Mấy hôm nay, cư dân mạng xôn xao vì cảnh cướp bia hôi của xảy ra ở Đồng Nai khi một xe ô tô chở bia lâm nạn. Chuyện này không phải là cá biệt. Cứ mỗi khi có tai nạn giao thông là chuyện ấy lại xảy ra, khi thì cướp tiền, khi cướp hoa quả, …nhiều khi cái thứ bị người ta cướp giá trị vật chất cũng chẳng đáng là bao. Hóa ra ngoài những người “thấy người hoạn nạn thì thương” còn không ít người nhân chuyện đó để “đục nước béo cò”.

Sau vài hôm, một bức ảnh được lan truyền qua rất nhiều những chia sẻ, một người bạn trẻ vô danh đã bỏ tiền, bỏ thời gian và công sức làm một tấm biển lớn mang nội dung: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4/12”. Nỗi xấu hổ của người bạn trẻ này không chỉ dừng lại ở cảm giác tê dại và đỏ bừng mặt, anh xấu hổ đến mức đòi hỏi mình phải hành động, phải có lời cảnh tỉnh, nhắc nhở những người đồng bào với mình có cử chỉ, hành động tử tế với người khác nhất là khi người đó đang gặp nạn. Bức ảnh đã như một lời an ủi để mọi người cảm thấy người Việt Nam chưa phải ai cũng đã mất hết nhân tính, người Việt Nam vẫn còn nhiều người có lòng tự trọng. Đó chính là biểu hiện giàu sức thuyết phục của con người có ý thức mình là người Việt Nam không thể dửng dưng trước  những kẻ đã xúc phạm tới danh dự của đất nước. Không có lời nào, nhưng mình cảm thấy sâu sắc ý thức, trách nhiệm công dân của một  người vô danh mà nhiều người trong đó có các quan chức đang điều hành xã hội để hưởng tiền thuế của nhân dân phải suy nghĩ.

Hôm nay, được biết tấm biển đó đã bị gỡ bỏ vì “mất mỹ quan đô thị”. Có lẽ những người có trách nhiệm thấy tấm biển ấy đã đánh dấu một vết nhơ cho đất nước mà chúng ta vẫn tự hào? Các vị chỉ muốn cho cái bộ mặt của đô thị bóng bẩy, đẹp đẽ để chứng tỏ những thành  tựu của công cuộc đổi mới? Nhưng có thể ngăn không để những người ở và đi qua Biên Hòa chứ sao ngăn được cả cộng đồng mạng xã hội rộng lớn? Mà, nhiều khi một nỗi đau được nhắc tới thường xuyên chưa chắc đã là điều dở.

Để không bao giờ có những tấm biển như thế này, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chính.

Các cơ quan có trách nhiệm như chính quyền, công an thường né tránh vì vô trách nhiệm bằng một lý do biểu hiện nhiều sự vô cảm: không có chế tài xử lý. Thấy những  kẻ ném đinh ra đường nhằm kiếm lợi bất chính trong việc vá xe, công an bảo chưa có điều luật nào quy định; thấy những kẻ hành hung, bắt nạt kẻ yếu thế ngoài đường, chính quyền bảo không có chế tài, và với những kẻ cướp đường này, chính quyền cũng thường nói tương tự. Người gặp nạn không những chẳng có ai giúp đỡ còn bất lực nhìn của cải mồ hôi nước mắt của mình bị cả đám đông xâu xé, cướp đi  trắng trợn. Sống trong xã hội vẫn được cho  là có pháp luật, kỷ cương mà không khác gì sống giữa buổi hỗn mang.

Các cơ quan truyền thông hiện nay (báo chí, phát thanh, truyền hình… trung ương và địa phương), trước những hiện tượng rất xấu ấy thường chỉ có bài tường thuật mà mục đích chính có lẽ là để câu khách, nếu có những lời cảnh tỉnh thì lời lẽ thật nhạt nhòa, khó để lại ấn tượng sâu sắc, và tác dụng của nó thì ai cũng biết. Những thói tật xấu xa đó chỉ chờ có cơ hội là bộc lộ mà có nguy cơ vụ sau trầm trọng hơn vụ trước vì căn bệnh dù trầm kha nhưng ngày càng nhờn thuốc, những kẻ bất lương hình như chưa bao giờ bị trừng phạt hay bị lên án đích danh trước công luận.

Để cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp, trong lành, các cơ quan công quyền, các cơ quan truyền  thông cần đi tiên phong trong việc trừng phạt, lên án những hành động bất nghĩa. Mình nghĩ, trong vụ cướp bia này, chính quyền, công an Biên Hòa cần nhanh chóng dựa trên những chứng cứ đã có (rất nhiều bức ảnh, những video clip còn ghi lại được biển số xe, chân dung con người với hành động không thể  chối cãi,…mà qua đó không khó lắm tìm ra thủ phạm) có những sự trừng phạt thích đáng để làm gương.

Các cơ quan thông tấn báo chí, trước hết là ở Biên Hòa (đã có những phóng sự rất được chú ý trong  vụ cô nuôi trẻ hành hạ các cháu trước đây) cần có những phóng sự, những cuộc tọa đàm, những phỏng vấn, … để lên án những kẻ xấu một cách nghiêm khắc, qua đó, thức tỉnh cái lương tri của con người lâu nay bị vùi lấp vì ít được chú ý giáo dục. Chỉ có điều, mong các nhà báo với nhiều phương tiện hiện đại trong tay cũng cần có ý thức, trách nhiệm công dân nói lên được những lời tâm huyết, giàu sức thuyết phục.

Muốn hạn chế, đẩy lùi cái xấu, cái ác cần nêu gương tốt, cần giảng giải, thuyết phục nhưng cũng không thể thiếu việc trừng phạt nghiêm khắc kể cả việc nêu đích danh và nơi cư trú của kẻ xấu. Kẻ  ác, người  xấu sẽ tự biết kiềm chế nếu họ biết những hành đông vô lương ấy rất có thể sẽ được đưa ra trước ánh sáng công luận. Về điều này, mình nghĩ các cơ quan truyền thông lề phải có thể rút được những kinh nghiệm từ mạng xã hội.

Cơ quan văn hóa, tuyên giáo thường mất nhiều thời gian và tiền bạc trong việc phát động, vận động, tuyên truyền cho những cuộc học tập theo tấm gương nọ kia này khác nhưng tác dụng chẳng đáng là bao vì tấm gương đó thường rất chung chung, mơ hồ và chỉ được nhắc tới trong các cuộc thi rất hoành tráng mà ít người quan tâm. Mình nghĩ, nhân những vụ việc như thế này, dù chẳng ai muốn nó xảy ra, những người làm tuyên giáo và văn hóa tâm huyết có thể tìm được những cách rất giàu sức thuyết phục và có tác dụng mạnh mẽ thức tỉnh lương tri trong mỗi con người, góp phần xây dựng một xã hội văn minh.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here