Ngày thứ 16 (23.9.2015) Trà Vinh – Bạc Liêu

Khác chuyến đi trước, lần này chúng tôi không đi theo quốc lộ 1 mà chọn những con đường liên huyện, liên xã. Chất lượng đường không thể bằng quốc lộ, thậm chí có đoạn còn xấu, mấp mô, trơn trượt, nhưng đổi lại, chúng tôi được nhìn, được nghe những bức tranh chân thực, những âm thanh của đời sống chưa qua tô vẽ. Xe chúng tôi lướt qua những chòm xóm, những cánh đồng, vuông tôm, … mà trên đó, người nông dân Nam bộ đang đổ mồ hôi để nuôi sống bản thân và gia đình cùng cung ứng những sản phẩm nông nghiệp thiết yếu cho xã hội.

Lúa Bến Tre đã thu hoạch gần xong, nhưng hôm nay qua Bạc Liêu, nhiều cánh đồng lúa mới uốn câu. Dọc con đường 91 C (còn gọi là đường Nam sông Hậu), nối tiếp nhau là những đầm nuôi tôm, những cánh đồng trồng lúa, trồng mía, trồng ngô, … trải dài xanh ngút tầm mắt, chứng tỏ sức sống bất tận của đồng bằng màu mỡ và lớn nhất cả nước.
Về cái ở, người nông dân ở đây dường như không theo lối “kín cổng cao tường” như nông dân miền bắc, miền trung. Nhiều ngôi nhà nằm sát mặt đường nhưng không hề có cổng ngõ, rào giậu. Những nhà có thì cũng mang nặng tính trang trí hay chỉ là đường ranh giới có tính chất tượng trưng chứ không nhằm “phòng thủ” sự đột nhập của kẻ gian. Nhìn những hàng rào thấp, những cánh cổng chỉ cao chừng mét rưỡi, người đi bên ngoài vẫn thấy được những cây ăn quả núc nỉu, đàn gà đang bới kiếm ăn dưới gốc cây, những khóm hoa đủ loại đang khoe sắc rực rỡ, … mà tịnh không một bóng người, thấy cuộc sống nơi đây thật yên ả, không một thoáng âu lo.
Đi giữa làng quê, trước mắt ta là màu xanh bất tận không phải chỉ của cây trái. Không rõ có phải chủ trương của ai, tôi thấy mọi khẩu hiệu, pa-nô cổ động (dù rất ít) cũng mang những sắc màu dịu mắt: nền xanh dương hoặc xanh lá cây, chữ trắng, hoặc nền màu đậm, chữ màu xanh. Màu đỏ chỉ thấy xuất hiện trên những tấm biển hiệu ở nội dung cần làm nổi bật. Khác hẳn với các đô thị, đâu đâu cũng một màu đỏ rực chói mắt thể hiện bao nội dung nhàm chán và đơn điệu.
Hôm nay, lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy một “nghĩa trang nhân dân” có cái cổng vào đẹp và trang trọng. Đó là cổng Nghĩa trang nhân dân xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần tỉnh Trà Vinh. Từ trước tới nay, thường chỉ thấy nghĩa trang liệt sĩ có cổng vào to đẹp như thế, nay thấy những nấm mộ của bao người bình dị được đặt ở nơi có cái cổng chẳng kém gì cổng Nghĩa trang Mai Dịch, bỗng thấy một niềm vui thấm thía cho những người dân nơi đây.
Chiều tới Bạc Liêu sớm, ghé vườn chim nhưng nghe nói phải “gặp riêng” đám bảo vệ nên quay về, chim thì đâu có thiếu! Ghé qua nhà tưởng niệm nghệ sĩ Cao Văn Lầu, trình làng một số ảnh chụp ở đó.

Ngày thứ 17 (24.9.2015) Bạc Liêu – Đất Mũi, Cà Mau.

Người Khơ-me cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, đến Bạc Liêu và Cà Mau, số dân Khơ-me ít dần. Chính vì thế, ở hai tỉnh phía ngoài, mật độ những ngôi chùa của họ khá dày, và càng ít hơn khi dần vào phía trong. So với những ngôi chùa làng cổ kính ở đồng bằng Bắc bộ quen thuộc với tôi từ ngày thơ ấu, chùa Khơ-me có nhiều nét lạ lẫm. Mặc dù không thể phủ nhận bàn tay tài hoa, khéo léo của những người đã tạo dựng nên nó, nhưng với tôi, quả thật nó thiếu sức hấp dẫn. Nhưng tôi vô cùng thích thú những khu vườn râm mát bao quanh những ngôi chùa đó. Có cây mới trồng, có cây cổ thụ, tất cả che phủ khiến màu vàng son sang trọng bớt lấp lánh, đưa ngôi chùa trở lại gần hơn với cuộc sống trần thế, bớt đi phần xa cách vớn con người. Và đặc biệt dưới những vòm cây ấy, bao loài chim có chỗ trú ngụ yên bình. Sáng qua và sáng nay, từ sớm, chúng tôi đã tới thăm mấy ngôi chùa Khơ-me ít được kể tên trong các sách hướng dẫn du lịch vì khuất nẻo trong các thôn ấp. Chùa nào cũng có khuôn viên rộng và tràn ngập tiếng chim. Nào cò, nào diệc, nào sáo sậu, nào quạ, … và bao loài chim khác. Buổi sớm, chưa đi kiếm mồi, lũ chim “chí chóe” như đang tranh cãi, bàn bạc công việc của ngày mới. Có lúc, chúng cùng “òa” lên rồi tung cánh vươn cao khiến khu vườn trở nên náo động. “Đất lành chim đậu”, cũng như tại các ngôi chùa ở Myanmar, Thái Lan, ngôi chùa Khơ-me ở đây cũng chứa chan những điềm lành mà bao người khao khát.
Từ Bạc Liêu về Cà Mau chỉ có con đường duy nhất là quốc lộ số 1. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Đây là chặng cuối của con đường dài nhất Việt Nam này. Xuất phát từ cửa Hữu Nghị giáp biên giới với Trung Quốc, quốc lộ 1 kết thúc ở thị trấn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau ở ki-lô-mét thứ 2.300. Đã có ý định ghi lại hình ảnh cột cây số đặc biệt này, nhưng tôi bất lực vì những cột cây số ở đoạn cuối con đường đều chỉ toàn một màu trắng, không có nội dung. Đành ghi lại hình ảnh cột cây số thứ 2.281, trước khi kết thúc 19 km.
Từ Thị trấn Năm Căn tới ấp Mũi thuộc xã Đất Mũi, nơi có mũi Cà Mau thiêng liêng hiện chỉ có con đường thủy duy nhất theo sông Năm Căn. Con sông này nối biển phía đông và phía tây của Cà Mau, đoạn rộng nhất khoảng 800m khiến mỗi khi tới những đoạn ngã ba, người trên tàu có cảm giác chẳng khác gì đang vượt biển. Sau quãng đường khoảng 60 km (tàu cao tốc chạy chừng 1 giờ 30 phút) chúng tôi đã tới đích sau khi thỏa thích ngắm cảnh sông nước mênh mang, cũng nhiều lúc thót tim vì tàu “cua” gấp, và cũng không ít lần con tàu như vấp qua nhiều “ổ gà” khiến tôi nhớ lại cảnh máy bay phải hạ cánh khẩn cấp trên cánh đồng trong chuyến du lịch Myanmar ba năm trước.
Hiện cây cầu bắc qua sông Năm Căn đã hoàn thành, chỉ chờ đường dẫn làm xong, tuyến đường bộ tới Đất Mũi sẽ mở ra tạo nhiều thuận lợi cho du khách bốn phương. Tôi vẫn hy vọng được tới đây một lần nữa để “phóng ” thẳng xe máy đến đích, không mất thời gian chờ đợi tàu thuyền.
Lần trước đặt chân tới đây, tôi còn thấy một tấm bia, khắc hai câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
Tổ quốc ta là một con tàu,
Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.
Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, đọc hai câu thơ này trong tập “Mũi Cà Mau và Cầm tay” , tôi đã thấy có gì không ổn. Tổ quốc là con tàu, mũi Cà Mau là mũi thuyền, sự so sánh ấy có thể chấp nhận. Nhưng như thế, Tổ quốc và mũi Cà Mau nào có mối liên hệ gì? Thế mà không biết đã bao người tán tụng hai cái câu như dở hơi ấy. Nay lại thấy hai câu ấy được trang trọng đặt nơi mảnh đất thiêng liêng, địa đầu Tổ quốc thật vô cùng thất vọng mà không biết chia sẻ cùng ai. Hôm nay, lần thứ hai tới đây, vui mừng nói với mọi người, hai câu thơ đó không còn tồn tại và cả cái nhóm tượng đài rất thiếu tính thẩm mỹ tôi thấy 12 năm trước cũng đã được “thanh lý” trả lại môi trường trong lành cho môi trường và nghệ thuật. Mũi Cà Mau trở về là chính nó. Nào cần gì so sánh với “trang điểm” , chỉ ba tiếng “mũi Cà Mau” vang lên đã đủ để mỗi người dân Việt cảm nhận sự gần gũi và bất diệt, gắn bó và thân thương xiết bao!

Ngày thứ 18 (25.9.2015) Cà Mau – Rạch Giá, Kiên Giang – Thành phố Cần Thơ

Từ Cà Mau đi Rạch Giá có hai đường: đường Xuyên Á, theo người dân địa phương, vừa ngắn (có 80 km) vừa vắng vì không chạy qua các khu dân cư, có thể chạy “tẹt ga”, tới đích trong vòng 2 giờ đồng hồ; đường quốc lộ 63 vừa xa (tới 130 km) lại qua nhiều chợ búa, trường học nên nhanh nhất cũng phải mất 4 tiếng. Chúng tôi đã chọn đường 63 vì trước hết, mình đâu còn ở tuổi đua xe, tìm cảm giác mạnh, vả lại đi trên con đường không bóng người thì còn gì thú vị!
Là quốc lộ nhưng chất lượng của nó còn kém đường liên huyện, liên xã của Bến Tre. Mặt đường hẹp, trải nhựa nhưng mấp mô, đi tốc độ hơi nhanh đã thấy bồng bềnh, rất không an toàn. Trong các tỉnh miền Tây chúng tôi vừa đi qua, giao thông Cà Mau có vẻ kém cỏi nhất, ngay quốc lộ 1 đoạn đi Năm Căn cũng không êm thuận. Cầu ở vùng này thường phải cong cao hơn mặt đường để thuyền bè qua lại phía dưới. Chỗ tiếp giáp giữa đường và cầu được các nơi xử lý cẩn thận, có đệm tránh giật xóc. Nhưng ở Cà Mau, mỗi khi qua các điểm tiếp nối này, xe nào cũng bị những “cú” giật nhớ đời, người chưa quen hoặc không vững tay lái có thể ngã. Đường chạy men theo kênh Vĩnh Thuận, trên kênh, thuyền ghe khá tấp nập, hai bên bờ, nhất là bờ bên kia nhiều người ở, cây trái rất xanh tốt, nhiều nhà bày các loại trái cây trong vườn bán bên lề đường. Lúc dừng ăn sáng, thấy một tốp đàn ông gần chục người vừa uống cà-phê vừa cười nói rất náo nhiệt. Hỏi ra, mới biết đây là các ông bố đưa con đi học ở ngôi trường tiểu học trước mặt ngồi chờ đón con về buổi trưa. Các trang sách của Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, … hồi trước bỏ đi những phần đầy thù hận và máu lửa cùng những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đọc sau 1975 đã cho tôi chút ít vốn liếng về lời ăn tiếng nói, về phong tục tập quán cùng lối sống để trò chuyện với các ông bố đang rỗi rãi này. Họ nói, mỗi gia đình có vài ba chục công đất nuôi tôm, chỉ cần mua con giống (30 đồng một con) đem thả, tôm tự kiếm ăn mà lớn, sau 3 tháng là thu hoạch rồi lo vụ tiếp. Hỏi sao không tìm thêm việc làm cho đỡ phí thời gian, một người cười cái lối “nhiễu sự” của tôi, bảo: đủ sài rồi thì làm làm chi? Thật đúng là những người “tri túc”.
Có nhiều chuyện thú vị nhưng xin hẹn dịp khác.
Từ Vĩnh Thuận, con đường có hai khúc ngoặt, men theo hai con kênh khác nhau, nhưng cứ hỏi mỗi nơi, cùng con kênh ấy lại có tới mấy cái tên. Thật chẳng biết đàng nào mà lần!
Gần tới Rạch Giá, giữa hai con sông Xẻo Rô và Tắc Cậu có những cánh rừng trồng xen dừa và cau, phía dưới trồng dứa. Không rõ dừa và cau thu hoạch ra sao nhưng dứa quả rất to, to hơn quả dứa “ta” ngoài bắc. Hai bên đường, cua biển được bán rất nhiều, vì không mua nên tôi không dám hỏi giá.
Chiều, trước khi tiếp tục hành trình, chúng tôi ra thăm biển Rạch Giá, chứng kiến tận mắt công trình lấn biển ở đây. Với số tiền đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, sẽ tạo nên 100 hec-ta đất để xây dựng khu đô thị mới. Đất đã xong, nhiều con đường đã hình thành cùng vườn hoa, thảm cỏ, những căn nhà cũng đã được xây. Công trình còn cần thời gian để hoàn thiện, nhưng hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Tính ra có hơn trăm nghìn một mét vuông đất, lãi nào bằng. Một trong những con đường to, rộng nhất, tiếp theo đường Nguyễn Trung Trực ở khu phố cũ, thấy đã gắn biển “Lê Thị Ràng”, tên thật của nhân vật Sứ trong tiểu thuyết của Anh Đức. Nghĩ tới cái dự án 1.400 tỷ của Sơn La mới thấy thật là “gà què ăn quẩn cối xay”.
Ban đầu đã xác định điểm tới của ngày hôm nay là Long Xuyên (vì Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Đốc, … đã tới trong chuyến đi trước), nhưng vì một sơ xuất nhỏ khi hỏi đường nên tối nay lại nghỉ ở Cần Thơ. Vốn ở thị trấn Minh Hương của huyện Châu Thành có hai ngã ba, một rẽ đi đường 80, tới Long Xuyên rồi Cần Thơ; một rẽ theo đường 61 đi Cần Thơ rồi Long Xuyên. Nghĩ người ta quen tên Cần Thơ hơn nên tôi nhờ chỉ đường tới thành phố này. Nào ngờ mới đi được mấy cây số thì đường xấu dần. Ban đầu vẫn cứ nghĩ đây là đường 80 (tối hôm qua, hỏi bác “Gu-gồ”, thấy bác ấy bảo “đường 80 đang sửa chữa nhưng đã hoàn thành được 90 phần trăm”). Nhưng dần mới phát hiện ra đây là đường 61 đang được làm lại trên nền đường cũ. Thế là suốt hơn 30 cây số phải đi trong tình trạng không phải là đường. Có đoạn còn đang đổ nền đất, trời mưa, đất nhão nhoét, có đoạn đang rải đá “củ đậu”, xe luôn chỉ chực đổ, phải vừa nổ máy, vừa đẩy, những đoạn đang phủ đá răm thì chỉ sợ ngã. Hơn hai tiếng đồng hồ mới vượt qua quãng đường ấy. Trời lại lúc mưa lúc nắng nên khá vất vả. Nhưng sau đó, suốt hơn bốn chục cây số tới Cần Thơ thì đường đã hoàn thành, xe chạy luôn với tốc độ 60 km / giờ vì đường rất vắng (do ngại cái đoạn đường gian khổ đang thi công). Hai bên đường là những cánh đồng lúa đã chín vàng, những khóm hoa dại màu vàng cùng màu cam khoe sắc. Không đi theo đường 80 , thế là lỡ dịp tới viếng Nguyễn Trung Trực. Xin Cụ đại xá. Câu nói nổi tiếng của Cụ: “Bao giờ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây” học từ bé con chưa bao giờ dám quên.
Lúc gian nan, hổn hển thở, đất bùn lấm bê lấm bết vì phải đẩy xe thì nghĩ: đúng là một lũ điên, thật chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Nhưng khi đã vượt qua tất cả, tắm rửa sạch sẽ, cơm nước xong xuôi, điều hòa trong phòng đang chạy “ro ro” thì bao gian nan trở thành quá khứ. Chúng tôi sẽ ngon giấc đêm nay và trong lòng luôn cất cao khúc hát: Chẳng trở ngại nào ngăn nổi bước ta đi!

Ngày thứ 19 (26.9.2015) Thành phố Cần Thơ – Đồng Tháp – Vĩnh Long

Sáng nay, từ Cần Thơ, chúng tôi quay ngược lại về phía Long Xuyên theo đường 91 khoảng 50 cây số để tới thăm vườn cò Bằng Lăng. Ban đầu cũng có ý kiến không tán thành vì từ xa tới, ngày đã muộn, cò đã đi kiếm ăn hết “còn gì để mà xem”. Không biết đâu đó có thông tin, từ quốc lộ vào có 2 km, nhưng đường rất khó đi, nếu trời mưa là chịu chết, đến nơi rồi cũng không thể vào được. Cuối cùng, chúng tôi vẫn giữ ý định cũ vì đã tới đây, lại sẵn xe máy, nếu không tới chắc không bao giờ tới được. Thật may mắn, đường vào rất tốt, rải bê tông sạch sẽ và cò thì rất nhiều. Chỉ tiếc không có máy ảnh tốt để ghi lại hình ảnh hàng nghìn con cò đang đứng trên các tán cây, đang bay lượn cùng nhau nô giỡn, chấp chới trong ánh nắng ban mai.
Chủ nhân của vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, dân ở đây thường gọi là ông Bảy Cò. Ông cho biết, từ tháng 1 năm 1983, khu vườn 2 hec-ta trồng tre, ô môi và nhiều loại cây khác của ông bỗng xuất hiện những đàn cò tới trú ngụ. Chúng kéo đến ngày một đông và đủ loại. Theo ông cho biết, số lượng cò đến nay có thể tới hàng chục nghìn con. Buổi sáng, chúng kéo nhau đi kiếm mồi, nhưng khi chúng tôi đến, số cò còn quẩn quanh trong vườn cũng tới nhiều trăm con. Từ bên ngoài du khách vào vườn theo con đường rợp bóng cây. Còn cách xa hàng trăm mét, đã có thể nghe tiếng kêu của cò và nhận ra mùi phân chim không thể nhầm lẫn. Trong vườn có một tháp cao để khách có thể dễ quan sát. Ông chủ cho một vài người ở trong vườn để giúp ông trông nom, đổi lại, họ có thể bán nước giải khát cho khách tới tham quan.
Dời Cần Thơ, chúng tôi qua phà Vàm Cống, vượt sông Hậu sang tỉnh Đồng Tháp. Xã Định An là nơi dệt chiếu rất nổi tiếng. Người ở đây mua “lác” từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) về phơi khô, nhuộm màu rồi dệt thành những tấm chiếu nhiều kích cỡ, đủ màu sắc. Giá trị ngày công lao động không cao (công ngày khoảng 80 nghìn, nếu ăn hai bữa chỉ có 50 nghìn), nhưng do giá cả lương thực, thực phẩm thấp nên cuộc sống cũng tạm ổn. Định An thuộc huyện Lấp Vò, xã tiếp theo chúng tôi tới là Tân Thành, nơi trồng nhiều quýt nhất huyện Lai Vung. Quýt bạt ngàn, đi đâu cũng thấy quýt. Tiếc giờ quýt mới có quả nhỏ, chưa đến mùa thu hoạch. Ông chủ một vườn quýt lớn nói, dịp sắp Tết, quýt chín đỏ ối, thương lái khắp nơi kéo đến. Để kịp thời giao hàng cho họ, phải trả công cho người hái quýt tới 200 nghìn một ngày.
Đồng Tháp có 2 thành phố, Cao Lãnh và Sa Đéc. Sa Đéc nổi tiếng với làng hoa. Làng hoa nằm cách trung tâm thành phố chừng 3 km. Làng có khoảng 60 hec-ta đất trồng hoa, số lao động khoảng 600 người. Ngoài nhiều loại cây cảnh quý hiếm, mỗi dịp xuân về là thời điểm muôn hoa khoe sắc. Đáng buồn lúc này phần lớn các loại hoa đều vừa hoặc chưa trồng. Nhiều nhất trong các vườn vẫn là hoa giấy. Người làm vườn ở đây đã ghép để tạo cây hoa giấy ba màu. Nghe nói thương lái đưa từng xe tải lớn hoa giấy ra Hà Nội. Không biết thực hư thế nào. Cảm giác chung của tôi là không bằng làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, … của Hà Nội. Chẳ biết có phải mình thiên vị?

Ngày thứ 20 (27.9.2015) Vĩnh Long – Bến Tre – Sài Gòn

Sáng nay, dời Vĩnh Long, qua phà Đình Khao, vượt sông Cổ Chiên trở lại Bến Tre. Sau 12 năm, nhiều cây cầu mới đã được xây dựng nhưng chủ yếu theo tuyến quốc lộ 1. Muốn đi theo các tuyến đường liên huyện, liên xã chỉ có cách qua sông bằng đò hay phà. Đò của tư nhân, hầu như xã nào cũng có; phà của nhà nước nên ít hơn. Muốn qua phà thường phải “mua đường” nên ban đầu, chúng tôi chọn đò. Hôm qua cửa Hàm Luông, sang Trà Vinh, thấy con đò máy khá lớn nằm trên con lạch nhỏ đợi khách, chúng tôi thấy yên tâm. Nhưng khi đò dời bến, hướng ra sông lớn, sau cảm giác rợn ngợp khi nhìn thấy trước mắt dòng sông mênh mông là một thoáng lo lắng. Trên đò không có một cái gì có thể phòng hộ, một cái áo phao cũng chẳng thấy. Sau khoảng mười phút chạy ven bờ, khi đò quay mũi hướng sang bờ bên kia, cái lo càng tăng thêm. Cảnh rất đẹp, những con sóng nhỏ phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh khiến mặt sông như dát vàng dát bạc nhưng bụng dạ tôi đâu còn nghĩ tới chuyện thưởng thức. Trong đầu luôn ám ảnh ý nghĩ: giờ mà có chuyện gì thì chỉ còn biết kêu lên “Ối giời ơi!”, rồi … “ngủm”. Vì thế trong những lần sau, chúng tôi chấp nhận “mua đường” để chọn phà.
Trở lại nơi vẫn được coi là “xứ dừa”, tôi mới biết, Bến Tre còn rất nhiều loại cây ăn quả khác: các loại quả có múi, mít, chôm chôm, măng cụt, …(Đáng ngạc nhiên là ngay những vùng ven biển, rất nhiều dừa nhưng không phải khi nào cũng có thể uống nước dừa, có nơi chỉ thu hoạch khi vỏ dừa đã khô.) Xã Vĩnh Thành huyện Chợ Lách còn được coi là trung tâm giống cây cảnh và cây ăn trái lớn nhất cả nước.
Từ trước tôi luôn nghĩ Trương Vĩnh Ký (1837 – 1896) quê ở Vĩnh Long nên hôm qua Bến Tre, không tới quê ông. Nhờ một bạn trên FB nhắc mới biết có sự nhầm lẫn: họ đạo Cái Mơn, quê ông thuộc giáo xứ Vĩnh Long. Nhà ông chỉ cách nhà thờ Cái Mơn khoảng 300 m, thuộc ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Từ năm 1700, đã có những tu sĩ thuộc dòng Phanxicô tới đây truyền đạo. Năm 1803, một nhà thờ đơn giản bằng gỗ ván đã được dựng để giáo dân tới đọc kinh, nghe giảng đạo mỗi khi có Đức cha tới thăm. Tới 1884, nhà thờ được xây dựng với quy mô hơn trước. Nhà thờ hiện nay được hoàn chỉnh năm 1973 với tháp chuông cao 54,3m, treo 6 quả chuông, lớn nhất nặng 1.000 kg, nhỏ nhất 300 kg, tổng cộng trọng lượng 4.000 kg. Cả 6 quả chuông đều được làm từ một lò đúc gia truyền ở Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19. May mắn cho tôi hôm nay là ngày chủ nhật, tới thăm nhà thờ được chứng kiến một buổi lễ diễn ra hàng tuần. Cùng nhiều giáo dân là người lớn, có các cụ đã 80, 90 tuổi, ai cũng áo quần trang trọng tuy giản dị, tôi còn thấy rất đông các cháu nhỏ đang tuổi tiểu học. Theo độ tuổi (thấp nhất là dưới 5 tuổi), các cháu được tổ chức thành các lớp, học sinh mỗi lớp ngoài đồng phục chung có khăn quàng mang màu sắc riêng. Trong dịp hè và ngày chủ nhật, các cháu được học giáo lý và nhiều điều cần thiết khác. Nhìn những giáo dân từ trẻ đến già ngồi trong giáo đường đọc kinh, nghe giảng giải của Đức Cha với thái độ thành kính đầy vẻ chất phác, tôi cám cảnh cho đạo Phật, tôn giáo mà ông bà, cha mẹ tôi và bản thân tôi ngưỡng vọng một thời. Sự biến chất của chùa chiền gần đây khiến trên đường, hễ thấy những tấm biển ghi tên chùa kèm theo hàng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” là tôi thấy “dị hết tất cả ứng”. Sự tha hóa, biến chất của sư sãi đã khiến ngôi chùa chẳng khác gì nơi chợ búa. Không ít người tới chùa ngày nay là để xin xỏ, khẩn cầu mọi thứ trừ lòng vị tha. Tới cửa Phật nhưng lòng chưa thành, lại quen lười biếng nên phải mượn máy ghi âm để đọc kinh, muốn diệt dục nhưng ác tâm chưa dứt nên đồ chay vẫn phải giả hình đồ mặn. Bao kẻ lợi dụng chức quyền để bòn rút qua việc dựng xây những tượng những đền trăm, nghìn tỷ, bao kẻ ký giấy cướp đất cướp nhà cho người cùng phe cánh, bao kẻ dùng “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, bao kẻ dùng mưu sâu kế gian để loại bỏ đối thủ, …. họ có biết rằng đến mãn đời, đến hết kiếp, họ cũng chẳng thể rửa sạch được tội lỗi.
Dời Cái Mơn tôi không sao ngăn được những nghĩ suy về cái lẽ thiện ác, cái thật giả ở đời.

Ngày cuối, chuyến đi kết thúc

Sáng nay, tôi tới trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chọn đây làm điểm kết thúc cho chuyến Xuyên Việt lần thứ 2. Được hoàn thành từ năm 1880, qua bao năm tháng, những viên gạch vẫn thắm màu hồng, dáng vẻ uy nghi nhưng gần gũi, trở thành một biểu tượng của Sài Gòn mà những người khách của thành phố không thể bỏ qua. Từ sớm, tôi đã thấy những người (chắc là giáo dân) dựng xe máy bên cạnh, đứng nghiêm trang hướng về tượng Đức Bà Hòa Bình nguyện ngẫm. Có người chắp hai tay đầy vẻ thành kính, có người khoanh hai tay lặng lẽ, dù dáng vẻ, tư thế ra sao vẫn thể hiện vẻ chân thành không thể nghi ngờ. Không hương hoa, không phẩm oản hay các lễ vật nhiều màu sặc sỡ vẫn thể hiện niền tin bất diệt vào Đức Mẹ chí cao. Trước nhà thờ, những đàn bồ câu, đàn sẻ khi cần mẫn mổ những hạt gạo, đỗ xanh do các cháu học sinh tiểu học ở một ngôi trường gần đó hoặc mấy cụ già ném cho, khi tung cánh bay khiến ai cũng có cảm giác thanh bình, yên ả. Giữa Sài Gòn sôi động và náo nhiệt, điểm tĩnh lặng nơi đây mang biết bao ý nghĩa.
Chuẩn bị cho chuyến đi, mặc dù ý thức được qua năm tháng, sức khỏe không còn được như trước, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng có chuyến khứ hồi. Qua 20 ngày, chúng tôi đã vượt quãng đường 3.439 km, qua 30 tỉnh thành từ bắc vào nam, tới nhiều nơi chuyến đi trước không có điều kiện ghé qua mà không xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào.
Đến hôm nay, sức khỏe của anh em chúng tôi vẫn có thể tiếp tục hành trình trở về. Nhưng đủ sức để đi tiếp hàng chục ngày nữa không ai dám khẳng định. Cho nên, chúng tôi quyết định kết thúc chuyến đi ở ngày thứ 20 (một con số đẹp), khi tất cả còn đang chưa có gì phải nuối tiếc. Niềm vui nào cũng có lúc phải kết thúc. “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi”, biết vừa đủ với những gì đã có sẽ có những chuyến đi tiếp theo, biết dừng lại đúng lúc sẽ tránh được những hối hận đáng tiếc.
Trời Sài Gòn hôm nay rất đẹp. Nắng nhẹ và gió mát như hòa với chúng tôi niềm vui vì chuyến đi thành công.
Xin tạm biệt mảnh đất phương nam của Tổ quốc mà chúng tôi luôn mong được trở lại.
Xin cám ơn vợ và các con tôi, những người đã tài trợ và luôn theo dõi chuyến đi dù không thật tán đồng nhưng vẫn tôn trọng sở thích riêng của tôi.
Xin cám ơn các anh em, các cháu và tất cả bè bạn xa gần, có người tôi đã từng gặp mặt, nhiều người tôi chỉ mới biết tên (thậm chí nhiều khi mới chỉ là cái nick ảo) đã theo dõi, cổ vũ và khích lệ chúng tôi trong hai mươi ngày qua.
Xin cám ơn hãng Honda đã chế tạo những sản phẩm tuyệt vời khiến những chiếc xe đã được dùng từ 1997, 1998 chạy suốt hơn ba nghìn cây số ở mọi địa hình vẫn không có một trục trặc dù nhỏ về máy móc.
Xin cám ơn những con người vô danh trên các nẻo đường chúng tôi đã qua có nhiều chỉ dẫn và giúp đỡ.
Xin cám ơn tất cả.
Hẹn gặp lại trong các chuyến đi tiếp theo.

8 BÌNH LUẬN

  1. Đọc đến quãng mấy ông bố ngồi chuyện phiếm,thấy rõ tính cách đặc trưng của người Nam Bộ. Còn tiền xài,trong lu còn gạo là không đi làm. Ở nhà tụ tập,lai rai ba xị đế và đờn vài bản vọng cổ.

  2. Ngồi một chỗ mà được đi du lịch nhờ ảnh và văn của thầy Biểu tượng cảm xúc smile

  3. Tuyệt vời. Thầy miêu tả bằng lời mà em cũng cảm giác được đi du lịch cùng. “…hình ảnh hàng nghìn con cò đang đứng trên các tán cây, đang bay lượn cùng nhau nô giỡn, chấp chới trong ánh nắng ban mai” –> viết hơi bị đắt đấy. ha ha

  4. Đồng cảm với anh về nỗi buồn về sự tha hoá tràn lan trong nhà chùa, nơi mà lẽ ra phải giúp con người thanh tịnh, nhìn lại mình và noi theo Phật pháp

  5. Tôi đã theo dõi một cách hào hứng chuyến hành trình dài hơn 3000 km suốt từ miền Bắc đến điểm cực Nam đất nước của anh qua những trang du ký vừa tỉ mỉ, uyên thâm lại rất hấp dẫn điểm chút humour.
    Phải nói là tôi đã học được rất nhiều kiến thức mới về địa lý và lịch sử, thiên nhiên và con người của những vùng đất anh đã đến thăm trong chuyến hành đi này. Có những vùng trong số đó tôi đã đến thăm hoặc đi qua trong những chuyến công tác dài ngày khi chưa về hưu nhưng phải thú thật là tôi còn phải học ở anh rất nhiều về cách quan sát tinh tế, và khả năng khái quát hóa vấn đề và sự việc khi tiếp xúc với một vùng đất mới, cộng đồng và văn hóa mới
    Tôi rất tâm đắc với những dòng viết cô đọng súc tích nhưng rất sâu xa thấm thía về sự tha hóa biến chất ngày nay của nhiều kẻ khoác trên mình tấm áo cà sa và một bộ phận không nhỏ người đang lợi dụng Phật giáo để che đậy những việc làm ích kỷ, thậm chí bất lương, trái với những lời dạy của Đức Phật. Đồng thời tôi cũng thấy rõ hơn sự nghiêm cẩn, thánh thiện ở những con người ở những cộng đồng có Đức tin Thiên Chúa.

  6. Hai vo chong minh dang o Paris voi cac Chau van Thuong xuyen theo roi tin tuc chuyen di ky thu cua cac ong. That Cam Phuc Rat mung da gap nhieu may man va tôt dep.Hen ngay gap Ong o Son tay.

  7. Cám ơn bác vì bài viết hay.
    Có 1 chút góp ý: (1400 tỷ/100ha) = (1,4 tr/m2), không rẻ hơn trên Ba Vì.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here