Có lẽ chưa bao giờ ở nước ta, chuyện thờ cúng, hương khói, lễ bái lại phổ cập như hiện nay. Nguyên nhân có thể cần tới một nghiên cứu công phu và những điều tra xã hội học rộng khắp. Nhưng một nguyên nhân chắc khá phổ biến là cái tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” của hầu khắp mọi người. Người ta thường tâm niệm rằng, có tốn kém tí chút nhưng có thể tránh được những cái họa tày đình luôn rình rập; có chịu chi ra chỉ như cái móng tay nhưng tài lộc có thể kéo về ùn ùn, chỉ có ngồi đếm tiền cũng không xuể.
Thôi thì tự do tín ngưỡng, chẳng dám bàn.
Nhưng xuất phát từ thói nói theo, ăn theo, làm theo… nên những người thích chuyện cúng bái thường chẳng có tìm hiểu gì, càng chẳng có suy nghĩ để lý giải vì sao mình lại làm như thế, vì sao cần phải làm như thế. Ai cũng đều ngầm tán thành với cách lý giải rất mơ hồ và vô cùng thiếu căn cứ của những ông “thầy” mà nguồn gốc lai lịch rất mù mờ “trần sao âm vậy”. “Trần sao âm vậy” mà tờ giấy loại rẻ tiền, in hình mấy đồng chinh (một loại tiền thời xưa) mà đem đốt lại có thể trở thành tiền để tiêu xài dưới cõi âm? Mấy cái nhà lầu, ô tô, rồi cả mấy cô chân dài hàng mã lại có thể “chuyển hóa” thành đồ thật cho người đã khuất? Ở dương gian, đó là của giả, chẳng lẽ thế giới của cõi âm, ông bà chúng ta dưới ấy toàn dùng đồ giả?
Nhưng cái bậy bạ nhất là việc dùng những tờ giấy bạc các loại làm vật thờ cúng. Trước đây, nhiều người được dạy, thờ cúng phải là các đồ thanh tịnh, thường chỉ có 4 thứ là hương, hoa, oản, quả. Còn cái kỵ nhất là tiền. Trong việc thờ cúng, đồng tiền bị coi là vật uế tạp (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen là đồng tiền qua tay nhiều người, nơi chợ búa chẳng mấy sạch sẽ, chẳng thế mà những người cẩn thận phải rửa tay sau khi cầm đến tiền, nghĩa bóng là để có đồng tiền, nhiều khi người ta phải có những hành vi không mấy lương thiện), cho nên tuyệt đối không được đặt đồng tiền lên ban thờ. Nghe nói những người theo đạo Thiên chúa khi nói chuyện hoặc làm những công việc liên quan tới tiền nong đều kiêng không nhắc tới Đức Chúa. Đám tang xưa, người ta thường phúng viếng hương, hoa (vòng hoặc bó hoa huệ), trướng, … Gần đây, kinh tế phát triển, lại thêm lý do là “may” gặp cái dịp để làm thân, để cầu cạnh, người ta phúng tiền. Nhiều ít sao khó biết, nhưng dù sao những cái vật uế tạp ấy thường được đặt trong cái phong bì. Cái phong bì phần nào hạn chế được cái phản cảm vì sự đối nghịch bày trước mắt, cái bị coi thường chễm chệ đặt nơi thờ cúng thiêng liêng. Điều này có thể tạm chấp nhận.
Nhưng nơi bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ; nơi thờ Phật chốn linh thiêng, nhiều người đã đặt cả những đồng tiền, thậm chí nhét vào tay, và đủ mọi ngóc ngách trên tượng Phật, khiến những người thật lòng kính trọng Đức Phật vô cùng bức bối.
Xưa, mỗi khi tới chùa, ngoài hương hoa dâng lên ban thờ Phật, người ta thường có chút tiền “giọt dầu”, nghĩa là chút ít giúp đỡ các vị sư trụ trì lo chuyện đèn hương. (Vì các nhà sư xưa sống chay tịnh và cũng vất vả lắm, hoàn toàn phải tự cấp tự túc dựa vào số hoa lợi rất khiêm tốn trong vườn chùa). Những đồng tiền lẻ này thường được đặt trên một cái đĩa nhỏ để ở cái bàn phía dưới (hoặc góc xa) của ban thờ chính. Xin nhắc lại, đây là tiền giúp các nhà sư lo chuyện đèn hương, chứ hoàn toàn không phải dâng lên Đức Phật. Người có hằng tâm, hằng sản muốn góp tiền hưng công, tô tượng, đúc chuông cũng khiêm nhường kín đáo khi gửi tiền vào chùa. Nay, nhiều người mang tâm lý hối lộ thánh thần (vì người đứng đầu nước ta đã từng tuyên bố: Đường Tăng đi lấy kinh mà cũng phải hối lộ cơ mà), họ tưởng rằng phải có tiền lót tay, Phật mới cho ước nguyện của họ thành sự thật. Xưa, người ta nói tới chùa để ăn mày Đức Phật, xin Đức Phật chút “lộc rơi lộc vãi”, nay người ta tới chùa để coi Phật là ăn mày. Những tờ giấy bạc 200đ, 500đ chẳng thể tiêu vào việc gì, người ta mang tới chùa bố thí cho Đức Phật. Nói rõ như thế để thấy cái tín ngưỡng của nhiều người nay thật thảm hại.
Nhà chùa thấy Đức Phật bị xúc phạm như thế cũng chẳng ngăn cấm vì chắc nghĩ “tích tiểu thành đại”. Những đồng tiền nhàu nhĩ kia mỗi năm tích lại ở một chùa cũng có hàng mấy chục bao tải, có nơi cũng tới cả chục tỷ. Món lợi hấp dẫn thế sao nỡ chối từ! Vì thế sư mới có biệt thự, siêu xe.
Cũng xin nói thêm, các chùa ở Thái Lan, ở Myanmar có rất nhiều hòm công đức. Người tới lễ chùa thường bỏ tiền vào đó (nhiều tờ bạc giá trị thấp nhưng cũng có những tờ giấy bạc có giá trị cao). Nhưng đây là tiền giúp người nghèo, tiền làm việc thiện. Mỗi khi mở những hòm này, có đại diện của các Phật tử cùng với sư trụ trì. Tiền được kiểm đếm và chi dùng công khai minh bạch vào việc giúp người nghèo, việc công ích, chứ không phải hàng ngàn bao tải tiền lẻ cho vào túi riêng để hoàn vốn như của mấy nhà sư ở ta).
Còn trên ban thờ gia tiên, mỗi khi cúng giỗ, những người con ăn nên làm ra ngoài những đồ cúng lễ chung của cả nhà thường đặt lên ban thờ ông bà cha mẹ những tờ giấy bạc giá trị lớn để khoe với mọi người sự giàu có, chịu chơi và mình vừa trúng quả đậm. Thật không có hành vi nào hơn thế để tỏ cái sự coi thường ông bà, tổ tiên.
Một hôm, trên đường đi chơi, ngồi nghỉ ở một cái quán ven đường, nghe mấy bà mấy cô ăn mặc sang trọng, trò chuyện rất sôi nối toàn chuyện thờ cúng. Một bà khoảng ngoài năm mươi khoe:
– Hôm giỗ ông nhà em, em về thắp hương, đặt lên ban thờ một tờ 200.000đ. Em vừa khấn xong thì cứ thấy đồng tiền quay tít trên ban thờ. Mọi người nhìn thấy sợ quá, vái lạy rối rít. Mấy hôm sau, em đi hỏi “thầy”, “thầy” bảo: “Tiền múa chúa cười. Thế là cụ nhà ta mừng lắm đấy. Thế nào bà cũng cầu được ước thấy”
Mấy anh em chúng tôi không ngờ dưới con mắt ngu muội của đứa con, một người cha có công sinh thành nuôi dưỡng lại hám tiền đến mức bệnh hoạn như thế!
Một anh bạn tôi cười, hỏi người phụ nữ:
– Chị có biết “tiền múa chúa cười” là thế nào không?
Tưởng có người đồng tình, chia sẻ, chị ta hỏi:
– Bác cũng biết xem ạ?
Người bạn tôi bảo:
– Không, tôi không biết xem. Chỉ là muốn giải thích cho chị cái câu “tiền múa chúa cười” thôi.
– Thế câu ấy có phải là nói các cụ nhà em thấy con cho tiền thì sướng lắm phải không ạ?
– Không phải. Cái câu này là của Trạng Quỳnh, một người hay cợt nhả với thánh thần. Một hôm, Qùynh vào yết điện chúa Liễu Hạnh, thấy chúa có nhiều tiền, trông sướng mắt, định vay. Biết chúa chẳng ưa gì mình, Quỳnh khấn:
– Em độ này túng lắm, chị có tiền để không, xin cho em vay để em buôn bán, kiếm ít lời.
Nói rồi, láu cá khấn xin âm dương:
– Sấp thì chia tư, chị cho em vay một phần, ngửa thì chia ba, chị cho một phần, chị mà thuận cho một nửa thì xin nhất âm nhất dương.
Thấy đằng nào Quỳnh cũng vay được, mà ý Chúa thì không muốn cho vay, vì biết cho vay, Quỳnh sẽ không bao giờ trả, liền cứ làm cho hai đồng tiền quay tít, chẳng sấp mà cũng chẳng ngửa.
Quỳnh thấy thế lập tức vỗ tay reo:
– Tiền múa Chúa cười, thế là chị bằng lòng cho em vay cả rồi!
Nói xong, mang hết cả tiền về.
Thế là cái câu “tiền múa chúa cười” chỉ là thể hiện cái láu tôm láu cá của một anh chàng trêu đùa với thần thánh, sao lại có thể nói thái độ của cụ thân sinh ra chị được? Chẳng lẽ cụ nhà ta lại….
Bác giáo kể thế chứ bên Thái cũng ô hô ai tai. Sứ ấy chùa nhiều nhưng phải tội cũng như xứ ta, chùa nào biết chùa nấy, chẳng có gì là nhất thống cả.
Và sau lưng cũng lại là những mờ ám về tiền cúng. Cũng làm hoành tráng để mập mờ những quỹ từ thiện. Có ai kiểm được tiền mặt là bao nhiêu.
Thế mới có việc một “sư ông” sứ Thái cũng vào hạng tài cao. Một hôm bể việc thì ôi thôi, số tiền tương đương 10 triệu USD đã cùng thầy “phi long bách bộ”.
Sư mà mặc cà sa dệt bằng sợi chỉ bằng vàng, đi đâu cũng kẻ hầu người hạ với xe sang nhất thì đúng là thời mạt.