Trong quan hệ quốc tế nửa cuối thế kỷ 20, sự đột phá chắc chắn được ghi vào sử sách là vấn đề quan hệ Trung – Mỹ. Ngày 21 tháng 2 năm 1972 tổng thống Mỹ Nichxơn thăm Trung Quốc đã là một sự kiện làm “thay đổi cả thế giới”.
Khởi đầu
Sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập, Mỹ đã thực hiện chính sách không thừa nhận và thù địch trong thời gian dài. Bước vào những năm 70, dựa vào sự thay đổi trong quan hệ quốc tế, tiếng nói đòi hỏi cải thiện quan hệ Trung – Mỹ đã ngày càng cất cao. Đầu năm 1969, Mao Trạch Đông đã giao cho 4 vị nguyên soái Diệp Kiếm Anh, Trần Nghị, Nhiếp Vinh Trăn, Từ Hướng Tiền đánh giá tình hình quốc tế, nguyên soái Trần Nghị đã phải thốt lên: Quan hệ Trung – Mỹ từ 20 năm nay rất xấu, thật không thể tin được, người Mỹ đã lên mặt trăng, sao lại không đến với Trung Quốc, đến với Trung Quốc chẳng lẽ lại khó hơn lên trời? Vì đối kháng với Liên Xô, trong tình thế bắt buộc, quan hệ Trung – Mỹ cần phải cải thiện.
Sau đó, nước Mỹ muốn thay đổi tình hình cạnh tranh làm bá chủ thế giới, đồng thời muốn thoát thân khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam đã tỏ ra muốn thân thiện với Trung Quốc. Nichxơn sau khi trúng cử tổng thống, thông qua nhiều con đường biểu thị ý muốn giao hảo với Trung Quốc. Trung Quốc cũng phát tín hiệu về phía Mỹ: ngày 1 tháng 10 năm 1970, người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc Etga Snâu cùng Mao Trạch Đông đứng trên lễ đài Thiên An Môn duyệt đội ngũ diễu hành trong dịp quốc khánh. Ngày hôm sau, tấm ảnh này đã nổi bật trên Nhân dân nhật báo. Cử chỉ này muốn nói với phía Mỹ: vấn đề quan hệ Trung – Mỹ đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất chú ý.
Tháng 3 năm 1971, giải bóng bàn thế giới lần thứ 31 khai mạc taị Nhật Bản. Đoàn bóng bán Mỹ dự giải đã chủ động tiếp xúc với đoàn bóng bàn Trung Quốc, tỏ ý muốn đi thăm Trung Quốc. Kế hoạch này đã được phê chuẩn nhưng sau đó phá sản, Mao Trạch Đông đã bất ngờ huỷ bỏ. Ngày 7 tháng 4, Trung Quốc chính thức mời đoàn bóng bàn Mỹ thăm Trung Quốc. Ngày 14 tháng 4, thủ tướng Chu Ân Lai đích thân tiếp kiến đoàn bóng bàn Mỹ tại Đại hội đường, phát biểu một bài nói tràn ngập nhiệt tình. “Trái bóng nhỏ đã thúc đẩy trái bóng lớn”, mở ra hành động “ngoại giao bóng bàn” trong quan hệ Trung – Mỹ, trở thành một giai thoại trong quan hệ hai nước.
Hơn 2 tháng sau, đặc sứ của tổng thống Mỹ bí mật thăm Trung Quốc. Hai bên đã khiến cho thế giới kinh ngạc khi tuyên bố: Tổng thống Nichxơn sẽ thăm Trung Quốc.
Khách phá băng
Ngày 21 tháng 2 năm 1972, 8 giờ 54 phút giờ Bắc Kinh, chuyên cơ của Tổng thống Nichxơn dừng lại ở sân bay Thượng Hải một thời gian ngắn làm công tác kỹ thuật. 11 giờ 27 phút chuyên cơ hạ cánh tại sân bay thủ đô Bắc Kinh. 11 giờ 30 phút, tổng thống Nichxơn và phu nhân xuống máy bay. Tổng thống Nichxơn lần đầu tiên bắt tay thủ tướng Chu Ânn Lai ra đón ở sân bay, hai nhà lãnh đạo thực hiện cái bắt tay có tính lịch sử. Sau sự kiện này, Nichxơn nói: “Lúc chúng tôi nắm tay nhau là lúc kết thúc một thời đại cũ và mở ra một thời đại mới”.
4 giờ chiều cùng ngày, các nhà báo Mỹ đi theo đoàn đến Nhân dân đại hội đường chờ đợi Nichxơn kết thúc hội đàm. Trước đây, Nichxơn thường rất đúng giờ. Việc ông đến chậm khiến mọi người thoáng nghi ngờ. Mãi đến 5 giờ 55 phút, lời giải mới được công bố. Người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố với các nhà báo: “Sau khi đến Bắc Kinh 3 giờ, tổng thống Nichxơn và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tiến hành hội đàm”.
Trong cuộc hội đàm này, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói: “Hôm qua tại sân bay, ông đã đặt ra cho tôi một vấn đề khó khi nói chúng ta chỉ bàn tới phương diện triết học của vấn đề”. Nichxơn trả lời: “Tôi nói như thế vì đã từng đọc thơ, từ và những bài nói của Chủ tịch. Tôi biết Chủ tịch là một triết gia có tư tưởng sâu sắc”.
Đã gần 80 tuổi, lại vừa khỏi bệnh, Mao Trạch Đông với nghị lực phi thường đã trò chuyện với Nichxơn trong hơn 70 phút. Mao Trạch Đông luôn không quên một chủ đề trong cuộc đối thoại: Phương diện triết học của quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ Trung – Mỹ có tính bền vững, tính nguyên tắc, tính vĩ mô, tính chiến lược. Về cuộc đối thoại này, Kitsinggiơ về sau đã nói: “Mao Trạch Đông đã dùng phương thức hiển ngôn rất linh hoạt để phát biểu những ý kiến chủ yếu của ông”.
Đúng 6 giờ chiều, Chu Ân Lai và Nichxơn tiến hành hội đàm lần thứ nhất. 7 giờ tối, Chu Ân Lai mở tiệc chiêu đãi Nichxơn tại Nhân dân đại hội đường. Sau một ngày hoạt động khẩn trương, hai bên Trung – Mỹ đã từ những hoạt động chính thức chuyển sang buổi liên hoan nồng nhiệt. Thủ tướng Chu Ân Lai thay mặt chủ tịch Mao Trạch Đông và chính phủ Trung Hoa biểu thị sự hoan nghênh với các vị khách Mỹ. Ông nói trong diễn văn chúc mừng: “Nhân dân Mỹ là nhân dân vĩ đại, nhân dân Trung Quốc cũng là nhân dân vĩ đại. Nhân dân hai nước hướng tới tình đoàn kết. Nguyên nhân của nó thì mọi người đều biết, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước đã gián đoạn hơn 20 năm. Hiện nay, trải qua sự nỗ lực của hai bên Mỹ – Trung, cánh cửa hữu nghị cuối cùng cũng đã được mở”. Tổng thống Nichxơn cũng đã có bài phát biểu dài. Ông dẫn một đoạn từ của Mao Trạch Đông rồi nói: “hiện nay, sau khi đã trải qua giai đoạn xung đột, hai nước chúng ta đã bước vào một thời kỳ mới, góp phần và sự phát triển tốt đẹp giữa các nước trên thế giới.”
Những bài hát của nước Mỹ cùng với rượu Mao Đài trong buổi tiệc đã được những người khách Mỹ tán thưởng. Không khí buổi tiệc thoải mái. Một nhà báo bình luận: “Cảnh bữa tiệc thật giống như trong một giấc mơ”!”, “Buổi tiệc kết thúc, Ông ấy (Nichxơn) như muốn rơi nước mắt đi lên sân khấu và nói lời cám ơn với đoàn văn công đã biểu diễn tiết mực “Ngôi nhà trên núi” và “Nước Mỹ tươi đẹp”. .
Tuyên bố chung
Ngày 26 tháng 2 năm 1972, Thủ tướng Chu Ân Lai cùng Tổng thống Nichxơn bay đến Hàng Châu. Sau chuyến thăm Hàng Châu, Nichxơn bay đến Thượng Hải. Ngày 28 tháng 2 năm 1972, hai bên ký Tuyên bố chung Trung – Mỹ (còn gọi là Thông cáo Thượng Hải). Trong Tuyên bố, hai bên nêu rõ:
Hai nước Trung – Mỹ có chế độ xã hội và chính sách đối ngoại khác nhau. Nhưng hai bên đồng ý rằng các nước không kể chế độ xã hội như thế nào, đều cần tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, không xâm phạm nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng cùng có lợi, việc giải quyết quan hệ giữa các nước dựa trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình. Những tranh chấp quốc tế phải được giải quyết trên cơ sở này.
Về nguyên tắc này trong các quan hệ quốc tế, hai bên tuyên bố:
Quan hệ hai nước Trung Mỹ được bình thường hoá là phù hợp với lợi ích của các nước,
Hai bên hy vọng giảm thiểu những xung đột nguy hiểm trong quan hệ quốc tế,
Cả hai bên đều không có ý đồ làm bá chủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hai bên phản đối bất cứ quốc gia nào hoặc tập đoàn quốc gia nào nỗ lực để tranh giành ảnh hưởng có ý đồ làm bá chủ khu vực này.
Bất cứ bên nào cũng không thay mặt cho nước thứ ba đàm phán, không chấp nhận những Hiệp định do nước khác ký kết về nước mình.
Hai bên cho rằng, bất cứ một nước lớn nào cùng một nước lớn khác tiến hành câu kết để chống lại nước thứ ba, hoặc giành quyền phân chia lợi ích trên thế giới là vi phạm lợi ích của các nước trên thế giới.
Hai bên đã nhìn lại những tranh chấp nghiêm trọng tồn tại trong quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc khẳng định lập trường của mình: vấn đề Đài Loan là vấn đề mấu chốt cản trở quan hệ hai nước Trung Mỹ bình thường hoá; chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất; Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, cần sớm trở về tổ quốc; giải phóng Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nước khác không có quyền can thiệp; toàn bộ lực lượng vũ trang và căn cứ quân sự của Mỹ phải rút khỏi Đài Loan. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ một cách hiểu nào trong các khái niệm “một Trung một Đài”, “một Trung Quốc, hai chính phủ”, “hai nước Trung Quốc”, “Đài Loan độc lập”.
Phía Mỹ tuyên bố: Nước Mỹ nhận thấy Đài Loan và hai bờ eo biển Đài Loan chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ không đưa ra ý kiến khác về vấn đề này. Mỹ mong muốn nhân dân Trung Quốc tự giải quyết hoà bình vấn đề Đài Loan. Trong hoàn cảnh trước mắt, Mỹ xác nhận mục tiêu cuối cùng là rút hết mọi căn cứ quân sự và lực lượng vũ trang khỏi Đài Loan. Trước mắt, Mỹ sẽ khẩn trương hoà hoãn và giảm thiểu lực lượng vũ trang và căn cứ quân sự ở khu vực này.
Hai bên đồng ý tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước. Với mục đích đó, hai bên sẽ cùng tiến hành thảo luận các vấn đề về khoa học, kỹ thuật, văn hoá, thể dục thể thao và báo chí. Trong những lĩnh vực này sẽ tiến hành những cuộc tiếp xúc hai bên cùng có lợi. Mỗi bên sẽ thúc đẩy việc phát triển những sự liên hệ này và tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc thuận lợi.
Hai bên xem xét vấn đề mậu dịch song phương là lĩnh vực hai bên cùng có lợi, nhất trí nhận thấy quan hệ kinh tế bình đẳng, cùng có lợi là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên đồng ý dần dần thúc đẩy quan hệ mậu dịch cùng có lợi.
Hai bên đồng ý, thông qua những con đường khác nhau tăng cường sự tiếp xúc, cử đến Bắc Kinh đại diện cao cấp của nước Mỹ, xúc tiến bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, tiếp tục bàn bạc cụ thể, trao đổi ý kiến về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Hai bên hy vọng, kết quả của chuyến thăm này mở ra triển vọng mới trong quan hệ giữa hai nước. Hai bên tin tưởng rằng, quan hệ bình thường hoá giữa hai bên không chỉ phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước Trung – Mỹ mà còn góp phần tích cực vào sự hoà hoãn tình hình trên thế giới.
Tuyên bố chung Trung – Mỹ là văn kiện thứ nhất được ký chỉ đạo quan hệ song phương. Nội dung của nó biểu thị trạng thái xung đột giữa hai nước đã kết thúc và bắt đầu mở ra tiến trình bình thường hoá. Ngày 1 tháng 1 năm 1979, hai nước Trung Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 1/1/1979 Trung Quốc và Mỹ thiết lập ngoại giao, mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại – kỷ nguyên hòa bình, hợp tác, hữu nghị , trong đó có Việt Nam ( ngày 17/2/1979 Trung Quốc xâm lược Việt Nam ????)