Năm 1952, ông Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua ái quốc với khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang gặp muôn vàn khó khăn vì nhân, tài vật lực đều vô cùng thiếu thốn, phong trào đã huy động được sức người sức của trên khắp mọi miền đất nước cho kháng chiến. Khắp nơi là những khẩu hiệu kêu gọi thi đua tòng quân, thi đua đi dân công, thi đua tăng gia sản xuất, … Mỗi gia đình, trước khi nấu cơm đều bớt lại một nắm gạo cho vào “hũ gạo kháng chiến” dành ủng hộ bộ đội. Không ai muốn thua kém khi đến kỳ mang gạo trong “hũ” góp vào số gạo chung của thôn, xã. Mỗi khi được báo có bộ đội hành quân qua làng, các bà mẹ, các em thiếu nhi nô nức thi đua, mang theo người nải chuối, người quả đu đủ, có người chỉ là một ấm nước vối cùng mấy cái bát, đón bộ đội ở những nơi dừng chân. Rồi thi đua “đóng nhanh thóc tốt” nộp thuế nông nghiệp, thi đua đón thương binh về gia đình chăm nuôi, … Phong trào thi đua sôi nổi đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của cuộc kháng chiến. Giá trị của thi đua trong thời gian ấy không thể nào phủ nhận.
Từ điển tiếng Việt giải nghĩa: “Thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác hoặc học tập” (Hoàng Phê chủ biên – Từ điển tiếng Việt – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 967). Như vậy, thi đua nghĩa là phải gắng sức hơn bình thường. Có thể coi như lúc ấy con người phải “gồng” mình lên để đạt mục đích. Nhưng sau khi “đem hết tài năng sức lực”, theo quy luật để tồn tại, người ta phải nghỉ ngơi, cơ thể sẽ “trùng” xuống. Việc gắng sức chỉ có thể xảy ra trong những thời điểm nhất định. Không ai có thể gắng sức mãi, gắng sức hết ngày này qua ngày khác, gắng sức cả đời. Làm sao có thể lúc nào cũng “thành tích tốt nhất” được?
Việc phát động thi đua lẽ ra nên dừng lại sau khi kháng chiến đã thành công để mọi người trở về với cuộc sống bình thường. Rồi đến một lúc nào đấy, khi cần thiết lại có thể phát động thi đua để huy động đến mức cao nhất sức mạnh của toàn dân đặng hoàn thành một nhiệm vụ trước mắt. Như vậy, thi đua mới có tác dụng tích cực.
Nhưng không biết ông Hồ Chí Minh hay những người học trò của ông sai lầm. Phong trào thi đua không thấy khi nào ngừng nghỉ, và luôn luôn đòi hỏi kiểu như “năm sau cao hơn năm trước” hoàn toàn theo ý muốn chủ quan của những người lãnh đạo. Khả năng của con người không thể nào làm được điều đó, nhưng để không làm các cấp trên phật ý (vì cấp trên mà phật ý thì lôi thôi lắm!), người ta phải có những cách ứng xử thích hợp. Các “phó thường dân” sau khi “tay giơ rất cao và miệng hô rất to” thì trở về trạng thái nghỉ, thế là “có phát mà không động”, sức người có hạn, không “động” nổi, nói thì cứ nói nhưng chẳng ai làm. Nhưng các cấp lãnh đạo thì không thể vừa lòng với hiện trạng ấy. Để vừa lòng cấp trên, để tỏ ra mình không hề kém khả năng chỉ đạo, và vì nhiều cái khác nữa, đành phải chọn cách thứ hai, nói dối để chiều lòng cấp trên. Cấp trên này lại nói dối cấp trên cao hơn. Khi không còn cấp trên để dối trá nữa, cấp trên cao nhất quay lại dối dân. Thế là khép kín một chu trình “mèo lại hoàn mèo”. Thói dối trá nảy sinh và ngày càng trầm trọng.
Năm 1952, tôi mới 8 tuổi, học lớp 2, ngay khi phong trào do ông Hồ Chí Minh mới phát động, đã được chứng kiến sự dối trá này rồi (có điều chỉ “chứng kiến” nhưng mãi sau này mới hiểu, mới thấy). Hồi ấy, thầy giáo lớp tôi phát động thi đua bắt sâu cứu lúa. Một buổi sáng, cả lớp ra cánh đồng, dăm ba học sinh xuống một thửa ruộng để bắt sâu. Tôi bé nhất lớp, vốn xuất thân từ thành phố, mới tản cư về, hàng ngày có tăng gia sản xuất thì cũng chỉ trồng khoai, vun sắn, (vì nhà không có ruộng cấy lúa), chưa đi bắt sâu bao giờ, thậm chí con sâu lúa như thế nào cũng chưa thấy. Lội xuống ruộng, bùn sâu đến gần đầu gối, lúa cao hơn đầu người. Lóp ngóp, bì bõm suốt một buổi sáng, tôi mới bắt được 9 con sâu. Trong khi người ngồi cạnh tôi bắt được 109 con. 60 năm đã qua, tôi vẫn không quên vẻ dè bỉu của anh bạn khi biết tôi chỉ bắt được có 9 con sâu: “Chỉ bằng được cái số lẻ của tao!” Sau khi được các bạn báo, tổ trưởng cộng số sâu tổ mình bắt được báo cáo với thầy giáo. Theo kết quả ngay tại chỗ, tổ 3 bắt được nhiều nhất (lâu quá, tôi không nhớ được bao nhiêu con). Nhưng hôm sau, khi nghe thầy tổng kết thì tổ 3 chỉ xếp thứ 2 sau tổ 1. Hóa ra tổ 1 sau khi biết được con số của tổ 3 đã “sáng tạo” thêm vào kết quả của tổ mình để trở thành tổ đứng đầu. Cũng là “hão” cả thôi, chứ nào có được cái gì! Anh tổ trưởng tổ 3 ức lắm nhưng không dám nói. Đến lúc tan học, trên đường về, anh ta văng: “Từ giờ tao đ. thi đua nữa. Chỉ toàn ăn gian!”
Không ngờ một “cậu bé nhà quê” mới 14, 15 tuổi đã sớm phát hiện ra cái “gót chân Asin” của phong trào thi đua như thế. Sau này lớn lên, trở thành cán bộ nhà nước, luôn luôn phải thi đua, tôi càng thấy nhận xét ấy là đúng.
Hồi chống Mỹ, có phong trào thi đua “cánh đồng 5 tấn” trong nông nghiệp. Để đạt danh hiệu này, mỗi khi xác định danh hiệu, ban chủ nhiệm các HTX phải tìm chọn thửa ruộng nào tốt nhất để gặt mẫu cho cấp trên kiểm tra. Những cái chiếu được mang ra (lúc ấy chưa có loại bạt nhựa hay ni-lon như bây giờ). Từng lượm lúa được “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa” đưa lên chiếu, rồi người ta nhẹ tay, nhẹ chân vò cho những hạt lúa rụng ra (không được đập vì tránh để những hạt lúa có thể văng ra ngoài sự kiểm soát, ảnh hưởng đến thi đua). Rồi cân, rồi tính toán. Diện tích đem gặt thử cũng không nhiều, nói là để không làm mất thời giờ của “các đồng chí cấp trên” nhưng thực ra một thửa ruộng không phải chỗ nào lúa cũng tốt như nhau. Chia số lượng lúa gặt được cho số mét vuông đã gặt, rồi nhân với 10.000 mét vuông (1 hecta). Đo, cân, rồi cộng trừ nhân chia, cái gì cũng “du di” một chút. Thế là đạt 5 tấn một hecta. Trong không khí phấn khởi, cấp trên mặt đỏ tưng bừng chào mừng thành tích. Thế là có cờ thi đua. Còn diện tích chung của cả cánh đồng thì chẳng biết được mấy tấn. Theo nhiều người thì năng suất đại trà chỉ đạt 2, 3 tấn.
Chăn nuôi cũng thế! Năm 1967, xã T. của tình Hà Tây nổi tiếng sản xuất giỏi, đặc biệt là chăn nuôi. Đàn lợn ở đó nhiều nhất tỉnh. Nghe tin Thủ tướng đích thân về xem xét, để chuẩn bị “nhân điển hình”, yêu cầu các nơi về học tập. Các “bố” lo cuống lên. Hợp tác có trại nuôi lợn thật. Cũng tòa dọc dãy ngang bề thế lắm. Lúc đầu thì nhiều lợn, cả mấy trăm con, nhưng làm ăn không có hiệu quả. Mấy bà được phân công làm ở trại chăn nuôi thì chỉ rình bớt xén, mang thức ăn về cho lợn nhà mình. Lợn còi cọc chẳng ra làm sao, hiện giờ không có được mấy con. Chỉ đủ để tiếp khách. Nhưng đã “cưỡi lên lưng cọp” rồi. Thế là các ông ấy có “sáng kiến” mượn lợn ở các gia đình về thả vào chuồng của hợp tác. Kế hoạch được tức tốc thực hiện. Lợn của toàn xã hễ con nào béo tốt đều được huy động để …đón cấp trên về kiểm tra. Nhưng khổ nỗi lợn lạ chuồng, chúng cứ kêu la, rồi cắn nhau loạn cả lên. Muốn yên phải cho chúng ăn. Nhưng lo thức ăn cho mấy trăm con lợn đâu có dễ. Hồi ấy đã làm gì có thức ăn công nghiệp chỉ cần xúc rồi đổ vào máng như bây giờ! Thế là nháo nhào cả lên lo cám, lo rau, lo chảo nấu, lo củi,…Lợn no rồi, đã nằm yên thở và lim dim đôi mắt, nhưng chờ mãi đoàn kiểm tra vẫn chưa về. Đến khi đoàn về thì chúng lại đã đói, lại bắt đầu “mất đoàn kết”. Một thành viên trong đoàn của trung ương thấy lạ, hỏi: “Sao lợn trông có vẻ cứ nháo nhác thế?” Rất nhanh trí, một cán bộ tỉnh giải thích: “Chắc trại chăn nuôi ở đây vốn yên tĩnh, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy bà chăm nom. Hôm nay thấy đông người qua lại, rồi cờ quạt khắp nơi, chúng nó sợ!” Thấy cấp trên “gật gù”. Không biết “gật gù” vì tán thành cách giải thích ấy hay “gật gù” khen “tay này biện bạch giỏi?” Cũng may là cấp trên chỉ loanh quanh độ dăm phút rồi “rút”, chứ không thì có mà ….
Đại khái thi đua cách nay gần 50 năm rồi đã như thế. Còn bây giờ, nghe nói, người ta chẳng cần gặt mẫu, mượn lợn. Chỉ cái phong bì là xong. Có “ba-rem” rồi. Không biết đúng sai thế nào!
Thi đua trong ngành giáo dục thì “khiếp” lắm. Tôi đã thi đua gần 40 năm rồi nên chẳng lạ gì! Phong trào thi đua có tiêu chuẩn giáo viên phải đi dự giờ thăm lớp của nhau, mỗi tuần 1 tiết, nói là để học tập lẫn nhau, nâng cao trình độ. Dự giờ của nhau 1, 2 tiết thì còn được, thỉnh thoảng dự một tiết thì còn tạm gọi là có hứng thú. Chứ tuần nào cũng dự thì chán vô cùng! Thà cứ dạy lại còn thích hơn. Thế là sinh ra cái gọi là “dự giờ hữu nghị”. Mỗi người “tưởng tượng” ra một giờ của đồng nghiệp ghi vào sổ, rồi báo cho nhau biết: “Hôm ấy, hôm nọ tớ dự giờ cậu đấy nhé!” , “Thứ ba tuần trước tôi dự giờ của ông nhé!” (Đề phòng lãnh đạo thẩm tra mà!). Có cấp trên về dự giờ kiểm tra thì dặn học sinh, ai cũng phải giơ tay khi nghe thầy hỏi, ai biết thì hướng bàn tay lên trên, ai không biết thì nắm bàn tay lại.Chuyện này kể cho vui thôi, thi đua như thế chắc cũng chưa hại lắm.
Hại nhất là thi đua đạt chỉ tiêu lên lớp. Năm nào cũng phải 90%. Mà học sinh kém thì nhiều lắm. Tôi còn nhớ, một lần nghe ông Đặng Thai Mai nói đại ý: bao giờ học trò kém cũng nhiều hơn học trò giỏi. Tôi tin ngay, vì ông Mai cũng có thời gian đi dạy học. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các lớp tôi dạy, học trò kém phải cỡ 20 – 30%. Nhưng không được cho thi lại, càng không được cho ở lại lớp. Biết cho ai ở lại, cho ai lên lớp trong khi sức học như nhau cả. Đã thế thì cho lên hết! Đỡ rắc rối, đỡ phải giải thích, lại được danh hiệu thi đua. Thế là sinh ra việc học trò ngồi nhầm lớp. Học lớp 5, lớp 6 rồi mà có nhiều học sinh vẫn không biết đọc, học lớp 9, lại tiên tiến hẳn hoi mà một phép tính chia đơn giản không làm nổi. Ai chưa tin, xin mời đi kiểm tra đột xuất, chứ không được báo trước. (Hôm vừa rồi, nghe trên tivi, có ông ở cơ quan thanh tra kiểm tra gì của trung ương hẳn hoi lại bảo: “thanh tra phải báo trước mới đảm bảo tính minh bạch.” Chẳng biết ông ấy ở cái “lò” nào đào tạo ra? Chắc “ngài” cũng là một “sản phẩm” của phong trào thi đua!)
Rồi các loại danh hiệu thi đua thì cứ “tít mù” lên. Ban đầu, học sinh giỏi đã là nhất rồi. Sau nhiều học sinh giỏi quá, mấy đứa “giỏi thật” nó thắc mắc, thế là phải thêm “giỏi toàn diện”. Rồi “giỏi toàn diện” cũng lại nhiều quá, những đứa “giỏi toàn diện” thật nó thắc mắc. Thế là lại có “giỏi xuất sắc”. Không biết còn loại giỏi gì nữa. Có lớp 49 học sinh thì 48 học sinh giỏi, toàn gần 100% học sinh giỏi. Cha mẹ thấy con được “học sinh giỏi” thì phấn khởi lắm, cảm thấy sự “đầu tư” của mình “có hiệu quả”. Nhà trường thì chẳng mất gì, thu tiền của cha mẹ học sinh càng dễ. Con mình học giỏi, có đóng góp ít tiền cũng thấy “mát lòng mát dạ” vì những đóng góp này góp phần cho con mình được “học hành đến nơi đến chốn”. Nhưng người ta không lường hết cái sự nguy hiểm của những danh “hão” này. Bố mẹ cứ nghĩ con mình giỏi thật, không có định hướng thích hợp, đến khi thi đại học mới “ngã ngửa người” vì tiên tiến, giỏi mà ba môn chỉ được vài ba điểm. Đến khi ấy thì đã muộn. Cái tuổi tiếp thu tốt nhất kiến thức phổ thông đã “một đi không trở lại”. Đánh đổi bằng cả cuộc đời.
Hồi còn đi dạy, một hôm, hiệu trưởng bảo tôi: “Khi nào dạy xong, ông gặp tôi chút nhé!” Tôi đến, ông mới pha xong ấm nước. Sau vài lời xã giao, ông bảo tôi: “Sáng nay có phụ huynh đến gặp tôi, họ phản ánh một việc có liên quan tới ông.” Tôi im lặng. Ông hiệu trưởng nói tiếp: “Họ đề nghị nhà trường xem xét việc dạy của ông, vì theo ông ta nói con ông ấy có thành tích trong những năm trước rất tốt, năm nào cũng là học sinh giỏi, ông của nó là nhà văn, mẹ nó lại là giáo viên dạy giỏi môn Văn nhiều năm liền. Nhưng từ khi vào lớp 10 đến nay đã gần hết một năm học, chưa bao giờ bài tập làm văn ông cho nó được điểm 5.” Tôi không biết nói thế nào. Ông hiệu trưởng ngồi đợi một lúc, nghĩ là tôi “bí”, nhắc lại: “Ông thấy thế nào? Tôi hẹn ông ta ngày mai sẽ trả lời qua điện thoại.” Tôi cười, bảo: “Học sinh các lớp nhiều lắm, tôi không thể nhớ hết. Nhưng tôi chấm bài, chứ đâu có chấm lý lịch trích ngang của học sinh. Trách nhiệm của tôi là cho điểm đúng với chất lượng của bài kiểm tra. Có khó gì đâu, ông chỉ cần bảo người ta mang cái bài nào thấy cho điểm chưa đúng cho tôi xem. Nếu có sai sót, tôi sửa ngay.” Sau mãi cũng không thấy ai nói gì, vì những bài tôi đã cho điểm dưới trung bình thì những chỗ sửa chữa, đánh dấu bằng mực đỏ nhiều lắm, chỉ thoáng nhìn đã thấy “sợ”.
Trường cũng thế. Ban đầu trường tiên tiến là “ghê” lắm. Nhưng rồi trường đến 90 % trường là tiên tiến. Thế là thêm “tiên tiến xuất sắc” Còn phải thêm nữa!
Sau nữa không thể không nói đến chuyện thi tốt nghiệp. Năm nào cũng đỗ gần 100% cả. Ban đầu thì cũng tương đối nghiêm túc. Nhưng vì thi đua, không tỉnh nào chịu thua kém tỉnh nào. Thế là chấm lại, chấm lại để không kém hơn! Những năm sau, để khỏi mất công chấm lại, thì coi thi “nới” dần, cho học sinh “nó” được “thoải mái”. Giám thị có đưa bài cho con cháu mình hay con cháu người thân cũng “lơ” đi. Vì chính họ đã giúp cho trường, cho huyện, cho tỉnh đạt chỉ tiêu thi đua, được vẻ vang rạng rỡ với thiên hạ. Họ chính là những người hưởng ứng phong trào thi đua nhiệt tình nhất, sôi nổi nhất. Giáo viên chúng tôi ai có thắc mắc, phản đối thì được các cấp trên “dạy”: “phải uyển chuyển, không được cứng nhắc”, lại còn “như thế mới biện chứng” , “chặt chẽ là thiếu tinh thần thương yêu học sinh”! Một trong hai cái việc làm lãng phí nhất ở nước ta là thi tốt nghiệp. Mỗi kỳ thi tốn hàng ngàn tỷ đồng, vất vả cho biết bao nhiêu người giữa những ngày hè nắng nôi oi bức. Mà chẳng để làm gì cả. Sao người ta đã bỏ kỳ thi tiểu học, bỏ kỳ thi trung học cơ sở vì thừa biết thi cử như thế nào rồi mà còn luyến tiếc cái kỳ thi này.
Với các ngành, các nghề, “ba hoa chích chòe” để đạt chỉ tiêu thi đua cũng có chừng mực. Vì “rau có mớ, cá có đầu” chỉ có thể “ít suýt ra nhiều”. Nhưng trong giáo dục, tri thức của con người nó vô hình, nên có thể “biến không thành có” không có gì hạn chế. Con nhà người ta chưa biết chữ mà liền trong 5 , 7 năm, vẫn có thể cho lên hết lớp này đến lớp khác thì “siêu” thật. Cứ như thế, những học sinh bất đắc dĩ ấy sẽ tốt nghiệp lớp 12 lúc nào không hay.
Thi đua hủy hoại hết lớp người này đến lớp người khác, vô cùng, vô tận. Do thi đua, đất nước sản sinh ra những lớp người coi không gian dối mới là chuyện lạ, mở miệng nói những lời dối trá, thừa biết chẳng ai tin mà không cảm thấy ngượng ngùng. Cứ xem các vị phát biểu trên ti vi, trên đài phát thanh, trong các cuộc hội họp lớn nhỏ thì đủ biết.
Cho nên, thi đua là gì? Thi đua có phải là yêu nước không? Những ai là người thích thi đua?
Tháng 6.2013
Tôi kiểm tra hai em học sinh lớp 9, yêu cầu cả hai cùng thực hiện phép tính: 1 + 1 +1/3 cho phép sử dụng máy tính cầm tay và không giới hạn thời gian. Kết quả cả hai em đều bó tay, không tính được. Rồi hai em này cũng tốt nghiệp lớp 9 vì chỉ tiêu tốt nghiệp 100%. Nếu tôi cho hai em này ( và nhiều em khác tương tự) ở lại lớp thì tôi sẽ gánh hậu quả…
Đọc mà thấm thía. Cũng may mình dạy cấp 3, đứa nào hư vẫn thẳng tay cho trượt được, nhưng ngoan mà không biết gì thì đôi khi vẫn cho qua thật, không vì thành tích, mà vì cái bằng THPT GIỜ CŨNG CHẲNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ NHIỀU !
Thi đua khen thưởng hay kiểm tra đánh giá không phải là sai. Hiện nhiều lĩnh vực áp dụng tốt thi đua khen thưởng đã rất thành công. Cái chưa ổn ở đây là khâu thực hiện.
He he, trong nền KTTT có cạnh tranh (lành mạnh) là động lực để cho nền KT phát triển và tiến bộ không ngừng, còn trong nền KT chỉ huy XHCN ưu việt, thì về lý thuyết là không thể có cạnh tranh được!
Thế thì KT XHCN lấy cái giề làm động lực để phát triển và tiến bộ được? – Không thi đua, thì biết làm giề giờ?! – vậy là thi đua ra đời! (Sau nầy, người ta lại còn suy luận ra được rằng, thi đua là yêu nước nữa cơ! – Thế mới tài!)
Giờ thì đang mần KTTT rồi, có cạnh trạnh rồi, nhưng mờ thi đua thì vẫn còn có từ trước, hông lẽ tự dưng lại vứt bỏ à, thế thì thành ra là hông yêu nước à? – Vậy thì cạnh tranh cứ cạnh tranh, còn thi đua thì cứ phát động… thi đua – thế thôi! Há há há!
Thi đua ngày nay người tử tế rất dễ thành nạn nhân. Còn người quá tử tế thì lại né tránh.
Bác nói đúng lắm, chả cứ thương nhân mới quen lừa dối để kiếm lời … Điêu chác đẻ ra điêu chác. Thế nên chẳng có gì phải ngưỡng mộ cái danh hão của thiên hạ ….
Ngày xưa, xin lỗi, Thi đua là toàn dân. Bi giờ, chỉ nhà nước thi đua. Bét nhất thì danh hiệu chia theo cô- ta, tệ hơn thì mua, quan trọng móc tiền dân góp. Vậy dân có thích thi đua không?
Còn có hẳn một Ban thi đua từ cấp TW đến tỉnh huyện chuyên lo việc khen thưởng, danh hiệu.
Có cả cò thi đua để mồi những anh háo danh và đang muốn thăng tiến. Nào là Huân huy chương, cờ quạt, bằng khen các cấp…
Ban bệ như vậy nhưng vẫn để cho bọn lừa đảo qua mặt, bọn Liên kết Việt đa cấp đã tổ chức rình rang Đón bằng khen của Thủ tướng…
Thi đua là phong trào chỉ có ở các nước XHCN, gắn với mục đích tuyên truyền. Ở nước ta bỏ thi đua thì mấy ban bệ, cán bộ Đoàn, phong trào…biết làm cái gì. Giấy khen, huy chương bỏ đi đâu ?
Thi đua toàn dùng những lời lẽ lừa đảo, hàng trăm hàng nghìn danh hiệu để thỏa mãn thói sỹ diện hão, thành ra bây giờ đến trẻ con mẫu giáo đứa nào cũng có giấy khen, không giỏi thì xuất sắc, coi như là thứ cơ bản ai cũng được hưởng
Toàn những người thích đùa !
Bác ôi, làm Thủ Tướng thì phải có tướng ông tướng bà để mình thủ. Nhưng mà nếu như bọ họ cứ như chai lỳ, vậy thì làm sao để cấm?
Thi đua cũng là cách moi tiền. Các việc thi đua họp không để mà hành ngốn nhiều tiền hơn chi cho giáo dục. Thế nhưng có ông bà cán bộ nào muốn bỏ ?! ?
Ngày trước Nông Nghiếp thi dua cánh đồng 5 TẤN
Giáo Duc Thi Đua 90 phần trăm học sinh GIỎI.
Gân đây Thi Đua “NÉM TIÊN qua CỬA”
Nghành THAN Chi 80 TỶ tẳng Huy Hiệu cho C6ng Nhân,
Tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 TỶ nua Âm chen tăng Quan Chuc và cac hộ dân nhân Kỷ Niêm 20 năm ngày “TÁI LẬP ” Tỉnh
Đúng ra tháng 5 /2015 phải Kỷ Niêm 40 năm “SAP NHÂP”thành
Vĩnh Phú. NHÂP cung “MƯNG” TÁCH cũng MỪNG
Có nhiều người viết báo cáo thành tích cho cơ quan về xấu hổ không ngủ được thầy ạ, thủ trưởng có tâm an ủi rằng cả nước nó thế mình phải thế. Chế độ thật thà chưa chắc đã có cháo mà ăn đấy chứ, mả cha cái thi đua dưới chế độ CNXH.
Học trò vùng cao đi học thầy cô phải đi vượt đèo lội suối tìm về. Vậy mà bắt thi đua nghiên cứu khoa học kĩ thuật, lại phải dối trá.
Thi đua sao cứ thua đi mãi ( tương truyền câu này của Quách Tấn).
Thực tế là như vậy thầy ạ!