Băng cốc có hơn 8 triệu dân theo thống kê (còn tính cả dân nhập cư nước ngoài như Myanmar, Campuchia, Việt Nam, … và trong nước hình như lên tới 14 triệu) trên diện tích khoảng 1.500 km2 (kể cả vùng phụ cận là hơn 7.500 km2, Hà nội cũ trước năm 2008 là hơn 900 km2, sau khi mở rộng là hơn 3.300 km2). Phục vụ việc đi lại cho một thành phố đông dân và rộng lớn như thế chắc không phải điều đơn giản.

Theo thống kê, hơn 70% dân ở đây có ô tô riêng vì giá xe rẻ và việc mua xe rất thuận lợi. Đi trên đường phố của một tỉnh lẻ vẫn có thể thấy không ít cửa hàng bán ô tô với thông báo bán trả góp. Thái Lan có công nghiệp ô tô khá phát triển, ô tô của các hãng lớn trên thế giới đều được lắp ráp ở đây với tỷ lệ hóa nội địa hơn 40%. Trên đường phố, có thể thấy nhiều nhất là ô tô của Nhật với hai hãng lớn Toyota và Honda. Băng-cốc cũng có không ít xe máy, nhưng chủ yếu là của dịch vụ xe ôm thường phục vụ khách du lịch và chạy trong các con ngõ dài tới 1, 2 km, giúp mọi người kết nối giữa các trạm dừng, nhà ga của vận tải công cộng. So với giá vé trên các phương tiện vận tải công cộng và ngay cả taxi, giá tiền đi xe ôm, xe tuctuc khá đắt nên chẳng mấy người sử dụng. Xe bus cũng có 2 loại, một loại không mất tiền (xe không có máy lạnh, hơi cũ) và loại mua vé trên xe có máy lạnh. Những người cầm quyền ở đây khá “sòng phẳng” và tự trọng, bên ngoài các xe miễn phí đều có thông báo đại ý: xe được chi trả bằng tiền thuế. Người ta không muốn người dân phải cám cái ơn mà người ta chẳng bỏ một chút công sức nào!

Xe taxi ở Băng-cốc giá rẻ hơn ở Việt Nam rất nhiều mặc dù giá xăng không mấy chênh lệch (xăng giá 25 bath/lít, tương đương 16.000 đ tiền ta). Mở cửa xe là 35 bath (hơn 20.000đ) nhưng sau đó mỗi 250 m có 2 bath (1.300 đ).

Ngoài hơn 100 tuyến xe bus, hơn 400.000 xe taxi, xe tuctuc, xe ôm, … Băng côc còn có hệ thống tàu điện. Hai tuyến đường sắt trên cao và một tuyến xe điện ngầm có kết nối hợp lý giúp mọi ngừơi có thể di chuyển tới khắp bốn hướng đông, tây, nam, bắc của thủ đô. Mỗi nhà ga cách nhau khoảng 3 – 4 km (1 – 2 km với xe điện ngầm), nhưng nhờ tốc độ cao (100 km/h), lại không có chướng ngại nên thời gian cũng chỉ mất chừng vài, ba phút. Tùy quãng đường dài hay ngắn, giá vé khác nhau nhưng theo nguyên tắc đi càng xa, tiền càng rẻ, nếu đi một chặng, giá vé là 3 bath (chưa đến 2.000 đ VN). Sàn tàu và sân ga hầu như không có sự chênh lệch nên việc lên xuống rất thuận tiện và nhanh chóng. Các toa tàu đều có cửa lên xuống rộng rãi, và thông nhau khiến mật độ khách trên mỗi toa dễ điều chỉnh vào các giờ cao điểm. Trên mỗi đoàn tàu chở hàng nghìn khách cũng chỉ có 2 người lái tàu, hoàn toàn không có nhân viên phục vụ. Cửa đóng mở hoàn toàn tự động, hành khách tự giác lên xuống, tìm chỗ đứng, ngồi, không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy, to tiếng với nhau. Chỉ từ 3 đến 6 phút có một chuyến tàu nên hành khách ở mỗi ga đều không quá đông. Việc mua vé lên tàu cũng hoàn toàn nhờ máy móc, khách tự bấm vào nút chỉ ga đến, bỏ tiền đủ, máy sẽ “nhả” vé, nếu có tiền thừa cũng sẽ được trả lại. Trên mỗi sân ga cũng chỉ thấy có 2 người cầm bộ đàm, đi lại, quan sát. Vé được làm bằng bìa cứng, cỡ ba ngón tay, hoặc miếng nhựa tròn như đồng xu, khách phải trả vé trước khi ra khỏi ga để sử dụng lại nên vừa tiết kiệm, vừa không có chuyện vé đã sử dụng vứt đầy trên sân ga hay trên tàu.Thật ấn tượng khi thấy trên sân ga, trên tàu không một cọng rác. Tất cả đều sạch bong, kể cả khi tàu về tới ga cuối cùng, trong khi không hề nhìn thấy người quét rác ở bất cứ đâu. Về tới ga cuối, chỉ 3 phút sau, tàu lại chuyển bánh, tiếp tục hành trình. Cứ mải miết như thế, từ mờ sáng tới nửa đêm. Tuyến xe điện ngầm cũng vậy, nhà ga nằm dưới lòng đất chắc tới cả chục mét nhưng rộng rãi, sáng sủa, rất ít người phục vụ nhưng vào ga phải qua kiểm tra an ninh dù không quá phức tạp. Ngồi trên tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao cũng không có cảm giác khác nhau, chỉ vài phút đã tới ga và sau vài chục giây, tàu đã lăn bánh.
Ngoài các phương tiện giao thông trên mặt đất, ngầm trong lòng đất, Bangkok còn có đường giao thông thủy trên sông Chao Phraya. Đây là dòng sông duy nhất chảy qua thủ đô Thái Lan từ hướng tây bắc trước khi đổ vào vịnh Thái Lan. Không mênh mang như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, … ở đồng bằng Nam bộ, sông Chao Phraya cũng đủ rộng để thuyền bè ngược xuôi tấp nập. Loại phương tiện này được coi như “taxi” (hay xe bus) trên sông”. Thuyền nhỏ có thể chở vài chục người, tàu lớn khách tới một vài trăm, thậm chí có con tàu hai tầng, chở được tới ba trăm khách. Người ngồi trên tàu ngắm cảnh qua ô kính, không chịu cái nắng chói chang trên sông nước nhờ điều hòa nhiệt độ. Trên quãng đường hơn 30 cây số, từ bến đầu tới bến cuối, hai bên bờ, san sát nhà cửa với kiến trúc rất đặc trưng cho vùng sông nước, cảnh trên bến dưới thuyền buôn bán khá tấp nập. Cách mấy trăm mét lại có một bến và “dích dắc” ở cả hai bờ để khách lên xuống. Mỗi bến thuyền lại kết nối với phương tiện giao thông trên bộ nên nhiều người sử dụng. Tàu thuyền đi lại trên sông chẳng khác gì xe bus trên đường phố nhưng giá vé rẻ hơn nhiều. Từ Bangkok lên Nonthaburi giá vé có 14 bath (khoảng 10.000 đ VN), có lẽ đây cũng là lý do quan trọng để tàu thuyền luôn đông khách. Phương tiện giao thông này có thể thấy ở nhiều nơi, nhưng ở đây, tôi vẫn thấy có nhiều nét khác lạ. Trước hết là tính chuyên nghiệp của hai người điều khiển con tàu. Người lái tàu ngồi phía mũi, người giúp và kiểm tra, bán vé cho khách lên xuống ở phía đuôi, cách nhau chừng 30 – 40 mét. Trên suốt hành trình, hoàn toàn không thấy những lời kêu gọi hay nhắc nhở, họ cứ im lặng, người nào việc nấy, nhưng con tàu vẫn chạy, và hành khách lên xuống vẫn tuyệt đối an toàn. Trong khoang hành khách, hơn trăm người, kẻ đứng người ngồi (chỉ có khoảng năm chục ghế), người già và trẻ em, đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp, quốc tịch, nhưng đều trật tự, nhường nhịn nhau, hoàn toàn không thấy ai to tiếng hay có hành xử thiếu lịch sự. Thậm chí, trên hành trình, nhân viên phục vụ đi dọc con tàu để bán vé cũng chẳng thấy họ cần thốt lên lời nào. Chỉ cần nghe tiếng anh ta lắc cái hộp đựng tiền kim loại, mọi người đã nhường lối và tự đưa tiền, nhận vé, nhận lại tiền thừa kèm theo những nụ cười.

Để đi đường xa tới các tỉnh, ngoài máy bay, xe hỏa, khách cũng có thể chọn ô tô. Phổ biến nhất là loại xe 12 chỗ ngồi. Nó thường thấy vì bến bãi không cần lớn, (trong khi Băng-cốc đất rất quý, khó có những bến xe như Mỹ Đình hay Giáp Bát ở Hà Nội). Mỗi xe rất nhanh chóng đầy khách, thời gian chờ đợi cho mỗi chuyến xe rất ngắn, dù ít khách, theo quy định sau 40 phút, chuyến sau sẽ dời bến. Xe nhỏ, chạy bằng khí ga nên giá vé cũng thấp. Ở ta, đi đường dài, giá vé khoảng 1.000 đ/km, nhưng ở đây giá vé chỉ khoảng 650 đ/km. Một ý kiến cũng để các nhà xe tham khảo: ở ta hơi lạm dụng xe giường nằm, đường xa như Huế, Đà Nẵng, … trở vào là một nhẽ nhưng với những đoạn đường khoảng  300 km như Vinh hay Lào Cai, Sơn La, … thì có thể không cần. Nên có thêm loại xe phù hợp sẽ giúp hành khách thêm sự lựa chọn cho những chuyến đi xa.

Về sự đi lại, Băng-cốc đông đúc, chật chội hơn Hà Nội nhưng có cảm giác đó là một thành phố văn minh, luật pháp được tôn trọng, còn ý thức tham gia giao thông của người dân thì, … không biết tới bao giờ, thủ đô “nghìn năm văn hiến” của chúng ta mới theo kịp.

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Họ không hoàn hảo, cũng có nhiều khiếm khuyết đấy? Nhưng những gì họ làm được, không thể coi thường được.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here