1. Hồi còn trẻ nhiều khi có những suy nghĩ, những trăn trở muốn giãi bày, những ý kiến muốn đóng góp, những việc làm muốn hiến kế, … nhưng chẳng biết nói cùng ai. Nhiều nguời nghe nói sau một vài lần đều coi thế là “dở hơi”, thế là “cả gan cầm đuốc đốt trời” và thậm chí, cũng có nguời bảo đại ý cứ nghĩ nhiều quá rồi thành lẩn thẩn, tâm thần làm hại đến vợ con. Đến khi in-tec-net bắt đầu phát triển, có nguời khuyên mở một cái “bờ-lốc” cá nhân. Nhưng suy nghĩ một hồi rồi tôi thôi. Một là tốn tiền và nhất là lo mở một cái “bờ-lốc” thì không khó lắm, nhưng liệu duy trì được bao lâu? Viết được bao nhiêu? Đành vào đọc của nguời khác rồi “còm” nhờ vào trang của nguời ta. Năm 2009, con cháu mách cho cái “Phây-xơ-búc” và lập cho một tài khoản. Ban đầu tôi hào hứng lắm (vì miễn phí, không ảnh hưởng tới cái ví luôn “lép”) nên cũng vào đôi lần. Nhưng chán, vì toàn thấy “ảnh ọt” và thơ văn “khóc gió than mây”. Bẵng đi mấy năm, không còn nhớ gì tới cái trang “Phây” này nữa.
Cuối năm 2012, trong chuyến du lịch Myanmar cùng gia đình, máy bay bị tai nạn, phải hạ cánh khẩn cấp rồi bốc cháy. May mắn, gia đình tôi không ai làm sao, chỉ có hành lý mất hết. Suốt 5 ngày ở lại chờ đợi làm thủ tục để về nước, tôi đã được chứng kiến bao cách cư xử thân thiện, sự đồng cảm với những nguời bất hạnh dù xa lạ của những nguời dân ở một đất nước xa xôi. Điều đó lại càng trở thành sâu sắc khi tôi gặp sự thờ ơ của những nguời vốn được gọi là “đồng bào” có trách nhiệm ở Sứ quán. Những điều đó thôi thúc ngay khi về nước tôi đã viết bài “Tình nguời trên đất Miến”. Bài có hai phần: “Gặp nạn ở xứ người” (nói về tình nguời dân Myanmar với những nguời lâm nạn trên chuyến bay), và “Gặp “hạn” ở sứ mình” (nói về sự hờ hững đến vô cảm của các “đồng bào” ở Sứ quán Việt Nam). Cùng với việc gửi cho một trang báo mạng, bài này được con cháu đưa lên trang FB mà tôi đã lãng quên. Không ngờ chỉ chưa tới nửa ngày, tôi đã nhận được rất nhiều lời thăm hỏi, chia sẻ trên FB. Và cũng từ đó, tôi phát hiện, có khá nhiều trang FB “đứng đắn” hay nói đúng hơn là hợp cảnh hợp tình với bản thân. Khi ấy mới nhận ra một điều: cũng là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cả. Kết nối với ai, đó là quyền, là sự lựa chọn của mình, không ai có thể chi phối. Tôi bắt đầu làm quen với làng “Phây” từ đấy.
Tính đến hôm nay, trong danh sách, tôi đã có 1.308 nguời bạn. Trong danh sách bạn bè trên “Phây” của tôi, nguời cao niên nhất là bà Dì, em kế với Mẹ tôi, năm nay đã 91 tuổi. Hàng ngày Cụ vẫn đọc tin tức các loại và gặp gỡ con cháu trên “phây” qua cái “ai-pat”. Cho nên dù tuổi đã cao, không đi lại được xa, nhưng Cụ vẫn gần gũi, “nắm bắt” rất “nhanh nhạy” mọi biến động của con cháu ở khắp thế giới. Và thỉnh thoảng, với những tin “hot” Cụ vẫn có những cái “còm” rất cảm động. Mỗi lần thấy Cụ trên “phây”, con cháu thấy được gần gũi, yên tâm Cụ vẫn mạnh khỏe và vui vẻ. Nguời bạn nhỏ nhất của tôi là một cháu gái năm nay 3 tuổi, cháu ngoại của một chú em. Cháu thì chỉ biết xem ảnh trên phây, ảnh của mọi người nhưng ảnh của bản thân là chính. Cũng không phải là “tự sướng”, vì ảnh toàn do ông bà chụp rồi đưa lên. Mỗi lần ông cháu gặp nhau, tôi vẫn gọi cháu là “bạn phây”.
Bè bạn của tôi trên “Phây” là những nguời trong đại gia đình, họ hàng, anh em con cháu; bạn bè ở khắp nơi, học sinh tôi đã từng góp công dìu dắt qua nhiều thế hệ. Có nguời thường xuyên có bài, có nguời thỉnh thoảng, thậm chí có nguời chỉ theo dõi chưa một lần xuất hiện, … Mọi nguời, “nam phụ lão ấu”,…ai tôi cũng trân trọng, quý mến, coi đó là những nguời hiểu được tất cả những sẻ chia của tôi trong cuộc sống. Trong cái thế giới rộng lớn và hỗn độn này, tìm được những nguời hiểu mình chẳng phải là điều khó khăn và vô cùng thú vị đó sao?
2. Vào “Phây”, khi đã có một lượng “bạn” được kết, anh có thể biết được rất nhiều những loại tin tức khác nhau, thuộc đủ các lĩnh vực. Lâu nay, sống ở một nơi vắng vẻ (suốt ngày không phải nói với ai và cũng không phải nghe ai nói) tôi hoàn toàn không đọc báo giấy, ti-vi với tôi chỉ là phương tiện xem các trận bóng đá nhiều nước được truyền hình trực tiếp, nhưng tôi thấy mình không bị lạc hậu với những thời sự trong nước và quốc tế. Quả thật, tới nay, tôi đã coi “Phây” là một kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình. Ngoài ra, qua các bạn làm việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi khi vào “Phây” còn có thể đọc và học được khá nhiều những thông tin hữu ích.
Có nhiều thú vị, nhưng phải công nhận, đây là trò chơi chỉ dành cho nguời có nhiều thời gian rỗi rãi. Cho nên không ngạc nhiên, khi thấy đối tượng quen thuộc nhất trong làng “Phây” là dân văn phòng, nhất là văn phòng các cơ quan Nhà nước. Cách nay hơn năm tức là sau khi “chơi Phây” cũng khoảng thời gian đó, tôi giật mình vì mình đã bỏ phí thời gian, không làm khá nhiều việc cần làm. Vì cứ mỗi khi vào “Phây” nguời ta luôn được những thông tin mới. Nhiều khi cũng vặt vãnh thôi, có khi bài viết thì không mới, nhưng có “com-men” mới. Chỉ một lát, nguồn thông tin lại được bổ sung khiến khó có thể đóng máy, nhất là khi nguời ta có thể vào “Phây” với cái “Ai-pat” hay cái điện thoại xinh xắn.
Với các bạn trẻ, đây là một trò chơi cực kỳ lãng phí thời gian. Cái mới có thể tiếp thu không nhiều, không “bõ” với lượng thời gian bỏ ra. Cùng một thời gian ấy, nếu đọc sách, nếu học một cách có hệ thống, chắc chắn ích lợi sẽ hơn nhiều.
Cho nên, tôi đã phải tự quy định cho mình: một ngày chỉ vào “Phây” hai lần (khi nào có sự kiện nóng hổi thì có thể ba), mỗi lần nhiều nhất là một giờ. Ngoài ra phải tắt máy để thời gian làm những công việc khác hữu ích hơn. Với tuổi tác của tôi, một giờ có thể đọc được khoảng 50 trang hay dịch được một trang sách. Đó đều là những tri thức được chắt lọc của những nguời hiểu biết viết ra tùy từng lĩnh vực rất quý báu. Có thể đọc sách giấy, nhưng cũng có thể đọc sách ngay trên mạng. Dù là sách gì, những điều nó mang lại, với tương lai của mỗi chúng ta chắc có ý nghĩa hơn là vào các trang “Phây” có tính chất thời sự.
3. Trên trang của mình, tôi thường đăng tải những bài viết thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng những bài thuộc hai đề tài giáo dục và lối sống chiếm số lượng lớn. Là nguời đã hành nghề suốt 40 năm, tâm huyết với nghề nghiệp từ trước khi vào nghề cho tới khi đã dời bục giảng hơn chục năm, tôi có nhiều điều trăn trở muốn chia sẻ. Mục đích của tôi không phải là để phê phán, công kích ngành giáo dục hay những nguời có trách nhiệm trong ngành. Suốt 40 năm, tôi đã nhiều lần phát biểu trước các lãnh đạo Ty, Sở, Bộ (kể cả Bộ trưởng) về những yếu kém, tồn tại, thậm chí sai lầm ở những thời điểm và nơi chốn khác nhau nhưng kết quả vẫn chỉ là con số “không” tròn trĩnh. Vậy thì giờ đây, khi đã “rửa tay gác kiếm”, những lời của mình nào có ý nghĩa gì? Nhưng tôi vẫn viết, vẫn thể hiện thái độ của mình một cách dứt khoát, mạnh mẽ hơn. Cho tới nay, tôi đã có trên 80 bài viết riêng về giáo dục (xin xem trên w.w.w.onggiaolang.com phần Chuyện nghề), đề cập tới những chuyện từ vĩ mô tới vi mô, từ những chuyện “hoành tráng” tới mọi ngóc ngách, xó xỉnh của giáo dục; đã từng lên tiếng coi đây là “Một nền giáo dục phản tiến bộ”, đã đặt vấn đề “Giáo dục phục vụ cho ai?”, đã nói tới chuyện “Trước hết phải cải cách con người”, rồi “Sách giáo khoa”, chuyện “Dạy thêm học thêm”, chuyện “Trường chuyên lớp chọn”, … Và trong một bài viết, tôi cũng đã nói: đừng làm gì với giáo dục hiện hành, cứ để tự nó sẽ điều chính trước đòi hỏi của xã hội vì càng cải cách, sẽ càng tốn tiền mà càng thêm rối rắm.
Tất cả những điều muốn nói tôi chỉ dành một phần rất nhỏ cho các quan chức trong ngành, đối tượng tôi muốn hướng tới trước hết là những nguời đang làm cha mẹ, trong đó có các con, các cháu tôi, đang từng ngày từng giờ chắt chiu mọi thứ tốt đẹp nhất cho những đứa con yêu quý của mình. 40 năm dạy học tôi đã chứng kiến biết bao học trò đã mất tương lai vì sai lầm của cha mẹ. Gia đình Việt Nam ta giờ phần lớn chỉ có một hai đứa con, ai cũng coi những đưa trẻ đó là niềm hy vọng của mình. Sai lầm trong giáo dục con cái sẽ dẫn tới thất bại, tương lai sẽ không còn, hy vọng sẽ chấm dứt. Tôi muốn dùng đôi chút hiểu biết hạn hẹp của mình gióng hồi chuông để các bậc làm cha mẹ có sự lựa chọn tốt nhất cho con cái. Trước mắt, chúng ta không thể thay đổi được Bộ Giáo dục cũng như sao có thể thay đổi chính thể này? Đến những nguời như Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ, … còn “bó tay chấm com”! Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta bất lực. Đồng thời với cái lâu dài phải có những giải pháp cấp bách trước mắt. Theo thời gian, con cháu chúng ta vẫn lớn lên theo quy luật sinh học. Chẳng lẽ đành lòng nhìn chúng chịu mọi nỗi thiệt thòi, nhất là ngay chúng ta cũng có không ít các sai lầm khi dạy con. Vì sao cũng trong hoàn cảnh ấy, đã có những đứa trẻ thành đạt? Vì sao cũng trong môi trường giáo dục ấy, không ít các bậc làm cha mẹ đã dũng cảm lựa chọn cho con mình một lối đi không giống mọi người? Mỗi nguời sẽ tìm được lời giải riêng nếu được hiểu về thực trạng giáo dục nước nhà đồng thời được mở rộng tầm mắt, biết giáo dục các nước tiến bộ ra sao. Tôi viết vì thế.
Cũng như ai chẳng biết cái bộ mặt của cảnh sát giao thông nước ta hiện nay? Nhưng thay vì lên án, nguyền rủa (vì biết chẳng ích gì) tôi có những bài nói chút ít kinh nghiệm riêng làm sao để họ không thể “trấn” được mình. Tôi cũng có những bài viết về tín ngưỡng, hoàn toàn bác bỏ lối tín ngưỡng ngu muội, lầm lạc, chỉ làm con người thêm thấp hèn và mất tiền bạc cho những kẻ trục lợi. Những điều tôi viết chắc không thể khiến những kẻ lợi dụng thánh thần chùn tay nhưng chắc có thể thức tỉnh cho không ít nguời. Về mặt hiệu quả, có ích cho cộng đồng, tôi chắc làm như vậy thiết thực hơn.
- Làng “Phây” ta rất vui. Mỗi khi gặp nhau là nào “lai”, nào “còm”, rồi đủ thứ biểu tượng phong phú thể hiện các cung bậc “hỷ, nộ, ái, ố” vui mắt. Nhưng trong “làng” cũng có những biểu hiện thiếu lành mạnh.
Trước hết, đó là thái độ, phản ứng nhiều khi thiếu suy xét. Cũng do hoàn cảnh, đọc trong khi không thật tập trung, nguời thì đang nấu cơm, nguời đang trông con, nguời đang chờ bạn ngoài quán, nguời tranh thủ lúc rảnh rang chút ít, rồi phản ứng ngay bằng cách “còm”; rồi vừa mở máy, “nó” đã hỏi ngay “bạn đang nghĩ gì”. … Thế là vội vàng viết luôn những suy nghĩ, không có thời gian cân nhắc như lời khuyên của nguời xưa. Cho nên không ít những ý kiến vội vàng. Một bậc lão thành ngay khi kỳ thi chưa kết thúc đã vội kết luận nó “thất bại toàn diện” thì quả là đáng tiếc, một câu nói được trích dẫn chưa kịp truy đến cội nguồn đã bị “ném đá” tơi bời cũng không phải là điều nên vui. Cái câu của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại ý: trước thầy cô dạy một lớp có 40 học sinh, nay thầy cô dạy 40 học sinh trong một lớp, thì có gì sai? Thậm chí còn phải coi đây là một cách diễn đạt tinh tế. Kiểu nói này mấy ông Hoài Thanh, Xuân Diệu, … khi bình thơ hay dùng lắm! Nhưng nhiều nguời không hiểu nguyên tắc “cá biệt hóa” trong giáo dục, không hiểu cách nói nhiều màu sắc của tiếng Việt nên đã đua nhau lên án, thậm chí miệt thị, mạt sát. Tất nhiên tôi không phủ nhận ông này đã có nhiều câu nói không được sáng suốt, thậm chí tối nghĩa rất không đáng có ở một ngài Bộ trưởng. Nhưng như thế không có nghĩa là câu nào ông ta nói cũng sai. Nguời thận trọng không nên vơ đũa cả nắm. Đó đâu phải cách ứng xử của nguời tử tế?
Hay lời của nhà văn Trang Hạ. Tôi không quen biết, chỉ có đọc một vài cuốn của Trang Hạ nhưng tôi không thích nên cũng chẳng nhớ cuốn nào. Nhưng cái câu Trang Hạ nói: “Nếu cuộc đời bạn thất bại, sao lại đổ lỗi cho Bộ trưởng Giáo dục?” thì tôi thích quá. Vì rằng nhà văn đã nói đúng. Mỗi nguời làm cha mẹ phải dựa vào những đặc điểm riêng của con mình mà chọn lựa lấy cách dạy dỗ phù hợp. Mỗi con người khi trưởng thành phải biết tự lập thân. Vì sao biết cái Bộ này họ “ngoan cố” lắm, họ “thối nát” lắm, họ không chịu thay đổi dù nhiều điều họ làm vô cùng “trái khoáy” mà lại cứ theo rồi trách họ? Tôi biết nhiều nguời, trong đó có không ít bạn “Phây” đã “độc hành kỳ đạo” (tìm một con đường riêng) để dẫn dắt con cháu mình. Họ mới chính là những nguời biết làm cha mẹ, làm cha mẹ một cách thông minh, có trách nhiệm chứ không “bèo dạt mây trôi” theo thời thế. Cái sự không “trông mong” được vào Bộ Giáo dục tôi đã thấy ở nhiều nguời từ hơn 20 năm trước, điển hình là các quan chức cấp cao và rất chua chát là ngay ở Bộ Giáo dục. Họ “ở trong chăn” nên hơn ai hết hiểu cái không thể trông mong, họ đã cho con cái “tỵ nạn giáo dục” từ lâu rồi. Nhưng bà con bình dân sao có nổi mấy trăm nghìn “đô” để làm việc này. Không tự lo liệu còn ai có thể lo cho mình? Cứ mải theo Bộ rồi lến tiếng trách Bộ thì được cái gì? Thế mà nhiều nguời (chắc do chưa đọc kỹ) cho rằng nhà văn này “bênh” Bộ Giáo dục, rồi dùng nhiều ngôn từ tục tằn để “ném đá” thì thật bất công. Sợ rằng những lời nói vội vàng ấy lại rơi chính vào nguời đã buông ra khi chưa kịp suy nghĩ.
Hơn một năm trước, tôi đã có bài Dư luận viên. Bài này đã được nhiều trang mạng đăng lại. Trên trang của tôi, cho tới hôm nay (19.8.2015) bài này đã có 11.957 nguời đọc. Trong bài viết này, tôi cực lực phê phán thói xấu nói tục, chửi bậy của các “dư luận viên” và nêu nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của họ quá nông cạn, không đủ sức tranh luận và tư cách họ quá thấp kém. Đáng tiếc, nhiều bạn “Phây” (tôi chắc không phải là cái đối tượng kém cỏi này) cũng hay sử dụng những ngôn từ, cách diễn đạt như thế. Bạn tôi mà nói năng khiếm nhã là tôi “chia tay” ngay, nhưng tiếc đây lại là “bạn của bạn”, chẳng lẽ vì lời nói của một anh chàng “ất ơ” nào đấy mà mất một nguời bạn? Tôi đã có bài “Chuyện nói tục”, trong đó không hoàn toàn phủ nhận ý nghĩa tích cực của việc nói tục. Đôi khi, nó thể hiện thái độ quyết liệt, dứt khoát không chấp nhận của nguời nói. Nhưng bạn ơi, tiếng Việt ta tinh tế lắm, phong phú lắm, có rất nhiều cách để thể hiện những bức xúc, căm giận, khinh bỉ, oán hờn, … Cho nên, hãy chăm đọc sách để tiếp thu những tinh hoa của cha ông để lại. Còn những lời “tục tĩu”, thỉnh thoảng mới dùng, dùng một cách “đắc địa” thì có tác dụng, thậm chí còn tạo cảm giác thích thú cho nguời đọc. Nhưng chẳng cần nói năng, lý lẽ gì đã vội buông ngay một tiếng chửi, một lời “văng” thì thật khiếm nhã, không thể chấp nhận.
“Phây” là một trò chơi, nhưng tôi nghĩ là một trò chơi văn hóa.
P/S: vừa qua, có một vài bạn tôi vốn rất quý trọng nhưng phải “chia tay” vì bạn đã “chia sẻ” những bài viết có giọng điệu thiếu văn hóa. Ngoài nói tục, cách xưng hô “mày tao”, gọi nhau bằng “thằng”, bằng “con”, … tôi nghĩ đều không thích hợp trong quan hệ giữa nguời với nguời (trừ khi theo cách bạn bè thân mật, xuồng xã). Xung quanh chúng ta đã quá nhiều sự ô nhiễm, từ thực phẩm đến không khí, rồi tiếng ồn, màu sắc, … Nguời ta chỉ nên “chia sẻ” khi thấy bài viết của nguời khác hoàn toàn phù hợp với quan điểm, cách diễn đạt của mình (nếu có sự khác biệt thì nên nói rõ). Phải “chia tay” vì không nên để bản thân mình bị “quá tải” khi có thể.
Là tôi nghĩ thế!
Chí lý lắm thầy ơi
Cụ trên 90 còn vào phây được thì quí hóa vô cùng. Mong cụ sống lâu để vui vầy cùng con cháu. Loại bạn cỡ trên dưới 70 tuổi như tôi của bác chắc đếm không xuể bác nhỉ?
Em vẫn và mãi tự hào được là học sinh của Thầy!
Em là loại không bao giờ xuất hiện nè thầy. Nhưng bài nào của thầy em cũng đọc. Cảm ơn thầy nhiều lắm ạ.
Nhiều bài viết của bác mà được đưa vào trong chương trình học cho học sinh.Hay là làm tài lệu tham khảo cho giáo viên thì hay , có giá trị thực tiễn và nhân văn.Hơn là bắt học sinh phải nhai thơ Tố Hữu, HCM và ba cái gọi là văn học XHCN.
bài viết hay quá Đúng quá
知是不辱,知止不殆
Xin phép Thầy cho em chia sẻ trên Facebook và Fanpage của em. Cảm ơn Thầy.
https://www.facebook.com/pages/%C3%94ng-Gi%C3%A1o-Qu%C3%A8n/879623778782310?fref=ts
“Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”.
Xưa vua Tự Đức không nghe Nguyễn trường Tộ ,nay phỏng được mấy người trong các “VUA TẬP THỂ ” đọc FB của Ông Giáo.
Có lẽ TT Ly Hiển Long ,T Th Park Guym Hee cũng sẽ đọc nếu biết
tiếng Việt.
Chơi “phây” quả rất thú vị, nhưng cần chừng mực. Những giãi bày của ông Giao rất đúng .