Những nước văn minh tiến bộ ngay từ cách nay hai ba thế kỷ, nguời ta cũng đã có quảng trường với các tượng đài. Rất nhiều quảng trường và tượng đài đã trở thành những  di sản gắn liền với tên quốc gia, dân tộc ấy. Đó là những điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch. Việt Nam ta, ở hai thành phố  hai đầu đất nước, ngay từ khi mới hoàn thành cuộc bình định, nguời Pháp khi bắt tay vào xây dựng đô thị theo lối châu Âu cũng đã hình thành những quảng trường và tượng đài. Nhưng có lẽ do thời gian còn chưa đủ, quảng trường và tượng đài ở hai thành phố này vẫn còn rất thiếu vắng và dù đã qua gần ba mươi năm “đổi mới”, đó vẫn còn là là mơ ước của nhiều nguời không chỉ là những nguời làm du lịch.

Nhưng vì sao trong nỗi mong chờ ấy, trước ý định xây dựng quảng trường và tượng đài của tỉnh Sơn La, dư luận lại không mấy nguời ủng hộ, thậm chí lên án rất gay gắt? Có phải do dân trí của những nguời đó còn thấp?

 

  1. Trước hết, dù nhu cầu là cần thiết, thậm chí cấp bách nhưng đất nước ta vẫn còn  nghèo, kinh tế chưa phát triển lại đang gặp phải muôn vàn  khó khăn về nhiều mặt, tiền làm ra hàng năm không đủ chi tiêu, luôn luôn phải đi vay nợ. Nợ công của nước ta mỗi năm lại tăng thêm, sợ là chẳng mấy chốc sẽ đi theo vết xe đổ của Hy Lạp. Tới nay nợ đã trên trăm tỷ đô la, nghĩa là 90 triệu con dân của vua Hùng, từ các cụ phụ lão râu tóc bạc phơ đến đứa trẻ mới lọt lòng còn đỏ hỏn, ai cũng đang mang nặng trên lưng hơn hai chục triệu tiền nợ. Để có tiền, các loại thuế, phí không ngừng tăng, thậm chí còn hơn thời thực dân Pháp đô hộ. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết người Việt “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực. Một con gà trung bình trọng lượng chỉ cân rưỡi mà phải mang trên lưng tới 14 loại thuế phí, một quả trứng từ trên ổ tới khi được chế biến thành món ăn cũng phải chịu tới 5 lần phí. Gần đây nhất, mặc dù đã lớn tiếng trước diễn đàn Quốc hội khẳng định không thu phí xe máy nhưng chỉ sau vài tháng, vì ngân quỹ trống rỗng, bà Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố lớn và giàu  nhất nước cũng đành phải  để cho “lời nói gió bay”, nuốt lời, thành lập từng tổ công tác để tận thu những đồng phí từ ngay những cái xe máy rách nát của nguời lao động.  Riêng Sơn La, một tỉnh nghèo nổi tiếng cả nước, bình quân đầu nguời thu nhập mỗi năm chỉ có 400.000 đ. Theo báo Vietnamnet, toàn tỉnh có 11 huyện và 1 thành phố thì có tới 5/62 huyện nghèo nhất cả nước; đến hết năm 2013, toàn tỉnh còn gần 69.000 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; hơn 30.000 hộ cận nghèo, chiếm gần 12% tổng số hộ; năm 2014 có hơn 31.000 hộ với hơn 141.000 nhân khẩu thiếu đói. Thế mà những nguời luôn miệng nói “do dân vì dân” dám bỏ ra 1.400 tỷ đồng để xây dựng quảng trường tượng đài chỉ cho khỏi kém cỏi so với  các tỉnh, thành khác, lại còn nói vì sợ chịu thiệt thòi thì không hiểu các vị nghĩ gì. Những nguời có lương tri, còn chút tình đồng loại sao có thể thờ ơ trước việc tầy đình như thế?

Trong những năm gần đây,  ở nước ta, đâu đâu cũng thấy những công trình hàng trăm  tỷ, nghìn tỷ rồi để hoang. Bảo tàng Hà Nội xây dựng mất 2.300 tỷ đồng, hoàn thành đã 5 năm nhưng tới nay vẫn không có gì để bày, Văn miếu ở Vĩnh Phúc tốn gần 300 tỷ, ở Hà Tĩnh tốn 80 tỷ, cả hai  xây xong đều vẫn chưa biết để thờ ai, …Dư luận đang chưa thôi bất bình vì cái dự án Bảo tàng 11.277 tỷ thì Sơn La lại đưa ra Dự án 1.400 tỷ. Đây chính là “giọt nước tràn ly” cho những bức xúc đã được dồn nén bấy lâu. Và cũng không  chỉ riêng với Sơn La, nỗi bất bình của công luận còn chính là lời cảnh tỉnh cho các Dự án mang tính chất “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy” của các quan chức chuyên mưu mô bòn rút, làm nghèo đất nước để làm giàu cho bản thân và nhóm lợi ích.

 2. Ghi nhớ công ơn, tôn vinh ông Hồ Chí Minh là việc làm hầu hết mọi người ở nước ta hiện nay đều đồng tình, cho nên, việc dựng tượng ông là điều sẽ chẳng có ai phản đối nếu chi phí ở mức độ phù hợp, thậm chí có thể hơn chút ít so với khả năng kinh tế của đất nước. Không phải chỉ đơn thuần vì lý do tiền bạc như nguời xưa dạy “liệu cơm gắp mắm” mà còn vì bản thân nguời mà chúng ta muốn tôn vinh. Là một nguời khiêm nhường, suốt đời sống giản dị, cần kiệm, ngay trước khi mất, ông cũng nhắc mọi người “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.”

Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bác ơi!” viết ngay sau khi ông mất đã vừa ngợi ca, vừa thể hiện đúng tầm vóc của con người mà nhà thơ yêu kính:

Bác để  tình thương cho chúng con,

Một đời thanh bạch chẳng vàng son,

Mong manh áo vải hồn muôn trượng,

Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn.

Hồ Chí Minh là con người như thế. Vì sao, sau khi ông mất chưa được nửa thế kỷ, nguời ta đã dám làm những điều hoàn toàn trái với tâm nguyện của ông mà vẫn cứ rêu rao rằng đó là để tỏ lòng thành kính, là để ghi nhớ công ơn? Chưa bao giờ câu “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” đúng hơn trong trường hợp này.

Liệu nếu còn sống, ông Hồ Chí Minh sẽ nghĩ gì khi biết tượng mình ở cái thành phố phát triển nhất đất nước cũng chỉ tốn chưa đầy 10 tỷ, trong khi ở tỉnh nghèo cũng vào loại nhất nước, lại  được xây dựng với 200 tỷ đồng, trong khi ở ngay đó, dưới chân nơi ông đứng, nguời  dân còn đang đói rách, trẻ con còn phải  đi vồ cóc, bắt chuột làm thức ăn, muốn tới trường phải đu dây, chui vào bao ni-lông khi qua suối, những cái lều vịt được gọi là lớp học, là nơi bán trú… Nhiều tiền như thế chi ra để ghi khắc hình ảnh ông trong tâm khảm mọi người hay là để đẩy ông ra xa quần chúng, để làm mai một tình cảm của nguời dân với lãnh tụ?

Nhìn những bức tượng Hồ Chí Minh trong nhiều tư thế ở khắp mọi nơi, mọi người không khỏi xót xa. Ở Hòa Bình cũng có một bức tượng như vậy. Khách du lịch lên tới đây là để đi thuyền thăm hồ sông Đà, vào hầm xem những tua-bin thủy điện, rồi tới thăm nơi lưu giữ lá thư gửi thế hệ sau, đài tưởng niệm những nguời đã hy sinh cho dòng điện hôm nay, ..chứ mấy ai leo lên đồi cao nơi đặt tượng ông. Một lần qua đây, nhìn từ xa thấy pho tượng ông, tôi cứ hình dung trong những đêm thanh vắng quạnh quẽ, ông cô đơn giữa bao la trời đất mà không ai chia sẻ. Ai cũng nói noi gương ông, theo lời ông nhưng khi ông còn sống, mong muốn có một mái ấm gia đình,  ông không được toại nguyện vì “sự nghiệp cách mạng”; khi ông mất, tên nước ông đặt nguời ta thay, tên đảng ông đặt nguời ta đổi, thậm chí đến một nguyện vọng cuối cùng hết sức khiêm nhường là được trở về với cát bụi sau khi qua đời cũng không được chấp nhận.

Những nguời có tấm lòng kính trọng ông thật sự, sao có thể dửng dưng trước những việc làm giả nhân giả nghĩa ấy?

  1. Quảng trường và nhất là tượng đài còn có ý nghĩa và giá trị nghệ thuật khiến nó tồn tại mãi với thời gian. Nhưng thực tế, những quảng trường và tượng đài đã được xây dựng vừa qua rất thiếu tính thẩm mỹ, điển hình là bức tượng Hồ Chí Minh được dựng ở ngay chính trên quê hương ông.

Tôi cho rằng, với những công trình chỉ cốt tiêu tiền ấy, trước sau nguời ta cũng phải làm lại. Sự vội vàng làm bằng được, làm lấy được đã  khiến mục đích tôn vinh một danh nhân trở nên có hiệu ứng ngược.

Sơn La muốn xây dựng quảng trường và tượng đài, nguyện vọng ấy đâu phải xa xỉ. Nhưng sao Sơn la không làm đẹp quảng trường của mình bằng những rặng cây hoa ban để mỗi khi mùa xuân về, sắc trắng tinh khiết đua nhau bung nở và trên cái nền trắng muốt ấy, sao không dựng tượng đài của đôi trai gái nguời Thái với mối tình thủy chung son sắt lấy từ sự tích “Xống chụ xon xao”? Và thử hỏi, so với cái pho tượng nhàm chán, đơn điệu ông Hồ trên cái nền bê tông giả cảnh núi rừng Tây Bắc, cái gì sẽ hấp dẫn khách du lịch hơn?

Nếu dứt khoát tượng đài phải là các danh  nhân thì chẳng lẽ nước Việt Nam ta qua 4.000 năm lịch sử thiếu vắng các anh hùng dân tộc, hiếm có các danh nhân đến nỗi  các tỉnh thành khắp nơi chỉ có thể coi Hồ Chí Minh là nguời duy nhất xứng đáng xây dựng tượng đài? Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến năm 2014, có 31 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại trung tâm chính trị, hành chính các địa phương có quy mô lớn; 101 công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên, cơ quan, đơn vị, trường học. Và đến 2030, sẽ có 14 tỉnh được ưu tiên cấp phép xây dựng hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vẫn tự hào là một nước văn hiến, nhưng chắc đến giữa thế kỷ này, thế hệ trẻ Việt Nam chỉ còn biết mỗi ông Hồ Chí Minh trong lịch sử dân tộc.

Sự thiên vị quá đáng ấy khiến lịch sử bị sai lệch, thậm chí méo mó. Mặt khác, sự “độc quyền” cũng tạo nên cái đơn điệu, tẻ nhạt chính là kẻ thù truyền kiếp của nghệ thuật. Gần hai trăm pho tượng về một con người, làm sao để  nghệ sĩ có thể sáng tạo khiến mỗi pho tượng có được sự độc đáo, mang bản sắc riêng?

Có thể những thành phố lớn tiêu biểu của đất nước hay trên quê hương Nghệ An cần xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, còn những nơi khác, hãy để cho nghệ thuật được “trăm hoa đua nở” vì nước ta đâu đâu cũng có những anh hùng hào kiệt, những danh nhân đã để lại biết bao công tích. Vùng Tây bắc sao không dựng tượng đài Hoàng Công Chất, Nguyễn  Quang Bích? Bắc Giang sao không dựng tượng Hoàng Hoa Thám? Hải Dương sao không dựng tượng Hải Thượng Lãn Ông, Hưng Yên sao không tôn vinh Nguyễn  Thiện Thuật, Quảng Bình sao quên Nguyễn  Hữu Cảnh?…Miền Trung sao không dựng tượng đài vua Gia Long, Hàm Nghi, Thành Thái,… nữ tướng Bùi Thị Xuân ?.. Tây Nguyên sao quên N’trang Lơn, rồi anh hùng Núp nổi tiếng suốt những năm đánh Pháp? Các tỉnh Nam bộ sao không dựng tượng đài nguời phụ nữ với “mái tóc dài trong gió” cùng chiếc khăn rằn truyền thống? Nếu danh nhân sao không có vị trí cho Nguyễn  Hữu Huân, Trương Công Định, Nguyễn  Trung Trực, Nguyễn  Đình Chiểu, .Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh..?

Như vậy, sự tôn kính thoát khỏi óc hẹp hòi, thiển cận, nghệ thuật được cất cánh với biết bao phong phú và đa dạng. Qua những tượng đài ấy trên khắp mọi miền đất nước, thế hệ trẻ của chúng ta, khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới  phần nào biết được lịch sử của dân tộc.

 Mong các vị lãnh đạo các cấp trên khắp mọi miền đất nước hãy làm gương cho lớp trẻ đọc lại lịch sử của cha ông để có chút hiểu biết tối thiểu trước khi nghe các “quân sư quạt mo” tư vấn chuyện xây dựng tượng đài.

 

10 BÌNH LUẬN

  1. Xin phép Ông Tố Hữu sửa lai bài thơ:
    Áo vải dép râu hồn muôn trương
    Hơn tượng xi măng đội gió mưa

    • Singapore không có tượng đài Lý Quang Diệu ,Hoa Kỳ không có tượng đài Tổng Thống Whasington chỉ có Điền Trang của Ông (trước khi ông là Tổng Thống).
      Tượng đài của ông Lý ở trong trái tim và tình yêu của
      người dân Singapore .Park Chung Hee đưa Hàn Quốc từ 1
      quốc gia nghèo thành 1 đât nước phát triển nhưng dân Hàn Quốc nhó ơn Ông mà không xây Tượng Đài

  2. Rất thích bài viết này của ông Giao. Chưa chừng 63 tỉnh thành trên đất nước mình rồi sẽ có 63 cụ Hồ giơ tay kiểu ông Mao đứng trên đài cao, thế thì buồn lắm ! “Cụ Hồ ở giữa lòng dân” kia mà ? Ở Matxcowva nghe đâu có một nơi thu gom tượng Lenine dỡ bỏ khắp nơi mang về chất đống ở đây. Nghĩ tội nghiệp cho ông ấy quá!

  3. Không nói đến khuynh hướng chính trị…Nếu Ô.HCM còn sống cũng không mong muốn việc này…!Người ta tưởng làm như thế là ‘tôn vinh’lãnh tụ hay là…!

  4. Đáng mừng nhưng có lẽ buồn cho không ít người là theo nguồn thạo tin Bộ VHTTDL, PTT Vũ Đức Đam đã họp và có văn bản của VPCP thông báo lại ý kiến, yêu cầu giảm xuống còn 5 tỉnh (trong đó có Sơn la và 3 tỉnh đã được Bộ chính trị, Ban bí thư cho chủ trương, chỉ Đà Nẵng là mới), đồng thời yêu cầu có quy định để không được chạy theo quy mô hoành tráng và mượn cớ được xây dựng tượng Bác để làm các hạng mục khác.

    Nhưng liệu chủ ý này có được lắng nghe không? Bỏ ra khỏi quy hoạch đề xuất xây dựng tượng đài của địa phương nào thật không dễ, vì tỉnh nào cũng có lý do là “mong muốn và tình cảm của nhân dân” và nếu không “thì thiệt cho chúng tôi quá” và việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh còn những quy định khác trên thẩm quyền của một ông PTT vì quy hoạch tượng Bác Hồ từ trước tới nay được báo cáo theo ngạch Đảng lên Bộ chính trị, Ban bí thư, sau đó Thủ tướng ký để chính thức hóa về mặt nhà nước.

    Dư luận quan tâm là sau vụ tượng đài Sơn La, hướng xử lý thế nào đối với xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có đặt ra giới hạn, quy định theo hướng siết chặt quản lý việc xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh? Lo cho cái quy hoạch tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Bộ VHTTDL đang xin ý kiến, theo đó thêm 14 tỉnh được dựng tượng hay chỉ còn 5 tỉnh như ý kiến của ông Đam? Và không biết rồi đây các tỉnh sẽ làm như TP Hồ Chí Minh hay lại như Sơn La?

  5. Ông Lê Quý Đôn nói “Phi Nông bất ổn ,Phi Công bât Phu,Phi Thương bất Hoat ,Phi TRÍ bât HƯNG.
    Nhưng Ông Trần PHÚ :’Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trôc tân rê’
    Ông Trường Chinh,Đỗ Mười tận diệt Đia Chủ ,Tư Sãn
    Tất cả với ảo mộng “Tiến Nhanh,Tiến Mạnh ,Tiến Vững Chác lên Chủ Nghĩa Xã Hôi

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here