Hồi Thủ đô mới giải phóng (1954), học sinh trung học (câp 2 và cấp 3) còn bị coi là những “cậu ấm cô chiêu”, chỉ quen “ăn trắng mặc trơn”, rồi “dài lưng tốn vải”. Ngoài học sinh trường Phổ thông cấp 3 mới thành lập dành cho học sinh mới từ những vùng kháng chiến (Việt Bắc và khu 4 cũ) trở về, học sinh phải tự quét lớp, quét sân, học sinh các trường đều đã có lao công làm giúp, hoàn toàn không phải động chân động tay.
Khi ấy, vùng ngoại ô như Bưởi, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, … chỉ có trường tiểu học, chưa có trường trung học (cấp 2 và cấp 3). Học sinh vùng ngoại ô học trung học rất ít, nhất là cấp 3, chủ yếu dành cho người “trong phố” (từ dùng chỉ khu vực nội thành). Trưa thứ 7 hàng tuần, sau khi tan học, tôi thường phải ra Bờ Hồ mua “các” tàu điện cho tuần sau (ở tầng dưới cùng tòa nhà Hàm cá mập bây giờ, lúc ấy là nơi làm việc của Sở Xe điện), nhìn những cô học sinh trường Trưng Vương ở phố Hàng Bài tan học, đạp xe qua Bờ Hồ, áo dài trắng tha thướt, cái cặp sách đặt sau xe, tỏa dần về những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, …mình cũng thấy hình như họ không phải là học sinh như mình.
Từ khoảng 1958, có chủ trương đưa lao động vào trong nhà trường, trước hết, để rèn luyện, giúp học sinh hòa mình với những người lao động, góp phần xóa bỏ ranh giới giai cấp “kẻ giàu người nghèo”, chắc ý muốn tiến tới chủ nghĩa cộng sản “thế giới đại đồng”.
Đầu tiên là học sinh phải tự quét dọn, vệ sinh lớp học, sân trường. Những ngày đầu, nhiều học sinh nữ còn phải lấy tờ báo bao bên ngoài cái chổi buộc sau xe đạp. Tổ trực nhật ngoài việc quét lớp còn phải đảm nhận làm vệ sinh sân trường. Sân trường được chia làm nhiều phần, mỗi lớp một phần. Trước mỗi buổi tập trung, “thanh niên cờ đỏ” (tên gọi một tổ chức tự quản của học sinh, ban đầu do Hiệu đoàn sau do Đoàn trường tổ chức), đi kiểm tra từng lớp rồi chấm điểm cùng với nhiều tiêu thuẩn thi đua khác. Hàng ngày khi tới trường, từng người có thể thấy kết quả thi đua các mặt của lớp mình hôm trước trên bảng tin chung. Học theo Triều Tiên (phong trào Thiên lý mã), mỗi tiêu chuẩn được chia làm ba loại tốt, trung bình và kém, đánh dấu bằng 3 màu của lá cờ hình tam giác đỏ, xanh và trắng. Từ nhà trường, cách theo dõi thi đua này phổ biến ra khắp nơi, nhà máy, xí nghiệp, công trường, …Trong bài thơ “Mùa thu mới” của Tố Hữu viết năm 1958, câu thơ so sánh niềm vui của con người “Như từng cây cờ đỏ mọc trên đời” chắc là để nói tới những lá cờ theo dõi phong trào thi đua này.
Việc giáo dục lao động được tiến hành dưới nhiều hình thức: học nghề tại các cơ sở sản xuất như hợp tác xã thủ công nghiệp, nhà máy; lao động xã hội chủ nghĩa hàng tuần xây dựng các công trinh văn hóa như đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), công viên Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất), nghĩa trang Mai Dịch, và lao động từng đợt mỗi năm học một tuần, thường về nông thôn vào dịp gặt mùa. Tôi không dám bàn đến chuyện đúng sai của việc này, nhưng có lẽ vì được làm thực chất, có tổ chức chặt chẽ, cả thầy và trò đều nghiêm túc nên hiệu quả đáng ghi nhận. Thanh niên học sinh lúc ấy đã góp phần đặt nền móng cho những công trình văn hóa còn tới ngày nay, và qua lao động, hình thành cái mà bây giờ ta gọi là “kỹ năng sống”, những nét tính cách tốt cho học sinh.
Một hình thức lao động rất quen thuộc chắc những nguời đã qua tuổi cắp sách đến trường hồi ấy không thể nào quên là “lao động xã hội chủ nghĩa”.
Nguồn gốc của hình thức lao động này nghe nói là từ Liên Xô. Chẳng là sau cách mạng tháng 10, để biểu thị thái độ ủng hộ cách mạng, công nhân trên đoạn đường sắt Mat-xcơ- va – Ka-dan hàng tuần đều tổ chức một buổi làm việc không lấy tiền thù lao, gọi là lao động cộng sản chủ nghĩa. Việt Nam ta đã học tập phong trào này. Trong thanh niên ta khi ấy, còn phổ biến bài hát có tên “Ngày thứ bảy cộng sản” (không biết của ta hay của Liên Xô) vẫn được hát vang trong những buổi sinh hoạt tập thể:
Đây là sáng kiến giai cấp công nhân
Vì tự nguyện cùng đi tham gia
Lao động kiến thiết
Những đội ngũ đều bước tới công trường
Lúc lao động đều cất lời ca
“Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian…!”
Ta chắc không dám đứng ngang hàng với bậc đàn anh nên chỉ dám gọi là lao động xã hội chủ nghĩa. Bây giờ, hình như được gọi là “lao động công ích”.
Hàng tuần, vào chiều thứ 7 (với học sinh học buổi sáng), hoặc sáng chủ nhật (với học sinh học buổi chiều). tất cả học sinh trong trường đều tham gia. (Học sinh nhưng hoàn toàn tự quản, không có thầy giáo). Công trình đầu tiên của thanh niên học sinh Hà Nội là mở rộng đường Cổ Ngư. Con đường giữa hai hồ (Hồ Tây và Trúc Bạch) xưa rất nhỏ, mặt đường nhựa chỉ hẹp như những đường phố cũ, hai bên là hồ nước rộng mênh mông (chưa bị lấn chiếm) nên trông lại càng nhỏ. Ít người qua lại nên càng vắng vẻ, hiu quạnh. (Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thường đến đây trẫm mình khi gặp chuyện ngang trái trong tình duyên). Công việc của chúng tôi là chở đất, cát từ ngoài bãi An Dương vào đổ hai bên đường để mở rộng đường và có mặt bằng làm những vườn hoa như hiện nay. Thường học sinh các trường tập hợp ở trên dốc Yên Phụ. Cạnh đó, nằm bên bãi chiếu bóng công cộng có một kho chứa xe bò, cuốc xẻng và các dụng cụ lao động khác. Những năm ấy, chưa có xe cải tiến. Vận chuyển bằng xe hai bánh có 3 loại: xe bò kéo, thường to, khoang chứa hàng rộng, bánh xe thường dùng bánh xe ô tô cũ do bò kéo, có một người ngồi trên càng xe điều khiển; xe bò (nhưng do người kéo), khoang chứa nhỏ hơn, bánh gỗ; và xe “ba gác” nhỏ hơn nữa (nhỉnh hơn xe cải tiến bây giờ), bánh sắt, có đệm bằng cao su. Đại diện của trường nhận dụng cụ rồi chia về các lớp. Lớp trưởng cùng các tổ trưởng nhận cho lớp và tổ mình. Cứ ba người nhận một xe và hai cái xẻng, một cái cuốc, rồi bắt tay vào việc. Cả ba xúc đất, cát đổ đầy xe. Người khỏe nhận phần “cầm càng” xe bò. Cần người khỏe vì vừa phải kéo bằng một sợi dây thừng quàng qua vai, vừa phải lái. Hai người phía sau thì ra sức đẩy. Từ bãi An Dương lên Yên Phụ cũng may là đường thoai thoải, xe chở nặng nhưng lên dốc không khó khăn lắm. Từ Yên Phụ xuống, đường dốc, xe nặng nên lao rất nhanh. Lúc này đòi hỏi người điều khiển xe phải rất khỏe và khéo léo. Hai người phía sau lúc này lại phải cố ghìm xe lại.
Mỗi lớp thường có một lá cờ đỏ sao vàng cắm ở nơi được giao đổ cát. Thỉnh thoảng mới có khẩu hiệu, thường viết bằng phấn trên những tờ giấy màu. Vì bằng giấy, gió hồ lồng lộng, rất dễ rách, nên ít khi dùng. Giữa các lớp cũng có tổ chức thi đua. Không ai ăn gian, vì học sinh lúc ấy phần lớn là con nhà tử tế, được dạy dỗ cẩn thận, coi gian dối là điều đáng khinh. Mà có muốn cũng chẳng ăn gian được, vì lớp nọ giám sát lớp kia. Bao nhiêu xe cát nó sờ sờ ra đấy!
Giữa buổi thường có giải lao. Mọi người nghỉ ngơi, uống nước (tự mang đi bằng những cái chai thủy tinh, anh nào có cái bi-đông của lính Pháp hay bộ đội ngày trước thì “oách” lắm!), ngồi nghe ca hát. Công trường có hệ thống loa. Học sinh nam nữ, ai có giọng hát hay thường xung phong “thể hiện”.
Ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng luôn trêu đùa nhau rất vui vẻ. Tới lúc hết giờ, trông anh nào cũng như lính thất trận, mặt mũi, quần áo lấm bê bết, dáng đi thất thểu. Những người có xe đạp còn may mắn, nhiều người đi bộ còn phải đi mất mấy cây số nữa mới về tới nhà.
Cứ thế, suốt những năm đi học, chúng tôi hàng tuần đều có những buổi lao động như vậy. Xong đường Cổ Ngư lại đi Cầu Diễn làm mặt bằng cho nghĩa trang Mai Dịch bây giờ. Rồi hồ Bảy Mẫu, công viên Thủ Lệ.
Một ông bạn tôi, sau khi học hết lớp 10 xung phong đi phát triển kinh tế ở Tây Bắc, rồi sinh cơ lập nghiệp, lấy vợ đẻ con ở trên ấy. Mãi hơn hai chục năm sau anh mới dẫn vợ con trở về thù đô. Lúc tới công viên Lê-nin (giờ lấy lại tên Thống nhất), bảo vệ hỏi vé. Ông ấy bèn “ôn nghèo kể khổ”:
– Cậu có biết tôi đã đổ bao nhiêu mồ hôi để biến cái hố rác của thành phố trở thành công viên thế này không? Cậu có biết cái rác lưu cữu bao nhiêu năm mùi nó thế nào không? Mấy chục năm nay, tôi lặn lội ở miền núi không được ở thủ đô để các cậu ở đây hưởng thụ, thế mà còn bắt mua vé là sao?
Chưa hết, ông ấy còn “hồi tưởng”:
– Cái trường Bách khoa bây giờ, lúc ấy còn là bãi tha ma, toàn chôn người chết ở nhà thương Bạch Mai. Bên này hồ Bảy Mẫu toàn rác rưởi, mùi xú uế nồng nặc, cứ xẩm tối là chẳng có ma nào dám bén mảng, nhờ có chúng tôi nó mới thành công viên đẹp đẽ thế này.
Rồi ông ấy còn “lý sự”:
– Vấn đề không phải là mấy nghìn. Tối qua, trước khi đến đây, tôi đã nói với vợ con là chính tôi đã đổ mồ hôi làm nên cái công viên này, cho nên tôi có quyền vào. Hóa ra tôi nói sai à?
Bảo vệ không chịu, cứ bắt mua vé:
– Nếu mình bác, cháu để bác vào ngay, nhưng đàng này còn bác gái, lại còn thêm năm con của bác nữa. Thế thì cháu sẽ bị phạt.
Chẳng ai chịu ai.
Cuối cùng, bảo vệ phải mời “sếp”ra. Hóa ra “sếp” lại là thằng bạn học cùng lớp, trước chuyên môn cùng nhau đá bóng ở Ba Đình. Tất nhiên cả nhà ông ấy không chỉ được mời vào miễn phí, lại còn được “sếp” mời vào phòng khách tiếp đãi, an ủi.
Kể lại chuyện này cho chúng tôi nghe, ông ấy đắc ý lắm.
Giá như bấy giờ, người ta cho mấy cái xe gạt, xe ô tô loại lớn chở cát san lấp, mấy cái máy xúc máy ủi đào moi rác chở đi như hiện nay thì chúng tôi đã chẳng phải vất vả như thế. Nhưng lại nghĩ, lấy đâu ra máy móc vào cái thời buổi ấy, và thế thì những kỷ niệm thời học trò cũng bớt đi nhiều phần thú vị.?