Trước năm 1960, trong nhà trường, có một tổ chức do học sinh hoàn toàn tự quản, gọi là Hiệu đoàn. Hồi đó, học sinh các lớp phần lớn cũng ở độ tuổi như hiện nay, có số ít học sinh nhiều hơn 3, 4 tuổi so với bình thường. Có người do bị lưu ban, có người do đang học, gia đình có khó khăn, phải nghỉ vài ba, thậm chí có khi tới 5, 6 năm. Các lớp cấp 2, học sinh còn ít tuổi, không làm được gì. Nhưng ở các lớp cấp 3, nhất là lớp cuối, các anh chị đã lớn (con gái lúc đó còn ít người được đi học), các hoạt động như lao động xã hôi chủ nghĩa, cắm trại, liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao, … đều do Hiệu đoàn đứng ra tổ chức có sự giúp đỡ của một số thầy giáo trẻ với vai trò cố vấn.
Thời kỳ Hiệu đoàn còn tồn tại, mình chỉ học mấy lớp cấp 2, còn ít tuổi, chủ yếu là “bị lãnh đạo”, chưa hiểu nhiều về cơ chế hoạt động, tổ chức. Các bậc cao niên hơn ai biết xin cho mọi người được rõ.
Mình chí dám kể 2 chuyện để thấy vai trò của Hiệu đoàn.
- Năm 1955, nhiều học sinh từ các vùng kháng chiến (khu 4, Việt Bắc, …) cùng gia đình trở về Hà Nội. Hai vùng tự do (do ta kiểm soát) và vùng tạm chiếm (do Pháp kiểm soát) thực hiện 2 chương trình giáo dục khác nhau. Người đang học ở vùng tự do không thể vào học ở các trường của Hà Nội cũ. Một trường mới được thành lập, lúc ấy mang tên Trường Phổ thông cấp 3 Hà Nội. Ban đầu trường có trụ sở ở 80 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, sau chuyển sang 47, Lý Thường Kiệt. Trường có cả các lớp cấp 2 và cấp 3. Mỗi khối lớp 5, 6, 7 của cấp 2 có khoảng 5, 6 lớp, học buổi sáng, còn các lớp 8 và 9 của cấp 3 học buổi chiều (không rõ có bao nhiêu lớp). Mình đã viết về ngôi trường này trong bài Ngôi trường cũ của tôi.
Đầu năm học ấy, đại hội Hiệu đoàn được tổ chức ở Nhà hát lớn. Chỉ thấy có thầy Hiệu trưởng tới dự, còn mọi thứ đều do học sinh làm hết. Học sinh cả trường ngồi kín các hàng ghế dành cho khán giả. Mình đang học lớp 5, thú thật tới giờ chẳng biết hết người nọ đến người kia, toàn những học sinh lớn các lớp trên “đăng đàn diễn thuyết” nói những gì. Bọn lớp mình được phân công ngồi trên tầng 2. Lần đầu tiên vừa ở rừng về, lại được vào một cái nhà hát to rộng với ánh điện lung linh, những đường nét chạm khắc tinh xảo khắp nơi nên rất tò mò. Ban đầu mấy đứa ngồi gần nhau cứ tìm cách lý giải vì sao chỗ tay vịn bọc nhung đỏ, cứ lấy ngón tay, miết về bên trái thì nó có màu đỏ, nhưng miết ngược lại thì thấy nó đổi màu. Cứ ngồi rồi “khám phá, tìm hiểu”, chứ nghe các anh ấy nói có hiểu gì đâu! Sau, vài đứa rủ nhau ra ngoài, đi hết chỗ này tới chỗ khác, dọc theo hành lang tầng trên, lên tầng trên nữa. Rồi vào cả phòng gương (xung quanh toàn gương, sau hỏi mới biết hình như đó là nơi trang điểm của diễn viên). Rồi leo lên cả tầng thượng, nơi có rất nhiều cái loa gắn thành vòng tròn hướng ra các phía để phát còi báo vào lúc 11 giờ trưa hàng ngày kết thúc giờ làm việc buổi sáng. (Tiếng còi này còn có tác dụng để mọi người căn chỉnh đồng hồ). Mãi tới chiến tranh phá hoại, hệ thống loa loa này mới thay đổi chức năng, không báo giờ nữa mà phát còi báo động khi có máy bay Mỹ. Từ trên cao, nhìn xuống đường phố thấy người thấy xe nhỏ tí xíu. Mấy đứa rủ nhau đi khắp nơi, leo trèo đủ mọi chỗ. Mà cũng chẳng thấy ai nói gì!
Sau tới lúc văn nghệ, bọn mình mới vào xem. Trường có một số học sinh từ Khu học xá Trung Quốc về học (con cán bộ cấp cao, nhân sĩ trí thức đi kháng chiến nhưng không phải học ở rừng như bọn mình mà được đưa sang học ở Trung Quốc). Họ được dạy dỗ cẩn thận, ăn uống đầy đủ, quần áo tươm tất nên trắng trẻo bảnh bao khác hẳn bọn mình, đứa nào cũng có nước da “mai mái” vì sốt rét. Và đặc biệt, họ hát và múa rất hay vì ngay chuyện đàn hát cũng có thầy dạy, được học hành tử tế. Hồi kháng chiến, cũng đã có nhiều lần xem văn nghệ, nhưng sân khấu ngoài trời, biểu diễn là thiếu nhi cấp thôn cấp xóm hay mấy anh bộ đội hành quân qua làng. Chưa bao giờ được xem những tiết mục ca múa hấp dẫn, người biểu diễn mặc những bộ quần áo đẹp như thế. Các tiết mục hát, múa đều có rất nhiều loại nhạc cụ đệm theo. Có cả loa phóng thanh nữa, nên ngồi xa vẫn nghe rõ, không như hồi ở rừng, khi xem kịch chẳng nghe thấy các nhân vật nói gì!
Còn nhớ một tiết mục tốp ca nữ, bài “Hoa Ca-li-na” thì phải. Phía trước những nguời đứng hát, có cả một bồn hoa sắc màu rực rỡ. Sau mới biết đó chỉ là bức tranh vẽ trên bìa “các-tông”, thế mà khi ấy cả bọn cứ trầm trồ, sáu mươi năm rồi vẫn chưa quên!
Đại hội kết thúc, không biết các lớp trên thì sao, bọn lớp 5 chúng mình chỉ tiếc sao thời gian trôi nhanh thế, văn nghệ sao ít thế!
- Năm vào học lớp 8 (lớp đầu cấp 3) trường Nguyễn Trãi, Hiệu đoàn ngoài việc tổ chức các buổi lao động đắp đường Cổ Ngư thành đường Thanh Niên bây giờ, còn có một đội văn nghệ, đủ cả các thể loại, ca, múa, kịch. Đội còn có cả một dàn nhạc hơn chục người, có violon, accordéon, rồi kèn, trống, … toàn học sinh cả, để đệm cho hát, múa.
Các gia đình tương đối sung túc khi ấy rất chú ý cho con học nhạc. Mình biết có gia đình ở cuối phố Huế, 5 người con được học 5 loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi tối ngày nghỉ, anh chị em trong nhà cùng ngồi chơi đàn. Ngay ở Sơn Tây, gọi là “tỉnh lẻ”, đầu những năm 70, một lần đi chơi Tết, tới một nhà, thấy mấy anh chị em đang hòa tấu một bản nhạc cổ điển. Cho nên nhiều người cứ coi thường nền giáo dục cũ, cứ coi nó toàn nhồi sọ thật là hàm hồ!
Học sinh lớp 8 mới vào trường được báo đi tuyển vào đội văn nghệ. Ai thích thì tới. Người chọn lựa là mấy anh chị học lớp trên. Cũng thử giọng, cũng thử diễn xuất. Mình xin vào đội kịch đã được đi tập mấy buổi. Ngoài việc biểu diễn cho học sinh trong trường xem, (nhà trường lúc ấy có một sân khấu nổi ngoài sân chơi bên cạnh một sân khấu khác trong hội trường) một lần mình đã được cùng cả đội đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trung đoàn Thủ đô (đóng quân ở Lai Xá).
Bộ đội cho hai cái ô tô tải đến đón. Chỉ thấy có một thầy giáo đi cùng, nhưng thầy chỉ gặp gỡ chuyện trò với mấy anh chỉ huy. Trên hai cái xe, là toàn thể đội văn nghệ mang theo cả phông cảnh, đạo cụ, … Tới nơi, thấy sân khấu đã được dựng sẵn, phông màn đầy đủ, bộ đội đang chuẩn bị tập hợp chỉnh đốn đội ngũ. Sau mỗi tiết mục, tiếng vỗ tay ầm ầm. Biểu diễn xong, cả đội còn được ăn cháo gà. Lần ấy, bọn lớp 8 “lính mới tò te” chưa có tiết mục nào, các anh cho đi chỉ để “điếu đóm”. Về mấy đứa cứ trầm trồ, bảo nhau cố gắng để sang năm được đi biểu diễn, được hoan hô như các anh chị lớp trên. Đứa nào cũng háo hức.
Nhưng ước mơ không thành. Vì từ năm 1961, Hiệu đoàn bị giải tán, thay vào đó là tổ chức đoàn thanh niên dưới sự lãnh đạo của đảng. Mỗi trường cấp 3 có một cán bộ đoàn chuyên trách. Vai trò của học sinh dần trở thành lệ thuộc. Mọi hoạt động của đoàn chỉ mong mau đạt thành tích nhằm phục vụ cho mục đích chính trị, nội dung các phong trào lại rất không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Không hấp dẫn được học sinh nhưng vẫn muốn lập thành tích vượt bậc nên mọi phong trào đều trở nên giả dối, khiến ngay những đoàn viên thanh niên cũng vô cùng ngán ngẩm. Từ chỗ muốn vào đoàn phải ra sức phấn đấu trở thành ngại vào đoàn, coi phải sinh hoạt đoàn là một tai họa.
Ông Giao nhớ được nhiều đấy. Trước 1954, mình hoạt động trong tổ chức Sói con.Sau khi HN được tiếp quản, mình sinh hoạt trong tổ chức Hiệu đoàn – như ông Giao nói, tất nhiên với vai trò “bị lãnh đạo”, vì có biết gì đâu, chỉ là học sinh Đệ thất rồi Đệ lục. Học ở trường Tân Trào (tư thục), phố Thợ Nhuộm. Sinh hoạt Hiệu đoàn cho đến hết 1959. Mỗi lớp là một phân đoàn. Thích lắm, vui và thiết thực hơn Đoàn TNLĐ sau này.