“Tín” là niềm tin, “ngưỡng” là ngửa mặt lên. Có thể hiểu tín ngưỡng là niềm tin thiêng liêng. Cơ sở của tín ngưỡng, theo Wikipedia  “là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người vào những cái “siêu nhiên” (hay nói gọn lại là “cái thiêng”) – cái đối lập với cái “trần tục“, cái hiện hữu mà con người có thể sờ mó, quan sát được”. 

Tín ngưỡng chỉ có thể là một nét đẹp văn hóa khi nhờ tín ngưỡng, con người được tôn vinh, cuộc sống của con người thêm đẹp đẽ, quan hệ giữa con người với nhau thêm thân thiện. Con người chẳng mấy ai không khỏi những sai lầm trong cuộc sống, với niềm tin vào một Đấng cao cả (có thể là  Chúa, là Phật, … tùy theo niềm tin tôn giáo của riêng từng người), người ta có thể giãi bày, sẻ chia nỗi ăn năn như để mong một sự tha thứ; Cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, vất vả, người ta tìm đến tín ngưỡng để tin tưởng vào tương lai, chờ mong một ngày mai tốt đẹp. Cuộc sống còn nhiều bất công, ngang trái, người ta tìm tới tín ngưỡng để hy vọng vào sự công bằng ở ngày mai. Đến với tín ngưỡng, con người được nâng cao cái phần “người”, trở nên cao thượng, thánh thiện, sống thanh thản giữa bộn bề lo toan. Tới những ngôi chùa ở Thái Lan, ở Myanmar, sao mình thấy hình ảnh của chùa chiền, hình ảnh người ta đi lễ chùa thật đẹp, thật đáng ngưỡng mộ. Cái tư thái thong dong, chậm rãi những nét mặt khoan hòa,  những tràng hoa ngát hương và  để chia sẻ nỗi niềm với Đức Phật, sau khi đặt chút phẩm vật đơn sơ nhưng tinh khiết lên ban thờ, người ta tới một nơi yên tĩnh (dưới một gốc cây, dưới chân pho tượng, hoặc đơn giản, chỉ là một góc vắng vẻ nơi sân chùa), hai tay chắp trước ngực, mặt ngẩng lên cao, lặng lẽ có thể tới nhiều giờ như thầm sẻ chia, như đang lắng nghe những lời khuyên nhủ, vỗ về, an ủi.  Mà chẳng cần so sánh với những xứ  lân bang, ngay với nước mình chuyện tín ngưỡng xưa và nay cũng cách nhau một trời một vực.

Xưa, những ngôi chùa nép mình dưới những tán cổ thụ, vườn cây râm mát, trầm mặc với vẻ rêu phong, vô cùng gần gũi với con người nghèo khổ; nay chùa chiền thi nhau khoe kỷ lục, trắng lốp, vàng chóe, đỏ rực như để khỏi thua kém  những nhà hàng khách sạn nhiều sao, những quán bar inh tai nhức óc bởi âm thanh chát chúa.

Xưa các nhà sư trong bộ quần áo nâu sồng khắc khổ, cặm cụi trên những mành vườn chùa, ruộng chùa làm kế sinh nhai, lặng lẽ suốt đời theo tấm gương từ bi hỷ xả của  Đức Phật; nay, các nhà sư áo mũ xênh xang, mặt mũi phương phi, đầy vẻ viên mãn hiên ngang bước lên nhận đủ thứ huân chương, bằng khen, phẩm hàm đậm mùi ham hố trần tục.

Xưa người ta tới chùa với những bông hoa, chùm quả còn ướt sương đêm và lòng thành kính; nay mang tới chùa những  mâm cao cỗ đầy, nhưng hầu hết là của giả với  màu sắc sặc sỡ để khoe với thiên hạ và để hy vọng lễ cao lộc hậu.

Xưa các bà, các chị thường tới những ngôi chùa quen thuộc vào ngày Tết, ngày rằm, mồng một, gửi gắm niềm tin vào một nơi mà nhiều khi suốt đời không thay đổi; nay, người ta đi đủ nơi đủ chốn, cầu xin đủ loại thánh thần, không biết đó là ai, chỉ cần nghe “thiêng lắm” là không quản đường xa cách trở như không thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư với phương châm sống “trăm bó đuốc ắt bắt được con ếch”. Và không thể chờ đợi, người ta phải lập tức nhét những tờ giấy bạc nhàu nhĩ vào đủ nơi trên tượng Phật theo triết lý sống “mì ăn liền”.

Xưa người đi chùa lễ Phật thường là các bà các chị, đàn ông có tới chùa phần lớn chỉ vì nơi danh lam thường cũng là thắng cảnh. Tới chùa lễ Phật nhưng nhiều phần là để hưởng cái thú tiêu dao, bầu rượu túi thơ giữa cảnh nước non hữu tình; nay đàn ông  tới chùa đông hơn nhiều và thường chiếm ưu thế nhờ sức dài vai rộng, trong các cuộc  tranh cướp những ấn, những lộc không chịu thua kém ai.

….

Một khi con người bị tầm thường hóa bởi những khát vọng vật  chất, bởi sự bon chen giành giật, cầu xin khẩn khoản, thậm chí tranh đoạt thô bạo, liệu cái tín ngưỡng ấy có đáng để tôn vinh?

 Hồi còn đi học, một hôm, mấy đứa tới chơi nhà thầy. Lật xem cuốn Larousse (Từ điển bách khoa Pháp) để trên bàn, thấy mấy bức tranh khỏa thân của các họa sĩ thời Phục hưng, bọn học trò chỉ trỏ, nhấm nháy. Thầy phát hiện được, mỉm cười, hỏi:

–         Có biết tại sao người ta cấm văn hóa đồi trụy, đốt hết những tranh ảnh khỏa thân mà trong cuốn sách tập trung cái tinh hoa của văn hóa thế giới  lại có những bức tranh này không?

Quả là thầy đã rất nhanh chóng hiểu được nỗi băn khoăn của lũ học trò còn thơ dại. Tất cả đều chăm chú lắng nghe lời thầy giải thích. Thầy nói khá dài, hơn 50 năm, không còn nhớ được bao nhiêu, và cũng hơn nửa thế kỷ, cách hiểu của thầy có thể đến nay không còn hoàn toàn phù hợp, nhưng dù thời gian đã gần hết cuộc đời con người, tôi vẫn nhớ ý của thầy: Cái gì tôn vinh con người, làm cho con người trở nên tốt đẹp, thăng hoa, …là cái văn hóa chân chính, đáng ngưỡng mộ, còn những gì kích thích cái phần bản năng khiến con người trở  nên thấp hèn đều có thể coi là đồi trụy.

Phải chăng, tín ngưỡng của nước Nam ta bây giờ đã trở thành loại  tín ngưỡng đồi trụy?

Cũng thời còn đi học, môn chính trị (học phổ thông,  chứ không phải đại học!), nghe thầy dạy “tôn giáo là thuốc phiện” (sau này lớn lên, mới biết vốn là lời của C. Mác: Tôn giáo là thuốc phiện  mê hoặc quần chúng.) Lúc ấy còn trẻ con, chẳng hiểu ra thế nào. Nhưng bây giờ thì hiểu rồi!

12 BÌNH LUẬN

  1. Mình thích những ngôi chùa làng,những chùa nghèo, xa đường quốc lộ,xa lánh chốn phồn hoa, đời sống của các nhà sư hòa với cuộc sống cần lao của những người dân quê chân lấm tay bùn .. Mình sợ những Bái Đính lắm. Hơn nửa thế kỷ qua,chùa chiền ở VN ngày càng tô đậm thêm cái nhếch nhác của một xã hội đang suy thoái toàn diện…
    Thử ngĩ xem : Cái gì khiến chùa chiền ở ta bây giờ k0 giữ được niềm tin tôn giáo thiêng liêng như ngày xưa nữa ? Chưa nói tới Thái Lan, Myanmar, hãy nhìn sang Lào hay Cămpuchia ..

  2. CÁC BẠN ƠI ĐẤT NƯỚC TA ĐANG ĐỨNG TRƯỚC VỰC THẲM CỦA SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI NHỮNG KẺ LƯU MANH VÀ BỌN CƠ HỘI ĐANG GIÀNH CHIẾN THẮNG NHỮNG NGƯỜI TRUNG THỰC ĐANG BỊ ĐÈ BẸP ĐỒNG TIỀN ĐANG THAO TÚNG LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI

  3. “Đến với tín ngưỡng, con người được nâng cao cái phần “người”, trở nên cao thượng, thánh thiện, sống thanh thản giữa bộn bề lo toan”. Đây là mục đích thật sự của các tín ngưỡng và tôn giáo, nhưng rất tiếc bây giờ nhiều người đến với tôn giáo, kể cả một số tu sỹ chỉ vì mục đích vị kỷ, mê tín, làm méo mó hình ảnh của các tín ngưỡng, tôn giáo

  4. Nếu nói: ” Tín ngưỡng chỉ có thể là một nét đẹp văn hóa” thì đó là chỉ có thể là suy nghĩ của cá nhân của những kẻ vô thần mà thôi. Sự thật thì “niềm tin” vượt xa cái “nét đẹp văn hóa” rất nhiều, nhiều lần.

  5. Dung the, Le Phat de cau su binh an, the moi co cau khan duc phat tu bi cuu kho cuu nan ,chu dung dung trc cua Phat ma cau tai cau loc, ngay xua dua ba ngoai di le chua ba dan the, con muon cau tai loc thi phai den ban tho Thanh mau . Lam le cau tai cau loc la thay ben dao thanh, chu k phai su nha chua. Su nha chua chi duoc lam le cau an thoi .

  6. Sư bây gìơ được coi là 1 nghề, chùa là văn phòng kiêm cửa hàng, phật tử chính là thượng đế.

  7. Làn sóng tâm linh bắt đầu mạnh từ khi các lãnh đạo cấp cao xì xụp lễ bái, có thầy bói riêng, có phủ đệ thờ cúng riêng, dân cứ thế mà theo một cách quá đà …

  8. mê tín dị đoan, vị kỷ được anh đúc kết trong khái niệm ” tín ngưỡng đồi trụy” thật chính xác

  9. Văn Giảng Việt nam có Ngưỡng nhưng không có Tín cấc bác a!Vì sao ư.Người Việt mình không có triết lý về tín ngưỡng rõ rệt .Chúng ta thường rất dễ tin và để rồi chẳng tin gì cả!Niềm tin sâu xa nằm cả trong cái bao tử cùng những dục vọng tầm thường mà thôi!Cứ xem và nghe các tín đồ lầm rầm cầu khấn thì biết họ muốn gì mặc dầu những ham muốn ấy nầm ngoài giáo lí nhà Phật!Rồi lại xem cách sinh hoạt của các chư tăng bây giờ thì biết họ xuất gia đầu phật nhằm mục đích gì!Khốn khổ một đất nước trung tam tôn giáo rát nhiều,chùa chiền lẵm,tăng lữ tín đồ đủ loại,nhưng họ đi lễ cầu kinh mà chẳng hiểu là gì!Vậy thì là mê tín chứ còn gì nữa!Mà chẳng cứ tôn giáo,ngay cả các lĩnh vực khác cũng vậy,dân mình dễ bị mê hoặc do cả tin vì thế cũng dễ bị lừa! Cái đó là do dân tri thấp ,lại không được mở mang bằng những tư tưởng khoa học cứ u u minh minh nên càng dễ bị sai bảo! Chỉ đến khi té ngửa ra bị lừa mới Chửi đổng! Các câu chuyện Tiếu lâm xưa bài xích tôn giáo là mấy ông sư hổ mang hoặc mấy thầy đô,thầy bói chinh là những câu chửi đổng bằng tiếng cười vậy. Ngươi mình chỉ được cái hồn nhiên như đứa trẻ:chửi cũng cười! Bốn ngàn năm vẫn trẻ con là vây! Mà trẻ con thì quan tâm gì đến triết li,chỉ bi bô thôi.Mạn phép kính các bác .

  10. Ở ta các thí chủ hối hả, chen chúc lầm rầm khấn vái miệng cầu lợi cầu tài, có khi bụng lại muốn đè đầu công ty bạn. Hơ…hơ ….

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here