Những người phạm luật giao thông, nhất là số đi bằng xe máy, ô tô có vẻ vô cùng căm phẫn các “anh hùng núp”, những cảnh sát giao thông đã ẩn mình quan sát và sẵn sàng lập tức xuất hiện để bắt quả tang người vi phạm.
Đến lúc đó thì các “nạn nhân” không thể nào có cách chối bỏ hành vi của mình và chỉ còn chọn lựa một trong hai cách: hoặc nộp tiền phạt theo “barem” đã định sẵn trong luật với những thủ tục khá phiền toái, hoặc là tìm mọi cách thương lượng để giảm nhẹ mức độ nộp phạt bằng cách chịu chi một khoản tiền cho cảnh sát mà không lấy biên lai (nói thẳng là hành vi hối lộ).
1.Về mặt luật pháp, tôi thấy hành động “anh hùng núp” của cảnh sát giao thông chẳng có gì sai, chẳng có điều luật nào ngăn cấm. Trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn thường thấy những chuyện tương tự. Phải bí mật mới có thể phát hiện sự thật, nhất là những điều sai trái. Đến trẻ con cũng không lạ gì những chuyện như thế. Còn trong ngành cảnh sát nói riêng hay công an nói chung, tôi không được tường tận, nhưng hình như những hoạt động kiểu mật phục, nghi binh, … đều là những biện pháp nghiệp vụ được phép. Giờ đây, cũng như các nước, nhiều nơi, người ta đã sử dụng cái camêra để theo dõi thay cho con người trong nhiều việc. Như vậy, sự khác nhau chỉ là một cách bằng công nghệ hiện đại, một cách bằng “thủ công” truyền thống, đâu có gì khác?
Nếu có thấy “mất cảm tình”, nhất là khi nhìn những bức ảnh chụp các “anh hùng núp” ở nhiều tư thế tức cười, theo tôi, có lẽ chỉ có thể vì thấy nó không được “quân tử”, thiếu sự đàng hoàng. Thế thôi. (Mà xin nói thật, những tư thế tức cười này kể cũng khó tránh khi suốt 8 tiếng đồng hồ đối mặt với nắng, gió, với bụi đường và đủ thứ ô nhiễm khác. Chắc chỉ nên trách cái hấp dẫn của những tờ giấy bạc.)
Hôm trước, nghe nói ở một địa phương, thấy dư luận phê phán, thậm chí lên án các “anh hùng núp”, công an cấp trên đã lệnh cho cấp dưới không được có hành vi này nữa. Hình như cái lệnh này chứng tỏ các vị cấp trên hơi thiếu bản lĩnh.
- Trong một truyện ngắn, Nguyễn Khải kể chuyện người cô của mình, một bà cụ đã tám mươi tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn khôn ngoan mà nhà văn cảm thấy bà có thể biết được cả cái then máy của Tạo hóa, rất tiêu biểu cho các cư dân của Hà Nội cũ nay đã mai một đi nhiều. Bà là điển hình cho những người tử tế, người Hà Nội xưa là sống trung thực, lương thiện và biết tôn trọng pháp luật. Biết tôn trọng pháp luật trước hết là có lòng tự trọng. Có thể nói nôm na thế này: người bình thường, chẳng ai dám xúc phạm, nặng lời kể cả cảnh sát với quyền năng khá là “vô lượng”. Nhưng nếu ra đường, anh phạm luật, viên cảnh sát dù chỉ đáng tuổi con cháu cũng có thể nặng lời, thậm chí văng tục chửi bậy và có những hành vi xúc phạm khác, anh cũng khó phản đối vì lúc đó, anh đang là người phạm pháp. Họ xúc phạm anh vì anh là người không biết tự trọng. Mình còn không tôn trọng mình, còn hy vọng gì người khác tôn trọng?
Nhiều lái xe (xe máy và ô tô) hiện nay chỉ chăm chú có cái xe “xịn”, nhưng ít người nắm vững luật lệ, vì khi thi lấy bằng, kiểm tra luật họ thường dùng “đồng tiền đi trước”. Cho nên dừng đỗ ở ngã ba, ngã tư, đầu cầu; quá tốc độ cho phép, lấn đường, …thậm chí vừa lái xe vừa nhắn tin bằng điện thoại di động rất phổ biến. Các lái xe taxi tôi hỏi đều không biết luật “nhường đường cho người bên phải”. Cho nên phạm luật, gây tai nạn ngoài vì sơ xuất, đãng trí còn vì nguyên nhân này.
Có nhiều tin tức, ảnh, “clip” ghi lại cảnh cảnh sát giao thông có hành vi thô bạo với người vi phạm luật giao thông. Những thái độ, hành vi ấy là rất đáng lên án, không ai có thể bao che. Nhưng sự thực là, người vi phạm luật phải là người đáng phê phán đầu tiên. Anh phạm luật lại còn không chịu nhận lỗi, để trở thành nguyên nhân gây ra những hành vi thô bạo của cảnh sát. Thế là hai lần đáng trách. Nhưng trong những trường hợp này, thường chỉ thấy cảnh sát giao thông bị lên án. Hình như tâm lý bênh vực người “thấp cổ bé họng”, người nghèo vốn hình thành từ trong xã hội mang nặng quan điểm giai cấp mấy chục năm trước đã bị lên án gay gắt nhưng lại được phát huy tối đa trong trường hợp này. Tôi cho rằng thế là thiếu công bằng.
Chính quyền có những điều luật, có nhiều cách hành xử đi ngược lại với quyền lợi của đông đảo nhân dân, bị người dân phản ứng bằng nhiều cách. Đây là một thực trạng đáng buồn trong cuộc sống nhất là khi chính quyền ấy luôn nói “của dân, do dân, vì dân”. Thái độ “bất tuân thượng lệnh” của người dân nhiều khi thể hiện sự bất mãn đó. Nhưng tôi hoàn toàn phản đối cách không tuân thủ luật giao thông để thể hiện thái độ phản kháng. Vi phạm luật giao thông, cái chính quyền ấy chắc chắn chẳng hề hấn gì, nhưng nhất định sẽ gây tai nạn và người gặp nạn thường đều là người dân lành, trong đó có không ít những người nghèo khó. Tổn thất do tai nạn gặp trên đường sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho một con người, một gia đình. Tôi không muốn nói tới người vi phạm, vì có thể họ là những “anh hùng xa lộ”, những hảo hán sẵn sàng “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”.
- Công bằng mà nói, nếu không phạm luật, cảnh sát giao thông khó có thể làm gì được mình. Tôi từ năm 12 tuổi đã có lần vô ý phạm luật giao thông bị cảnh sát xử lý (Xin mời đọc “Đèn xanh đèn đỏ” trên trang www.onggiaolang.com), lại được ông bà cha mẹ dạy dỗ từ nhỏ phải biết tôn trọng luật pháp nên rất có ý thức về việc này. Có những lần, bị kiểm tra đột xuất, do không vi phạm điều gì nên sau khi xem xét các loại giấy tờ đầy đủ, họ đều cho đi.
Năm 2005, tôi tham gia một Dự án xóa đỏi giảm nghèo ở Sơn La. Biết Bảo hiểm xe máy đã hết hạn, nhưng tôi nấn ná, chờ lên Sơn La sẽ mua tiếp, hy vọng, lỡ có chuyện gì xảy ra, việc giải quyết sẽ thuận lợi. Ai ngờ trên đường lên Sơn La, khi qua Lũng Luông, một tốp cảnh sát giao thông ra hiệu yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Biết mình đang có lỗi Bảo hiểm đã hết hạn, nên khi xuất trình giấy tờ, tôi nhận lỗi ngay và nói lý do chưa mua Bảo hiểm. Công an yêu cầu xem giấy tờ thể hiện việc tôi lên Sơn La làm việc. Sau khi đọc Quyết định cử tôi lên Sơn La, và chắc cũng thấy Bảo hiểm cũ của tôi hết hạn chưa tới tuần lễ, họ để tôi đi, kèm theo lời nhắc nhở:
– Lên Sơn La, bác nhớ mua bảo hiểm nhé!
Sau đó 2 năm, trong chuyến đi chơi, khi qua Nam Định, tôi bị “thổi còi” vì vượt đèn đỏ. Giải thích do từ nơi khác đi qua, đang băn khoăn không biết nên đi hướng nào, đèn lại khuất tầm nhìn, nhưng anh cảnh sát giao thông “quyết không tha”. Thế là phải đi nộp phạt. Số tiền chẳng đáng là bao, nhưng mất thời gian đi tìm Kho bạc nhà nước. Kể ra cũng hơi “ấm ức” nhưng rồi lại nghĩ, đó là một bài học. Chẳng ai có thể tránh được sơ xuất, nhưng khi sơ xuất, bị phạt, nên vui vẻ chấp nhận. Bài học có trả giá chắc thấm thía hơn!
Một chuyện nữa: Hồi những năm 90, khi khách sạn Nikko mới được xây dựng trên nền bến xe Kim Liên, con đường Lê Duẩn bỗng mở rộng hẳn ra và quy định đi một chiều hướng về phía nam. Tôi ít đi lại trên tuyến đường này nên không biết. Hôm ấy, đi từ phía Bạch Mai lên, xe vừa qua ngã ba Trần Nhân Tông thì tôi bị dừng xe vì đi ngược chiều. Tôi chấp nhận nộp phạt, chỉ góp ý: “đường quá rộng, biển đặt trên hè nên người đi đường khó quan sát, cần đặt một cái biển ngay giữa đường để mọi người làm quen dần” rồi nộp tiền. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy họ đưa biên lai. Tôi hỏi, họ lảng đi, không nói gì. Bực mình, tôi tới Công an Hà Nội vào gặp trực ban góp ý. Người tiếp tôi sau khi điện thoại đi đâu đó, nói mời tôi tới Công an phường Nguyễn Du giải quyết vì đó là chốt do đơn vị này phụ trách. Tôi tới Công an phường Nguyễn Du phản ánh sự việc (cũng là nói suông thôi, chẳng có chứng cứ gì). Họ xem chứng minh nhân dân rồi bảo tôi về. Ai ngờ, về nhà, 8 giờ tối, đang lúc mưa to, có hai người tới tìm gặp. Đó là hai anh cảnh sát đã nhận tiền phạt mà không đưa biên lai cho tôi lúc chiều (lúc này họ mặc thường phục nên tôi không nhận ra). Hai anh xin lỗi, không trả lại số tiền phạt nhưng đưa gói quà chắc phải gấp đôi số tiền tôi đã nộp phạt.
Kể lại vài chuyện của bản thân để muốn nói, mình cứ chấp hành luật cho nghiêm chỉnh thì có gì đáng ngại đâu! Với tôi, cảnh sát giao thông luôn là những người giữ cho sự đi lại bình yên!
- Trong cuộc sống, thường thấy có hiên tượng này: người vi phạm luật giao thông, sau khi đã hối lộ để tránh hình phạt nặng nề hơn thường tỏ sự hậm hực. Hậm hực vì “mất tiền oan”. Hậm hực vì họ coi đó là mình bị trấn lột. Và dưới con mắt của họ, mấy anh cảnh sát giao thông là những người không thể chấp nhận được. Nghe những lời ca thán, phàn nàn ấy, tôi thấy hơi bất thường.
Một là, anh không hề mất tiền oan. Anh đã đỡ một khoản tiền, anh đã có lợi lớn. Trên đời này, người ta chỉ hối lộ để có thể được món lợi hơn số tiền phải bỏ ra để hối lộ. Chuyện “chạy” các loại, từ “chạy” việc làm, “chạy chức”, “chạy” quyền, “chạy” tòa án… đều thế cả! Vì biết cái ghế ấy có thể giúp mình có nhiều lợi lộc trong một nhiệm kỳ nên người ta mới bỏ ra bạc tỷ để “chạy”, cũng như chẳng có ai “chạy” để vào các cơ quan nhà nước hưởng đồng lương chết đói với số tiền cả nhiều trăm triệu nếu không chắc chắn cái chỗ làm ấy có thể giúp mình kiếm chác gấp nhiều lần số vốn đã bỏ ra. Hối lộ khi phạm luật giao thông cũng thế. Cho nên, đã có lợi rồi, sao còn ca thán? Thứ hai, khi tìm cách hối lộ, anh đã phải gãi đầu gãi tai, nói cười bả lả, kể lể nỗi niềm với người ta hòng nhận được sự thông cảm, châm chước. Giờ vừa mới “thoát hiểm” anh đã thay đổi thái độ, quay ngoắt 180 độ để chê bai, thậm chí mạt sát. E rằng, cách hành xử này có vẻ như “khỏi vòng cong đuôi”, “tiền hậu bất nhất”. Và thứ ba, điều tôi cho là quan trọng nhất: hối lộ là một hành vi thiếu nhân cách. Khoe khoang để làm gì?
Cũng có những người không cần hối lộ. Họ dựa vào sự thân quen với những người có vai vế để nhờ can thiệp. Đây chính là những người góp “công” lớn vào việc phá hoại kỷ cương phép nước, chắc không cần phải nói thêm. Nhưng thật phẫn nộ khi sau khi dùng các thế lực bên trên để ngồi xổm trên luật pháp, họ còn đem rêu rao, khoe khoang khắp nơi để tỏ là mình là người có siêu quyền lực. Rồi có khi còn tỏ ra ngạo mạn vì đã làm mấy anh cảnh sát “tẽn tò”, biết chắc mình phạm luật mà không làm gì được. Hôm đầu tháng, trên chuyến xe giường nằm đi vào miền Trung, tôi được chứng kiến (nói đúng hơn là nghe thấy) một việc. Trên xe, một hành khách nhận một cú điện thoại cầu cứu vì người gọi bị bắn tốc độ ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong vòng khoảng 20 phút vị hành khách này liên hệ tới nhiều nơi và cuối cùng, người cầu cứu đã được “giải thoát”. Có hai điều phải ngạc nhiên: Thứ nhất, vị hành khách này chắc chưa phải loại quyền cao chức trọng (căn cứ vào phương tiện anh ta sử dụng để xuyên Việt), thế mà đã có thể “chỉ đạo” cảnh sát giao thông từ tầm xa hàng nghìn cây số. Không biết những người có chức có tước, quyền năng còn có thể như thế nào? Và thứ hai, làm cái việc coi thường pháp luật như thế mà anh ta cứ oang oang, không hề có đôi chút ngượng ngập, hình như còn muốn cho những người xung quanh biết cái “oai phong lẫm liệt” của mình. Theo tôi, những người ấy, họ đã có tới hai lần mất nhân cách.
Rất tiếc trong số đó, không ít những người có học hàm học vị!
Tôi cũng là người mong muốn được chấp hành đúng luật giao thông, nhưng các bạn thử xem các vạch kẻ đường của mình có chuẩn ko, hầu hết là mờ và ko có. Lúc nào đột nhiên rõ là y như rằng có ” Anh hùng núp “.
Tôi cũng có đi ra nước ngoài điều đặc biệt là hạ tầng tốt, biển chỉ dẫn rõ ràng, ngoài đèn hướng dẫn giao thông thì các vạch kẻ các loại trên đường gần như lúc nào cũng rõ như mới. cho nên nó luôn nhắc nhở ý thức của người tham gia giao thông vậy, nó ko mập mờ như đánh đố ở ta.
Kết luận: tham gia giao thông ở ta ko vi phạm mới lạ.
Mình rất thích khi đọc bài này. Trong một xã hội văn minh, ý thức thượng tôn pháp luật là chuyện bình thường. Ở mình,văn hóa giao thông còn kém.Người mình sợ cảnh sát giao thông chứ ko sợ luật giao thông. Dẫu biết trong đội ngũ CS giao thông có không ít những cá nhân tiêu cực, nhưng mình cũng ko phản đối biện pháp “anh hùng núp”, kể cả áp dụng cách quăng lưới tóm những “anh hùng xa lộ”.., miễn những việc ấy làm cho giao thông VN tốt lên, chứ ko nhằm “cải thiện” cho những người thực thi pháp luật.Nhớ hồi Pháp tạm chiếm HN, cảnh sát dùng dùi cui vụt ko thương tiếc những ai chạy ngang qua đường đua xe đạp vòng quanh Bờ Hồ, gây vướng cản các cua-rơ. Mình cũng đã chứng kiến cảnh một tài xế xe tải bị cảnh sát Tây đánh túi bụi khi để xe hỏng gây ách tắc trên cầu Long Biên.Ở đây khoan hãy nói đén “lập trường dân tộc” hay “lập trường giai cấp” này nọ.V/đ là mục đích của các việc làm đó nhằm phục vụ cho lợi ích nào. Trong mọi lĩnh vực của đời sống, tuyên truyền giáo dục dân chúng là việc cần thiết, nhưng phải có các chế tài đủ làm nghiêm phép nước mới thật cần hơn.Phạt nặng những ai vi phạm luật giao thông, đấy là cách giáo dục tốt nhất. Thằng con rể mình ở Singapore chỉ dựng xe máy sai chổ quy định có hơn 1 m, bị phạt 1.ooo “đô” Sing (SGD)-chừng 1.700.000 VND. Cu cậu nhớ đời. Từ đó đến nay đã gần 10 năm, nó ko phạm luậtlần nào nữa.
Tôi là tài xế nghiệp dư , tức là chỉ lái xe nhà đi làm hay chở gia đình đi chơi. Tổng tiền tôi đóng phạt trong suốt 10 năm cầm lái khoảng 10M đồng, trong đó đóng vào kho bạc khoảng 30%. Không phải tôi là người không thượng tôn pháp luật nhưng khi người có quyền lực muốn đóng phạt tiền tươi tại chỗ thì làm sao trái ý họ được. Trái ý là gặp rắc rối cho mình ngay.
Cách đây 1-2 năm báo Pháp luật TP HCm có lấy ý kiến bạn đọc xem có bao nhiêu % CSGT nhận hối lộ . Kết quả khảo sát trên 90% chọn kết quả là 100%. Tôi cho rằng con số này chỉ nói lên cảm tính của người dân đối với CSGT, chứ không có giá trị khoa học nào hết. Nhưng cũng phải nhìn nhận là chắc chắn trên 50% CSGt nhận tiền tươi.
Ngày nay dù muốn hay không muốn cũng phải nhìn nhận là CSGT ra đường mục đích chính là kiếm tiền cho đủ chỉ tiêu. Do đó họ làm mọi cách từ chính thống cho tới không chính thống. Giống như người ta câu cá , hôm câu được cá nhiều thì đầy giỏ , còn hôm cá ít cắn câu thì tìm cách khác bắt cho đầy giỏ , .Có lẻ ông giáo làng chưa thấy cảnh CSGT hạnh họe những lỗi nhỏ nhặt để phạt tiền tài xế, hay cảnh những dòng xe khách ghé trạm nộp thuế. Như ông cha ta đã nói Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. Khi đồng tiền kiếm được quá dễ dàng thì người ta dù có kêu gọi gì đi nữa cũng là uổng công mà thôi
Hoàn toàn đồng ý với bác, vi phạm là phải bị phạt, sống phải thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề là pháp luật của ta như thế này:
1. Quy trình nộp phạt của ta căn bản là quy trình bắt buộc người ta phải hối lộ. Ở các nước, những lỗi thông thường, chỉ bị phạt tiền, thì người ta chỉ gửi biên lai nộp phạt. Còn ở ta họ giữ giấy tờ, nhận quyết định phạt, nộp tiền vào kho bạc, quay lại lấy giấy tờ. Có lxe từ miền Nam ra HN, k thuộc đường, vô tình vi phạm, gặp phải tình huống này, CSGT nhận tiền cho là may mắn rồi. Cái làm người ta hận là dường như pháp luật đồng hành với tiêu cực, pháp luật vô tình, pháp luật hành dân.
2. Biển báo giao thông k rõ ràng để người tham gia giao thông có thể tuân thủ. Mật độ xe quá cao, biển báo quá thấp, khuất tầm nhìn, quá nhiều quảng cáo bên đường, nhiễu loạn quan sát, đến lúc vi phạm, bị CSGT thổi, mới biết mình vi phạm. Những trường hợp này người dân như bị bẫy, tâm trạng uất ức, oán hận, k thể tả xiểt. Uất ức tích tụ thành nỗi căm phẫn, ngày càng trầm trọng.
3. Biển báo giao thông quá nhiều bất hợp lí, hạn chế tốc độ thấp hơn tốc độ nội đô ở các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ một cách tuỳ tiện. Chính vì vậy, đích thân BT Thăng phải chỉ đạo rà soát, bãi bỏ. CSGT rất thường lợi dụng bất hợp lí đấy để mai phục, thổi phạt. Các lxe chỉ biết kêu thấu trời.
4. Lxe là một nghề nguy hiểm nhọc nhằn, đường sá nước mình kinh khủng, chẳng giống ai, chẳng ai tôn trọng lxe, họ như là con mồi để CS đi săn, chẳng có CS nào đổi chỗ cho lxe. Đó là thực tế.
Bác viết khá thuyết phục, nhưng bác mới biết thương CSGT. Tôi biết họ phải mất rất nhiều tiền mới được ra đứng đường đấy bác ạ.
Bác chưa đúng, chỉ người dân mới được làm những gì pháp luật không cấm. Công chức, viên chức, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Trong trường hợp này là cảnh sát giao thông, chỉ được làm theo điều lệnh, quy chế và các quy định trong công tác. Tóm lại theo đúng chức năng, nhiệm vụ tại vị trí đó, khi thay đổi vị trí thì chức năng nhiệm vụ cũng thay đổi theo.
Về cảm tính thì : Nhiệm vụ chính của cảnh sát giao thông là hướng dẫn, điều tiết giao thông, thứ nữa là .., thứ nữa mới là xác định các hành vi vi phạm giao thông và thực hành phạt theo pháp luật.
Khí không phải, nhưng trong nghề của Bác, nếu Thầy, Cô nào chỉ chăm chú vào việc phạt học sinh thì… . Nếu lại chỉ chăm chú vào việc rình để phạt thì …
Em đọc Bác nhiều và kính trọng Bác nên mới đường đột thiếu tế nhị thế này, mong Bác tha thứ.
Thượng tôn pháp luật là trên hết, là mặt bằng để con người yêu thương nhau Bác nhỉ.
Kính.
Nế không chấp hành luật giao thông, thì chính mình là con mồi béo cho bọn CSGT, do đó trách chúng nó một thì trách mình mười. Mình không vi phạm quy định của nó, thì cụ nó cũng không làm gì được.
Khi vi phạm luật giao thông mà giải quyết theo kiểu 50 – 50 thì chính đó là thông đồng ăn cắp tiền ngân sách. Khi anh vi phạm đáng bị phạt , ví dụ 400 ngàn, thì lẽ anh phải móc túi mình lấy 400 ngàn nộp vào ngân sách, nhưng anh không nộp mà lại ăn cắp 400 ngàn đó chia cho cảnh sát 200 ngàn, còn anh lấy 200 ngàn cho vào túi mình.
Mọi cách hiểu khác đều chỉ là bao biện cho kẻ cắp.
Đọc bài này của thầy, em xin kể một chuyện với CSGT mà em nhớ mãi. Hôm ấy em đi làm về. Ra khỏi hầm gửi xe lúc 5 rưỡi, trời đang còn sáng, nên em chưa bật đèn xe máy. Trời chiều chuyển sang tối rất nhanh, và đèn đường cũng bật sáng trưng nên em không để ý bật đèn xe máy. Đang đứng ở đèn đỏ, một thiếu tá CS bụng phệ tiến lại, rút khóa xe và dẫn lên vỉa hè. Ông ấy hỏi giấy tờ, rồi bắt đầu dọa: Lỗi này là phải thu xe 7 ngày. Hic, em đi làm suốt, đầu tắt mặt tối, không có thời gian nghiên cứu luật giao thông và các điều khoản phạt, nên cũng không nắm được có bị phạt như thế không. Thấy em lo lắng, vị Thiếu tá xuống giọng: Thế thằng em làm ở đâu? Bây giờ mày có bao nhiêu? Em rút ví ra, ngoài mấy đồng tiền lẻ thì còn có 200.000 đồng. Vị cảnh sát bảo: Đưa đi rồi về cho sớm, đỡ phải lằng nhằng, chứ thu xe rồi là không có xe đi làm đâu. Em không nắm được Luật, nhưng cũng biết chắc lỗi này không đến mức bị thu xe, cùng lắm là nộp phạt vào KBNN. Nhưng thấy kiểu muốn “ăn tiền” của vị Thiếu tá, nên đưa luôn 200k cho lão, đỡ phải lôi thôi lằng nhằng mất công mất việc. Về sau, em không bao giờ quên bật đèn xe khi đi buổi tối nữa, nhưng tình cờ đi đường mà thấy cái bộ mặt và cái bụng phệ của vị Thiếu tá kia thì lại “uất ức” không chịu được. Còn vài vụ mất tiền nữa, cùng cái kiểu hỏi ý như nhau “thế thằng em có bao nhiêu?” –> Khiến em nhìn thấy bóng áo vàng là đã ghét rồi. Có lẽ 10 người dân thì phải đến 7-8 người ghét csgt.
Ông giáo làng thấy được và thông cảm được với các “anh hùng núp” (Xin lỗi vong linh của ông Núp). Nhưng ông có biết và thông cảm vì sao họ mất hàng trăm triệu đồng để ra đường không? Không phải chỉ có 1 con sâu đâu, nhiều đấy, gần 100% đấy…̀
Thầy sẽ còn thông cảm với các Anh CSGT hơn nữa nếu thầy biết được răng họ phải lo cả tỉ đồng để có cơ hội ra đứng đường phục vụ cho sự an toàn của người giao thông đó thầy ạ.Họ còn cao thượng hơn nữa khi còn ra một Văn bản quy định “Không được chụp hình ảnh CSGT ” dang làm nhiệm vụ.Họ không muốn những hình ảnh cao thượng của họ được xã hội chứng kiến,thầy ơi
Cảm ơn thầy vì bài viết bổ ích.
Tôi đồng ý với ý kiến của tác giả bài viết.Nhưng còn một điều rất đáng suy nghĩ : Hình như CSGT chỉ quan tâm đén phương tiện có động cơ,còn xe đạp thì bỏ qua.Thường xuyên ở những điểm có đèn chỉ huy giao thông xe đạp vượt đèn đỏ là hiện tượng phổ biến nhưng không thấy CSGT có ý kiến gì phải chăng phương tiện xe đạp được miễn trừ-như vậy rất dễ gây tai nạn và KHÔNG CÔNG BẰNG !
Giá của con mồi . Bé quá không bõ săn bắt.
Chấp hành luật đi đường, nhường thay vì vượt ẩu, lỡ sai thì lấy biên lai nộp phạt đàng hoàng… Thế thì giá chạy vô CSGT rớt thảm. Thu phạt giảm thì thu nhập toàn ngành CA mất khoản to.
Bạn ơi bạn nói rất đúng không thể nhìn 1 phía mà đánh giá chung ..ôi thật tuyệt vời
Rất đúng. Bên Úc trừ đường chính, những con đường phụ rất ít xe, không bao giờ thấy cảnh sát, nhưng mọi người đều tôn trọng những biển báo. Tại những stop sign như trong hình, dù đường vắng, xe cũng dừng (hẳn) lại rồi mới chạy tiếp. Nhưng người dân đã được học luật đi đường từ còn tiểu học, cha mẹ chạy ẩu còn bị con la (vì như thế rất nguy hiểm cho mình và cả xe khác vì họ đinh ninh xe mình sẽ dừng lại khi có stop sign) – Nó đã thấm vào máu từ nhỏ (như bị nhồi sọ vậy) smile emoticon
Không nghề nào mà không có người tốt, kẻ xấu. Nghề cảnh sát hay nghề giáo, làm chính trị hay làm đĩ cũng thế.
Tôi nghĩ rằng trước tiên mình phải nghiêm, phải tử tế đã rồi hãy nói người. Do vậy suy tư như bác Giao về căn bản là đúng, là cách nghĩ của người tử tế.
Bản thân tôi, khi có dịp gặp gỡ anh em CSGT tôi bảo ai vô tình mắc lỗi nên tha. kẻ nào cố tình vi phạm phải phạt bằng được. Tất nhiên nó có ô lợi hại thì cũng đành thua. Không biên lai thì cũng chung chi. Nói về đạo đức, nói về pháp luật đều không đúng. Nhưng nó làm người ta chấp hành nghiêm hơn. Bỏ qua không phạt, với mấy người đàn bà diêm duá hoặc mấy cô đỏm dáng nó cười duyên mà đã tha thì ngu. Chúng không hề tôn trọng mình, tha như thế là kém bản lĩnh.
Tôi cũng hai lần bị mất tiền. Một lần thấy thỏa đáng vì không để ý làn đường. Một lần tức vì chuyện đèn đỏ không rõ ràng. Mấy lần khác CS có xét hỏi nhưng tôi ôn tồn giải thích, họ đều mời đi.
Một lần bị lạc loanh quanh gần BigC Nam Định. Hai lần vòng đi vòng lại vẫn không thoát khỏi mấy cái vòng xuyến. Đành lộn trái đường để ra. CSGT lập tức áp đến. Tôi nhận lỗi liền và giải thích tại sao lại cố tình phạm lỗi. Anh CS xem giấy tờ rồi thân chinh dẫn đường cho tôi thoát khỏi “mê lộ”.
Tôi không thể bênh lái xe khách. Họ lòng vòng dừng xe dọc đường (trong thành phố) để bắt khách, nhưng không dừng xe trong thành phố để cho khách xuống với lý do sợ CA phạt, cho dù những chỗ đó không thể có CA.
Ta không được coi người đời là thánh thiện. Nhưng trước tiên ta cố gắng đừng vi phạm những lề luật. Nếu đã vi phạm phải cam tâm chịu phạt. Nói như người Tàu: Hảo hán làm, hảo hán chịu.