa đẹp mã, có thể cưỡi cũng chỉ được phát giá 20 triệu, giá tiền chỉ bằng một cái xe máy  loại thường.  Nhưng người ta thích xe máy hơn, vì không phải nuôi bằng cỏ (xe máy chỉ khi sử dụng mới phải đổ xăng, ngựa thì ngày nào cũng phải ăn cỏ, ăn thóc, …) và chắc chắn xe máy chở nhiều hàng hơn, chạy nhanh hơn ngựa. Chẳng biết các chú ngựa sẽ còn tồn tại được bao lâu nữa trong đời sống người vùng cao?

Dời phiên chợ, biết bao những nuối tiếc còn mãi vương vấn trong tôi!

5 BÌNH LUẬN

  1. “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm”? Ấy chết, em cứ tưởng đó không phải là trâu, mà là…
    Rất hào hứng theo dõi các chuyến đi của bác. Nhưng em trộm nghĩ, đi thế hơi nguy hiểm (đi xe khách ban đêm lái xe hay chạy nhanh, chạy ẩu lắm ạ) và không thấy được nhiều cái hay.
    Nếu đi được đâu là em cứ ngày đi đêm nghỉ để còn “hóng hớt” cảnh đời.
    Em cũng “ngứa ngáy” Bắc Hà mà chưa tìm được cơ hội. Cám ơn phong cảnh trữ tình bác đã phác họa.

  2. Qui luật của phát triển Thầy ạ …. nhất lại trong một sự định hướng như bây giờ . Chợ Bắc Hà đánh mất bản sắc đã lâu ,gần đó có chợ Cán Cấu ở Si Mai Cai đỡ hơn chút chút

  3. Hồi tưởng lai thời ông Thủ Tướng Đỗ Mười “ĐÁNH TƯ SẢN””NGĂN SÔNG CÂM CHƠ”.Mua của DÂN như CƯƠP,bán cho cac QUAN CÁN BỘ
    thì như CHO ,như BIẾU KHÔNG.
    Đồng Xuân là chợ Thương Nhân,Vỉ Hè là chơ NHÂN DÂN ANH HÙNG

  4. Cuộc sống ở miền núi thực sự khiến cho mỗi người cảm giác thoải mái, bình an. Nếu được sống ở đây thì quả là điều đáng sống nhất.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here