Từ khi mới sinh ra, đứa trẻ sau một vài năm hoàn toàn lớn lên trong vòng tay cha mẹ sẽ tới trường, mẫu giáo, tiểu học, rồi trung học… Nhưng các thầy cô chỉ là người hỗ trợ cho mình trong việc dạy con. Nhiều người thấy các trường “VIP” xuất hiện thì như mở cờ trong bụng, nghĩ rằng con mình sẽ có nơi nuôi dạy tốt nhất. Nhưng đâu cũng vậy thôi. Một ngày, người ta chỉ tiếp cận với con mình có mấy tiếng đồng hồ, lại không chỉ có con mình  mà còn hàng nhiều chục đứa trẻ khác. Sao có thể đòi hỏi hơn?

      Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng ở nước ngoài, chỉ sinh con sau khi có điều kiện kinh tế tương đối đầy đủ (nhất là hiện nay, do sự tiến bộ của y học, không yêu cầu người phụ nữ mang thai và sinh con trong độ tuổi sớm như trước đây). Sau khi sinh con, chỉ một người đi làm, còn một người nghỉ ở nhà chăm sóc con. Người ta chấp nhận một cuộc sống kinh tế còn eo hẹp, nhưng thời gian dành cho con không có gì thay được. Có lần tôi đã nói, hãy bớt đi một nửa số tiền nhưng tăng gấp đôi thời gian dành cho đứa con của mình.

         Nhưng ở ta, nhiều người đang làm điều ngược lại. Có những gia đình, dù cho thu nhập chưa đến nỗi eo hẹp, nhưng để cho không thua kém bạn bè về căn nhà “hoành tráng”, cái xe “xịn”, cái điện thoại “sành điệu”… cha mẹ đua nhau lao vào công cuộc kiếm tiền. Để chăm sóc con cái, họ thuê ô-sin. Đứa con sống chủ yếu với ô-sin. Và khi lớn lên, nó cũng dần ăn nói theo kiểu của ô-sin, cử chỉ, điệu bộ của ô-sin,  mang tính cách của ô-sin. Tôi không dám coi thường những người làm nghề giúp việc gia đình. Đó là một nghề lương thiện, rất có ích, rất cần thiết  trong cuộc sống hôm nay. Nhưng liệu bạn có vừa lòng khi con bạn được sự dạy dỗ và thừa hưởng tính cách của những người ấy?

        Trẻ con luôn cần những tấm gương. Không có cái gương nào gần gũi với chúng hơn cha mẹ. Làng tôi xưa có một bà chồng mất sớm từ khi bà mới ngoài hai mươi tuổi,  một mình ở vậy thờ chồng, nuôi hai người con trai từ lúc còn chập chững biết đi. Bà không biết chữ, chỉ làm một công việc là đi xin nước gạo (thức ăn thừa) để nuôi lợn. Thế mà cả hai người con đều học hành thành đạt, sau khi học hết trung học đều nhận được học bổng đi học ở Pháp. Họ đều có việc làm và thu nhập khá ở Pháp. Rồi hai người con đón bà sang định cư.  Chắc hai người con đã học được từ người mẹ của mình tấm gương tảo tần sớm hôm, chắt chiu từng đồng tiền bát gạo để nuôi con. Tôi nghĩ bà đã dạy con bằng tấm gương của mình. Những tấm gương như thế đâu có thiếu. Những thủ khoa trong các kỳ thi đại học cho ta thấy rõ điều này. Để con có gương tốt noi theo, cha mẹ phải tự tu thân. Và điều này cũng giúp ta lý giải tại sao, không ít con em của các đại gia (về quyền lực và tiền bạc) thường hư hỏng hoặc chẳng ra gì mặc dù được đầu tư rất lớn. Gương nhãn tiền mà!

     Muốn dạy con, nhiều khi cha mẹ phải hy sinh. Nhiều người chỉ hiểu chữ hy sinh theo nghĩa cha mẹ phải vất vả kiếm tiền. Đâu phải chỉ như thế. Cha mẹ còn phải hy sinh  cả những sở thích, những thói quen. Không hẳn chỉ có những sở thích, thói quen không lành mạnh. Khi con mới sinh, các ông bố tốt nhất là nên bỏ thuốc lá (nếu đang hút). Không chỉ vì sợ làm ô nhiễm bầu không khí trong lành mà còn chuẩn bị một tấm gương cho con (nhất là khi đó  là đứa con trai). Khi con cần tập trung vào việc học, phải bỏ thói quen nghe nhạc, xem ti-vi, … nếu gia đình chưa có phòng riêng cho con.

        Những nhu cầu quen thuộc, nhưng nếu cần cho việc giáo dục con cũng phải tạm quên đi. Mỗi khi có việc qua các hàng bia (giờ nhiều nơi gọi là “bãi bia” vì nó rộng và đông đúc quá), thấy rất nhiều người ở độ tuổi 30 – 40 ngồi “trăm phần trăm” tới 7, 8, thậm chí 9, 10  giờ tối. Thời gian đâu để dạy con, trong khi bình thường, đó là lúc các gia đình sum họp sau một ngày mỗi người một ngả vì cuộc mưu sinh, là lúc con cái phải ngồi vào bàn học, …Thật đáng tiếc vì đó hình như là thời gian duy nhất trong ngày cha mẹ có thể gặp gỡ, hỏi han con cái chứng tỏ sự quan tâm của mình. Và đứa con sẽ có cảm giác ra sao, khi ngày nào cũng thấy ông bố về muộn với dáng điệu say lướt khướt, hay mặt đỏ tía tai, nói năng hay mọi hành động đều mất tự chủ? Tôi đã không ít lần từ chối việc kèm cặp cho một số học sinh sau khi biết ông bà, cha mẹ của các cháu không phải là những nguời biết làm gương. Việc làm của mình nào có ích gì khi trước mắt chúng luôn luôn có những tấm gương xấu?

       Nhiều gia đình bây giờ buộc phải cho con đi học thêm, vì không thể dạy con học mặc dù cả cha mẹ đều đã có bằng đại học, thậm chí còn hơn thế. Dĩ nhiên, cha mẹ học đã lâu thì phải quên. Nhưng nếu ngay từ khi con học lớp 1, cha mẹ có ý thức học cùng với con để dạy con,  chắc chắn khi con lên các lớp trên, cha mẹ vẫn có thể nhớ lại để hướng dẫn những điều cần thiết, và chắc chắn sẽ kiểm soát được việc học của con, không để chúng “qua mặt”.  Đứa trẻ sẽ tiết kiệm được thời gian vì chỉ cần nghe những gì mình chưa hiểu. Tôi biết trước đây, không ít những người bố, người mẹ thâu đêm tìm cách giải một bài toán để hôm sau giảng cho con. Nay hoàn toàn không cần làm thế vì rất nhiều sách hướng dẫn giải bài tập các loại xếp đầy các giá trong các cửa hàng sách. (Chỉ có điều, nếu mua, đừng để các cháu tự do sử dụng).

         Hàng ngày sau khi con đi học về, cha mẹ luôn quan tâm hỏi han, nhưng nhiều khi chỉ chú ý con được điểm mấy. Nêm nhớ cái quan trọng cần quan tâm không phải là điểm số. Phải xem sách vở của chúng. Thầy cô giáo vì chấm bài cho nhiều học sinh nên không thể tránh khỏi những thiếu sót (không chữa hết lỗi trong bài kiểm tra). Cha mẹ phải chỉ ra cho con mình và giúp chúng sửa chữa. Khi cần có thể phải liên hệ với giáo viên (nhất là hiện nay, điện thoại đã giúp chúng ta làm việc này dễ dàng).  Nếu duy trì việc này hàng ngày thì thời gian dành cho nó không nhiều. Mỗi ngày chỉ khoảng 5 – 10 phút, vừa theo dõi sát việc học của con, vừa có thể phát hiện những thay đổi của con để uốn nắn hay khuyến khích.

        Ít nhất là trước khi con đủ tuổi 18, không ai có thể thay được cha mẹ. Con cái phát triển lệch lạc, thậm chí hư hỏng, cha mẹ là những người chịu trách nhiệm và đồng thời cũng là người gánh chịu hậu quả đầu tiên. Căn nhà lộng lẫy, cái xe hiện đại và những đồ dùng đắt tiền không sắm trước thì sắm sau, và nếu không có chúng, cuộc sống của mỗi người chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều,  nhưng khi đứa con đã ra ngoài tầm kiểm soát thì dường như không  bao giờ có cơ hội để  làm lại. Và đâu mới là mục đích, tương lai của chúng ta?

 

3 BÌNH LUẬN

  1. Cháu vô cùng cảm ơn Bác! Bài viết của Bác rất hữu ích với cháu ( Năm học tới, con trai cháu bắt đầu đi học)

  2. Ngày xưa những năm 30 – 50 bà ngoại PT T nuôi cả đàn con 2 trai 5 gái, có điều kiện cho nên bà nuôi những người giúp việc và mỗi người có một vú em. Thế nhưng bà là người quán xuyến gia đình, dạy dỗ các con đến nơi đến chốn. Ngày nay nuôi ô sin trở thành trào lưu xã hội, đến mức ô sin những người không có học mà có vai trò “bần cùng hóa” giáo dục.
    PT T có một kinh nghiệm riêng: 4 chị em nhà PT lớn lên vào những năm 60 thì hầu như chỉ có hai chị em lớn được cha mẹ, có bà ngoại và người giúp việc chăm sóc dạy dỗ. Cô em thứ ba gửi chị giúp việc tên là Thanh, ngày đó bố mẹ sợ hai chữ “bóc lột” cho nên nhận bừa chị Thanh là em nuôi. Em thứ tư mới sinh cách em thứ ba có 1 tuổi. kết quả là em thứ ba lớn lên có đủ tính của chị Thanh (mà nó gọi là mẹ), thế mới đau! Vì thế bố mẹ PT T thương em thứ ba này lắm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here