Chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ những tín ngưỡng lớn của loài người như Thiên Chúa giáo, Phật giáo hay Hồi giáo nên không dám lạm bàn. Nhưng  trước hết xin bàn tới chuyện xoay quanh việc thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng rất phổ biến với người Việt Nam.

Tôi vẫn nghĩ, tất cả những phong tục tập quán ngày nay của chúng ta trong đời sống nói chung và trong nghi lễ tín ngưỡng nói riêng ban đầu đều xuất phát từ một cái gì rất cụ thể, lý do cụ thể, hành động cụ thể, việc làm cụ thể. Nhưng cùng với sự diễn tiến của thời gian, cái cụ thể ban đầu ấy bị quên lãng, người ta cứ làm mà chẳng cần biết lý do. Lâu dần, một số kẻ  lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người, dùng những cách giải thích trừu tượng mơ hồ, thậm chí kỳ bí rất khó hiểu để trục lợi. Nhưng có lẽ chỉ khó hiểu, khó tin với những người có đầu óc duy lý, còn với nhiều người, càng mơ hồ có vẻ như càng có sức thuyết phục. 

 

Người ham hiểu biết, có bản lĩnh không hành động theo đám đông,  trước mỗi lễ nghi, phong tục, tập quán  thường có ý thức tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để rõ ý nghĩa của hành vi cần phải thực hiện. Điều đó vừa giữ được truyền thống xưa của ông cha, vừa là một hành vi văn hóa, khiến cuộc sống thêm thi vị đúng với nghĩa cuộc sống của con người. Nếu chỉ  hành động một cách máy móc chẳng hề suy xét  thì hoặc là những cái đó trở nên một gánh nặng hoặc là  chứa đựng những tín điều lầm lạc, khi đó cuộc sống của chúng ta chỉ còn là ngu muội, tăm tối, đâu còn niềm vui.

Niềm tin vào sự tồn tại của một “thế giới bên kia” tùy vào từng người. Có người tin, cũng có người không tin. Chẳng lẽ với nhiều dân tộc không thờ cúng tổ tiên, coi chết là hết như người Thái, người các dân tộc Tây Nguyên hay người các nước phương Tây,… lại vô lý? Nhưng dù có tin hay không, người Việt Nam ta chẳng mấy ai không thờ cúng tổ tiên.

Gia đình nào hầu như cũng có bàn thờ gia tiên. Các bậc tiền nhân mà mỗi gia đình thờ cúng  là những vị được tôn kính tuyệt đối. Với những người con, người cháu hiếu thảo, các vị đã khuất nhưng “thác là thể phách, còn là tinh anh”, các vị không bao giờ mất trong tâm trí con cháu các thế hệ sau. Đó là những anh linh đang từ chốn thinh không  xa thăm thẳm, cao vời vợi kia hàng ngày vẫn ngóng nhìn,  theo dõi cuộc sống của con cháu các thế hệ trong gia tộc với tất cả sự đồng cảm lớn lao. Các vị mãn nguyện thỏa lòng khi cháu con noi theo được gương những người đi trước, phát huy đức độ và tài năng để vừa có cuộc sống sung túc, vừa tôn vinh được danh dự, truyền thống cha ông. Các vị cũng mỉm nụ cười hài lòng mỗi khi tới ngày giỗ tết, con cháu vui vẻ hòa thuận, sum họp quây quần, thắp nén hương thơm, bày mâm cơm tưởng nhớ tới những người đã khuất. Ngược lại, các vị cũng không khỏi đau lòng khi có những đứa con đứa cháu làm điều sai lầm, xót xa khi chúng gặp những điều trái ngang, bất hạnh.

Nếp xưa định “ngũ đại mai thần chủ”, nghĩa là các cụ cách mình tới 5 đời thì không còn thờ cúng nữa. Quy định này hợp lý có lẽ trước hết vì hai lý do: một là, trên ban thờ không có chỗ đặt quá nhiều bài vị (cái mà hiện nay chúng ta thay bằng ảnh); và thứ hai cách nhau đã năm đời thì khó có thể cùng sống để có ký ức, làm cơ sở nảy sinh tình cảm. Có  ngưỡng mộ hay  tôn kính cũng không khỏi khiên cưỡng.

Mỗi khi tới ngày giỗ, Tết, con cháu thắp hương, mâm cơm với những món ăn thịnh soạn được bày trước ban thờ là để tỏ lòng tưởng nhớ tới cha ông. Ngày con cháu sum họp, quây quần bên mâm cơm đầy đủ là để không quên người đã khuất đã trải qua bao thiếu thốn khó khăn nuôi dạy để có con cháu như ngày nay. Đó chính là biểu hiện “uống nước nhớ nguồn”, một đạo lý phổ biến được tất thảy mọi người tôn trọng. Ông bà, cha mẹ, những người đã khuất không thể “hưởng thụ” những mâm cao cỗ đầy ấy, cho nên thật dung tục nếu  mở nắp chai “bia”, đốt điếu thuốc lá đặt lên nơi con cháu đang kính cẩn tưởng nhớ. Vừa rồi, trên FB, một bạn than phiền, một món đồ ăn đặt trên bàn thờ khi lấy xuống đã bị hỏng. Chủ nhân giải thích do “ma đã ăn”. Sao lại có “ma” ở đây? Chẳng lẽ trên ban thờ của gia đình, người ta thờ ma? Và đối tượng được chúng ta thờ cúng là những người đáng kính trọng hay là những kẻ đáng khiếp sợ? Cũng nói luôn người ta “kiêng” không bày trên mâm cỗ cúng món miến nấu không phải vì sợ “các cụ rối ruột” như một số “ông thầy” giải thích. Chẳng qua chỉ vì món miến thường phải ăn khi còn nóng. Để nguội, sợi miến hút nước, trương lên, rất khó ăn, bỏ đi thì lãng phí, mà cần kiệm là nét đẹp đạo đức các bậc tiền nhân đều coi trọng.

Thờ cúng kỵ nhất đưa lên ban thờ tờ giấy bạc (dù có mới tinh) vì đó bị coi là vật uế tạp (cả nghĩa đen – qua tay nhiều người, ở nhiều nơi chẳng mấy sạch sẽ; và nghĩa bóng –  để có đồng tiền, người ta đã chẳng nề hà nhiều cách thức không mấy lương thiện)

 Kiêng không đặt lên bàn thờ thắp hương lần thứ hai với các phẩm vật chính là biểu hiện trân trọng người đã khuất, dâng lên các vị phải là những thứ còn nguyên vẹn, tươi mới chưa hề vẩn đục.

Trên bàn thờ, nơi cả họ tộc hướng tới để tưởng nhớ, biết ơn  chỉ được đặt những đồ thanh tịnh hương, hoa, oản quả là để tỏ cái lòng thơm thảo, hiếu đễ của con cháu. Xưa, mỗi buổi sáng, ra vườn, cắt một nhành hoa còn đẫm sương đêm, đặt trên  một cái đĩa nhỏ, một chén nước từ trong bể nước mưa cùng một nén hương đã đủ để tỏ lòng nhớ về tổ tiên của con cháu. Thật giản dị thanh đạm nhưng cũng trân trọng, thành kính.  Mâm cơm cúng thường phải đặt trên bàn thấp hơn bàn thờ hoặc trên bộ phản kê trước bàn thờ chính là để tỏ cái sự thanh khiết ấy.

Ngày giỗ, Tết không thể thiếu nén hương. Người xưa cho rằng để giúp mình “chuyển tải” những ước nguyện, tâm tư tới các đấng Tối cao hay các bậc tiền nhân, không thể không nhờ làn khói (vì làn khói luôn hướng lên cao, nơi các bậc tôn kính đang ngự). Nay chắc không còn ai tin như vậy, hương trong thờ cúng dần trở thành một biểu tượng. Nó thể hiện con cháu nhớ tới tổ tiên (nói tưởng nhớ thì chẳng ai thấy). Qua thời gian, kỹ thuật làm hương ngày càng tinh xảo nhưng giá thành cũng ngày càng cao. Để phổ cập, hầu hết các loại hương ngày nay đều sử dụng đủ loại hóa chất độc hại cho con người và cho cả môi trường, nên chẳng cần đốt cả bó, cả nắm hương. Tỏ lòng thành kính chỉ cần một nén, hoặc ba nén, năm nén hương là đủ. Thật nực cười nếu ai tin tấm lòng với các bậc tiền bối tỷ lệ thuận với số hương đốt nơi thờ cúng. Chuyện hương vòng xin nói ở phần sau. Cũng như thế, các loại tiền giấy, đồ mã cũng chỉ là những biểu tượng để tỏ rằng con cháu luôn nhớ tới các bậc sinh thành. Cho nên nếu có cũng chỉ cần tượng trưng. Tiền giấy, nhà giấy, ô tô giấy, … lại có thể trở thành đồ thật để các cụ sử dụng thì quả thật không biết đó là niềm tin của những ai!

Thường phải hết một tuần hương mới hạ cỗ, xin các cụ cho con cháu thụ lộc chẳng phải để các cụ có thời gian thụ hưởng. Chỉ là yêu cầu việc thờ cúng không được vội vã, dẫn tới cẩu thả, sơ xuất và dành thời gian để con cháu sum họp. Đồng thời, sau khi mâm cơm cúng đã bày biện chu đáo, người chủ lễ thắp thêm một tuần hương, con cháu lần lượt vái lạy. Đây chính là thời khắc anh em, con cháu tập trung đông đủ  trò chuyện, tưởng nhớ đến người đã khuất (trước khi đó nhiều người, nhất là phụ nữ thường bận chuyện bếp núc). Những gia đình có nơi thờ cúng rộng rãi thật may mắn. Tôi nghĩ đây chính là giờ khắc ấm cúng, thiêng liêng nhất trong ngày giỗ, Tết; đây chính là giờ khắc sum họp quây quần biểu hiện của sự thuận hòa giữa anh em, cháu con mà cha ông mong muốn, có thể nói đó là phẩm vật trang trọng nhất dâng lên những người đi trước,  tới khi “hạ cỗ” là bắt đầu phân tán theo từng mâm,  rồi lại xa cách trở về với nếp sống quen thuộc.

 

P/S:  Trên đây là vài suy nghĩ của tôi quanh việc thờ cúng. Mong các bạn quan tâm thêm lời bàn, chỉ mong việc thờ cúng tổ tiên luôn luôn là một nét đẹp văn hóa chứ không thể bị coi là những hủ tục.. 

7 BÌNH LUẬN

  1. Phương Tây coi trọng sinh nhật,người Việt mình coi trọng ngày giỗ. Cả hai tập quán đó đều tốt cả, chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp. Người Việt mình, không phải ai cũng theo Phật giáo, nhưng xem việc thờ cúng gia tiên thiêng liêng lắm. Mình tin tập quán ấy không bao giờ mai một cả. Theo ý riêng mình, dù nhà cao cửa rộng đến mấy, vẫn nên đặt ban thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất tại tầng nhà dưới cùng (ko phải tầng hầm). Đừng đặt ban thờ trên tâng cao nhất.Con cháu lên thắo hương khấn vái lễ lạt xong, kéo nhau xuống phòng khách tầng trệt trò chuyện với nhau, bỏ mặc các cụ ở trên ấy, tội các cụ lắm. Cố nhiên cũng còn tùy điều kiện mỗi gia đình.
    Mình nhớ quá những ngày giỗ chạp của gia đình mình trước 1954 …

    • Cái ý “…dù nhà cao cửa rộng đến mấy, vẫn nên đặt ban thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất tại tầng nhà dưới cùng (ko phải tầng hầm)…” của Thầy Túc hay đấy. Lâu nay người ta cứ nghĩ nên thờ phượng các cụ ở chỗ cao nhất, để mọi người không phải đi trên “đầu” các cụ

  2. Còn tôi thi cho rằng bàn thờ để ở đâu tiện cho việc hương khói là tốt.
    Việc Quy y, đưa vong vào chùa (xin tìm đọc “Nói chuyện với người Âm”-đây là tài liệu khảo sát của 5 đơn vị có trách nhiệm vào những năm 90 thế kỉ trước. Tóm lại Hồn khuyên không đưa vong cha mẹ vào chùa). Vong vào chùa tức bị nhốt vào AM, không về được, bí bách cực lắm mà bnào ai biết. Khi vong đưa vào chùa rồi thì người trần khổ đến mãn kiếp!!!

  3. Vài điểm của đám tang Việt
    Ngoài hai món truyền thống trọng nam khinh nữ và làm càng to, càng hoàng tráng, càng đông khách càng tốt thì còn 3 chủ đề sau:

    – Hành xác: thực ra thì tự hành xác không lạ, đại diện tiêu biểu là đạo Phật đạo Chúa như Phật tổ, Chúa Giesu còn điển hình hơn. Có điều hành xác để chứng tỏ thương yêu, nuôi dưỡng người đã khuất thật tốt hay là chuộc lỗi cho đỡ ăn năn những ngày cha mẹ còn sống con cái cư xử không phải.

    – Đói ăn: thiếu ăn thật ám ảnh, ngày phải cúng cơm ít nhất 3 lần. Xưa đói thì thèm cơm chứ giờ đâu đói nữa, khối cụ còn phải tiết giảm ăn cả gạo lứt muối mè nay ngàn thu vĩnh biệt mà con cháu cứ theo lệ cũ nhỉ?

    – Sợ: kiêng cữ như kỵ tuổi, vàng mã…nói thẳng ra là sợ ma, sợ hồn người chết lẩn quẩn trong nhà nên làm linh đình, nghi thức trọng thể chung quy cũng là vì sợ.

  4. ,,,một số kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người, dùng những cách giải thích trừu tượng mơ hồ, thậm chí kỳ bí rất khó hiểu để trục lợi. Nhưng có lẽ chỉ khó hiểu, khó tin với những người có đầu óc duy lý, còn với nhiều người, càng mơ hồ có vẻ như càng có sức thuyết phục. ..

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here