Ngày thứ 11 (18.9.2015) Mũi Né, Phan Thiết – Sài Gòn
Từ khi còn nhỏ, đã nghe nói Sài Gòn được gọi là “hòn ngọc Viễn đông”. Cũng chưa nhìn thấy “hòn ngọc” bao giờ, nhưng chỉ cảm thấy đẹp lắm, quý lắm. Mơ hồ thế thôi chứ không có ấn tượng gì cụ thể. Sau 1954, tiếp xủc với những người miền Nam tập kết, thấy người Sài Gòn “dễ chịu” hơn những người ở các vùng, miền khác, thấy họ rộng rãi, phóng khoáng và cũng khá hào hoa. Tôi bắt đầu chú ý và ngày càng có ấn tượng với Sài Gòn từ sau 1975. Qua những người thân, bè bạn sau các chuyến đi “miền nam nhận họ, miền bắc nhận hàng” tôi không được thụ hưởng những lợi ích vật chất, những ti vi, tủ lạnh, xe máy, … nhưng đời sống tinh thần của tôi thêm nhiều món ăn mới lạ.
Tôi được biết tới những “Số không và vô tận”, “Bác sĩ Zi-va-gô”, “Hòn đảo ngục tù”, “Cuốn theo chiều gió”, … qua các bản dịch, biết các tác giả người Việt chưa một lần nghe tên: Võ Phiến, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Hiến Lê, …. Thay cho các ca khúc hào hùng trong chiến tranh, tôi được nghe những bài hát đã từng nghe hồi đầu kháng chiến chống Pháp của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, …mà suốt những năm sau đó đã hầu như “tuyệt chủng”, được khoác cho cái tên “nhạc vàng” và không chỉ một người đã lĩnh án tù ngồi vì cả gan cất lên những bài ca ấy trong các băng nhạc mang tên ca khúc “tiền chiến”, cùng một tác giả lần đầu nghe tên : Trịnh Công Sơn mà các tác phẩm của ông còn được lưu truyền chưa biết tới bao giờ. Những tác phẩm đó đã đưa tới cho tôi nhiều hiểu biết và cảm xúc mới lạ, những nhìn nhận và đánh giá thoát khỏi những lối mòn từ bao năm. Qua những trang sách và băng nhạc ấy, tôi nhận ra thái độ nhân văn trong quan hệ giữa con người với con người, thấp thoáng đâu đó tinh thần dân chủ mà không phải theo cách hiểu “mình là dân còn người ta là chủ.” Từ đó, tôi nhìn Sài Gòn, chờ đợi những gì Sài Gòn có thể đem lại cho tôi với bao khát khao, mong ngóng.
10 năm sau 1975 (tôi không muốn dùng cụm từ quen thuộc “giải phóng miền Nam”), năm 1985, tôi mới có điều kiện tới mảnh đất này. Có hai ngày ngắn ngủi, tôi đã thấy một thành phố hiện đại với những kiến trúc đa dạng, phong phú và rộng lớn gấp nhiều lần Hà Nội, thấy dòng sông gần gụi với con người, thấy người ta có thể được hưởng thụ một cuộc sống tiện nghi, sung sướng ra sao. Ở nhà một người quen (cũng vào loại “thường thường bậc trung” chứ chưa phải giàu có), lần đầu tiên, tôi thấy một cái phòng tắm và nhà vệ sinh sạch sẽ và sáng choang bởi gạch men và các loại vòi nước bóng loáng. Ngoài đường phố dù đây là thời kỳ kinh tế khủng hoảng, ngoài bắc đến xà phòng cũng không có để giặt, nhưng ở đây các cửa hàng vẫn bày bán đủ loại hàng hóa, khác hẳn cpái anghèo nàn đến “trống hoang trống huếch” của những cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở Hà Nội. Tìm hiểu, tôi được biết sự phong phú ấy do nhiều nguồn, có nguồn từ trước còn lại, có do bà con vượt biên gửi về, và đặc biệt trí sáng tạo của con người nơi đây, dựa vào các cơ sở kỹ thuật và công nghệ sẵn có đã tạo nên. Rất nhiều hàng hóa còn được đưa ra miền bắc cùng với lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long để cứu trợ cho nỗi khốn cùng.
Từ đó về sau, tôi đã có sáu lần tới đây, tiếc là đều trong thời gian ngắn ngủi, chưa thể hiểu nhiều biết rộng về mảnh đât này. Nhưng sự chân thành, lối sống thiết thực, không chạy theo cái phù phiếm, tính cách phóng khoáng, không chuộng hư danh, không giáo điều vì bị nhồi nhét những mê muội lâu ngày, … đã khiến tôi ngày càng có thiện cảm với Sài Gòn và những cư dân của nó.
Sáng nay, chúng tôi dời Mũi Né về Sài Gòn lúc 6 giờ. Vượt qua chặng đường 200 km, cả nhóm đã tới đích lúc 2 giờ chiều trong sự chào đón ân cần của người bạn Sài Gòn được làm quen qua FB. Hy vọng trong những ngày tới, Sài Gòn cùng phần đất phía nam của Tổ quốc sẽ được chúng tôi khám phá, tìm hiểu. Chưa rõ kết quả sẽ ra sao, nhưng tin rằng, dù ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi nghĩ tới mảnh đất này, trong tâm trí của tôi vẫn vang lên khúc hát:
“Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
Ngày thứ 12 (19.9.2015) Thành phố Sài Gòn
So với 12 năm trước, chuyến đi năm nay vô cùng thuận lợi. Trước hết là đường xá, tuyến đường HCM đã hoàn thành từ mấy năm trước, nhờ việc duy tu bảo dưỡng được làm thường xuyên nên mặt đường êm thuận, các loại biển báo, vạch sơn phân làn tuyến đầy đủ nên đi lại rất thuận lợi. Suốt chặng đường từ Xuân Mai đến Prao, không thấy những đoạn sạt lở, điều thường xuyên xảy ra trên các đoạn đường Tây bắc và Việt bắc. Quốc lộ 1 nhiều đoạn đã mở rộng nâng cấp xong, có đoạn công việc còn dang dở nhưng cũng không gây trở ngại đáng kể. So với đêm tới Hiên năm trước thì những đoạn đường đang làm ấy nào có “mùi mẽ” gì! Đây là chuyện khó tránh ở bất kỳ đâu, trước khi muốn hưởng ngọt bùi khó tránh được vị cay đắng. Hiểu như thế gian nan sẽ bớt rất nhiều.
Lần trước, qua Hà Tĩnh, tới Quảng Bình, chúng tôi đã phải mua xoong, bát đũa cho từng người và mì ăn liền, lương khô, … Có mấy bữa đã phải “hạ trại” kiếm cành khô, tìm nguồn nước nấu ăn, mãi khi tới Kon tum, chuyện tự lo ăn uống mới chấm dứt. Nhà nghỉ năm nay đâu cũng có điều hòa nhiệt độ, chỉ qua một đêm, quần áo đã khô cong để dùng trong ngày. Ăn cũng tiện lợi, ít bữa có cảm giác không hợp khẩu vị. Chuyện nhỏ như nước uống dọc đường cũng đơn giản hơn rất nhiều. Lần trước mỗi tối phải mở nút “phích” để nước nguội, rót vào chai mang đi đường, năm nay, đâu cũng có thể mua nước đóng chai mà giá cũng không đắt. Có nơi, nước đóng chai ướp lạnh giá chỉ có 3.000 đ. Cái áo mưa trước đây dù vải tốt, dày đến mấy cũng khó ngăn được mưa ướt, nhất là phần phía dưới. Lại thêm nó lòe xòe, dễ gây vướng víu nhất là khi có gió mạnh, thậm chí còn có thể gây ngã, đổ xe. Bộ quần áo mưa ngày nay đã khắc phục được nhữnh nhược điểm ấy, lại thêm gọn nhẹ hơn, giá cũng chưa tới một nửa so với cái áo mưa rộng “thùng thình” ngày trước. Một tác động rất tích cực cho những chuyến đi không thể không nói tới là sự phổ cập ngày càng rộng của chiếc điện thoại di động. Khi mỗi người chưa có nó, việc liên lạc với nhau trên đường đi vô cùng khó khăn. Ý thức luôn bám sát nhau luôn thường trực nhưng không phải khi nào cũng thực hiện được. Đi trong thành phố, chỉ cần lỡ một chu kỳ đèn đỏ là có thể lạc nhau. Trên đường dài, thứ tự trước sau cũng đôi khi bị đảo lộn vì rất nhiều lý do. Đã không ít lần, người đi sau cố chạy chậm để chờ đợi trong khi người đi trước cố chạy cho nhanh để đuổi theo. Cós khi phải chạy xe hàng chục cây số để tìm nhau mà vẫn “tuyệt vô âm tín”. Chúng tôi đã phải hẹn nhau nếu thất lạc, sẽ chờ đợi nhau ở cơ sở bưu điện lớn nhất của đích đến. Đã không chỉ một lần, chúng tôi phải tìm nhau theo cách này. Mất thời gian, tốn công sức kể cả những bực dọc, to tiếng đã có lần diễn ra chỉ do thiếu phương tiện liên lạc. Lần này, nhờ mỗi thành viên trong tay đã có một chiếc điện thoại, dù chỉ là loại đơn giản nhất, mọi trục trặc đã được giải quyết.
Xưa có câu “xảy nhà ra thất nghiệp”. Nhiều người vì câu châm ngôn ấy mà ngại “xê dịch”. Nhưng đó là cái kinh nghiệm đã cũ rích được đúc kết từ cuộc sống tiểu nông lạc hậu. Tất nhiên mọi thứ không thể tiện nghi, đầy đủ như ở nhà nhưng nếu vì thế mà ngần ngại, bỏ lỡ những chuyến đi chẳng phải thiệt thòi lắm sao!
Hôm nay đi mấy nơi ở Sài Gòn thăm mọi người. Đúng là thành phố quá sôi động, có vẻ không thích hợp với những người như mình. Đường phố lúc nào cũng đông và xe máy hình như chạy nhanh hơn ở Hà Nội.
Ngày thứ 13 (20.9.2015) Thành phố Sài Gòn
Một bạn trên FB nói mình nên thêm những nhận xét về Sài Gòn. Quả là khó khăn khi mới tới đây có hai ngày, và chỉ trong hai ngày ấy, không tổng kết được việc dừng lại hỏi đường đã mất bao nhiêu thời gian. Sài Gòn rộng quá so với Hà Nội. Có lẽ đó là nhận xét đầu tiên. Vốn xưa “hòn ngọc Viễn đông” đã rộng, từ vài ba chục năm nay, đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển mạnh ra mọi hướng nên càng rộng hơn. Không chỉ những người dân nhập cư “lạ nước lạ cái”, cũng không chỉ những người lao động lam lũ, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chẳng có lúc nào ngẩng mặt lên, ngay những cư dân lâu năm cũng chưa thuộc hết ngay khu vực mình cư trú. Tới thăm một người bạn ở khu dân cư ven sông Tân Phong, quận 7, anh đã cẩn thận nhắn cho cái tin có đủ tên đường phố, số nhà. Tưởng rằng không còn khó khăn gì nữa. Sau một hồi hỏi thăm tới được khu dân cư ấy đã mừng lắm. Lại được một người hướng dẫn: đường phố đặt theo số, đường ngang số chẵn, đường dọc số lẻ. Tưởng không còn gì khoa học và dễ tìm hơn. Nhưng không làm sao tìm được đường số 16, nơi có nhà anh. Chạy đi, vòng lại chỉ thấy đến đường 12 là hết. Cuối cùng đành điện thoại cầu cứu chủ nhân, nói đang chờ ở nơi giao cắt giữa đường 12 và 15 chờ anh ra đón. Phải tới mười phút sau mới thấy anh xuất hiện với lời giải thích: ở đây đã 5 năm, tôi cũng chưa biết cái đường 15 nó ở chỗ nào. Lát sau tới thăm bà dì ở Phú Mỹ Hưng cách đó không xa. Cô em lại nhắn cho cái tin, hướng dẫn “đường đi nước bước”, đọc thấy bao nhiêu là cái rẽ trái, rẽ phải, chẳng khác gì anh Hoàng của Nam Cao không sao nhớ nổi lời chỉ dẫn đường lên chợ huyện trong truyện ngắn Đôi mắt. Nhưng khổ nỗi, ở đã trên chục năm, nhưng cô em chỉ đi lại bằng cái thói quen, hay nhờ vào tay lái người khác nên tên đường phố thì cô nhầm lẫn “lung tung beng” khiến hết cả gần tiếng đồng hồ cùng bao cuộc điện thoại, vẫn bất lực, mấy lần suýt phạm luật “đèn xanh đèn đỏ”, tôi đành hỏi lại địa chỉ rồi “tự thân vận động”. Những sự nhầm lẫn ấy chẳng biết nên buồn hay nên vui.
Công viên Sài Gòn nhiều cây xanh, trong đó không ít cây cổ thụ, rất phù hợp với nơi nhiều nắng gió. Dưới tán cây, lớp trẻ và người cao tuổi có thể tổ chức những sinh hoạt tập thể ngay trong những buổi chiều nắng còn chói chang. Đi một vòng qua các công viên trước dinh Độc lập, Tao đàn, 23 tháng 9, Lê Văn Tám, … đều thế cả. Ở Hà Nội, công viên trồng nhiều hoa, đúng là vui mắt, nhưng mùa hè, từ khoảng 9 giờ tới 3 giờ chiều, công viên vắng ngắt. Nếu công viên ở thủ đô học được điều này chắc không phải là dở.
Trưa nay ăn cơm và nghỉ trong một quán cà phê – sách trên đường Cộng Hòa. Khác với Hà Nội, bữa trưa, người tới đọc sách hay làm việc có thể ăn cơm tại chỗ rồi tiếp tục công việc mà giá cả cũng không đắt hơn bình thường là bao.
Ngày mai, lên đường đi miền Tây.
P/S: Đang viết thì có người bạn vốn “ảo” trên “phây”, vừa gặp mặt hôm qua, không quản trời tối, nghe nói mai tôi tiếp tục chuyến đi, từ Tân Bình mang tới tặng bộ quần áo mưa. Xiết bao cảm động, một lần nữa chân thành cảm ơn người bạn mới.
Ngày thứ 14 (21.9.2015) Sài Gòn – Mỹ Tho, Tiền Giang
Sáng nay, theo kế hoạch, đoàn sẽ lên đường về miền Tây với quân số 6 người. Nhưng tối qua, một vị điện thoại xin “kiếu”, đến sáng nay, hai vị “xin được tham gia vào các chuyến sau” . Thế mới biết, không ít người thích, và thích thì chẳng khó khăn gì, nhưng để thực hiện thì cũng không dễ vì muốn thế, phải vượt lên chính mình.
Vì chờ đợi nên khởi hành muộn, được chứng kiến một đám rước dâu ở Sài Gòn. Đôi trai gái mặc giản dị, ai dám nói không đẹp? Mình xin chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm, họ vui vẻ đồng ý.
Khác chuyến đi trước, lần này chúng tôi đi theo quốc lộ 50 qua Long An, tới Tiền Giang. Lần đầu tiên tới Cần Giuộc, tới chợ Trường Bình, nhớ hai câu trong bài văn tế của cụ Đồ Chiểu:
Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng,
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
Gò Công, thị xã của Tiền Giang là quê ngoại vua Tự Đức. Đây là quê bà Từ Dũ, thân sinh của nhà vua. Chính vua Tự Đức đã cho làm con đường này để về thăm quê ngoại được thuận lợi. Ở Gò Công hiện có nghĩa trang dòng họ Phạm, trong đó có mộ phần cụ Phạm Đăng Hưng, ông ngoại nhà vua. Người địa phương gọi nghĩa trang này là “Lăng Hoàng gia”, hiện vẫn có người trông nom chu đáo. Gò Công còn là quê hương một Hoàng hậu nữa của triều Nguyễn, Nam Phương Hoàng hậu của vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Nơi đây còn có mộ và đền thờ Trương Công Định, lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp những năm Pháp bắt đầu xâm lược Nam Kỳ.
Buổi chiều, sau khi tới Mỹ Tho, chúng tôi đi thăm hai cù lao Thới Sơn và cù lao Phụng trên sông Tiền. Trên cù lao là những vườn cây ăn trái đủ loại, du khách được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên với bao hoa lá đầy sắc hương tiếng vo ve của ong, tiếng ríu rít của chim chóc, được thưởng thức các loại trái cây vừa hái trong vườn như chôm chôm, nhãn, đu đủ, thanh long, dứa, … Trên cù lao Phụng còn có khu du lịch sinh thái, đủ nhà hàng, khách sạn, … sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu khi khách nghỉ lại qua đêm.
Ngày mai, chúng tôi sẽ men theo đường biển, tới Bến Tre, Trà Vinh để hiểu thêm cảnh sắc và đời sống cư dân mỗi vùng.
Ngày thứ 15 (22.9.2015) Mỹ Tho, Tiền Giang – Thành phố Trà Vinh
Sáng nay, vượt cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, chúng tôi tới huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, viếng mộ ba danh nhân nổi tiếng cuối thế kỷ 19 của nước ta. Tỉnh lộ 887 từ thành phố Bến Tre về Ba Tri không lớn nhưng khá êm thuận. Mật độ xe cộ không đông khiến mỗi người vừa lướt trên đường vừa ngắm cảnh và thả hồn hòa với cảnh vật mà không quá ngại vì sợ va chạm. Bến Tre nằm sát biển, địa hình bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch, không có những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” như các tỉnh lân cận nhưng có nhiều vùng đất màu mỡ, lúa tốt bời bời khiến các tỉnh miền núi phía bắc hay miền trung phải mơ ước. Mùa vụ đã vào lúc kết thúc, phần lớn các cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ nhưng đâu đâu cũng thoảng mùi rơm mới, báo hiệu một cuộc sống no đủ. Đi sâu vào các làng xã mới thấy người dân Nam bộ ưa thích cuộc sống giản dị, không chuộng vẻ bên ngoài. Hầu hết người dân đều no đủ, nhiều người “trúng mùa” lúa hay cá tôm có thu nhập cao nhưng hầu như không thấy những ngôi nhà cao tầng. Hầu hết nhà cửa đều có kiến trúc đơn giản, khuôn viên trồng nhiều loại hoa khoe màu rực rỡ. Có những căn nhà “tuềnh toàng”, khung gỗ, mái lợp, vách đều bằng lá dừa nhưng không gây cảm giác thiếu thốn, nghèo khó. Các quán nhậu luôn đông khách, không chỉ có bia rượu, đó còn là nơi các nghệ sĩ nghiệp dư thi thố ngón đàn hay giọng hát của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Không sinh ở Bến Tre nhưng Nguyễn Đình Chiểu được coi là người con yêu quý từ khi lui về đây, bất hợp tác với quân xâm lược. Ông mất và được chôn cất ở ấp 3, xã An Đức huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre cùng người vợ đã mất trước đó. Năm 1972, nhân dân địa phương đã quy tập mộ người con gái của ông là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh về đây. Trong khuôn viên, một nhà thờ cũng được xây dựng. Nơi đây, một cơ sở khám chữa bệnh miễn phí bằng đông y cũng đang hoạt động. Dưới những gốc đa cổ thụ đang tỏa bóng, tinh thần bất khuất trước quân xâm lược, thái độ vì nghĩa quên thân vẫn không ngừng tỏa sáng. Gần đây, nhà nước đã cho xây dựng một công trình kiến trúc để tưởng niệm ông. Điều khác biệt với những lăng mộ, đền miếu mới xây dựng gần đây dễ nhận thấy là khu tưởng niệm nhà thơ rất gần gũi với mọi người. Bên cạnh phong cảnh đẹp, đủ loại hoa rực rỡ và ngát hương, hàng ngày, các cháu thanh thiếu niên vẫn tới đây vui chơi, ca hát và tổ chức những sinh hoạt tập thể. Dù qua đời đã hơn một thế kỷ, nhà thơ mù vẫn chẳng cô độc lẻ loi. Nhìn cảnh bao đền miếu hoang vắng dù đã tốn kém tới chục, trăm tỷ để xây dựng mới thấy cái vĩ đại nhưng gầi gũi với nhân dân của nhà thơ tiêu biểu đất Nam Bộ.
Ở xã Bảo Thạnh huyện Ba Tri có hai ngôi mộ cùng nhà thờ, đó là mộ phần và nhà thờ của Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Võ Trường Toản là nhà nho nổi tiếng từ thời các Chúa Nguyễn. Khi mất, ông được mai táng ở Hòa Hưng, nơi ông dạy học. Sau khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền đông (1862), Phan Thanh Giản cùng một số học trò của ông đã đưa hài cốt của thầy cùng người vợ và con gái mất từ lúc một tuổi về Bảo Thạnh, Ba Tri với ý nghĩa không để mộ thầy trong vùng cai quản của quân xâm lược. Không biết có phải nhà thờ ông do nhà nước xây dựng và quản lý nên dưới chân ban thờ có cái hòm công đức?
Cách đó không xa là mộ phần và nhà thờ Phan Thanh Giản, hiện do người cháu đời thứ 6 của ông chăm sóc. Thắp hương trước mộ và bàn thờ ông mới thấy cái trớ trêu của lịch sử: người bất khả kháng trong việc bảo vệ lãnh thổ, đã dùng cái chết để tỏ niềm đau khôn siết trước cảnh nước mất nhà tan thì chịu sự ghẻ lạnh, trong khi kẻ ký giấy dâng hiến biển đảo, kẻ tuyên bố “thà mất đất (đai của Tổ quốc) còn hơn mất…” lại được tôn vinh bằng đủ cách.
Ngày mai, chúng tôi tiếp tục tiến về phía nam.
Về Bến Tre sao Ông Giáo không về xứ Đạo Cái Mơn,đây là quê hương của nhà Bác học Trương Vĩnh Ký đồng thời cũng là vùng hoa kiểng nổi tiếng của miền Tây
Cảm ơn ông giáo đã có cái nhìn thiện cảm với đất và người phương Nam.
Một chuyến đi thật khó quên, nhất là ở tuổi này. thích quá, ông Giao ơi !
Thầy nhận xét quá chuẩn.Sài gòn ồn ào,xe máy phóng vèo vèo đến chóng mặt,nhưng cũng ít thấy và quệt.Hồi tháng sáu vừa rồi em đã được ngồi sau xe máy con gái đưa đi chơi khắp thành phố.Chỉ thích nhất là mỗi khi muốn nghỉ chân trốn nắng gay gắt của mùa hè lại vào quán cà phê mát lạnh thưởng thức hương vị cà phê đen rất phê Thầy ạ.Với em Sài gòn chỉ để thăm quan chứ không sinh sống được.
Em mong 1 bài viết kỹ hơn về cảm nhận của thầy đối với cuộc sống tại Sài Gòn ạ
Không ngờ thầy lại đi qua quê em (Gò Công), giờ em mới biết con đường này do vua Tự Đức xây. Chúc thầy và bạn thầy có chuyến hành trình nhiều niềm vui.
Rất khâm phục anh, với kiến thức phong phú và tài viết văn anh đã ghi lại một Xuyên Việt Du ký rất hay, nhiều người như mình cũng đi nhiều nhưng không có khả năng ghi chép lại được .
Ông Giáo chỉ ở SaiGòn vài ngày nên không có cơ hội thăm nhưng ngôi nhà cổ,các trường học ,Đại Hoc Khoa Hoc,ĐH Y KHOA,ĐH Dươc
Tu Viên Saint PAUL do Nguyễn Trường Tộ xây ,nhà chu HỎA
Xin Ông Giáo cho biết Email hoac số phone.Cám Ơn.
Xin bác cho email hoặc nick FB, tôi sẽ chuyển qua đó.
Ký sự quá đặc sắc, chúc mừng bác có chuyến đi tuyệt vời…
Ngưỡng mộ các thày quá!