Vì cải cách mà tự đào mồ chôn vùi mình, trong lịch sử có lẽ chỉ có một, đó chính là những cải cách của Vương Mãng. Những cải cách này diễn ra vào tân triều của Hoàng đế Vương Mãng nhằm hoà hoãn  những mâu thuẫn xã  hội ngày càng gia tăng. Đời Tây Hán từ Tuyên Đế về sau, 4 hoàng đế Nguyên, Thành, Ai, Bình cuối đời Tây Hán đều  vô cùng dâm dật hủ bại. Quyền lực  của triều đình rơi vào tay ngoại thích. Các anh em   Hoàng hậu của Hán Nguyên Đế  Vương Chính Quân, Vương Phụng, Vương Thương, Vương Âm, Vương Căn đều là cháu của Vương Mãng, lần lượt giữ chức vụ Tư mã. Đại Tư mã lúc ấy là một chức quan to nắm quyền lớn  về quân sự. Một  số những chức vụ trọng yếu cùng với Thứ sử, Quận thú đều rơi vào tay nhà họ Vương. Tập đoàn họ Vương dần đã hình thành một thế lực mạnh. Sau khi Hán Ai Đế chết, Hán Bình Đế nối ngôi. Ông ta chỉ là một  đứa trẻ con mới 9 tuổi, hoàn toàn chịu theo sự sắp xếp của Đại Tư mã Vương Mãng. Vương Mãng dùng những ân huệ nhỏ nhoi để mua chuộc lòng người, lôi kéo giai cấp địa chủ và những phần tử trí thức, kết giao với những quý tộc quan liêu. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, ông ta đầu độc Bình Đế, lập Nhụ Tử Anh lên làm Hoàng Đế, do ông ta phụ chính, xưng là “Nhiếp Hoàng đế”. Thế, vẫn  chưa vừa ý, năm thứ 8 sau công nguyên, ông ta lật đổ Nhụ Tử Anh, tự mình lên ngôi báu, đổi quốc hịêu thành “Tân”, cướp chính quyền của triều Hán. Năm sau đổi là “Thuỷ Kiến Quốc”.

Nguỵ quân tử

 Trong lịch sử, Vương Mãng là một nhân vật phản diện. Gần đây, các nhà sử học cũng chú ý đến những mặt tích cực của ông ta, hoặc là khẳng định những ý đồ  tốt đẹp trong cải cách, nhưng những “âm mưu”, “hư nguỵ” của ông ta thì dường như đã thành  định kiến. Sau khi Vương Mãng bị diệt, trừ có Ban Cố nhà viết sử thời Đông Hán  theo quan điểm chính thống, trong “Hán thư” có một thiên là “Vương Mãng truyện”, còn những tài liệu về Vương Mãng đều không còn. Chỉ có “Hán thư. Vương Mãng truyện” là còn tương đối tỉ mỉ.

    Năm Sơ Nguyên thứ 4 (45 trước công nguyên) Vương Mãng sinh ra trong một gia đình giàu sang,   Vương Chính Quân, cô của ông  là Hoàng hậu của Nguyên Đế.  Đến khi Thành Đế (con của Vương Chính Quân)  nối ngôi, nhà họ Vương có đến 9 người  được phong hầu, 5 người làm Đại Tư mã, là gia tộc hiển danh nhất đời Tây Hán. Nhưng cha của Vương Mãng chết sớm, không có dịp được phong hầu; anh của Vương Mãng cũng chết từ khi còn ít tuổi, còn lại chỉ có người mẹ goá. Vương Mãng ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc giàu sang  đã không giống  mọi người. Ông khiêm nhường ham học, sinh hoạt giản dị, không khác gì  những nho sinh bình  thường. Ông thường  xuyên  giúp đỡ mẹ và chị dâu, nuôi dưỡng các cháu nhỏ, tất cả đều rất chu đáo. Ông đối xử với từ các học giả ngoài xã hội đến chú bác trong nhà đều rất lễ độ niềm nở. Năm Vĩnh Thuỷ Nguyên niên, Vương Mãng được phong Tân đô hầu, rồi thăng Kỵ đô uý Quang lộc đại phu thị trung. Ở trong cung, ông là người cẩn trọng chăm chỉ, chức quan càng to, lại càng tỏ ra khiêm nhường. Ông giao tiếp rộng rãi với các quan lại hạng cao và hạng trung, chú ý  chăm lo cho các danh sĩ, trong nhà không giữ của cải, thường đem chia  xe ngựa, áo quần của mình cho các tân khách. Các quan đang chức luôn  tiến cử ông, các nhân sĩ trong dân gian thường lưu truyền những giai thoại về ông. Tiếng thơm của Vương Mãng ngày càng vượt qua  các bậc chú bác  trong gia tộc.

    Rất nhanh chóng, Vương Mãng tập hợp, tổ chức  được  những người tâm đắc xung quanh mình: Vương Vũ, Vương Ât là những mưu sĩ tâm phúc, Chân Phong, Chân Hàm phụ trách các quyết sách, Bình Yến nắm giữ các việc cơ mật, Lưu Hàm soạn thảo các bố cáo trước mọi người, Tôn Kiến làm “nanh vuốt” (biết mọi việc trên dưới kiêm đả tạp), con của Chân Hàm là Chân Tầm, Thôi Phát ở Trác Quận, Trần Sùng ở Nam Dương nhờ có bản lĩnh nên cũng dành được sự tín nhiệm của Vương Mãng. Khi đã thu được lòng người, thì trên khắp cả nước không đâu không có người cảm tạ Vương Mãng, nhưng ông ta cho như thế vẫn chưa đủ, lại xin với Thái hậu: Do hai nhà  ngoại thích Đinh,  Phụ còn xa xỉ, hoang phí , rất đông  dân chúng còn ăn chưa no, Thái hậu cần phải mặc áo vải thô, hạ thấp tiêu chuẩn ăn uống, làm tấm gương cho thiên hạ. Bản thân ông dâng sách, nguyện quyên 100 vạn tiền,  30 khoảnh ruộng, giao cho Đại tư nông cứu tế cho dân nghèo. Thấy thế, trăm quan nô nức hưởng ứng, ra sức làm theo. Sau đó Thái hậu cũng giảm bớt “thang mộc ấp” của bản thân (ấp phong của Thái hậu dùng vào việc cúng lễ) 10 huyện giao cho Đại tư nông quản lý. Khi thấy xảy ra thiên tai, Vương Mãng đã ăn chay. Năm Nguyên Thuỷ thứ 2, cả nước bị đại hạn lại thêm nạn châu chấu, dân chúng ở Thanh Châu phải lưu vong, Vương Mãng dẫn đầu cùng 230 quan chức hiến ruộng đất nhà cửa cứu tế cho trăm họ.  Nơi xảy ra thiên tai được giảm tô thuế, nạn nhân được chăm sóc đầy đủ. Vườn ao trong cung An Định của Hoàng gia được giảm bớt, đổi thành huyện An Dân, dùng để giúp dân bị thiên tai. Sau đó ở Trường An cũng dựng 1000 ngôi nhà cho dân gặp nạn.

    Để phục hưng chế độ truyền thống Nho gia, Vương Mãng tấu xin lập Minh Đường, Tích Ung, Linh Đài    và công trình lễ nghi Hoà Thị   (thị trường), Thường mãn  thương (Thương khố quốc gia), để  xây dựng một vạn nơi ở cho các học giả,   những người có tài đặc biệt  và có bản lĩnh vừa tìm được  trong thiên hạ  mới  đưa về Trường An, ông đã cho  huy động 10 vạn nhân công. Nhờ sự  tích cực của học trò và dân chúng  nô nức đến thực hiện nghĩa vụ lao động,  chỉ trong 20 ngày, toàn bộ đã hoàn thành. Tháng giêng năm Nguyên Thuỷ thứ 5, 902 các Công khanh, Đại phu, Bác sĩ, Liệt hầu cùng ký tên   dâng  sách xin cho Vương Mãng “gia cửu tích”. Mùa thu năm ấy,  8 vị sứ giả phong tục  đi tìm hiểu dân tình về Trường An mang theo các bài dân ca hơn 3 vạn chữ ca tụng Vương Mãng. Vương Mãng lại thêm một bước tấu trình xin chế định điều lệ, đề ra “thị vô nhị cổ” (trên thị trường không nói thách và mặc cả), “quản vô ngục tụng” (ở nha môn không có kiện cáo), “ấp vô đạo thích” (trong làng xã  không có trộm cướp), “dã vô  cơ dân” (nông thôn không có người đói), “đạo bất thiệp di, nam nữ dị lộ” (nam nữ đi hai bên lề đường khác nhau),  “phạm giả tượng hình” (vẽ hình người phạm pháp  treo cho dân chúng xem, không  dùng hình phạt), giống như cuộc sống  thái bình thời cổ, sau đó rất nhanh chóng, Vương Mãng giành được ngôi báu.

Con mọt sách và nhà cải cách

    Sau khi lên ngôi, Vương Mãng đã phải  đối mặt với  những nguy cơ nghiêm trọng của xã hội. Để hoà hoãn những mâu thuẫn giữa các giai cấp, ông duy trì sự thống trị của “Tân” triều, đánh vào ngọn cờ của “Chu lễ”, tuyên bố thực hiện cải cách. Năm 9 sau công nguyên, Vương Mãng tuyên bố ruộng đất cả nước  đổi gọi là “vương điền”, không được mua bán. Dựa theo chế độ “tỉnh điền” thời cổ đại, quy định trong một nhà không quá 8 người đàn ông được không quá một tỉnh (900 mẫu), ruộng đất thừa được  phân chia cho anh em trong cửu tộc,  hàng xóm hay người  trong làng. Người không có ruộng, cứ một vợ một chồng có thể được nhận trăm mẫu. Đồng thời, ông còn đem nô tỳ ở các tư gia đổi thành “tư thuộc”, cũng không được mua bán. Cái gọi là “tỉnh điền thánh pháp” mà Vương Mãng thực hiện không chỉ chưa giải quyết được vấn đề ruộng đất của xã hội, ngược lại, còn ràng buộc nông dân vào với “vương điền” đem trâu làm ngựa; không chỉ chưa giải quyết được vấn đề nô tỳ mà còn biến nô tỳ thành chế độ cố định. Thực chất của cải cách là lui về phục cổ.

     Vương Mãng nhiều lần thực hiện việc cải cách tiền tệ, đã sử dụng năm vật sáu loại  vàng, bạc, mai rùa, vỏ sò, tiền, bố, tất cả 28 loại tiền tệ gọi là “bảo hoá”, Không chỉ nhiều loại trên danh mục mà còn làm mất đi  tính tiền tệ nguyên thuỷ, như các loại mai rùa, vỏ sò lại được đem sử dụng tạo nên sự hỗn loạn nghiêm trọng trong tiền tệ, từ đó tiền tệ  mất giá, cứ mỗi lần cải cách tập đoàn Vương Mãng lại thêm một lần vơ vét của dân chúng. Vàng bạc phần lớn chảy vào hầu bao của họ.

    Vương Mãng còn thực hiện “ngũ quân lục quản”, ở mấy thành phố lớn trong cả nước thiết lập “ngũ quân lục quản” để quản lý thị trường, bình ổn vật giá, thu thuế và cho vay; thực hiện quan phụ trách việc mua muối, rượu, đồ sắt; tiền do chính phủ thống nhất chế tạo; thu các loại thuế rừng núi, ao hồ, nông thương, thủ công nghiệp, bên ngoài tưởng có lợi cho dân nhưng thực chất là để tập đoàn Vương Mãng vơ vét. Vương Mãng   dùng  các phú thương  làm quan “ngũ quân lục quản” như bọn Tiết Tử Trọng, Trương Trường Thúc đều giàu có gia tư hàng nghìn hàng vạn. Số người này được hưởng đặc quyền đều lợi dụng thời  cơ mua tiền bán của, đầu cơ tích trữ, tha hồ ngang ngược; cải cách tiền tệ đã khiến cho thương nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng, dân chúng ngày càng nghèo xác xơ. Nông dân nghèo khổ không có kế mưu sinh, phải vào rừng săn thú, ra đồng bẫy chim, bắt cá, nuôi gia súc, nuôi tằm dệt vải, thậm chí may vá, bói toán, tất cả đều phải nộp thuế.

    Ngoài những việc ấy, Vương Mãng còn nhiều lần đổi tên quan và tên huyện. Như đổi tên Đại tư nông thành Hy hoà, sau lại đổi thành Nạp ngôn, đổi Sa phủ thành Cộng công, đổi Quận thái thú thành Đại doãn, Huyện lệnh trưởng làm Tể. Trước dựa vào “Nghiêu điển” chia thành 12 châu, sau lại dựa vào “Vũ  cung” đổi thành 9 châu. Có quận thậm chí đến 5 lần đổi tên, cuối cùng lại trở về tên cũ, ông ta ban hành 5 loại tước, lạm phát thăng thưởng, người được thụ phong được ở lại Trường An hưởng lộc, có người vì bổng lộc không đủ sống nên  quan lại nhiều người ngày càng gian dối, sống bằng nhận hối lộ. Những cải cách này không chỉ không giải quyết được những mâu thuẫn xã hội mà còn làm cho mâu thuẫn thêm sâu sắc, nông dân nghèo khổ một khi xúc phạm đến “Tân pháp” sẽ phải nhận hình phạt trở thành nô tỳ cho các quan. Những người phạm pháp bị áp giải đến Trường An làm lao dịch có đến hơn 10 vạn. Trong thời gian Vương Mãng nắm quyền còn xảy ra những cuộc chiến tranh với các dân tộc thiểu số ở vùng đông bắc và tây nam, các cuộc chiến tranh đều tốn kém tiền của, sức dân khiến cho đời sống người dân càng lâm vào cảnh thê thảm. Vương Mãng còn không ngừng thu nạp tiền của sức lực để xây dựng cung thất đền miếu.

    Ông ta còn vin vào các Hoàng đế thời cổ có đến 120 cung nữ đẹp như thần tiên để tuyển chọn người đẹp vào cung, dâm dật vô cùng.

Những cải cách của Vương Mãng chưa thể cữu vãn được những nguy cơ cho xã hội Tây Hán, ngược lại, nó càng khiến cho mâu thuẫn xã hội thêm sâu sắc, cuối cùng, những cuộc khởi nghĩa nông dân như Xích Mi, Lục Lâm đã khiến cho Tân  triều diệt vong.

Đánh giá của  hậu thế

      Thất bại của Vương Mãng đã dẫn tới rất nhiều những cuộc tranh cãi của các học giả. 50 năm trước, còn có người khen ông ta là người theo chủ nghĩa xã hội sơ kỳ. Thật ra cách so sánh này không thật xác thực, sự thất bại của Vương Mãng có thể giải thích bằng  chínn hành động của bản thân ông ta  không nên dùng những việc chưa hề phát sinh mà nêu lên thành giả thuyết.

    Những cải cách của Vương Mãng tuy nhiều nhưng đễ dàng   thấy có một số  điểm quan trọng. Thứ nhất là đổi ruộng của thiên hạ thành “vương điền” tức là đã coi ruộng đất là của nhà nước, số ruộng đất và nô tỳ mà mỗi gia đình sử dụng đều bị hạn chế, cũng không được tự do mua bán. Thứ 2 là coi “ngũ quân lục quản” tức là chính phủ buôn bán, một chế độ tiền tệ mà dùng cả vàng bạc, mai rùa vỏ hến làm vật trao đổi, một chính sách về nông nghiệp, một chính sách về thương nghiệp cũng phù hợp với truyền thống của phạm trù  “thực hoá”. Theo lý tưởng này, nông dân đều có ruộng, hàng hoá được lưu thông, giá cả cũng công bằng, không có cho vay nặng lãi.

     Lý tưởng này liên quan đến cái gốc của xã hội, quốc gia, mục tiêu rất tốt đẹp. Theo những chiếu thư do người cải cách ban bố, đầu triều Hán, chế độ tô thuế đã bình đẳng giữa mọi người nhưng thực tế đó chỉ là lời nói suông.       Do đó, tài chính của triều Tân Mãng thiếu hụt, công khanh cả tháng mới được một tấm lụa, có thể thấy cải cách chỉ được ban bố trên sách vở

    Giữa thời Tây Hán và Đông Hán có hai sự kiện cần chú ý, một là chính phủ hạ thấp lực lượng quản chế, dân gian sĩ tộc phấn khởi. Hai là cơ cấu quan liêu bành trướng, quan chức từ trung ương đến địa phương tới 13 vạn người. Khi Quang  Vũ Đế Lưu Tú vùng dậy từ trong dana gian, ông ta đã lợi dụng lực lượng của người trước mà không trói buộc người sau; Vương Mãng thì ngược lại. Ông ta không thể  đi ngược lại quyền lợi của tầng lớp nhà giàu, không thể hạ chiếu thư đối lập lại với họ. Ông tuy đổi Trường An thành Tân An nhưng không từ bỏ được sự chống lại của tầng lớp quan liêu. Chế độ quân điền ở nông thôn, việc chính phủ tổ chức buôn bán cũng được sự ủng hộ của thương nhân. Với những việc này, ông ta chưa làm được, cuối cùng thất bại.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here