Người thân nằm xuống, trong đám tang, có nhiều nghi lễ, tập tục vẫn được thực hiện nhưng nhiều người không hiểu vì sao cần làm như thế, nên dẫn tới hoặc là lạm dụng, hoặc làm sai lệch, không còn ý nghĩa gì.
Trước hết là tang phục. Người xưa quy định tang phục của mỗi người trong gia đình khác nhau, mục đích là khách lạ tới, chỉ cần qua đó có thể biết phần nào về thứ bậc, vai trò của người ấy trong gia đình. Nay nhiều nhà lý sự rằng coi “rể cũng như giai” nghe rất tân thời nên tang phục của đàn ông như nhau cả. Họ quên quan niệm của người xưa (và có cơ sở để nay vẫn đúng) “rể là khách”. “Rể cũng như giai” có lẽ mãi mãi chỉ là ước muốn dù có tới xã hội “công bằng dân chủ văn minh” cuối thế kỷ cũng vẫn chỉ là mơ ước. (Mà có lẽ cũng chẳng nên ước làm gì!)
Gần đây, để tránh rườm rà, nhiều gia đình thay tang phục cũ bằng đồ tang màu đen, chỉ còn giữ cái khăn trắng, một nét văn hóa riêng. Có lẽ cũng nên có sự thay đổi này. Xưa dùng vải sô và dây gai (gọi chung là đồ sô gai) là để tỏ cái đau đớn đến mức trễ nải việc ăn mặc trông thêm phần tiều tụy, tang thương. Đó chỉ là cái hình thức, khiến mất sự trang trọng, nhất là với khách tới viếng một khi xã hội đã văn minh. Niềm thương tiếc đâu chỉ có một cách thể hiện, cũng chẳng cần phải quá trọng vẻ ngoài.
Ngay từ thời Tây, chính quyền đã có quy định người chết chậm nhất sau 24 giờ phải được chôn cất , điều này phù hợp với phép vệ sinh., hầu hết mọi nơi đều thực hiện. Từ ngày các nhà xác ở bệnh viện hoặc nhà tang lễ có cái nhà lạnh, thi hài được bảo quản nên quy định này bị xem nhẹ. Gia đình có lý do chính đáng như con cháu ở xa chưa về kịp thì thật tiện lợi, nhưng cũng không ít người lạm dụng vì chờ đợi “ngày lành giờ tốt” và cũng không phải không có kẻ chức cao quyền trọng, lợi dụng đám tang, chờ đợi người từ xa đến phúng viếng, tranh thủ kiếm thêm cái phong bì. Tôi đã thấy có đám tang do sự chờ đợi, thi hài để lâu ngày bị biến dạng, tới khi khâm liệm, không còn thấy được một nét nào quen thuộc trên hình hài của người quá cố. Ngậm ngùi, xót xa nghĩ, không biết người ta kéo dài sự chờ đợi vì ai, vì người đã khuất hay chỉ vì người còn sống?
Gần đây thấy phổ biến tình trạng kiêng kỵ khi khâm liệm. Người ta cho rằng những ai có tuổi “xung” với tuổi người chết đều phải lánh mặt vào lúc này. Cứ tới giờ khâm liệm là thấy thầm thì to nhỏ, người nọ truyền cho người kia như ai cũng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” cả. Theo tôi hiểu, hai giờ khắc thiêng liêng nhất vĩnh biệt người đã khuất là khi khâm liệm và lúc hạ huyệt. Giờ phút khâm liệm là lần cuối cùng thấy mặt, ký ức cuối cùng của người đã khuất đọng lại với người còn sống; còn khi hạ huyệt là từ nay “âm dương cách trở”. Cho nên vào lúc này, những người ruột thịt không thể vắng mặt. (Cũng như khi cải táng, giờ khắc thiêng liêng là khi mở nắp quan tài và hạ huyệt, hạ huyệt lúc này đúng là vĩnh biệt). Đời sống tâm linh chính là biết những điều này để trân trọng chứ hoàn toàn không phải để kiêng kỵ, sợ hãi những thế lực vô hình khiến tình cảm của con người bị xúc phạm rồi mải miết khẩn cầu xin xỏ mà chẳng biết được hay mất? Nhiều năm trước, một người thân của tôi qua đời. Bà không ít con cháu, nhưng tới giờ khâm liệm, thấy chỉ có mặt ba người con cả dâu rể cùng họ hàng, bố tôi (khi ấy chưa tới 80 tuổi nhưng là bậc cao niên nhất trong họ) hỏi nguyên nhân, được nghe giải thích những người con khác đang tránh mặt vì kiêng cữ, liền lớn tiếng:
– Con nhà vô phúc! Giờ phút cuối cùng thấy mặt mẹ lại dám bỏ đi!
Nghe thế, mấy ông bà con cái, dâu rể phải xuất hiện. Thế mà mãi 23 năm sau, chính người con không kiêng cữ gì mới mất (cũng đã trên 70 tuổi), còn những người định lánh mặt vì sợ hãi thì tới nay (sau 29 năm), đều đã trên 70 tuổi và vẫn khỏe mạnh.
Những người tới phúng viếng các đám tang trước đây, hầu hết đều với tư cách cá nhân, người ta thường mang theo hương nến, hoa quả, vừa phù hợp với túi tiền vừa để tang chủ sử dụng về sau, tránh phí phạm. Các cơ quan đoàn thể tới phúng viếng, thường dùng vòng hoa, có lẽ do thế mới “xứng tầm”, chẳng lẽ một đoàn đông người, lại với tư cách tập thể mà cũng chỉ có chút đồ lễ như của từng cá nhân riêng lẻ. Rồi dần, vòng hoa trở thành phổ biến. Nay vòng hoa chỉ được cái vẻ ngoài “hoành tráng”, ngoại trừ một vòng lá xanh (được sử dụng quay vòng), còn lại toàn hoa giả (nhựa, ni-lông) cắm trên một cái đế bằng “xốp”. Tất cả đều là những đồ phế thải trong việc bảo quản hoa quả của “ông bạn vàng”, may có vài bông hoa thật thì cũng đã thuộc loại héo úa nếu không dùng ở chỗ này chỉ quẳng vào sọt rác. Ta có nên dùng những của vứt đi này để đại diện cho lòng thương tiếc của mình?
Vòng hoa là dành cho khách chia buồn với tang chủ, tỏ chút lòng thành với người đã khuất (khó tìm được cách nào khác). Chẳng hiểu vì sao, nhiều nhà con, cháu cũng có vài cái vòng hoa “kính viếng” ông bà, cha mẹ. Lạ thật! Nỗi buồn là đích thị của mình, định chia sẻ với ai? Tình cảm với người thân yêu thể hiện trong việc chăm sóc chu đáo, nâng giấc, thuốc thang khi ốm đau, cẩn trọng vẹn toàn khi lo hậu sự và không sơ xuất, trễ nải khi hương khói, cúng giỗ về sau, .. sao lại coi mình như người ngoài để phải dùng vòng hoa thể hiện tình cảm? Nếu muốn, cần có lẵng hoa, tràng hoa đặt trên quan tài phân biệt hẳn với những vòng hoa của khách.
Chẳng biết học ở đâu, có những đám tang giờ lại xuất hiện cái nhân vật thường được gọi bằng cái tên “tây” “Em mờ xi” (MC). Người này được thuê tiền để dùng cái giọng lên bổng xuống trầm, nỉ non thánh thót tỏ lòng thương tiếc giả dối người đã khuất, khéo léo khoe với thiên hạ cái công chăm nom, cái lòng hiếu kính của con cháu. Vừa ầm ĩ xóm giềng vừa huyênh hoang trơ tráo, cũng chỉ là một kiểu khóc mướn “đời mới”! Người tử tế chẳng nên theo!
Đưa linh cữu ra nghĩa trang xưa thường là dân làng giúp đỡ. Dù phần lớn thanh niên trai tráng nhưng quan tài cùng với sức nặng của cỗ đòn khiêng bằng gỗ tốt cũng khiến cho đám trai làng phải oằn lưng. Đường ra cánh đồng đâu có phẳng phiu, lại thêm những tục lệ xưa cũ, nào chống gậy đi giật lùi, rồi lăn đường gào khóc, cảnh “bước đi một bước giây giây lại dừng” khiến cho đã nặng lại càng nặng. Người ta cho rằng ma quỷ níu chân người khiêng để giữ người chết lại. Thế là tục rải vàng thoi ra đời, cốt để “hấp dẫn” ma quỷ, mong chúng mải tranh cướp mà giảm bớt gánh nặng cho đám đô tùy nghiệp dư, chứ hoàn toàn không phải đánh dấu đường về nhà (như nàng Mị Châu rải lông ngỗng) để người đã khuất khỏi quên như mấy ông thầy tự phong lý giải. Nay, ở thành phố đã có xe tang chạy bằng động cơ, nông thôn ít nhất cũng có xe đẩy bằng sức người, chẳng có ma quỷ nào có thể níu giữ, nhưng người ta vẫn giữ tục “thoi vàng vó rắc…” như Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều. Thiết nghĩ biết như thế (cũng như việc đốt các đồ mã) để chỉ nên giữ như một nét văn hóa, không nên lạm dụng, vừa tốn kém lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, khổ cho người làm sạch xóm ngõ, phố phường.
Gần đây, có tình trạng dân thường làm đám tang học theo lối tổ chức của quan chức cấp cao, nông thôn thì học theo lối thành phố bất chấp hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Người chết ở gia đình, được con cái lo tang ma cũng có ban tổ chức lễ tang in trên tờ giấy to tướng trưng với thiên hạ; (có nơi còn có tiết mục đọc danh sách ban tổ chức tang lễ trước khi làm lễ truy điệu); đám tang tổ chức ở nhà riêng, người tới phúng viếng rải rác suốt ngày đêm không bị hạn chế thời gian như đám tang ở thành phố chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ, cũng học đòi bàn đăng ký vào viếng; toàn người trong họ ngoài làng cũng “réo” loa tên tuổi, chức phận (họ giải thích làm thế để cho người chết biết). Đây đích thị là những hủ tục mới.
Theo tục lệ, người mới mất được lập bàn thờ riêng bên cạnh bàn thờ chính trong gia đình. Dù có sơ sài, vì chỉ tồn tại trong thời gian chưa cải táng nhưng bàn thờ này cũng được chăm chút rất cẩn trọng.
Việc thờ cúng không thể thiếu hương. Thường có hai loại, hương nén và hương vòng. Mỗi nén hương có thời gian cháy khoảng 40 phút, còn loại hương vòng bình thường, có thời gian cháy khoảng 12 – 14 giờ. Thông thường, mỗi khi có dịp cúng giỗ, thắp hương nén. Đêm, trước khi đi ngủ, thắp hương vòng, để bàn thờ trong những ngày này luôn ấm cúng bởi đèn nhang, tránh cảnh khói tàn hương lạnh.
Nhưng sao trên ban thờ của người mới mất không được thắp hương vòng? Các “thầy” thường giải thích vì nếu thắp hương vòng, hồn người chết sẽ quẩn quanh, không thể siêu thoát (!?).
Thực ra, đạo hiếu quy định con cái phải chịu tang ba năm (xưa, quan lại khi có đại tang, cha mẹ mất, phải cáo quan về nhà chịu tang, hết ba năm mới trở lại nhiệm sở). Trong những ngày để tang cha mẹ, người con trưởng không được phép đi xa, thường gọi là “cư tang” (ở nhà chịu tang), luôn có mặt ở nhà để lo chuyện đèn nhang, không bao giờ được lơ là, đó chính là thể hiện lòng hiếu kính, thương tiếc khi cha mẹ qua đời. Không được thăp hương vòng chính là tỏ việc thờ cúng chu đáo. (nếu thắp một vòng hương, có thể ra khỏi nhà suốt ngày). Trước khi đi ngủ, thay hương nén bằng hương sào (que hương lớn và dài hơn, có thể cháy trong 4, 5 giờ, đủ qua đêm).
Người ta cho rằng, người mới chết, chưa sạch sẽ nên chưa thể đưa lên bản thờ chung. Việc này chỉ có thể thực hiện sau khi cải táng, nghĩa là sau khi thi thể đã phân hủy, chỉ còn lại phần xương cốt, có thể tồn tại sau thời gian dài. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ mới là phần “thể phách”, cái “sạch sẽ” ở đây còn ở phần “tinh anh”. Bất kỳ ai, dù khi còn sống, có mẫu mực khuôn phép đến đâu cũng khó tránh khỏi những điều ong tiếng ve, sao tránh được hoàn toàn những lời đàm tiếu của thiên hạ, dù là những dư luận, đồn đoán, …nhiều khi thiếu căn cứ. Dù sao, với những người còn mang những tiếng thị phi, cũng tuyệt đối chưa được nhập vào thế giới anh linh của tổ tiên ông bà. Phải có thời gian (thường là ba năm) cùng với sự mất đi của hình hài, những lời nọ tiếng kia đã phai nhạt, người mất mới được gia nhập thế giới thiêng liêng, trở thành đối tượng được mọi tầng lớp cháu con ngưỡng vọng, tuyệt đối tôn vinh, mãi mãi sống trong tâm linh các thế hệ sau
Đó là trong mỗi gia tộc, còn chung cho cả cộng đồng như Thiên chúa giáo, người tử vì đạo, dù có dũng cảm, xả thân ra sao nhưng cũng phải chờ tới cả trăm năm mới được tôn làm bậc Thánh. Cho nên, thấy có người mới nằm xuống, lời khen tiếng chê còn chưa dứt, đã mang tên để đặt cho phố phường, rồi coi là bậc thánh; người còn bao lời đàm tiếu, cười chê đã được đúc tượng, lập đền thờ thì quả những kẻ chủ trương to gan, không còn biết thế nào là lề luật, bất chấp tất cả chỉ biết nhắm mắt làm những điều quàng xiên.
Theo em một bông hoa tươi quý hơn vòng hoa giả ạ.
Việc tang ma tùy phong tục mỗi nước, mỗi tôn giao nhưng cũng nên chọn loc. Cái gì đúng ta theo, cái gì lỗi thời , không còn hợp không nên máy móc áp dụng. Cốt ở tấm lòng thành.
kính gửi Thầy Giáo làng
Thưa thầy, em xin được giói thiệu em tên Trần Thị Mai Lan, hiện là Trưởng phòng XD Nếp song văn hóa – Gia đình thuộc Sở VHTTDL kiên Giang.
em xem bài chuyện đám tang, thấy bài viết phân tích một số nghi thức, tập tục khi tổ chức đám tang rất sâu sắc.
Nếu thầy cho phép, em xin được đăng bài Chuyện đám tang
trên đặc san văn hóa của Sở nhằm tuyên truyền thực hiện Nếp song văn minh trong việc tang.
Mong hồi âm của thầy. Kính Chúc thầy và gia đình
nhiều sức khỏe,vạn sự an lành.
Đọc bài này em nhớ lại phong tục VN (mà hầu như đã quên mất, vi đi lâu quá rồi). Bên Úc, tang lể phải làm ở nhà quàng, không được làm ở nhà. Nhà quàn có chổ làm nghi thức cho mọi tôn giáo theo yêu cầu, thăm viếng có giờ. Người Việt mặc áo tang trrắng, hay áo đen, người nhà đeo tang trắng. Khách viếng tùy hỷ mang hoa (thật) hay không có cũng không sao, ít thấy ai đi tiền. Hoàn toàn không có tục rãi vàng mã ra đường (chỉ đốt nơi mộ). Cũng không có MC hay pê-đê tới giúp vui, hoàn toàn không có màn ăn nhậu tại nhà quàn. Cũng không có màn giới thiệu này nọ. Ai tới viếng, ghi vào sổ tưởng niệm, vái người chết, chia buồn với người nhà, không nghi lễ rườm rề, không đón tiếp trọng thị, không khí trang nghiêm, buồn. Khi đưa, quan tài nằm trên xe đẩy do nhà quàn phục vụ, không có nhạc Tây tiễn đưa, hay kèn đám ma ò e í e. Xe tang chạy từ nhà quàn, qua nhà người chết lần cuối, rồi chạy từ từ ra nghĩa trang. Đoàn xe người nhà, bạn bè chạy theo đều bật đèn trước để xe khác nhìn thấy biết đoàn xe tang, họ không than phiền (vì đoàn xe chạy chậm). Nghĩa trang rộng, đẹp, cây cối, hoa lá, đường trãi nhựa, sạch sẽ, gọn gàng như 1 thành phố nhỏ, yên tĩnh, trầm mặc. Nghĩa trang không có âm khí nặng nề khiến người ta ớn lạnh, sợ hãi như nghĩa trang ở VN. Nói chung, ở Úc hay Tây phương, sống ồn ào nhưng chết thì âm thầm và đơn giản (chết không vui như ở VN bây giờ
Trong các đám tang ta thường thấy ghi trên vòng hoa, trướng, các loại văn bản, cáo phó, diễn từ… dòng chữ VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC.
Vô cùng thương tiếc là sự tiếc thương không có giới hạn. Điều này chỉ đúng với con cháu, anh em trong nhà hoặc bạn bè, chiến hữu chí cốt khi phải cách xa người quá cố. Còn với những người quen biết sơ sơ, những người có liên hệ dây mơ rễ má gì đấy, những người ở tổ chức, cơ quan, đơn vị do trách nhiệm mà đến… dùng 4 chữ này e rằng hơi cường điệu quá mức.
Trong nam đám hiếu thường có 4 chữ: THÀNH KÍNH PHÂN ƯU (Thành tâm chia buồn)
Nhiều đối tượng, nhiều người đi dự đám tang nếu sử dụng cụm từ này có lẽ phù hợp hơn. Rất mức độ và cũng trang trọng. Có thể có ai đó cho rằng nó mang nhiều nghĩa Hán, tuy nhiên có thể Việt hóa đi.
Từ ngữ dùng càng chuẩn thì càng tiệm cận với chân lý. Có những cái ta cứ dùng mãi rồi quen chứ bình tâm ngẫm kỹ lại thấy nó sáo và không thật.