Những câu thơ của Nguyên Hồng trong bài “Cửu Long Giang ta ơi!” cứ ám ảnh tôi suốt từ những ngày còn đi học:

Mê-kông chảy,

Cây lao đá đổ

Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương,

Những trưa hè,

Ngun ngút nắng Trường Sơn,

Ngẫm nghĩ voi đi,

Thác Khôn cười trắng xóa,

Rừng Lào Miên đẹp quá,

Dân Miên Lào mến yêu, …

Phải qua  nửa thế kỷ, tôi mới có dịp được tới thăm đất nước Triệu Voi, một mảnh đất  mà ngay khi viết những câu thơ trên, cho tới khi từ giã cuộc đời, nằm lại trong ngôi mộ dưới hàng cây xanh tốt nhìn ra cánh đồng rộng rãi ở  miền trung du Nhã Nam, Bắc Giang, Nguyên Hồng vẫn chưa có dịp đặt chân đến.

Một đất nước rất bình yên, còn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ và con người thì hiền hòa vô chừng, … đó là những ấn tượng không phải chỉ của riêng tôi trong chuyến đi này. Nhưng trong suốt chuyến đi, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện với một hướng dẫn viên du lịch người Lào, chị Antana.

Chị đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng rất nhiệt tình hướng dẫn khi có những đoàn khách Việt Nam. Được học ở Việt Nam từ thuở nhỏ, (chị có tên Việt Nam là Na) qua nhiều trường dành riêng cho học sinh người Lào ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Bắc Giang, … cuối cùng, chị tốt nghiệp trường đại học Thương nghiệp (nay là đại học Thương mại) năm 1985 rồi trở về Tổ quốc. Ở Việt Nam, chị cũng đã từng trải cảnh chạy máy bay khi có báo động (máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam), đã từng phải cùng các bạn Lào khác nhổ trộm sắn của người dân địa phương trong những ngày đói kém mặc dù đã được dành rất nhiều sự ưu tiên, … cho nên, chị rất giỏi tiếng Việt. Và cho dù ba bốn chục năm đã trôi qua, chị vẫn còn nhớ đinh ninh để rồi ân hận vô chừng vì trong những năm tháng thiều thốn ấy, các thiếu nữ Lào đã làm khổ các thầy cô giáo Việt Nam vì cứ nằng nặc đòi đổi vải “láng” lấy lụa đen trong tiêu chuẩn vải may quần hàng năm. Có hai điều chị luôn nói tới trong khi tiếp xúc với các du khách Việt Nam: “Ăn có đến cả tấn gạo của Việt Nam qua bao năm tháng học hành, không biết đến bao giờ mới trả được cái nợ ấy” và, “rất cám ơn các bạn đã tới thăm nước Lào, ăn cơm, uống nước ở Lào để tạo công ăn việc làm cho người Lào”. Giọng nói chân thành của người phụ nữ Lào đã không còn ít tuổi khiến không ai có thể nghĩ đó là những lời nói theo phép xã giao.

Tôi hỏi về đời sống của người Lào, chị nói không một chút giấu giếm: người Lào còn nghèo đói, lạc hậu lắm. Ở thủ đô hay các thành phố, thị xã còn đỡ chứ ở những nơi xa xôi, nhiều nơi bà con còn sống lối tự cung tự cấp, chưa biết thế nào là “mì chính”, thế nào là “dầu ăn”. Nước Lào có điện bán sang Thái Lan với sản lượng không nhỏ hàng năm nhưng rất nhiều nơi trên đất nước Lào, người dân vẫn chưa biết thế nào là “điện”, vì nước Lào rộng quá (bằng hai phần ba diện tích của Việt Nam) mà dân số chỉ có 7 triệu người.

Chị kể, trong dịp sang Băng-cốc dự lễ tang của vua Thái Lan Phumiphon Adunyadet  (Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt), vị vua Thái trong những năm trị vì đã có rất nhiều chính sách chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là những người dân vùng đông bắc Thái Lan mà trong đó phần lớn là người Lào nên rất được người Lào ngưỡng mộ và biết ơn, chị mới được biết ngay từ năm 1965, nhà vua Thái Lan đã cho đưa phương pháp nuôi cá tiên tiến từ các nước phương Tây cùng nhiều phương pháp canh tác hiện đại vào Thái Lan, giúp người dân Thái thoát nghèo đói. Sau những câu chuyện về cuộc sống no đủ của người dân Thái Lan, vè sự chăm lo của nhà vua với thần dân của mình, chị ngậm ngùi: Thế mà trong những năm tháng ấy, người Lào còn đang lo chuyện chiến tranh, còn đang phải chịu đựng bom đạn Mỹ. Chị cũng nói rằng, trong lịch sử, dòng sông Mê-kông chảy qua đất nước Lào, nhưng do sự xâm lấn của nước Xiêm, nhiều vùng lãnh thổ của Lào đã không còn là đất của Lào nữa, từ đó dòng sông Mê-kông bây giờ mới trở thành biên giới giữa hai nước. Nhưng người Lào vốn yêu chuộng hòa bình, những người lãnh đạo không muốn chiến tranh vì họ biết chiến tranh  chỉ mang lại chết chóc và điêu tàn  cho nên hai Hoàng thân Xuvana Phuma và Xuphanuvong (anh em cùng cha khác mẹ) đã thống nhất không tiến hành đòi lại mảnh đất của ông cha vì hai ông nhận thấy, dù nay đã là công dân của Thái Lan nhưng những người Lào ở đây vẫn được hưởng một cuộc sống yên bình và no đủ.

Trước khi chia tay chị ở Vang Viêng để lên Luang Prabang, tôi nói với chị:

  • Xin chị cho tôi hỏi câu này, chị có thể trả lời và cũng có thể không trả lời: Chị có nghĩ, chính do người Việt Nam chúng tôi mà nước Lào, người Lào bị lôi cuốn vào một cuộc chiến mà qua đó cuộc sống bình yên bị phá vỡ, đưa nước Lào vào tình trạng chậm tiến lạc hậu như ngày nay?

Không cần suy nghĩ, chị trả lời tôi:

  • Em thì không dám nghĩ thế, nhưng lớp trẻ bây giờ họ đều nghĩ như thế.

Quả là, trong thời gian dài, dưới chiêu bài “tinh thần quốc tế vô sản” các nước lớn đã dùng xương máu của nhân dân ta tiến hành cuộc chiến mà lợi ích của nó ngày càng nhiều người nghi ngờ để họ “tọa sơn quan hổ đấu”. Và đến lượt mình, chúng ta lại làm một việc chẳng khác gì với nước Lào mà chúng ta vẫn gọi là “anh em”.

Cũng may là người Lào đã nhận ra điều ấy dù có muộn. Chị cũng cho tôi biết, Thủ tướng mới của Lào đã có rất nhiều chính sách hợp lòng dân, được người dân ủng hộ. Trong đó có việc: mặc dù vẫn kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, nhưng không cho phép người nước ngoài (trong đó có người Việt Nam) được đứng tên thành lập các doanh nghiệp ở Lào; chấm dứt các hợp đồng cho  các doanh nghiệp Việt Nam được khai thác gỗ (tài nguyên thiên nhiên quý giá và rất phong phú của Lào), …

Hy vọng với những thay đổi ấy, một nước Lào yên bình và phồn vinh sẽ khởi sắc.

 

 

 

 

 

 

5 BÌNH LUẬN

  1. Người Lào rất hiền hậu, không ưa sự ác liệt – Đặc biệt là họ không giầu, sống còn lạc hậu nhưng xã hội không có kẻ cắp !

  2. Quan chức nước Lào họ bảo vệ dân Lào còn quan chức nước ta sao lại cứ coi dân như thù địch, chỉ tìm cách trấn lột dân thì là thế nào, hay quan chức nước Lào nhận thức chưa tới tầm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here