Dạy về đường ăn ý ở, tục ngữ Việt Nam có câu: “Một sự nhịn là chín sự lành”.

Từ thuở còn đi học, cách nay hơn nửa thế kỷ, tôi đã được những người thầy của mình dạy rằng, tục ngữ là một kho kinh nghiệm quý báu về mọi mặt được truyền lại từ xa xưa cần phải trân trọng. Nhưng vì đã hình thành từ lâu đời nên không ít những câu tục ngữ này đã lạc hậu (do kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu khoa học) hoặc lỗi thời (do được đúc kết trong một xã hội nông nghiệp, cuộc sống tiểu nông hạn hẹp trong lũy tre làng). Thực tế ấy đòi hỏi khi áp dụng, kế thừa, cần suy xét với tinh thần “gạn đục khơi trong”. Với những hiểu biết ấy, tôi cho rằng câu tục ngữ vừa nêu đến ngày nay chỉ phù hợp trong mối quan hệ tay đôi, khi cái sự “nhịn” ấy chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của riêng mình. Đúng là nên sẵn sàng “dĩ hòa vi quý”, chịu thiệt thòi, nhẫn nhịn để giữ được mối quan hệ tốt đẹp với anh em, họ mạc hay hàng xóm láng giềng. Nhưng trong quan hệ chung giữa một cộng đồng rộng lớn, cách “nhịn” ấy nhiều khi là sự khôn lỏi theo kiểu “nhắm mắt làm ngơ”, là “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, là “khôn sống mống chết”.

Tiếp thu vốn cũ một cách thiếu suy xét, lại trong đà xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội, người Việt Nam ta ngày càng thấm nhuần, lấy câu tục ngữ này làm phương châm sống. Và đó chính là lối sống ích kỷ, một trong những nguyên nhân khiến đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Chính vì quan niệm sai lầm, ở mọi nơi, mọi lúc, thấy  những điều ngang tai trái mắt nhưng người trực tiếp chịu hậu quả không dám phản ứng, cam chịu, người chứng kiến thì ngảnh mặt làm ngơ coi như không động chạm gì tới mình khiến cái xấu, cái ác càng mặc sức hoành hành. Đến các cơ quan công quyền bị xách nhiễu, đến bệnh viện bị vòi vĩnh, con đến trường bị ép “tự nguyện”, … nhưng phần lớn đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhiều lúc thấy tội nghiệp, thật đáng thương hại vì thói quen nô lệ, cam chịu. Đấy là với những tác động trực tiếp, còn người ngoài cuộc, trước những chuyện “chướng tai gai mắt” lại càng thờ ơ với tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Cái sự “nhịn” ở đây không những không giúp “sự lành” sinh sôi mà là góp phần dung túng cho sự ác. Cái “ác”, cái “xấu” nhờ được nín nhịn càng có cơ hội phát triển.

Ở những cơ quan công quyền hay trường học, bệnh viện công, … người ta có thể ỷ vào cái quyền đang nắm để nhũng nhiễu. Nhưng nếu người dân chỉ cần lớn tiếng vạch trần thái độ cửa quyền đó cho mọi người xung quanh biết, chắc chắn họ sẽ chùn tay. Xin mọi người tin điều tôi nói đã được kiểm chứng bằng thực tế. Còn ở nơi công cộng, cùng là người dân đang chịu áp bức với nhau, trong rất nhiều hành vi, cách ứng xử sai trái có một tỷ lệ không nhỏ là do người ta vô ý do những lý do khác nhau. Nếu được người bên cạnh nhắc nhở, tôi tin chắc những sơ xuất đó sẽ được điều chỉnh và nhiều phần, tôi tin họ sẽ không mắc lại trong những trường hợp khác. Tất nhiên, cũng không thể  không kể tới một số “tay anh chị” (dân thường và quan chức) quen sống theo “luật rừng”, coi việc tuân thủ pháp luật và những quy tắc của cuộc sống văn minh là hèn hạ. Nhưng nếu gặp phản ứng của mọi người, chắc chắn họ cũng sẽ phải chùn tay. Vừa qua, những tay lái xe (kể cả xe biển xanh) dám đi vào đường ngược chiều, ngược làn, … gặp phản ứng kiên quyết của những người cùng lưu thông trên đường phải lùi xe, chấp hành luật đi đường đã chứng tỏ điều đó.

Trong khi những kẻ vẫn xưng là “đầy tớ” có trách nhiệm đảm bảo cho cuộc sống của mọi người có kỷ cương, có luật pháp còn đang mải mê với chuyện “hoàn vốn” và “sinh lời” cùng những nhóm lợi ích của họ, chính bản thân mỗi người chúng ta có thể góp một phần dù nhỏ bé để cuộc sống bớt đi những tai ương không đáng có.

Ở nơi công cộng, cần hành xử một cách văn minh sao cho xứng với những tiện nghi vật chất mình đang sử dụng; nên thân ái nhắc nhở những người xung quanh khi họ sơ xuất và cũng đừng ngại kiên quyết lên tiếng, ngăn chặn những hành vi xâm phạm những chuẩn mực chung trong phạm vi có thể.

Một xã hội tốt đẹp ai cũng mơ ước chắc chắn không thể từ trên trời rơi xuống. Nó là kết quả  chung tay góp phần của mỗi người.

 

3 BÌNH LUẬN

  1. Xã Hội Việt Nam từ 70 năm nay nó như thế .
    Nêu thây chuyện trái tai gai măt mà can thiêp thí chỉ thiết thân.Muố xong viếc thì chỉ dùng
    “PHONG BÌ”.Thói quen NHỊN NHỤC làm DÂN tà HÈN
    Nhãc Sĩ TÔ HẢI ,Nguyễn Tuân biết HÈN nên SÔNG`.Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần ,Phùng Quán
    Nguyễn Mạnh Tương kông chịu SỐNG HÈN

  2. Thời nay, người Việt coi đó là chân lí. Đến Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mà người ta cũng rủ nhau thửa bức trướng thêu chữ “NHẪN” đem tặng, tỏ rõ sự ca ngợi, thán phục cơ mà!

  3. Tôi xin có một góp ý nhỏ với onggiaolang.

    Có lẽ Thầy nên đặt giãn cách dòng trong các đoạn văn khoảng 1.15 đến 1.30 để dễ đọc hơn. Hiện tại thầy đang đặt giãn dòng 1.0 (single).

    Trân trọng,

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here