Các vị sáng lập chủ nghĩa Marx đã có một cách dùng ví von rất hay để nói đến mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản – họ gọi đó là “bóng ma”. Vào những năm đầu thế kỷ XXI này, nếu nhìn lại chủ nghĩa cộng sản như một thực thể đã từng hiện diện trong gần suốt một thế kỷ rồi lần lượt biến đi, chúng ta có thể bổ sung thêm vào cách gọi của Marx và Engels – chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX không phải là một “bóng ma” nữa mà đã là một loài ma cà rồng thực sự, hoành hành khắp từ Âu đến Á khiến nhân loại phải trả giá trên 100 triệu nhân mạng, một cái giá không hề nhỏ.Xuất phát từ một ý tưởng cứu vớt loài người rất thiện lương thế mà có ai ngờ lại đưa đến hệ quả đau lòng như thế, chứng tỏ trong lý thuyết của nó, chủ nghĩa cộng sản đã tiềm ẩn những căn cốt phi nhân bản đáng sợ, để cho những kẻ độc tài khét tiếng lợi dụng và đẩy các nhân tố ấy đến cực đoan, mặt khác cũng tìm cách vô hiệu hóa những thành tố thật sự tốt đẹp mà chủ nghĩa đó chứa đựng ngay khi mới khai sinh, nhờ thế nó mới lôi cuốn được tầng lớp tinh hoa trên thế giới trong một thời gian dài, chủ yếu là khoảng những thập niên cuối thế kỷ XIX đến vài thập niên đầu thế kỷ XX.Bây giờ thì nói đến cái chủ nghĩa đang tàn lụn trong đời sống thực tiễn của trái đất hôm nay, người có lương tri dù ở đâu cũng không thể lên tiếng bênh vực gì nó được nữa, bởi dưới sự thống trị của hai ông vua độc tài họ Xít và họ Mao, một nửa nhân loại đã bị dày vò, bóp méo và sản sinh ra hàng loạt thế hệ không còn chất người nguyên vẹn. Và đó chính là sự vô phúc cho bất kỳ dân tộc nào trót sa chân vào cái lò luyện đan của hai kẻ phù thủy đó – sự hồn thuần trong bản tính dân tộc thế nào cũng có đổi thay, mặt chất phác nguyên sơ như một đặc tính di truyền không sao còn bảo lưu được đầy đủ, con người đối xử với nhau tàn bạo, bất lương hơn, và sự nô lệ ý thức hệ cũng khủng khiếp hơn bất kỳ thứ nô lệ nào trong lịch sử – nó bắt buộc người ta phải xuôi tay đầu hàng, giống như một loại gène đã trải qua một quá trình tác động của con người khiến gây nên những đột biến sinh học.
Duyệt lại vài điều sơ lược như trên chỉ để nhấn mạnh rằng, vào đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI có ngờ đâu cả thế giới lại có được một nỗi hoan hỷ khôn tả khi cảm nhận một cách thấm thía điều may mắn lạ kỳ của một quốc gia như Myanmar. Ở đó bàn tay lông lá của lũ quỷ Trung Cộng đã thò vào nhưng may thay, chúng vẫn chưa làm được cái gọi là “xuất cảng cách mạng”, một kiểu tác động đặc thù của chủ nghĩa cộng sản làm cho “gene người” của người dân Miến Điện đột biến không tài gì cưỡng. Hỏi có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc của nhân dân Myanmar? Bauxite Việt Nam |
NHỮNG CÁNH CHIM
Người Việt Nam rất thích chim. Chim treo trên ban công, trong sân, trước hiên nhà,… Trong những khu vực còn đôi chút yên tĩnh, tiếng chim hót vui tai, xóa đi phần nào cái ồn ào của thành phố đông đúc. Hà Nội bây giờ nhan nhản những chợ chim. Ngay cách Hà Nội hàng mấy chục cây số dọc con đường đi lên khu du lịch Ba Vì cũng thấy những hàng bán chim cảnh san sát. Nhưng đó phải là chim của mình. Những con chim được nhốt trong lồng đủ loại. Có đẹp đến đâu thì cũng là lồng, là mất tự do. Tiếng hót của những con chim bị giam hãm nghe như có cái gì vừa u uất vừa thương cảm. Tôi có một khu vườn nhỏ cách Hà Nội 40 km. Cạnh đó lại có khu đất rất rộng chưa có người ở. Thỉnh thoảng, chim vẫn bay về làm tổ, kiếm mồi. Trong vườn, tôi đã có ý để lại một vài cây ổi mọc hoang. Loại ổi này ăn thì chẳng ra gì, vì quả nhỏ và rất nhiều hạt. Nhưng chúng có mùi thơm kỳ lạ và là loại thức ăn hấp dẫn của nhiều loài chim. Mong cho chim về, mong được thấy cảnh chim cùng nhặt thóc với đàn gà trên mảnh sân nhỏ, mong được nghe tiếng hót của những cánh chim tự do giữa bầu trời rộng rãi. Nhưng chim thường xuyên bị bắn hạ, bằng súng cao su, bằng súng hơi, thậm chí bằng cả súng thể thao. Kẻ bắn chim phần lớn đều không phải vì đói khát. Họ bắn chim để thể hiện sự “sành điệu”, như một mốt chơi “sang”. Mặc bộ quần áo rằn ri, đi cái xe máy phân khối lớn, lưng vắt chéo khẩu súng hơi, vênh váo nhìn thiên hạ. Họ bắn chim như để thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi được ác. Nhìn thấy một con chim nhỏ bé rũ rượi, lông bết máu, họ nở một nụ cười mãn nguyện.
Cảm giác đầu tiên tôi có được trong suốt bảy ngày trên đất Myanmar là sự bình yên. Ngay ở thủ đô Yangon, sao lại có thể nhiều chim đến như thế! Ở Thái Lan cũng rất nhiều chim nhưng tôi thường chỉ thấy chim trong chùa, những bầy chim trên sân chùa, còn ở đây, chim ở đủ mọi nơi. Chim trên các mái nhà, chim trên dây điện, chim trên cây, chim trên sân khách sạn, chim ở chợ… Ngay cả trên những đường phố đông đúc người xe, từng đàn chim vẫn đỗ đầy trên vỉa hè. Người đi lại, cứ đi, mải miết hay thong dong ở giữa, còn phần sát với đường phố tấp nập xe chạy, quanh những gốc cây, chim vẫn điềm nhiên mổ hạt, vẫy cánh, rỉa lông. Chỉ khi có người đến gần, chúng mới tung cánh, bay cao như nhường đường rồi lại điềm nhiên hạ xuống cách đó không xa… Đủ loại chim, nhưng nhiều nhất là quạ, bồ câu, sáo mỏ vàng, sẻ,… Từ bé, trong các bài tập đọc, tôi đã thấy từ “rợp trời”. “Cờ bay rợp trời, chim bay rợp trời”. nhưng cho đến nay, tôi vẫn nghĩ “rợp trời” là một “ngoa ngữ”, nói quá đi và điều này chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng trong những ngày ở đây, tôi đã nhiều lần thấy cảnh chim bay rợp trời. Trời đang nắng dưới bóng râm những tán cây, tự nhiên thấy rợp bóng chim khi một đàn chim chắc khoảng mấy trăm con đồng loạt tung cánh. Ngồi trong khách sạn năm sao hay trong phòng đợi của Sứ quán Việt Nam, tôi vẫn có thể nghe tiếng chim gù. Ban đầu, cứ nghĩ mình nghe lầm. Nhưng quả là như thế. Cảm giác như đang giữa trưa hè ở làng quê mình (làng quê mình ngày xưa thôi, bây giờ thì khó có làng quê nào còn có thể nghe tiếng chim gù). Chim không của ai cả, nhưng là của tất cả mọi người. Buổi sáng, đi tập thể dục, hít thở không khí trong lành, tôi thấy khá nhiều ngô, đỗ, thóc… rải rác trên đường. Những thức ăn này là của những người vô danh dành cho chim. Ở đây, có nhiều người nấu những nồi cơm to (khoảng 5, 7 người ăn), khói còn đang bốc nghi ngút, đứng bên đường cúng dường cho các nhà sư đi khất thực bằng tấm lòng trân trọng cung kính vào mỗi sáng sớm thì vào lúc ấy, cũng có những người, lo cái ăn cho chim. Đó là những người “giàu có”, họ làm công việc ấy thường xuyên hàng ngày. Trên đường phố, có nhiều người bán các loại hạt chim thường ăn: gạo, thóc, đậu, kê, … Người đi đường ít tiền, trong đó có khách du lịch có thể dừng lại, mua vài trăm kiat (tiền Myanmar, 1 kiat bằng khoảng 25 đồng Việt Nam), ném cho chim ăn, ngắm chim tranh nhau mổ hạt, vừa giảm bớt stress, vừa giúp chim nẩy nở sinh sôi. Tôi đã thấy một người đàn ông Myanmar trông vẻ ngoài rất lam lũ, trán còn lấm tấm những giọt mồ hôi đang ngồi tựa dưới gốc cây ăn bắp ngô luộc. Ông vừa ăn, vừa tách ngô ném cho chim. Đàn chim quây quần xung quanh. Ông vừa được no bụng, vừa tìm được sự thanh thản sau công việc mệt nhọc, lại vừa làm công việc tích đức cho con cháu mai sau. Nhìn cảnh những đứa trẻ mới 4, 5 tuổi, bàn tay xinh xinh nắm trong tay những hạt đỗ ném cho chim ăn nhưng không ném được xa, cả bầy chim xô tới tranh nhau lượm hạt quanh chân bé, thật đáng yêu và cảm động. Ngay từ tuổi ấu thơ, đã được dạy lòng thương yêu, quen chăm chút, nâng niu mọi vật như thế, trách gì con người khi lớn lên đều nhân hậu, vị tha.
Với người Việt Nam chúng ta, quạ vốn là con vật không được mấy thiện cảm. Quạ gắn với cái chết, vì nó có bộ lông đen, vì nghe nói nó ăn xác động vật, kể cả xác người. Nhiều người coi quạ như một điềm gở, nghe tiếng quạ kêu trên cây trong vườn là tìm mọi cách xua đuổi. Nhưng những đàn quạ, có khi tới hàng trăm con cùng với tiếng kêu của chúng ở đây lại không gây cho tôi cảm giác ấy. Sinh sống và được nuôi dưỡng bởi những con người như thế, ngay cả loài quạ cũng biến đổi tâm tính ư?
Giữa khung cảnh một thành phố khá hiện đại với những cây cầu vượt, với những làn đường trên cao, với không ít những khách sạn năm sao tráng lệ, những tòa nhà cao ngất,… nhưng bầu trời luôn rợp cánh chim. Biết ngay đây là miền đất lành.
ĐƯỜNG PHỐ YANGOON
Thủ đô Yangon cũng đã có gần một nghìn năm tuổi. Không biết đến lúc đó, người Myanmar sẽ tổ chức lễ kỷ niệm mà sự tốn kém bằng được bao nhiêu phần trăm “Nghìn năm Thăng Long” của ta. Yangon hiện đại được xây dựng từ giữa thế kỷ XIX khi là thuộc địa của thực dân Anh. Khu phố cũ của Yangon cũng tương tự như khu phố cũ của Hà Nội (các phố Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,…) hay các phố thuộc quận 1, quận 3 của Sài Gòn trước đây, nhưng rộng hơn nhiều. “Google” cho tôi biết, Yangon có diện tích gần 600 km2, (trong khi Hà Nội cũ khoảng 150 km2, và Sài Gòn cũ khoảng 400 km2). Các đường phố rộng rãi, nhiều đường có dải phân cách (cứng hoặc mềm). Hai bên thường là các biệt thự với các khuôn viên rộng hơn các biệt thự ở Hà Nội và Sài Gòn, có khi tới vài hecta. Điều thích thú nhất là ngay sau hè đường, các biệt thự ở Hà Nội hay Sài Gòn đều làm tường rào (xây hoặc song sắt), nhưng ở đây, chủ nhân bao giờ cũng làm hàng rào lùi vào trong phần đất của mình khoảng một mét. Phần đất này được trồng hoa, trồng các loại cây thấp. Tường rào thường không cao, tầm nhìn người đi đường không bị hạn chế. Sau hàng rào là vườn cây, có nhiều cây cổ thụ, bãi cỏ rộng rãi trong biệt thự thường thấp tầng. Nó khiến đường phố như rộng hẳn ra. Những gia đình giàu có rất có ý thức về cái chung mặc dù chắc họ không có khẩu hiệu “mình vì mọi người”. Trong không gian rộng rãi ấy, con người được sống sảng khoái trong một bầu không khí trong lành.
Khu phố cũ của Yangon có vẻ đẹp tĩnh lặng như khu phố cũ của Hà Nội hay Sài Gòn trước kia. Nhưng nó không bị trải qua những cơn bão của “đường lối”, “chính sách”, những cơn hồng thủy “cải tạo”, “cưỡng chế” nên vẻ đẹp nay vẫn nguyên vẹn, khác với nơi đã từng được coi là “hòn ngọc Viễn Đông” sau những năm tháng hãi hùng cuối thế kỷ trước.
Ở những nơi giao cắt nhiều đường (mà ta thường gọi là “bùng binh”) là những tượng đài, phía dưới trồng hoa đủ màu sắc, nơi nào cũng có hệ thống tưới nước tự động. Vào buổi trưa hay chiều nắng gắt, hệ thống phun nước này vừa giúp cho hoa tươi tốt, vừa làm giảm hạ nhiệt độ xung quanh hạn chế cái nóng bức trên đường phố.
Hè phố có nơi rộng nơi hẹp nhưng thường cao hơn mặt đường đến 40cm. Trước cổng mỗi biệt thự hè được làm thấp xuống bằng với mặt đường, tiện cho ô tô ra vào. Người đi bộ có cảm giác an toàn dù xe cộ trên đường khá đông đúc. Xe dù có mất lái cũng khó có thể leo lên hè, gây tai nạn cho người đi bộ.
Yangon hoàn toàn không có xe máy. Anh hướng dẫn du lịch người Myanmar nói với tôi: kể nếu được dùng xe máy thì cuộc sống thuận tiện hơn nhiều, nhưng xem tivi, thấy cảnh xe máy ở Việt Nam thì thà không có lại hơn. Xe đạp cũng không có. Ở các khu chợ có loại xe đạp 3 bánh nhưng loại xe này không được vào các khu phố cũ. Người dân đi lại bằng xe buýt hoặc taxi. Thú vị là taxi cũng có hai loại. Một loại như taxi ở ta, xe đẹp, có điều hòa, có đồng hồ tính tiền. Nhưng có loại “bình dân”, xe cũ, có khi cửa kính vỡ, đệm rách phải khâu lại và khách đi phải mặc cả. Giá thường chỉ bằng nửa giá taxi bình thường. Đây là loại xe dành cho người nghèo.
Trong thành phố hầu như không thấy có các loại xe tải nặng (có lẽ chỉ được phép chạy vào ban đêm), chỉ có xe con, xe buýt và xe tải loại dưới hai tấn. Hồi Sài Gòn mới giải phóng, một lần, tôi ra ga Bình Triệu bằng xích lô. 4 giờ sáng, đường phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe máy lướt qua. Đến ngã tư, gặp đèn đỏ, người lái xích lô vẫn dừng lại chờ, dù không thấy bóng cảnh sát, đến khi có đèn xanh, anh mới đi tiếp. Đến năm 1991, có dịp vào Sài Gòn, giao thông đã bắt đầu lộn xộn, có cảnh sát nhưng vẫn có người vượt đèn đỏ, hè phố bị lấn chiếm. Cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ còn thấy cảnh luật lệ được tôn trọng nữa. Nhưng tôi đã thấy cảnh này trên đường phố Yangon hai mươi năm sau đó. Hai làn đường xuôi ngược nhiều khi chỉ được ngăn bằng một vạch sơn, nhưng dù chiều ngược lại không một bóng xe, vẫn không có một chiếc xe nào lấn vạch. Cho nên thỉnh thoảng cũng có cảnh ùn ứ, nhưng chỉ vài phút, tình trạng đó đã được chấm dứt. Trong một tuần lễ ở Myanmar, tôi chỉ nhìn thấy cảnh sát hai lần. Đó là ở hai điểm giao cắt có đèn điều khiển nhưng lúc đó mất điện. Xe cộ đi lại trật tự và đặc biệt, các lái xe luôn nhường đường cho xe khác hoặc người đi bộ qua đường. Tôi đã đứng khoảng 15 phút ở một ngã tư trong khu China Town, một khu phố rất đông đúc, buôn bán sầm uất, xe cộ đi lại như mắc cửi quan sát tình trạng giao thông. Không thấy một xe nào vi phạm. Người đi bộ (rất nhiều người trông lam lũ, cũng tay xách nách mang) cũng chỉ qua đường khi ô tô các loại dừng trước vạch sơn. Đường phố ồn ào, nhưng không nghe thấy tiếng còi ô tô. Có lẽ vì không cần chen lấn, lạng lách. Và cũng có lẽ người lái xe không cần “thể hiện”. Ngay trong giao thông ở một thành phố hiện đại, người dân Miến cũng biết khiêm nhường.
Rất nhiều đường phố Yangon cũng đang được cải tạo, nhiều cầu vượt, đường trên cao đang được xây dựng (những công việc này chỉ được thực hiện vào ban đêm). Yangon rồi đây sẽ thông thoáng hơn, hiện đại hơn và có lẽ giao thông ở Hà Nội, ở Sài Gòn và nói chung ở Việt Nam ta sợ sẽ chẳng bao giờ theo kịp họ.
LỄ CHÙA
Myanmar nổi tiếng với những ngôi chùa cổ, với những tháp chùa được giát vàng tráng lệ. Ngôi chùa Shwe Dagon nổi tiếng nhất được giát bằng 90 tấn vàng. Có người bảo, nếu đem toàn bộ số vàng đã giát trong các chùa khắp trên đất nước Myanmar chia cho toàn dân (khoảng 61 triệu người), mỗi người có thể được khoảng từ 2 đến 3 cân (kilogram) vàng. Những điều này mọi người có thể xem trên internet. Tôi cũng đã đọc trước khi đến Myanmar. Điều tôi ngạc nhiên khi thăm những ngôi chùa của Myanmar là niềm tin của con người khi bước vào thế giới tâm linh của họ. Việt Nam và Myanmar đều có chùa, đều thờ Phật, nhưng chùa và cách thờ Phật nay đã khác nhau xa. Người Miến thờ Phật trước hết là bằng làm việc thiện. Người giàu có, các bậc đại gia có thể cúng vàng ròng để đúc chuông, đúc khánh cho chùa. Người ít tiền hơn có thể mua những mảnh vàng giát mỏng dâng vào chùa để giát vàng những ngôi tháp. Người nghèo, có thể bỏ 50 hay 100 kiat (1 kiat bằng khoảng 25 đồng Việt Nam) vào hòm công đức. Những hòm công đức này để khắp nơi trong chùa. Tiền này không phải để dâng Đức Phật. Cũng như người Việt Nam xưa, tiền được coi là vật “uế tạp”, không được dâng lên bàn thờ, không được dâng lên Đức Phật). Đây là tiền để làm việc thiện, để giúp người cơ nhỡ, kẻ khó khăn. Rồi có thể nấu cơm, thức ăn cúng dường các nhà sư khất thực mỗi sáng sớm, mua chút thức ăn cho chim. Người không có tiền thì hàng ngày đến chùa, quét, lau sân chùa. Tôi đã được thấy cảnh này ở chùa Shwe Dagon, ngôi chùa lớn nhất Myanmar. Khoảng 4 giờ chiều, hàng vài trăm người tập hợp ở sân, xếp thành từng hàng, mỗi hàng khoảng 20 người. Mỗi người tay cầm hai cái chổi “đót”, vừa đi vừa quét. Hết hàng nọ đến hàng kia. Sau năm sáu hàng quét là đến mấy hàng lau. Có vài người đi trước té nước. Rồi lại một hàng khoảng hai mươi người đẩy những tấm bao tải dài suốt chiều ngang sân. Cũng lại lau năm sáu lần như thế. Nên sân chùa sạch bong. Bước vào chùa phải bỏ giày dép, có chùa yêu cầu bỏ cả tất. Nghe nói, có lần, ông Đỗ Mười với tư cách nguyên thủ quốc gia vào thăm chùa, cũng không có ngoại lệ. Trước Đức Phật, mọi chúng sinh đều bình đẳng. Bàn thờ Phật ở Myanmar rất đơn giản, có tượng Phật Thích Ca (tượng có thể bằng vàng ròng), nhưng ngoài tượng không có nhiều thứ rườm rà như ở ta (nhất là những chùa mới được xây hoặc mới cải tạo sau này). Cảm thấy người Miến chỉ coi bàn thờ là một biểu tượng, đó là nơi họ dâng lên Đức Phật tấm lòng thơm thảo của mình. Vào lễ Phật, phẩm vật thường được dùng là hoa, những dải hoa ngát hương được bán với giá 40 kiat, dài khoảng 20 cm. Phía ngoài chùa, tôi cũng thấy có bán nhiều loại quả: chuối, dừa, xoài,… nhưng thấy ít người mua. Bước vào bất cứ ngôi chùa nào cũng ngát hương hoa nên luôn có cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng (trái ngược với chùa Việt Nam, nghẹt thở vì khói hương và khói đốt vàng mã). Sau khi dâng một tràng hoa lên bàn thờ Phật, mỗi người có thể tìm một chỗ theo ý mình, ngồi niệm Phật. Đó có thể là một nơi góc sân chùa, có thể trước một ngọn tháp, dưới một gốc cây cổ thụ, hoặc bất kỳ chỗ nào (sân chùa thường rất rộng). Họ ngồi xếp bằng, có người ngồi xổm, hai tay chắp trước ngực, nét mặt đầy vẻ thành kính, đôi mắt ngưỡng lên cao, nơi Đức Phật đang ngự. Họ ngồi rất lâu, dường như quên đi tất cả. Chỉ còn họ đang giao cảm với Đức Phật từ bi. Dường như từ nơi thinh không cao vời vợi kia, Đức Phật đang chia sẻ với những nỗi vui buồn, đồng cảm với những oan khuất, an ủi những đau đớn, vỗ về những xót thương mà họ đang phải chịu đựng. Và cũng từ nơi ấy, Đức Phật đang mỉm cười, đồng cảm với những ước nguyện mà họ đang tha thiết ấp ủ. Họ ngồi rất lâu, có người ngồi đến khoảng vài ba giờ. Đến đây, tôi dường như mới hiểu thế nào là tín ngưỡng, là niềm tin. Họ đến chùa là tìm nơi chia sẻ, giãi bày, tìm người đồng cảm chứ không phải đến chùa để “hối lộ thánh thần” với đủ thứ mâm cao cỗ đầy nhưng toàn đồ giả để xin xỏ công danh phú quý.
TỬ TẾ
Sau khi bài “Tình người trên đất Miến” được đăng tải, tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc trên facebook và các trang mạng, ai cũng vô cùng ngưỡng mộ nhân dân Myanmar, các doanh nhân thuộc tập đoàn HTOO và các viên chức chính quyền Myanmar. Tất cả đều nói họ là những con người hết sức tử tế. Tôi vẫn hiểu, đất nước Myanmar còn lạc hậu, còn chậm phát triển, vừa trải qua một thời gian dài bị cấm vận do chính phủ quân sự độc tài. Mạng internet cho tôi biết vài nét về tập đoàn HTOO. Những thông tin cho thấy đây chưa phải là một tập đoàn lớn (so với nhiều tập đoàn ở nước ta). Doanh thu năm 2011 của họ chỉ là 65,1 triệu đô la (nghĩa là khoảng 1.300 tỷ đồng Việt Nam), trong khi doanh thu của EVN là 100.000 tỷ đồng Việt Nam, lợi nhuận của Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai năm 2011 đã là 3.000 tỷ đồng Việt Nam. Hãng hàng không AirBagan cũng chỉ có 6 chiếc máy bay (sau tai nạn ngày 25 tháng 12 năm 2012). Nhân viên của họ lương thấp nhất chỉ là 70 đôla/tháng. Trong số tiền chúng tôi được nhận, có những tập tiền đôla mệnh giá 20 đôla, thậm chí có tập mệnh giá chỉ 5 đôla. Có cảm giác họ đã phải vét những đồng tiền cuối cùng trong két sắt. Họ chưa giàu, nhưng sao họ đối xử với mỗi hành khách đi trên chiếc máy bay gặp nạn “hào phóng” như vậy? Họ cần gì để khách ăn ở tại khách sạn 5 sao? 3 sao là đã không có ai trách cứ rồi (các tour du lịch thường chỉ đặt chỗ ăn ở như thế! Họ việc gì phải gợi ý cho những người bị bỏng có cần phẫu thuật thẩm mỹ sau khi vết thương lành (tất nhiên họ chịu toàn bộ chi phí)? Họ cần gì phải đưa khách ra tận sân bay, cho nhân viên làm mọi thủ tục cho khách trước khi lên máy bay về nước?, v.v…Mọi cách cư xử của họ tôi đều cảm thấy quá “rộng rãi”. Hình như họ không cần tính toán chuyện tiền nong (mặc dù chuyện tiền nong xét cho cùng là mục đích của việc kinh doanh). Sao ông chủ tập đoàn cùng con trai còn khá trẻ cần vượt gần 1.000 km đến thăm hỏi hành khách trên máy bay gặp nạn sau khi tai nạn xảy ra chưa đầy 10 giờ đồng hồ mà không cử một người khác? Điều đáng lạ hơn tôi chưa thấy ở nước ta là, đi theo ông có khá đông nhân viên tháp tùng, nhưng không hề có ai quay phim chụp ảnh. Sau chuyến thăm này, sáng hôm sau, mỗi hành khách chúng tôi được nhận thêm áo ấm và một số tiền không nhỏ. Tôi cứ suy nghĩ mãi, sao ông ta không như những gì thường thấy ở nước ta, trao cho chúng tôi vào hôm qua, khi ông tới thăm? Có lẽ ông không muốn làm cái việc gọi là “làm ơn” cho người khác để mọi người nhìn thấy, ông không muốn nhìn thấy chúng tôi có thái độ hàm ơn ông, ông không cần “đánh bóng tên tuổi”. Ngay khi làm việc tốt, ông vẫn có cảm giác ngượng ngùng! Ông chủ như thế nên những người thuộc cấp của ông cũng có sự chu đáo hiếm có. Quần áo vật dụng Air Bagan cho không phải nhiều lắm. Nhưng khi di chuyển, chúng tôi đã phải mua tạm những túi nilon cho vào để xách theo. Quả là không có dáng vẻ của người đi du lịch. Đón chúng tôi từ khách sạn đến phòng khách của sân bay Heho, các nhân viên của sân bay đã đến làm thủ tục cho chuyến bay tại chỗ. Khi làm thủ tục hành lý, thấy khách nào cũng có một túi xách, họ quay ra, và lát sau, mang tới cho chúng tôi mỗi người một vali du lịch (kể cả cháu ngoại tôi, mới 4 tuổi cũng được một vali riêng). Họ cư xử như thế vì họ là những người tử tế. Họ cần có hành động để phần nào chuộc lại lỗi lầm (mặc dù lỗi lầm ấy hoàn toàn do khách quan, họ không bao giờ muốn nó xảy ra), họ thấy cần an ủi các khách hàng của họ khi lâm nạn ở nơi đất khách, và họ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của họ.
Hôm ngồi chờ máy bay ở sân bay Heho để về Yangon, khi máy bay từ Yangon đến, tôi thấy một số người đi thẳng từ đường băng ra ngoài mà không qua cửa kiểm soát. Họ mang theo khoảng hai chục vòng hoa. Những vòng hoa không lớn, lớn nhất đường kính cũng chỉ khoảng 60 cm. Nhưng hoàn toàn không có hoa nhựa, hoa ni lông, hoa giả như ở ta. Hoa thật 100% ngát hương thơm. Hỏi thì được biết đây là đoàn quan chức từ Yangon đến để dự đám tang cô hướng dẫn viên du lịch người Myanmar, người duy nhất trên máy bay thiệt mạng. Chỉ cần qua những vòng hoa ngát hương ấy, người ta có thể hiểu tình người ở xứ sở này.
Còn các cơ quan nhà nước Myanma cũng khiến chúng tôi bất ngờ. Tất cả những người bị mất hộ chiếu đều được làm giấy thông hành ngay tại nơi đang tạm trú. Chúng tôi chỉ phải ngồi để chụp ảnh, rồi chờ đợi trong khoảng chưa đầy nửa giờ đồng hồ. Không phải làm đơn, không phải khai báo, không phải trả lời phỏng vấn… Và tất cả những người quan hệ với chúng tôi đều luôn nở nụ cười thân thiện. Sau khi nhận giấy thông hành để đi lại trên lãnh thổ Myanmar, họ còn có nhã ý chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một tấm ảnh để làm giấy tờ ở Sứ quán nước mình.
Một người bạn trên facebook bảo tôi, trước cổng các cơ quan cảnh sát Myanmar đều có tấm biển đề MAY I HELP YOU (Tôi có thể giúp gì cho bạn). Họ biết người ta đến cơ quan cảnh sát để làm gì và sẵn sàng từ khi người dân sắp bước chân vào. Điều này tôi nhờ các bạn kiểm chứng vì trong thời gian làm lại giấy tờ, tôi không phải tới những cơ quan này. Tôi có hỏi một nhân viên Air Bagan rằng ở đây có khẩu hiệu nào đại loại như “chính quyền là của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” không? Sau khi nghe lời dịch, anh ta cười ngượng ngập và lắc đầu.
Tôi có cảm giác chính quyền quân sự độc tài không phải như mình vẫn nghĩ. Dù trải qua ba mươi năm, nhưng những vẻ đẹp nhân văn, mối quan hệ đồng loại giữa những con người với con người vẫn được trân trọng.
Từ người dân bình thường, các doanh nhân (mà ở nước ta, nhiều khi vẫn hiểu họ chỉ biết có tiền), cho đến viên chức nhà nước đều tử tế, đều hết lòng giúp đỡ người khác.
Họ tử tế còn vì họ đã giúp đỡ người khác một cách thầm lặng.
Năm mới 2013
Đang tính đi Myanmar một chuyến, đọc bài này của anh xong, càng muốn đi hơn
Cảm ơn bác ạ! Đọc những dòng bác viết, cháu lại có lại cảm giác thanh bình mà cháu đã có khi thăm đất nước này vào năm ngoái.
Ngoài Myanmar, cháu đã đến Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Bali – Indonesia. Ở nước mình, cháu cũng có cơ hội được đến nhiều tỉnh. Mỗi nước, mỗi miền đất đều có vẻ đẹp riêng. Nhưng những hình ảnh, cảm giác đọng lại trong tâm trí cháu nhất lại do Myanmar đem lại: tiếng quạ kêu oang oác vào buổi sáng, hình ảnh những bó lúa treo lủng lẳng trên cây cho chim ăn ở Yangoon; những chum nước nhỏ nhỏ được đặt hầu như ở khắp mọi nơi để người đi đường uống; mặt trời mọc trên sông Ayeyarwady; những cây cầu gỗ có mái bắc ngang những con sông, những con chim hoang dã, những người đánh cá, những người đàn ông, phụ nữ tắm trên sông ở hồ Inle; những ngôi đền hoang sơ, những con đường bụi bặm ở Bagan; hàng gạo cổ thụ nở hoa đỏ rợp trên nền trời xanh ở Mandalay; những ngôi chùa thoáng mát, sạch sẽ mà tượng Phật thường được đặt ở chính giữa để ai cũng có thể quỳ lạy từ bốn phía…
Nhất định cháu sẽ đến Myanmar 1 lần nữa!!!
Cám ơn câu chuyện và liên hệ của thầy với vn. Tiếc cái tốt đẹp mà vn đã có mà mất. Bao giờ mới xây dựng được lại như xưa.
Khi con người được tôn trong, dược coi là trọng tâm thì xã hội mới tốt đẹp con chỉ vì chủ nghĩa này nọ thực chất chúng ta chỉ được cái bánh vẽ, ta phải hiểu đời người chỉ vài chục năm, không thể đợi cái bánh vẽ mả chắc nghìn năm nữa chưa chắc đã có.
Tôi có hỏi một nhân viên Air Bagan rằng ở đây có khẩu hiệu nào đại loại như “chính quyền là của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” không? Sau khi nghe lời dịch, anh ta cười ngượng ngập và lắc đầu.
Hơn nửa thế kỷ trước, người Việt Nam cũng tử tế không khác gì người MyanmaR. Sao con cháu các vua Hùng lại “phú quý giật lùi” thế?