Tờ báo đầu tiên tôi được đọc trong đời là tờ “Cứu quốc” của Mặt trận Liên Việt. Báo ra hàng ngày in trên giấy làm thủ công của các “nhà máy” giấy Hoàng Văn Thụ hay Lửa Việt ở chiến khu, không được trắng, thi thoảng vẫn thấy những cọng rơm còn để lại dấu vết trên trang báo.
Hơn 60 năm, vẫn nhớ sau tên “Cứu quốc” là hàng chữ: Chủ nhiệm: Xuân Thủy, Chủ bút: Nguyễn Thành Lê. Báo khi ấy chủ yếu đăng tin chiến sự, tôi chưa đầy mười tuổi, không quan tâm đến chuyện này lắm. Nhưng đó là mối quan tâm hàng đầu của Bà ngoại tôi, vì từ đó, Bà có thể biết chừng nào có thể “yên hàn” (từ Bà hay dùng để chỉ kháng chiến thắng lợi), Bà có thể trở về Láng với những “lạnh” rau ngổ, rau húng, hành hoa, kinh giới, tía tô, … ngát hương gắn bó với Bà từ thuở lọt lòng. Thế là hàng ngày, vào buổi trưa, cô Đạt từ cơ quan về nhà mang theo tờ báo. Tôi phải đọc để Bà nghe hết mọi bài, chiều cô đi làm lại đem trả. Tờ báo khổ nhỏ, in ấn cũng “nhom nhem” nhưng Bà thường ngồi vá quần áo vừa nghe vô cùng chăm chú. Nhiều hôm các tin bài đã đọc hết, Bà còn hỏi lại như sợ tôi ngại mỏi mồm mà ăn bớt: Hết thật rồi à? Bây giờ mới hiểu, khi ấy, tờ báo là tất cả niềm tin của một nguời dân yêu nước, dám bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, của cải, … để đi theo kháng chiến, và luôn luôn chẳng thể nguôi ngoai nhớ về quê hương. Hơn 70 tuổi, vẫn biết ơn Bà, vì nhờ đọc báo cho Bà nghe mà tôi sớm đọc thông, lưu loát hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi.
Báo “Nhân dân” thì mãi năm 1951, sau khi thành lập đảng Lao động mới có. Ban đầu báo chỉ ra mỗi tuần 3 số mà hình như chủ yếu lưu hành trong nội bộ “đoàn thể” (từ khi ấy chỉ đảng). Rồi dần dần, từ sau khi tiếp quản Thủ đô, báo “Cứu quốc” mới “teo” đi, nhường ngôi “đại ca” cho tờ báo cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền.
Trong kháng chiến, tờ báo là nguồn thông tin duy nhất nên dù chậm ba bốn ngày, thậm chí có nơi chậm hàng tuần lễ, nửa tháng nhưng báo chí vẫn rất được trân trọng. Hàng ngày, vào khoảng 8, 9 giờ tối, tức là khi mọi nhà đã xong xuôi mọi chuyện cơm nước, gà lợn, … không khí đã yên ắng, mấy anh em chúng tôi trong đội thiếu niên lại đi làm cái việc gọi là “gọi loa”. Công việc rất đơn giản: hai ba đứa cùng trèo lên một cái chòi dựng sẵn trên cây cao, một đứa cầm cái đèn dầu, còn hai đứa thay nhau đọc cho đỡ mỏi mồm, tiếng đọc báo được phóng to nhờ sự gắng sức của nguời đọc thông qua cái loa bằng sắt tây (có khi chỉ tạm làm bằng mấy cái mo nang). Mọi người có nghe chắc cũng tiếng được tiếng mất, nhưng đó dù sao cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày gian khổ.
Khoảng 40 năm trước, hễ ai, nơi nào được báo chí nêu danh, nhất là được đăng cái ảnh “nguời thật việc thật” thì không thể có gì bằng, phần thưởng vật chất khi ấy còn rất khiêm tốn nhưng danh tiếng thì nổi như cồn. Ngược lại, những nguời, những nơi bị báo chí “bêu danh” thì chỉ còn nước “chui xuống đất”, nghĩa là kỷ luật của nhà nước sẽ giáng xuống như búa bổ và dư luận nhân dân sẽ té tát như giông bão. Báo chí khi ấy còn ít, cả miền Bắc chắc chưa đếm nổi mươi tờ. Cho nên, nguời ta càng chú ý tới việc đọc báo. Báo chí không chỉ thông tin, nó còn có tác dụng biểu dương khen ngợi hay nhắc nhở, cảnh báo. Nó như khuôn mặt tinh thần của đời sống xã hội.
Nhưng dần dà, niềm tin với tờ báo trong bản thân tôi cũng như nguời đọc dần phai nhạt.
Năm ấy, khu tập thể trường chúng tôi hân hạnh được đón một nguời khách, đó là anh Phạm Tiến Duật mới ở chiến trường ra. Vợ mới cưới của anh Duật là hàng xóm trong khu chúng tôi. Thỉnh thoảng anh mới về Hà Nội đôi ngày, còn toàn ở nhà đọc sách, làm thơ. Anh Duật hơn tôi ba tuổi, học trước một khóa, nhưng với bọn tôi hồi ấy, anh như thuộc một đẳng cấp khác: Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (tờ báo văn chương duy nhất), lại là một phóng viên vừa ở chiến trường ra (cái từ “phóng viên chiến trường” khi ấy đầy lãng mạn và hấp dẫn), thỉnh thoảng lại nghe nói anh về Hà Nội giao lưu với các bậc “đàn anh trong văn giới” như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, …rồi lại luôn được nhiều nhân vật nổi tiếng mời cơm (có lần anh còn khoe được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi tới ăn cơm và trò chuyện..). Nhưng có lẽ ở cái vùng sâu vùng xa, khó tìm được nguời chia sẻ nên hàng ngày cứ vào sau giờ cơm chiều, anh lại gọi mấy anh em giáo viên chúng tôi tới ngồi trước hiên nhà anh vừa “chè thuốc” (của hiếm khi ấy nhưng với anh thì rất sẵn) vừa nghe tin tức hay ca nhạc qua cái đài National anh mang từ chiến trường ra và trò chuyện. Một hôm, tôi nhờ anh đọc và sửa cho một bài tôi viết về giáo dục. Lâu ngày, chỉ nhớ chủ yếu viết về chuyện “số lượng và chất lượng”, cái số lượng hão huyền đã khiến chất lượng ngày càng giảm sút. Hôm sau, anh khen bài viết của tôi có nhiều ý hay và giàu tâm huyết. Uống chén nước, anh bảo tôi:
– Mình sẽ chuyển bài viết này của ông tới báo Nhân dân vì mấy hôm nữa, mình phải về đó làm việc. Nhưng cũng nói để ông đừng quá hy vọng, những bài như thế này khó đăng lắm!
Chưa kịp mừng, tôi hỏi lý do. Anh tiếp lời:
– Xã hội nào cũng thế, chế độ nào cũng vậy, giáo dục là cơ sở, là nền móng, không chỉ là cho hiện tại mà còn cho tương lai. Chỉ vào mấy trang viết của tôi, anh tiếp lời: Từ những cái tưởng như nhỏ bé thế này, ai còn dám tin vào tất cả?
Tôi hiểu. Và biết rằng vì quen biết chưa lâu, anh không thể nói gì hơn.
Chuyện ấy xảy ra từ năm 1972. Lần đầu tiên, tình cảm với báo chí trong tôi có vết gợn. Nhưng tôi vẫn đinh ninh chắc vì “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” nên “chúng ta” đã phải làm như thế. Và vẫn chưa hết niềm tin.
Ba năm sau, đất nước thống nhất, tôi được dịp trò chuyện với nhà thơ Thanh Tịnh nhân được phân công tới mời ông về nói chuyện cho thầy trò ở trường. Nhờ việc này, tôi được trò chuyện với ông ba lần. Một lần đến mời, một lần đến đón và lần cuối cùng tiễn ông về tới nhà. Qua những trang viết từ trước 1945, Thanh Tịnh để lại cho tôi ấn tượng về một nhà văn trẻ trung và đôn hậu. Trái với những điều ấy, trên gác 2 nhà số 4 Lý Nam Đế, sau hơn ba mươi năm, ngồi trước mặt tôi là một ông già dáng to cao và khắc khổ, giọng nói không còn giữ được chất thuần Huế và đặc biệt đôi giày sĩ quan ông đi thật nặng nề, khác hẳn với cái tinh tế của văn ông trong quá khứ. (Tôi không nhớ khi ấy ông còn giữ chức Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội hay đã nghỉ hưu). Suốt chặng đường hơn 80 cây số cả đi lẫn về, ông nói cho tôi nghe khá nhiều chuyện về “chiến tranh”, về “giải phóng” về “chủ nghĩa xã hội”. Tôi còn nhớ mãi hai câu thơ ông đọc:
– Trước đây, tôi mong mau chóng chiến tranh kết thúc vì
Chiến thắng nhanh, tôi về Phu Văn Lâu,
Chiến thắng lâu, tôi về Văn Điển.
Nhưng nay đã chiến thắng mà sao lòng vẫn chưa yên…
Qua những câu chuyện tưởng như rời rạc, chẳng ăn nhập gì với nhau, tôi càng hiểu ông là một điển hình cho những con người đã mất tất cả sau chiến tranh.
Nói về những “tiêu cực” (lúc này đã có chữ “tiêu cực”) trong đời sống kiểu như:
Ngực anh còn thấm máu đào,
Thì xe bà Tướng đã vào tới nơi.
Ông buồn rầu:
– Giờ chỉ được nói “tiêu cực” ở cấp thấp thôi, từ cấp Huyện là không được nói, Huyện ủy đã là “bất khả xâm phạm” thì làm sao chống được “tiêu cực”?
Cùng với không ít những sự việc khác, từ sau đó với tôi, báo chí không còn là chân lý, không còn là nơi có thể “chỉ lối dẫn đường” cho mình nữa.
Rồi tới những năm cuối 70, sang những năm 80, sự khủng hoảng của kinh tế kéo theo bao đổ vỡ của niềm tin. Báo chí dần chỉ còn có thể đọc vài tờ bởi vì, “đại ca” của làng báo ngoài địa chỉ 71, Hàng Trống và số điện thoại ra, độc giả khó tìm được điều gì là xác thực. Nguời ta chỉ đọc báo khi tìm được nguời sẻ chia, đồng tình, ủng hộ cái tốt, cái tích cực và với cái xấu, cái tiêu cực phải kiên quyết phê phán, đả phá. Một khi báo chí chỉ chuyên lo ca ngợi một chiều, giấu giếm những sai lầm khuyết điểm, lại còn “vùng cấm” ngày càng được mở rộng thì có nên gọi đó là báo chí?
Được thời gian ngắn “đổi mới” gây niềm hy vọng cho không ít nguời, báo chí nhanh chóng trở lại với những giáo điều tuyên truyền vô cùng cũ kỹ, những màn “tự sướng” rất kệch cỡm. Và những “vùng cấm” ngày càng rộng mở. Ban đầu chỉ là một vài ngành được gọi là nền móng, là cơ sở, chỉ từ cán bộ cấp huyện. Rồi “vùng cấm” lan ra tới hầu hết những nơi nào “có vấn đề”: công an, tòa án, trại giam, văn hóa, truyền thông, …. cán bộ thì khắp cả, từ cao xuống thấp và ngay các đại gia dù tội “tày đình” cũng có thể được coi là “vùng cấm”. Hình như tất cả các nhóm lợi ích đều đã trở thành “vùng cấm” với báo chí cách mạng Việt Nam và nội tình của nó luôn luôn như những cái hộp đen đầy bí ẩn. Báo chí giờ đây không chỉ bị kiểm duyệt bởi các chỉ thị và nghị quyết, nó còn bị sai khiến bởi đồng tiền và thậm chí bằng cả dùi cui điện.
Thế là cái xấu, cái ác mặc sức hoành hành. Luật pháp đã chẳng còn nghiêm minh, báo chí, cái mà các nước dân chủ và văn minh coi đó là “quyền lực thứ tư” để nguời dân thấp cổ bé họng trông cậy trong cuộc chiến giành công bằng cũng đã bị lũng đoạn bởi đủ thứ. Cuộc sống không thiếu gì cái để viết, nhưng nội dung báo chí cả gần nghìn tờ đều nhàm chán, đơn điệu, nhiều chuyện nguời đọc cả nước quan tâm như sự bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia không hề được nói tới vì cái “vùng cấm” nó mênh mông quá. Để “chèn” cho đầy trang (mới có thể bán lấy tiền, dù phần lớn là tiền “chùa”), nguời ta đua nhau “chuyện bé xé ra to”, tờ nào cũng đua nhau đăng những chuyện giật gân “cướp, giết, hiếp”, thậm chí bịa tạc ra để mà viết.
Từ một đứa trẻ đã mang cái giọng non nớt của mình tiếp sức với báo chí đưa thông tin đến với mọi người mọi nhà; từ nguời không thể một ngày không có báo dù bữa ăn còn đạm bạc, giờ tôi trở thành nguời dị ứng với báo chí, nhìn thấy quầy bán báo là tìm cách xa lánh, nghe tiếng rao báo qua những cái loa điện trên đường phố là có cảm giác như đang bị đe dọa bởi căn bệnh HIV.
Lâu nay, vẫn cứ nghĩ đầu óc của mình “có vấn đề”, “ăn phải đũa” của cái bọn gọi là “thế lực thù địch” . Nhưng hôm vừa rồi, thấy ông Hữu Thọ nói: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều.” thì mới biết hóa ra, cảm giác ấy không phải của riêng mình.
Nhà báo Hữu Thọ nguyên là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, là Tổng biên tập tờ báo Nhân dân. Nhận xét của nguời đã từng đứng đầu nghề báo chắc không ai có thể nghi ngờ. Sau đó ít ngày, báo chí lại đưa tin: một nhà báo đã bị công an hành hung khi tác nghiệp ngay tại Thủ đô, “trái tim của cả nước”.
Đó là những điều “tai nghe mắt thấy” gần nhất về báo chí cách mạng Việt Nam.
Nó khá giàu tính biểu tượng.
Với tôi : Anh là nhà báo…mạng.
Mình muốn có một NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM
Bài viết quá hay !
Giao
Chú ơi, viết nhiều nữa đi, dạo này chú viết ít hơn trước. Tay chú khỏi hẳn chưa. Bài này cháu thấy chú “bạo” hơn các bài trước. còn cháu thì giờ chỉ đọc báo “lề trái” thôi, hôm nay 21/6 ngồi ở máy đọc báo mạng, nghe TV nói về “báo chí CM” mà ngượng tai quá, nhưng không dám tắt vì bố cháu (84 tuổi, đã lẫn hẳn) đang xem. “chịu trận” cả hai – bố lẫn và TV của đảng nói về “báo chí CM”. chúc chú khỏe và viết đều
Một bức tranh toàn cảnh có thật (!)
Bác vào đề và dừng giỏi lắm, đúng như cái câu tiếng Tàu bác treo trước cửa. Em nhờ Google dịch mãi không ra.Sau phải tra lại cụ Lão Tử mới hiểu đó!