Có một vị học giả đã từng nói: “Nếu tôi coi Thương Ưởng là anh hùng của dân tộc, là người có công đầu của dân tộc Trung Hoa, có thể còn có người phản đối. Nhưng nếu tôi nói, Thương Ưởng là người có công trong sự nghiệp thống nhất Trung Quốc thì chắc không ai có thể chối cãi”.
Giúp đời không chỉ có một con đường, trị nước không cần theo cách cũ
Năm Tần Hiếu Công nguyên niên (361 trước công nguyên), Hiếu Công hạ lệnh cầu hiền, tìm những nhân tài hiến kế để nước Tần trở nên hùng mạnh. Lệnh cầu hiền được ban ra, tiếng vang đến một người ở nước Vệ.Ông chính là Thương Ưởng, nhà cải cách vào khoảng giữa thời Chiến Quốc.
Thương Ưởng yêu cầu để thích ứng với hoàn cảnh chính trị kinh tế xã hội phải xuất phát từ luận điểm “giúp đời không chỉ có một con đường, trị nước không cần theo cách cũ”, nhấn mạnh đến cải cách giáo dục, cho rằng cái căn bản của việc trị nước là phải coi trọng nông và binh, muốn dân giàu nước mạnh phải tuyên truyền pháp chế, bồi dưỡng nhân tài pháp trị. Thương Ưởng bài xích nội dung giáo dục của Nho gia, chỉ chú ý đến “thi”, “thư”, “lễ”, “nhạc”, chủ trương bỏ thi thư mà chú trọng đến luật pháp, phải khuyến khích giáo dục pháp trị trong nông nghiệp và chiến đấu thay cho “tiên vương chi giáo” (lời dạy của đời trước), coi pháp trị là căn bản của đức trị, luật pháp phải “minh bạch dị tri” (rõ ràng và dễ hiểu), phải coi pháp quan là thầy, phải giải thích luật pháp cho dân chúng, làm cho dân chúng tất cả đều hiểu biết pháp luật, coi giáo dục là công cụ để tuyên truyền pháp luật và bồi dưỡng nhân tài trị nước bằng pháp luật.
Trung Quốc cổ đại là một xã hội mang tính bảo thủ rất nặng, người muốn thực hiện biến pháp duy tân cần là người phải làm đến cùng. Con người này chính là Thương Ưởng.
Thương Ưởng là một công tộc của nước Vệ, từ nhỏ đã coi Lý Khôi là thầy, giỏi về pháp luật. Sau khi học thành tài, ban đầu ông đến nước Nguỵ, được Công Thúc Toà ở nước Nguỵ coi là
môn khách. Trước khi chết, Công Thúc Toà tiến cử Thương Ưởng với Nguỵ Huệ Vương, nói con người này tuy còn ít tuổi nhưng tài năng kỳ lạ, có thể dùng vào việc lớn, nếu không dùng thì phải giết đi, không cho sang nước khác. Nguỵ Huệ Vương thấy Công Thúc Toà bệnh nặng cho rằng đó là những lời mê sảng. Cuối cùng, Nguỵ Huệ Vương không dùng, cũng không giết mà cho Thương Ưởng sang nước Tần. Thương Ưởng mang theo cuốn “Pháp kinh” của Lý Khôi rời nước Nguỵ sang phía tây đến nước Tần, ra mắt Hiếu Công. Khi mới gặp Hiếu Công, Thương Ưởng trước hết hiến kế làm vua ba đời, sau lại hiến kế bá đạo của Tề Tuyên, Tấn Văn, tất cả đều không hợp với ý của Hiếu Công. Hiếu Công cho rằng nếu thực hiện “đế vương chi đạo” hoặc “bá đạo” thì cần thời gian rất dài, không thể nhanh chóng thay đổi tình hình lạc hậu của nước Tần. Thương Ưởng hiểu được ý muốn của Hiếu Công, mới hiến “cường quốc chi thuật” (thuật làm cho nước mạnh), Hiếu Công hiểu ra, vì thế dùng Thương Ưởng. Đến năm thứ ba (359 trước công nguyên) Thương Ưởng đã nắm vững được tình hình nước Tần, tâu với Hiếu Công thay đổi phép trị nước, dù gặp rất nhiều trở ngại, nhưng Thương Ưởng tranh luận bảo vệ ý kiến đến cùng, kiên trì chủ trương “trị thế bất nhất đạo, sử quốc bát pháp cổ” (giúp đời không chỉ có một con đường, trị nước không cần theo cách cũ), trải qua luận chiến rất quyết liệt, Thương Ưởng đã giành được phần thắng, biến pháp của ông được thông qua, sau ba năm thì thực hiện biến pháp, năm năm được làm Tả thứ trưởng, mười năm làm Đại lương đạo.
Sau hai mươi hai năm, Thương Ưởng đã buộc nước Nguỵ phải hiến đất ở phía tây cho nước Tần để giữ bang giao, Nguỵ Huệ Vương đến lúc này mới tỉnh ngộ, vội than rằng: “Quả nhân tự giận mình vì đã không nghe theo lời của Công Thúc Toà!” Tất nhiên cống hiến của Thương Ưởng không phải là dùng binh mà chính là do ông dùng biến pháp. Trong hơn hai mươi năm ở Tần, ông đã hai lần biến pháp, làm cho Tần quật khởi từ phía tây, hùng mạnh ở trong nước, làm cơ sở cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc sau này.
Thực hiện những biến pháp quan trọng như vậy không phải là việc dễ. Để chế định luật pháp mới một cách chính xác, Thương Ưởng trước hết phải giành được lòng tin của vua. Để thuyết phục Hiếu Công, Thương Ưởng đã cùng Cam Long, Đỗ Chí và các yếu thần tiến hành nhiều cuộc tranh luận hết sức gay gắt. Trước những lập luận rất nhàm chán của Cam Long, Đỗ Chí, Thương Ưởng đã tổng kết những kinh nghiệm của lịch sử “tam đại bất đồng lễ nhi vương, ngũ bá bất đồng pháp nhi
bá”, lại nói rõ “người theo pháp luật là người yêu dân, người theo lễ là người theo sự việc”.
Ý nghĩa hiện thực của những lời đó “là thánh nhân muốn nước mạnh không thể không có pháp luật, muốn dân có lợi, không tuân theo lễ”, từ đó cuối cùng đã giành được sự tín nhiệm của Hiếu Công.
Để đảm bảo việc thực hiện pháp luật mới một cách chính xác, Thương Ưởng không chỉ lấy lòng tin của vua, mà còn muốn được lòng tin của dân. Trước khi ban bố pháp luật mới, ở cửa nam của quốc đô, Thương Ưởng cho dựng một cây cột gỗ cao ba trượng, thông báo cho mọi người: ai vác được cây cột đó đến cửa bắc, sẽ được thưởng mười lạng vàng. Người xúm quanh cây cột rất đông, không khí rất ồn ào bàn tán, nhưng không ai làm vì không tin là có thể được nhiều vàng như thế! Thấy vậy, Thương Ưởng lại dứt khoát nâng mức thưởng lên năm mươi lạng. Cuối cùng một người đã thử mang cây cột đó đến cửa bắc và quả thật anh ta đã được thưởng năm mươi lạng vàng. Việc ấy được loan truyền đi khắp cả nước Tần, mọi người bắt đầu tin vào biến pháp của Thương Ưởng nội dung chủ yếu đầu tiên ở chỗ thưởng việc tốt, phạt việc ác.
Thương Ưởng phát hiện đất đai và sức lao động ở nước Tần chưa được sử dụng một cách tốt nhất. Nước Tần đất rộng, người ít, rất nhiều đất hoang không được khai khẩn; nhưng ở trong nước những người du đãng, ăn không ngồi rồi rất đông, đặc biệt là các nhà quý tộc có chức quan cao, nhiều bổng lộc, nuôi một bọn người không tham gia sản xuất nông nghiệp mà lại chiếm rất nhiều ruộng đất. Thương Ưởng cho rằng chính bọn người “ăn không ngồi rồi” này đã làm cho sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, khiến cho nước yếu đi. Ông cho rằng đất nước muốn giàu mạnh cần phải dựa vào nông dân và binh lính, phải tuyệt đối cấm bọn người “ăn không ngồi rồi” để dốc toàn bộ sức lực vào sản xuất nông nghiệp và chiến đấu bảo vệ đất nước, đây là yếu tố căn bản của việc trị nước. Để có chế độ ràng buộc giới quý tộc vào ruộng đất để phát triển sản xuất và hạn chế tình trạng dân có thói quen phiêu bạt,
Thương Ưởng xác lập kế hoạch khuyến khích nông dân và binh lính, đánh mạnh vào bọn người sống phiêu bạt, từng bước thực hiện cải cách.
Đầu tiên là “tu hình” (sửa đổi hình pháp), đảm bảo cho việc thực hiện biến pháp. Ông thay đổi quan niệm cũ “hình bất thượng đại phu” (không thực hiện luật pháp với tầng lớp trên) thành “pháp bất a quý” (pháp luật không trừ người quyền quý), “hình vô đẳng cấp” (hình phạt không kể đẳng cấp), từ
đó tước đoạt đặc quyền chính trị của giới quý tộc, đưa địa vị của họ xuống ngang hàng với người bình dân. Ông còn chế định phép tội nhẹ nhưng hình phạt nặng, chỉ phạm tội làm rối loạn trên đường phố cũng bị phạt “kình” (thích chữ vào mặt), từ đó quyền uy của biến pháp càng mạnh, đảm bảo thực hiện biến pháp một cách triệt để.
Sau đó, ông đưa ra chính sách cấm các đại gia không được sống tập trung, xây dựng chế độ thập ngũ liên. Pháp lệnh này cấm cha con, anh em không được sống cùng trong một nhà, bất cứ nhà nào có từ hai người đàn ông có sức lao động đều phải tách hộ, thành những hộ độc lập, chính sách này đã đánh mạnh vào tầng lớp ăn không ngồi rồi của giới quý tộc. Đồng thời, về mặt quân sự, tổ chức biên chế lại lực lượng cả nước, năm nhà thành một ngũ, mười nhà thành một thập, không ai được tự ý dời chỗ ở, các nhà phải cùng nhau giám sát, tố cáo lẫn nhau, nếu không thực hiện, mười nhà phải liên đới chịu trách nhiệm. Những quy định chặt chẽ này đã ràng buộc nông dân vào với ruộng đất, không còn có người sống phiêu bạt, quốc gia kiểm soát được sức lao động của cả nước, bào đảm việc thu tô thuế.
Thương Ưởng còn thủ tiêu nguyên tắc thế tập quan lộc, quy định nếu có quân công sẽ được hưởng hai mươi quan tước để khuyến khích nông dân và binh lính. Tiếp theo ban bố tước vị gắn liền với quân công, bất cứ ai phải lập được quân công mới được hưởng tước vị, có tước vị sẽ được ban hưởng đất đai và có thể làm quan. Có tước được coi là lương dân, không có tước là tiện dân. Nô lệ nếu chiến đấu dũng cảm, cũng được ban tước và trở thành lương dân, chém đầu được một cấp sẽ được ban thưởng một cấp, ruộng một khoảnh, vườn chín mẫu, nông nô một người. Cố gắng trong sản xuất nông nghiệp, nộp nhiều lương thực cho nhà nước, cũng được coi là quân công. Những kẻ bỏ sản xuất nông nghiệp đi buôn, lười biếng mà thành nghèo đói, không nộp tô thuế bị tước đoạt ruộng đất để thưởng cho những người có công.
Năm 350 trước công nguyên, nước Tần dời đô về Thành Dương thực hiện chế độ huyện. Thương Ưởng đem nhiều làng, ấp hợp lại thành huyện, cả nước có tất cả 31 huyện, Huyện trưởng do trung ương bổ nhiệm, trực thuộc Quốc quận, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xây dựng chế độ trung ương tập quyền theo chủ nghĩa chuyên chế. Nó tăng cường sự thống trị với nông dân, đánh một đòn mạnh vào tầng lớp quý tộc và dân tự do.
Cuối cùng, Thương Ưởng thực hiện tước đoạt ruộng đất của dân tự do để khuyến khích cho nông dân và binh lính có công, hình thành một tầng lớp địa chủ và nông dân mới, ông xoá bỏ các ranh giới ruộng đất của quý tộc (địa điền giới) và các bờ ruộng (tiểu điền giới) thu về cho nhà nước, sau đó phân phối cho những người có quân công, tước lộc, cưỡng bức quý tộc và nông dân đều phải chịu tô thuế và đóng góp khác cho nhà nước, tước đoạt đặc quyền kinh tế “bất khoá bất nạp” (không khai không nộp) của họ. Để bảo đảm việc thu tô thuế bình quân, Thương Ưởng đồng thời ban bố tiêu chuẩn dụng cụ đo lường, thống nhất loại cân.
Việc thực hiện cải cách của Thương Ưởng đã thúc đẩy sức sản xuất của xã hội phát triển, khiến cho nước Tần nhanh chóng trở nên giàu mạnh, làm cơ sở để Tần Thuỷ Hoàng sau này bình định sáu nước. Năm 338 trước công nguyên, Hiếu Công chết, Thương Ưởng gặp phải sự phản đối quyết liệt, những chính kiến quan trọng của ông được người sau chỉnh lý thành “Thương quân thư” gồm 29 thiên, được ghi lại trong “Hán thư. Nghệ văn chí”, nay còn 24 thiên.
Người Tần không đồng tình
Trong lịch sử, bất cứ một cuộc biến pháp đổi mới nào đều không chỉ nhằm lựa chọn đổi mới cách trị nước mà còn là điều chỉnh quan hệ giữa các lợi ích, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu tạo nên những trở ngại mà cải cách gặp phải. Việc Thương Ưởng bãi bỏ chế độ tỉnh điền, thực hiện khuyến khích nông dân và binh lính đã xâm phạm đặc quyền lũng đoạn vốn có của tầng lớp quý tộc về ruộng đất và quan chức , vì thế ông đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của tập đoàn thống trị mà người đứng đầu là Thái tử do lợi ích bị ảnh hưởng . Nhưng Thương Ưởng không bị những người có quyền có thế này đe doạ, ông cho rằng chế định của pháp luật không phải chỉ dùng để ngăn cản dân chúng, từ xưa, “pháp chi bất hành, tự thượng phạm chi” (pháp luật không được thi hành là do từ người trên), như vậy, việc đầu tiên là trừng phạt hai người đã xúi giục Thái tử phản kháng ông thầy của biến pháp. Kết quả là mặt của Công Tôn Cổ bị thích chữ, còn Công Tôn Kiền dù được cảnh cáo nhưng không sửa nên bị cắt mũi. Thương Ưởng làm việc này có tác dụng “giết gà doạ khỉ”. Mọi người thấy, dù là thầy của Thái tử cũng không thể ngăn cản pháp luật, vì thế cũng không ai dám trông chờ vào sự may mắn. Trải qua sự cố gắng của Thương Ưởng, Tân pháp “thực hiện được mười năm, dân chúng rất tán thưởng. Trên đường không ai nhặt của rơi, trên núi không có đạo tặc, trong nhà mọi người đều đầy đủ, người dũng cảm thì chiến đấu vì việc nước, kẻ nhát gan thì lo công việc riêng”.
Nhưng thực tiễn xã hội việc gì cũng phải trả giá, biến pháp duy tân cũng không ngoài quy luật đó. Tần Hiếu Công chết, Thương Ưởng mất đi chỗ dựa quyền lực, Thái tử nối ngôi lại được sự ủng hộ của phái bảo thủ, đã thực hiện hành động trả thù điên cuồng. Họ không chỉ vu cáo hãm hại là Thương Ưởng mưu phản mà còn dùng bạo hành tàn khốc, bắt ông chịu hình phạt ngũ mã phân thây (năm ngựa xé xác). Thương Ưởng tuy gặp thảm hoạ nhưng biến pháp của ông là một sự nghiệp to lớn, đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, không thế lực nào có thể đảo ngược, cuối cùng đã có những ảnh hưởng vô cùng to lớn thúc đẩy sự nghiệp thống nhất của triều Tần.
Tất nhiên, từ góc nhìn của ngày hôm nay, cách mà Thương Ưởng đã dùng “nội hành đao chính, ngoại dùng giáp binh” (đối nội dùng tra tấn, đối ngoại dùng giáp binh), mang tư tưởng coi trọng bạo lực, coi thường giáo hoá, cũng có những giới hạn lịch sử nhất định. Ông đã sử dụng thủ đoạn chính trị thô bạo giản đơn để giải quyết những vấn đề thuộc hình thái ý thức, thiêu huỷ “thi”, “thư” thực hành chính sách ngu dân và chủ nghĩa chuyên chế về văn hoá, thậm chí dùng cả phép liên đới dùng hình phạt cả với những người vô tội, đã làm nảy sinh những vấn đề nhất định. Cũng chính do những ảnh hưởng này ông đã bị tầng lớp quý tộc trả thù bằng cái chết bi thảm, thậm chí không được Tư Mã Thiên và nhiều nhà sử học đánh giá thoả đáng, thật đáng tiếc lắm thay!
Ôi Thương Quân,khóc Thương Quân,1 con người thẳng thắn,can đảm,trước sau như một,lại phải chịu một kết cục bi thảm.Ông không ngờ rằng đất nước mà mình cả đời bỏ công sức tâm trí gày dựng lại quay ngược lại giết chết ông.Bi kịch quá Thương Quân ơi…
Khóc, tiến, thương Thương Quân là đúng, nhưng nói ông không ngờ là sai. Biết, biết hết ai cũng biết kết cục như vậy. Nhưng xét người phải dựa vào lịch sử. Ngày xưa, trượng phu coi cái chết nhẹ tựa lông tơ. Xem lưu danh sử sách mới là đích đến. Chính vậy nên võ thà chết xa trường, văn ngũ mã phanh thây, nhưng chí lớn đạt được. Uyển khi đương quyền đương nhiên biết kết cục của mình, nhưng biết là một chuyện, tránh là chuyện khác. Nếu lạm quyền trừ bỏ thế lực đen thì đi ngược học thuyết của mình, còn nếu trốn thì trốn đi đâu? Tần bang đang mạnh, nếu họ khép tội phản quốc thì truy cứu liệu có thoát? Vậy nên thà chết, mà sử sách lưu danh! Thương thay!
[…] *Thương Quân: Thương Ưởng, là nhà chính trị gia, pháp gia nổi tiếng, thừa tướng nước Tần thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Những chính sách pháp luật của ông đã giúp đưa nước Tần trở thành một cường quốc, nhưng đồng thời lại khiến dân chúng và nhiều người bất mãn vì quá hà khắc. Tìm hiểu thêm Ở ĐÂY. […]
Thương Ưởng NÓI là LÀM chứ không NÓI MỘT ĐÀNG LÀM MỘT NẺO.
QUAN vời DÂN cũng BỈNH ĐẲNG trước PHAP LUẬT,
Thương Ưởng không THAM NHŨNG nhưng Ông dùng HÌNH LUẬT Tàn Khộc
nên Dân oán.
Những người Nắm QUYỀN LƯC liệu có HỌC điều gì của THƯƠNG ƯƠNG
ad có thể cho em biết là chủ nghĩa ngu dân và chủ nghĩa văn hóa là gì k ạ
Tôi không rõ bạn có từ chủ nghĩa văn hóa từ đâu? Và người ta nói chính sách ngu dân chứ không có chủ nghĩa ngu dân.
Biến pháp thời chiến: khen thưởng thật hậu, trị tội thật nặng của Thương Quân đã giúp nước Tần tập trung được mọi nguồn lực, cả nước dốc sức, từ đó mà thống nhất thiên hạ, nhưng về sau cũng chính luật pháp hà khắc đó đã hủy diệt nước Tần. Những cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp đã khiến nước Tần chỉ tồn tại được 15 năm