Hôm vừa rồi có người hỏi trên Phây, ở Hà Nội bao lâu thì được coi là người Hà Nội?
Tôi xin phép thử đưa ra một gợi ý giải đáp, mong nhận được ý kiến của những người quan tâm.
Làng xã Việt Nam xưa khép kín, thường chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng. Ít người đi làm ăn xa vì ngại mạo hiểm, điều rất sợ là chết ở nơi “đất khách quê người”. (Điều ấy bây giờ vẫn còn ám ảnh nhiều người). “Chết bỏ làng” là lời nguyền rủa nặng nề. Tôi biết có những người cả đời chưa bao giờ ra khỏi cái huyện của mình. Những người đã nhiều đời định cư được gọi là dân chính cư. (Cư là ở, ở chính thức).
Người phải đi khỏi làng tới ở một nơi khác được dân chính cư gọi là dân ngụ cư (ngụ là nhờ, ở nhờ). Dân ngụ cư thường bị khinh thường, coi là hạng “trai trốn chúa, gái lộn chồng”, thành phần bất hảo (nếu không sao phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ cha mẹ, anh em mà đi?). Thêm mữa, đến nơi ở mới, những dân ngụ cư này thường đều nghèo và hèn. Nghèo vì tay trắng, chẳng có “thước đất cắm dùi” và hèn vì thân cô thế cô, không có bạn bè, vây cánh. Thường họ được chức dịch địa phương cho ở ngoài rìa làng, hoặc một mảnh đất “đầu thừa đuôi thẹo” bỏ hoang. Họ làm thuê làm mướn kể cả những việc dân chính cư coi là thấp hèn, không làm (như làm mõ) để nuôi thân. Họ phải chấp nhận thực hiện mọi nghĩa vụ như dân sở tại nhưng hầu như không được hưởng quyền lợi gì. Có thiệt thòi, oan ức cũng không ai bênh vực.
Nhớ hồi đi tản cư (trong kháng chiến chống Pháp), gia đình ở một làng quê vùng trung du Phú Thọ. Luôn bị coi là dân ngụ cư, mình đi học, trong lớp học sinh đều là dân chính cư, lại nhiều tuổi hơn, có anh đã có vợ nên luôn luôn bị bắt nạt. Không được ai bênh vực, sau vài lần mách thầy mới hiểu rằng thế là dại, chúng bị trách mắng, mình sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Suốt một thời gian dài, cứ thui thủi một mình, lúc nào cũng nơm nớp bị bắt nạt. Sau nhớ lại, thấy họ cũng chỉ theo thói quen trong suy nghĩ của người lớn.
Lệ cũ, đến đời thứ ba thì con cháu được coi là dân chính cư. Cũng có nơi nói “sau ba đời” (tức là phải sang đời thứ tư). Đời thứ ba nghĩa là nếu đời ông ngụ cư thì đời cháu đã được coi là người làng, còn “sau ba đời” thì phải chậm hơn một thế hệ. Chắc cũng khó có thể xác định rõ ràng quy định nào là chính xác. Nhưng mình nghĩ, quy định ấy có những cái lý của nó (còn có hợp hay không lại là chuyện khác).
Ba đời tức vào khoảng trên nửa thế kỷ. Với khoảng thời gian như thế, con người mới có thể thông hiểu mọi phong tục, tập quán, mọi “ngõ ngách” trong đời sống tinh thần, vật chất của làng. Thời gian đủ biết được sự tích Thành hoàng làng, nhiều chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử” của làng. Mọi nền nếp ăn ở, giao tiếp, thậm chí đến cả giọng nói đã hòa nhập với cộng đồng dân cư của làng.
Với khoảng thời gian ấy, người dân ngụ cư trước đây “thân cô thế cô” khi đặt chân tới làng đã đủ để có anh em, họ hàng, con cháu, …đủ để khỏi “lép vế” trước các gia đình, họ tộc khác. Đồng thời họ cũng đã bằng bàn tay của mình gây dựng được một cơ ngơi không đến nỗi kém cỏi so với những gia đình khác.
Và cũng trong ngần ấy thời gian, những người chứng kiến bước chân đầu tiên của kẻ “sa cơ lỡ bước” tới lập nghiệp nơi ở mới đã phần lớn từ biệt thế giới này. Dân làng đã chứng kiến sự ra đời của lớp cư dân mới trong làng, họ chính là những người “chôn nhau cắt rốn” trên mảnh đất này.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, người thân thích nơi quê cũ không tránh được quy luật của Tạo hóa, mối quan hệ với quê hương cũ cũng nhạt nhòa theo thời gian, sau bốn, năm đời sợi dây liên hệ lỏng lẻo dần. Cùng với đàn con, cháu sinh ra và lớn lên, người thế hệ trước nằm xuống được đào sâu chôn chặt, mảnh đất ấy dần trở thành quê hương. Bao kỷ niệm buồn vui từ đời ông đời cha và của chính mình đã khiến mảnh đất xa lạ hơn nửa thế kỷ trước trở thành “bản quán”
Một sự hòa nhập rất tự nhiên, không cần một buổi lễ công bố, một văn bằng xác nhận.
Có lẽ ngày nay ở các làng quê Việt Nam cũng chưa có gì thay đổi.
Nhưng Hà Nội có khác. Người Hà Nội gốc nay chẳng còn bao nhiêu. Phố xá, ngõ ngách đông đúc, hai nhà sát tường có khi chẳng biết nhau, toàn dân các tỉnh về cả nên người Hà Nội gốc trở thành thiểu số, và đang có xu hướng bị “yếu tố ngoại lai” chi phối mất dần bản sắc riêng.
Nhưng Hà Nội là thủ đô, là nơi hội tụ vẻ đẹp văn hóa nên được coi là người ở Hà Nội không nhất thiết phụ thuộc vào thời gian, khái niệm Người Hà Nội, Người Tràng An, …là muốn nói tới những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, trong đường ăn ý ở, cái lịch lãm trong vốn sống, …Có người ở mấy đời, thậm chí đi Tây đi Tàu đủ cả vẫn lộ rõ cái “quê mùa”, nhưng có những người từ tỉnh khác mới nhập cư không lâu, nhưng xuất thân từ gia đình có “nền nếp gia phong” thì đâu cần tới mấy đời!
Cháu cảm ơn BÁC về những bài viết mà cuộc sống hàng ngày cháu đang đi tìm lời giải. Bài viết “Chính cư, ngụ cư” của BÁC cũng chạm đến tận cùng nỗi băn khoăn của cháu dù câu chữ không cần nhiều, và cháu biết mình phải sống ra sao để không hổ thẹn với Bố cháu, với Bà con lối xóm làng cháu và những mối quan hệ trên này.
Một lần nữa cảm ơn BÁC !
Cháu TOẢN.
Ông là người lạc hậu, tư tưởng phong kiến ăn sâu trong tâm trí ông. Bấy giờ là thời đại nào mà còn chính cư hay ngụ cư. Ví dụ như tôi ở nơi khác đến nơi nào đó thì tôi mua đất và xây nhà để ở, tôi ở nhà tôi, tôi ko ở nhà ông nên ko thể gọi là ở nhờ, ông hiểu ko ? Dốt mà hay nói chữ. Hài…
Cháu rát tâm đắc với bài viết của bác a. Chúc Bác luôn dồi dào sức khỏe a!
Cháu đang tìm tài liệu học tập về dân ngụ cư thì tìm được bài viết của bác. Bài viết rất hay ạ. Cháu cảm ơn