Năm 1899, trong lúc các nước phương Tây đang có ý đồ chia sẻ Trung Quốc, cuộc vận động Nghĩa Hoà Đoàn  bùng nổ mạnh mẽ. Nghĩa Hoà Đoàn là một cuộc vận động  yêu nước chống đế quốc xâm lược, nhưng đây cũng là một tấn bi kịch. Sau khi cuộc vận động Nghĩa Hoà Đoàn thất bại chính phủ Thanh đã cùng các nước đế quốc ký kết “Điều ước Tân Sửu” đưa dân tộc Trung Hoa đến hoàn cảnh vô cùng đen tối.

 Hành vi tội ác của các giáo sĩ ngoại quốc và sự nổi dậy của Nghĩa Hoà Đoàn

     Nghĩa Hoà Đoàn vốn có tên là Nghiã Hoà Quyền, ban đầu là một tổ chức bí mật của nhân dân ở Sơn Đông, Hà Nam, Trực Lệ (nay là Hà Bắc). Họ luyện tập quyền thuật, truyền dạy võ nghệ, tiến hành những hoạt động chống nhà Thanh. Những người tham gia chủ yếu là nông dân nghèo khổ. Nghĩa Hoà Đoàn nổ ra đầu tiên ở Sơn Đông không phải là ngẫu nhiên, nó là kết quả của những nguyên nhân cực kỳ phức tạp và sâu xa. Sau chiến tranh Giáp Ngọ, nhân dân Sơn Đông bị quân phiệt Nhật giày xéo, phải đứng mũi chịu sào trong âm mưu tàn bạo chia sẻ Trung Quốc của chủ nghĩa đế quốc. Các nước điên cuồng xâm lược  về chính trị, kinh tế và văn hoá, thái độ vô tình bóc lột của chính phủ Thanh, thiên tai nhân hoạ liên tiếp hết năm này sang năm khác, đặc biệt là ngoại giáo (Thiên Chúa giáo và Cơ Đốc giáo) hoạt động điên cuồng, các vụ án tôn giáo liên tiếp xảy ra đã làm tăng thêm những mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp vốn đã vô cùng gay gắt.

    Hình thức đấu tranh của Nghĩa Hoà Đoàn ở Sơn Đông từ đầu đến cuối chủ yếu là chống lại Giáo hội ngoại quốc. Điều này nói với chúng ta, sự xâm nhập của Giáo hội ngoại quốc, những Giáo sĩ nước ngoài đã trở thành một thế lực tội ác trong xã hội ở Sơn Đông, là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy Nghĩa Hoà Đoàn ở đây bùng nổ. Ở nước Trung Quốc cận đại việc du nhập Cơ Đốc giáo được tiến hành đồng bộ với việc nửa thực dân nửa phong kiến hoá xã hội Trung Quốc. Bọn thực dân đã coi tôn giáo là công cụ đắc lực, là người mở đường cho chúng tiến hành chính sách xâm lược, các giáo sĩ truyền đạo được dùng để thực hiện các mục đích  chính trị và kinh tế. Đặc quyền  của các giáo sĩ truyền đạo ở Trung Quốc được bảo vệ bởi những  quy định trong các điều ước bất bình đẳng, đã trở thành một thế lực đặc biệt trong xã hội Trung Quốc cận đại. Đến năm 1900, toàn tỉnh Sơn Đông có 108 châu, huyện thì 72 châu, huyện có 27 nhà thờ. Thế lực xâm lược giáo hội khổng lồ này đã mang đến cho nhân dân Trung Quốc  những hậuquả to lớn, những hành vi tội ác của các Giáo sĩ truyền đạo ở Sơn Đông đã khởi xướng sự phát triển của  cuộc đấu tranh chống ngoại giáo.

     Các giáo sĩ truyền đạo trong cuộc đấu tranh giành thế lực ở Trung Quốc đã có tác dụng rất xấu. Giáo sĩ truyền đạo của Hội Thánh ngôn Thiên Chúa giáo đã đem hết khả năng giúp nước Đức chiếm Giao Châu Loan, làm quần chúng tức giận cao độ, nó trực tiếp dẫn tới sự bùng nổ của cuộc vận động Nghĩa Hoà Đoàn. Việc các Giáo sĩ truyền đạo nhúng tay vào quan trường Trung Quốc, can  thiệp vào nội chính Trung Quốc cuối thế kỷ 19 đã không còn là chuyện lạ, ở Sơn Đông cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn trầm trọng hơn. An Trị Thái thậm chí còn được hai phần thưởng, bằng vai với quan đốc phủ, công khai ra lệnh cho quan lại địa phương các cấp phục tùng chỉ thị của nhà thờ. Không ít các Giáo sĩ truyền đạo của Thánh ngôn hội còn thường xuyên doạ dẫm quan phủ, áp bức nhân dân. Nhiều nhà thờ còn xây dựng lực lượng vũ trang phản động, như Võ Thành Thập Nhị Lý trang, Vũ Thành Hàn trang, Bình Âm Bạch Vân Dụ, … bình quân mỗi nhà thờ có hơn trăm cây súng, trong đó có cả súng lớn. Gáo sĩ truyền đạo còn câu kết và nâng đỡ cho các thế lực của địa chủ ác bá để cùng hà hiếp nhân dân.

    Với nhân dân Sơn Đông, các Giáo sĩ truyền đạo nước ngoài là kẻ đã tiến hành bóc lột về kinh tế, chiếm đoạt nhà cửa ruộng đất, hoạt động đầu cơ thương nghiệp, thậm chí cho vay nặng lãi, bóc lột  nhân dân, xuất khẩu tư bản với Trung Quốc. Vận động Nghĩa Hoà Đoàn đã nổ ra trong hoàn cảnh đó.

 Nghĩa Hoà Đoàn

     Cơ sở quần chúng của Nghĩa Hoà Đoàn là nông dân và thợ thủ công. Ban đầu, tôn chỉ của họ là “phản Thanh phục Minh”, nhiều lần đã bị chính phủ Thanh đàn áp. Trước nguy cơ nghiêm trọng của dân tộc, Nghĩa Hoà Đoàn đã chuyển mục tiêu đấu tranh  ban đầu sang chủ nghĩa đế quốc, giương cao khẩu hiệu “phù Thanh diệt Dương”. Nghĩa Hoà Đoàn chưa xây dựng được tổ chức và cơ cấu lãnh đạo thống nhất, những người tham gia phần lớn là thanh thiếu niên, nhưng họ có tính kỷ luật cao, “một mệnh lệnh phát ra, nghìn người có mặt”, có sức chiến đấu rất mạnh. Năm 1899, dưới sự lãnh đạo của Chu Hồng Đăng ở huyện Bình Nguyên, Sơn Đông, Nghĩa Hoà Đoàn tiến hành khởi nghĩa. Họ đốt nhà thờ, đuổi Giáo sĩ, trừng trị tham quan ác bá. Chính phủ Thanh đem quân đàn áp, nhưng Nghĩa Hoà Đoàn giống như một cơn gió mạnh, nhanh chóng hướng về Trực Lệ, tiến vào Thiên Tân thuộc khu vực Bắc Kinh. Ngoài ra, cuộc vận động Nghĩa Hoà Đoàn ở Sơn Tây, Nội Mông Cổ và Đông Bắc cũng như làn sóng dâng cao. Tháng 4 năm 1900, bốn công sứ Mỹ, Anh, Pháp, Đức cùng yêu cầu chính phủ Thanh phải tiêu diệt được Nghĩa Hoà Đoàn trong thời gian sớm nhất. Từ Hy Thái hậu thấy Nghĩa Hoà Đoàn có thanh thế rộng lớn, có sức mạnh muốn lợi dụng Nghĩa Hoà Đoàn để  đối phó với bọn xâm lược nước ngoài, vừa đạt mục đích khống chế  và làm cho thế lực của Nghĩa Hoà Đoàn yếu đi bèn thừa nhận Nghĩa Hoà Đoàn là một  đoàn thể hợp pháp. Tháng 6 năm 1900, sau khi Nghĩa Hoà Đoàn được Từ Hy Thái hậu chiêu dụ và ngầm cho phép, phần lớn nghĩa quân tiến vào Bắc Kinh. Ở Bắc Kinh, họ tập quyền  luyện võ, sửa sang vũ khí, đốt nhà thờ, trừng trị tham quan ô lại, dấy lên những hoạt động “diệt Dương phản đế”.

    Ngày 10 tháng 6 năm 1900, để đàn áp những phản kháng của nhân dân Trung Quốc, 8 nước Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Áo liên hợp thànhquân xâm lược từ Đại Cô qua Thiên Tân tiến về Bắc Kinh. Cuộc chiến tranh xâm lược của 8 nước với Trung Hoa bùng nổ. Quân xâm lược đến vùng phụ cận Long Phường thì bị quân Nghĩa Hoà Đoàn và quân đội yêu nước chặn lại, đến ngày 26 thì thất bại buộc phải rút về “Tô giới” Thiên Tân. ở Bắc Kinh, Nghĩa Hoà Đoàn bao vây sứ quán các nước ở Đông Giao Dân Cảng, đánh phá nhà thờ Tây Thập Khố. Ở Thiên Tân, Nghĩa Hoà Đoàn liên hợp với quân Thanh tiến công mãnh liệt ga xe lửa và tô giới Pháp. Nhưng một toán quân xâm lược khác ngày 17 tháng 6 đã đánh chiếm được pháo đài Đại Cô, sau đó đem toàn lực tiến đánh Thiên Tân. Ở Thiên Tân, Nghĩa Hoà Đoàn và quân xâm lược chiến đấu quyết liệt, một bộ phận quân Thanh do ảnh hưởng của Nghĩa Hoà Đoàn cũng  tham gia chiến đấu bảo vệ Thiên Tân. Ngày 14 tháng 7, Thiên Tân thất thủ nhưng Nghĩa Hoà Đoàn cũng đã tiêu diệt được  hơn 1.000 tên xâm lược, giáng cho chúng một đòn nặng nề.

    Ngày 4 tháng 8, hơn hai vạn quân của liên quân 8 nước lại tiến công Bắc Kinh, ngày 14 tháng 8, chúng bao vây Bắc Kinh. Đến cuối năm, liên quân 8 nước huy động hơn mười vạn quân chiếm Bảo Định, Chinh Định, Tỉnh Hình, cuối cùng chiếm được Đông Tam Tỉnh. Nước Nga lúc này cũng gây ra vụ thảm sát lớn ở Hải Lan Bào và 64 đồn Giang Đông chỉ nghe đã rùng mình. Hải Lan Bào ở huyện Ai Hồn (nay là Ái Huy), ngày 16 tháng 7, hơn 3.000 người Trung Quốc bị quân xâm lược Nga giết hại; 64 đồn Giang Đông ở bờ đông Hắc Long Giang cũng bất ngờ bị đánh úp, ngày 17 tháng 7, hơn 7.000 người Trung Quốc cũng bị quân Nga giết hại.

    Giữa tháng 8, liên quân 8 nước lại vây hãm bắc Kinh, Từ Hy Thái hậu trên đường bỏ chạy đã ra lệnh cho quân Thanh tiêu diệt quân Nghĩa Hoà Đoàn lại còn vô liêm sỉ mượn quân của bọn xâm lược giúp sức. Cuối tháng 12, bọn xâm lược đưa ra cái gọi là 12 điều “Nghị hoà đại cương”, Tây Thái hậu vội hạ lệnh chấp nhận. Ngày 7 tháng 9 năm 1901, chính pgủ Thanh cùng đại biểu 11 nước  Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức, Mỹ, Áo, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan nhục nhã ký “Điều ước Tân Sửu”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here