Cũng như những người phụ nữ xưa, bác tôi không được học nhiều, chắc cũng chỉ đủ trình độ biết đọc biết viết và làm mấy phép toán đơn giản. Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, đại gia đình của tôi rời Hà Nội, tản cư theo lời kêu gọi: “Đi tản cư là yêu nước”. Ban đầu mọi người đều hy vọng chắc  việc này sẽ kết thúc nhanh chóng và đại gia đình sẽ sớm trở về Hà Nội.

Nhưng sự thực nó không đơn giản như thế. Pháp ngày càng mở rộng các vùng chiếm đóng ra  hầu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1950, bác trai tôi mất vì bệnh. Một  nách ba người con, lớn nhất chưa đầy 10 tuổi, bác tôi không thể theo cả gia đình lên Việt Bắc phải đưa các con trở về Hà Nội (lúc đó gọi là “dinh tê”, một từ có nghĩa như “đào ngũ”, “đầu hàng”).

Năm năm sau, khi hòa bình lập lại, chúng tôi trở về Hà Nội, đại gia đình mới đoàn tụ. Bố mẹ tôi cùng những người tham gia kháng chiến từ Việt Bắc đều đã trở thành cán bộ nhà nước, nhiều người là đảng viên và đều tự hào đã theo cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi. Bác tôi sau khi về Hà Nội, buôn bán lần hồi nuôi con, thờ chồng. Đến khi Hà Nội giải phóng, bà có một sạp vải ở chợ Đồng Xuân. Hàng ngày bà vẫn đi về và chăm lo chuyện hương khói ở ngôi nhà thờ họ. Trước cảnh trở về với  hai bàn tay trắng của cả nhà, bà đã hết lòng giúp đỡ. Trong những người được bà san sẻ vẫn có người tiếc vì bà không theo được kháng chiến cho tới ngày hôm nay.  Dù chỉ là bác họ, lại là bác dâu nhưng quan hệ của bà với họ hàng bên chồng rất gắn bó, thân mật. Sau cải tạo công thương nghiệp năm 1958, sạp hàng của bà ở chợ Đồng Xuân bị dẹp, nhờ có chút vốn liếng tích cóp được, bà vẫn nuôi các con ăn học đầy đủ và cũng sẵn sàng giúp đỡ các cháu khi có thể. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, các con đã khôn lớn, vốn  liếng đã cạn, bà phải ra bán hàng ở vỉa hè trước cửa bách hóa số 5 đường Nam Bộ. Cảnh bán hàng thật cơ cực. Chỉ có một ít hàng bày trên cái mẹt, ngồi ngoài  hè phố dãi dầu mưa nắng, lại luôn bị công an, thuế vụ bắt bớ, tịch thu, xua đuổi…mà bà lúc ấy cũng đã ngoài sáu mươi tuổi.

Tháng 9 năm 1975, lăng cụ Hồ xây dựng xong. Trong dịp khánh thành, lăng mở cửa cho mọi người vào viếng. Muốn tới phải có giấy mời (tất nhiên để có không hề dễ dàng). Người có giấy vào lăng xếp hàng từ chân núi Nùng trong vườn Bách Thảo, qua Hoàng Hoa Thám, vòng vào đường Hùng Vương, dễ đến chừng cây số.  Một người cháu của bà được cơ quan phân cho một giấy mời. Để tỏ cái tình với bác, anh mang giấy tới biếu bà, chắc cũng mong bà có một chút  vinh dự theo quan niệm của số đông. Bà đã trả lời như thế này:

– Thôi, tôi cám ơn anh. Đến mả bố tôi ở quê tôi cũng chưa có thời gian về thắp hương kia kìa!

Có lẽ suốt đời phải đối mặt với những vất vả, lo toan không bị bao lý thuyết mơ hồ huyễn hoặc nên suy nghĩ của bà rất  chất phác, dù cho lúc ấy vẫn bị coi là “mất lập trường”, thậm chí bị coi là phản động.

Cũng như năm 1985, lần đầu tiên vào Sài Gòn, tôi nhờ  một bác xích lô đưa đi xem thành phố. Trên đường, bác đã giải đáp cho tôi nhiều câu hỏi về  nơi tôi còn xa lạ. Trả lời câu hỏi của tôi: “từ khi gải phóng, bác thấy thế nào?’, người đạp xích lô  nói:

–  Thì cũng thế thôi cậu ạ. Thời nào thì mình cũng phải làm mới có ăn. Có ai cho không mình cái gì đâu!

    Một câu trả lời của người rất lương thiện. Chỉ trông vào hai bàn tay mình, dựa vào những giọt mồ hôi mình đã đổ ra, sống bằng chính công lao của mình đã gắng sức chứ không hão huyền trông mong vào những cái mơ hồ, chờ đợi cái huyễn hoặc và ngóng theo những thần tượng mà người ta làm rùm beng.. 

11 BÌNH LUẬN

  1. Ôi! thế hệ cha tôi và thế hệ tôi đã luôn tự huyễn hoặc mình.
    Giờ mới biết bị dối lừa rồi nhé
    Nào thì trời xanh, hoa đỏ, nắng vàng…
    Thật tuyệt vời như ở chốn thiên đàng!

  2. Kính Ông Giáo Làng,già tôi lại phải xin phép thầy góp vài nhời vậy,nếu so với các ngài lãnh đạo Đảng viên CSVN hiện nay thì già tôi cũng tiếc ,thời 45,lúc đó già tôi còn là chú nhóc “nhi đồng cưú quốc” tại tỉnh nhỏ Lạng Sơn,không lên Cao Bằng tìm bố thì sau đó mà theo các đồng chí vào rừng kháng chiến,nếu còn sống tới nay,thì già tôi cũng hách lắm đấy !? Nhưng trót dại bị CNXH chê là bọn đĩ điếm này nọ mà phải dọt qua xứ đại TB dãy hoài không chết này nên thoát bị cô Dương Thu Hương xỉ vả thậm tệ !! Chịu thôi biết nói sao đây !!Kính Thầy.

  3. Baf cụ xứng đáng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với con cháu, họ hàng và đối với người lao động bình thường khác

  4. “Chỉ trông vào hai bàn tay mình, dựa vào những giọt mồ hôi mình đã đổ ra, sống bằng chính công lao của mình đã gắng sức chứ không hão huyền trông mong vào những cái mơ hồ, chờ đợi cái huyễn hoặc và ngóng theo những thần tượng mà người ta làm rùm beng “

  5. Vâng, cụ rất thật và tỉnh táo, cái mà đại đa số không nhận thức được.
    Chả họ hàng, ruột thịt gì…cớ gì phải mê muội.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here