Mở đầu thời kỳ Minh Trị duy tân, Nhật Bản đã xác lập cái gọi là  :chính sách đại lục” bành trướng ra bên ngoài, trước hết là  đánh chiếm Triều Tiên và Đài Loan, sau đó chinh phục đại lục Trung Quốc và mở rộng ra cả thế giới. Minh Trị Thiên hoàng gọi hành động này bằng những cái tên đẹp “Khai phá trùng dương vạn dặm”, “Uy danh đất nước toả bốn phương”.

 Vấn đề Triều Tiên và mở đầu chiến tranh  Trung – Nhật

     Tháng 9 năm 1875, Nhật Bản đã đi bước đầu tiên xâm lược Triều Tiên, đưa tàu chiến đến Hán Giang Hán Thành rồi xâm chiếm đảo Vĩnh Tôn. Năm 1876, Nhật Bản buộc Triều Tiên ký “Điều ước Giang Hoa”. Từ đó Nhật Bản tăng cường từng bước xâm chiếm Triều Tiên. Năm 1882, Nhật Bản mượn cớ “binh biến năm Nhâm Ngọ” buộc Triều Tiên ký “Điều ước Tế Vật Phố”, giành quyền đóng quân ở Triều Tiên. Năm 1885, Nhật Bản lợi dụng “sự biến Giáp Thân” của Triều Tiên thúc ép chính phủ Thanh ký “Điều ước Thiên Tân” quy định Triều Tiên từ nay về sau nếu có những sự kiện phản loạn, hai nước Trung Nhật hoặc một nước muốn đưa quân đến Triều Tiên phải báo cho nhau biết. Như vậy, Nhật Bản đã giành quyền đặc biệt mang quân đến Triều Tiên.

    Sau những năm 80 của thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản Nhật Bản nhanh chóng phát triển, đến năm 1890, xuất hiện nguy cơ kinh tế, mâu thuẫn trong nước vô cùng gay gắt. Để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, tập đoàn thống trị Nhật Bản đã tiến thêm một bước trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược: một mặt  tăng chi phí quân sự, chiếm tới 60% nền tài chính quốc gia, xây dựng vàphát triển cận đại hoá hải quân và lục quân; một mặt mở rộng dư luận, Thủ tướng Nhật Bản tại Hội nghị đại biểu các nước đế quốc đã tuyên bố coi Triều Tiên, vùng Đông bắc Trung Quốc, Đài Loan là những khu vực có quan hệ đến an ninh của Nhật Bản, là “mặt trận sống còn” của Nhật Bản. Nhật Bản đã chuẩn bị mọi mặt cho việc phát động cuộc chiến tranh  xâm lược đại quy mô.

    Tháng 5 năm 1894, ở Triều Tiên nổ ra cuộc khởi nghĩa của đảng Đông Học, Quốc vương Triều Tiên mời chính phủ Thanh đưa quân tới giúp đàn áp. Lúc ấy, phụ trách những công việc thuộc về Triều Tiên là Tổng đốc kiêm Bắc dương đại thần Lý Hồng Chương. Ngày 5 tháng 6, Lý Hồng Chương cử Đề đốc thuộc quyền Hiệp Chí Siêu, Tổng binh trấn Thái Nguyên Nhiếp Sĩ Thành mang 1.500 quân vượt biển đến Triều Tiên. Nhật Bản biết tin, sáng ngày 2 tháng 6 bèn cũng đưa quân đến Triều Tiên. Ngày 5 tháng 6, Nhật Bản lại thành lập đại bản doanh thời chiến, đồng thời cứ một đội quân hỗn hợp gồm 7, 8 nghìn người cấp tốc tới Triều Tiên. Ngày 8 tháng 6 quân xâm lược Nhật Bản đổ bộ lên đất liền ở Nhân Xuyên. Ngày 10 tháng 6 từ Nhân Xuyên đến Hán Thành, toàn bộ địa điểm chiến lược này đã bị quân Nhật khống chế, dần dần quân Nhật lại bao vây quân Thanh ở Nha Sơn. Chiến tranh có nguy cơ bùng nổ.

    Trước tình hình xâm lược của Nhật Bản, Lý Hồng Chương vô cùng hoảng sợ, không dám chống lại, cũng không dám tăng viện, không biết tiến thoái làm sao. Ông ta đề nghị hai nước cùng lui quân để sớm kết thúc vụ việc nhưng bị quân Nhật cự tuyệt. Lúc đó, dư luận trong nước bức thiết yêu cầu chính phủ Thanh tăng quân để chuẩn bị chiến tranh. Trong nội bộ tập đoàn thống trị triều Thanh đã nổ ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai phe chủ chiến và phe chủ hoà. Từ Hy Thái hậu đứng đầu phe kiên quyết chủ hoà. Từ Hy là người có tham vọng nắm quyền, xa hoa dâm dật, tham lam đã thành tính cách, bà ta lúc này đã “hoàn chính” cho vua Quang Tự nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ thực quyền chính trị, quân sự. Năm nay bà đã 60 tuổi, để tiến hành lễ mừng thọ trọng thể, từ đầu năm, bà đã cho tổ chức việc xây dựng ở Bắc Kinh, từ Tử Cấm thành đến Di Hoà viên, hai bên đường đều dựng rạp. Bà ta cực lực phản đối chiến tranh, vì nếu chiến tranh bùng nổ, không những “lễ chúc thọ” không thành mà địa vị thống trị của bà ta cũng có nguy cơ bị hạ thấp. Lúc này, Lý Hồng Chương đang là chỗ dựa vững chắc của bà ta. Vua Quang Tự đứng đầu phe tích cực chủ trương chỉnh đốn quân đội để chống xâm lược. Chủ trương kháng chiến của vua Quang Tự một   mặt thể hiệnnguyện vọng của đông đảo nhân dân trong nước, mặt khác cũng là để thoát khỏi sự khống chế của Từ Hy, giành lại quyền lực, địa vị của bản thân. Vì thế, ông đã nhiều lần ban dụ lệnh cho Lý Hồng Chương chỉnh đốn quân đội chuẩn bị kháng chiến. Lý Hồng Chương dựa vào Từ Hy ở phía sau, còn với vua Quang Tự bên ngoài có vẻ lắng nghe nhưng bên trong thực chất là chống lại, ra sức thực hiện chính sách “dĩ chế vi chế”, xin các nước Nga, Anh điều đình để đạt mục đích tránh được chiến tranh lại  tự bảo vệ. Nhưng khó có thể lường được  tâm địa của các nước lớn, để đảm bảo lợi ích của mình, họ xúi giục Nhật Bản phát động chiến tranh xâm lược. Hy vọng điều đình của Lý Hồng Chương tiêu tan.

    Ngày 24 tháng 7 năm 1894, Lý Hồng Chương bị áp lực của vua Quang Tự và phe chủ chiến cử bốn quân đoàn Vệ Nhữ Quý, Mã Ngọc Côn, Tả Bảo Quý, Phong A từ Liêu Đông vượt sông Áp Lục tiến vào Bình Nhưỡng, lại thuê tàu buôn của Anh hiệu Cao Thăng chở quân tăng viện cho Nha Sơn, hạm đội Bắc Dương đưa ba tàu Tế Viễn, Quảng Ất, Dương Uy hộ tống. Nhật Bản được tin tình báo, đưa một số hạm đội tiến hành đánh chặn.

    Gần sáng ngày 25 tháng 7, hai tàu Tế Viễn, Quảng Ất từ Nha Sơn quay về, đang trên biển ngoài cửa Nha Sơn thì gặp ba tàu Cát Dã, Lương Tốc và Thu Tân Châu. Tàu Nhật lập tức bắn tàu Tế Viễn và Quảng Ất, quân xâm lược Nhật Bản không tuyên mà chiến, chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Theo nông lịch, đây là  năm Giáp Ngọ nên lịch sử gọi là chiến tranh Giáp Ngọ. Hạm đội Bắc Dương buộc phải đánh trả. Chiến đấu chưa được bao lâu, tàu Quảng Ất trúng đạn, Quản đái Lâm Quốc Tường lệnh cho tàu chạy về phía nam nhưng gặp trở ngại, sau đó tàu bị phá huỷ. Tàu Tế Viễn thế cô, Quản đái Phương Thế Khiêm tham sống sợ chết, lệnh giương cờ trắng chạy về hướng tây. Tàu Cát Dã đuổi đến cùng không buông tha. Trong hoàn cảnh khẩn cấp, các  thuỷ thủ yêu nước Vương Quốc Thành, Lý Sĩ Mậu chống lệnh, bắn pháo vào tàu địch, bắn liền bốn phát thì ba phát trúng tàu Cát Dã, tàu Cát Dã bị thương phải chạy trốn. Tàu Tế Viễn chạy đến Uy Hải Vệ. Trong lúc tàu Nhật pháo kích tàu Tế Viễn, tàu vận tải chở quân lính mang hiệu Cao Thăng từ Thiên Tân đến. Tàu Cao Thăng bị các tàu Nhật bao vây. Tàu Nhật buộc tàu     Cao Thăng phải đầu hàng nhưng hơn một nghìn tướng sĩ trên tàu cự tuyệt, tàu Nhật đến gần nổ pháo, tàu Cao Thăng bị chìm, quan quân trên tàu phần lớn đều hy sinh anh dũng.

    Ngày hôm đó, hơn 4.000 quân Nhật mở đầu cuộc tấn công quân Thanh ở Nha Sơn. Hiệp Chí Siêu chỉ huy bỏ Nha Sơn chạy về Bình Nhưỡng. Nhiếp Sĩ Thành ở lại chỉ huy quân lính chiến đấu nhưng lực lượng ít, lại chênh lệch nên không giữ được cũng phải rút lui về Bình Nhưỡng.

Ngày 1 tháng 8, hai nước Trung Nhật cùng chính thức tuyên chiến.

 Cuộc chiến đấu trên biển năm Giáp Ngọ

     Sau khi chiến tranh bùng nổ, Lý Hồng Chương được sự ủng hộ của Từ Hy có đường lối rất tiêu cực trong việc chống lại Nhật Bản, ông ta lệnh cho lục quân, “giữ được thì giữ, không giữ được thì rút”; lệnh cho hải quân “bảo vệ tàu bè, hạn chế kẻ địch”, “lệnhchỉ giữ trong ngoài Bột Hải, giữ thế mãnh hổ ở núi”, không được giao chiến với quân Nhật. Chính sách nhượng bộ thoả hiệp này đã giúp cho bọn xâm lược Nhật Bản giễu võ giương oai, hạn chế và phá hoại tinh thần yêu nước chống giặc của hầu hết các tướng sĩ.

    Ngày 15 tháng 9, lục quân Nhật Bản chia làm bốn đường tiến công Bình Nhưỡng, quân đội Trung Quốc đã đánh trả anh dũng. Mã Ngọc Côn tại cửa nam Bình Nhưỡng làm tổn thất nhiều quân Nhật. Tả Bảo Quý giữ vững cửa Huyền Vũ cũng làm cho quân địch thương vong nặng nề. Nhưng Tả Bảo Quý bất hạnh trúng pháo hy sinh, cửa Huyền Vũ mất vào tay giặc. Lúc đó, Thống sư Hiệp Chí Siêu tham sống sợ chết, một lần nữa lại ra lệnh rút quân làm mất rất nhiều vũ khí quân dụng, kho tàng, bỏ chạy một mạch 500 dặm, vượt sông Áp Lục rút về thành Phượng Hoàng.

    Trên biển, quân Nhật liên kết nhiều hạm đội cùng hạm đội Bắc Dương quyết chiến.

    Ngày 16 tháng 9, Đề đốc hải quân Đinh Nhữ Xương hộ tống hạm đội Bắc Dương đưa quân tăng viện đến Đại Đông Cân, ngày 17 tháng 9 quay về, 11 giờ sáng, trên đường đến Đại Đông Cân, khi qua biển phiá nam Hoàng Hải thì gặp hạm đội quân Nhật. Hạm đội quân Nhật có 12 chiếc tàu do tàu Tùng Đảo chỉ huy. Hạm đội Bắc Dương có 10 chiếc do tàu Định Viễn chỉ huy. Sau khi phát hiện tàu Nhật, Đinh Nhữ Xương liền lệnh cho các tàu nổ súng, để hai tàu thiết giáp Định Viễn và Trấn Viễn ở căn cứ, vì chữ “nhân” mà vào trận. 12 giờ 50 phút, hai bên bắt đầu giao chiến. Hạm đội Bắc Dương từ xa bắn loạt đạn đầu không trúng. Tàu Cát Dã cùng bốn tàu khác của Nhật Bản dựa vào tốc độ nhanh vượt hai tàu thiết giáp Định Viễn và Trấn Viễn, bao vây rồi bắn đạn pháo vào hai tàu nhỏ Siêu Dũng và Dương Uy, cả hai tàu đều trúng đạn bốc cháy, tàu Siêu Dũng chìm, tàu Dương Uy, được cứu hoả kịp thời, bảo vệ được sức chiến đấu. Cùng lúc đó, tàu Định Viễn bắn pháo lớn, thân tàu rung lên khiến cho Đinh Nhữ Xương đứng trên boong tàu đốc chiến bị thương, Quản đái tàu Định Viễn Lưu Bộ Thiêm phải thay ông chỉ huy. Đinh Nhữ Xương vẫn ngồi trên boong tàu khích lệ tinh thần quân lính. Tàu Định Viễn bắn mạnh vào tàu Nhật khiến cho tàu Nhật thương vong rất lớn phải rút khỏi cuộc chiến.

    Cuộc chiến đấu kéo dài đến hai giờ rưỡi chiều, tàu Cát Dã mang tiếng là tinh nhuệ của Nhật Bản làm tiên phong cùng bốn tàu khác xoay tròn hết phải sang trái hạm đội Bắc Dương, lao nhanh tới phía trước tàu Định Viễn, phóng ngư lôi vào kỳ hạm của Trung Quốc. Lúc này, tàu Chí Viễn của Quản đái Đặng Thế Xương thấy kỳ hạm gặp nguy hiểm liền hạ lệnh mở hết máy lao đến phái trước tàu Định Viễn nghênh chiến với tàu Nhật để bảo vệ cho kỳ hạm. Tàu Chí Viễn bị tàu Cát Dã và bốn tàu khác của Nhật bao vây, trong cuộc chiến đấu ác liệt, nhiều người bị thương, thân tàu rệu rã mà đạn dược cũng đã hết. Sau 3 giờ chiều, tàu Chí Viễn đang chiến đấu với tàu Cát Dã, Đặng Thế Xương trong mắt như có lửa cháy nói với Bang đái đại pháo đô tư Trần Kim Quỹ: “Tàu Nhật toàn dựa vào Cát Dã, nếu đánh chìm được nó, bọn Nhật sẽ hết đường xoay xở!” Vì thế, ông hạ lệnh tăng thêm công suất lao vào tàu Cát Dã, thề cùng nó lao vào cõi chết. Tàu Cát Dã vội lảng tránh, đồng thời phóng ngư lôi. Tàu Chí Viễn bị ngư lôi bắn trúng, nồi hơi bị nứt, phút chốc đã chìm. Đặng Thế Xương cùng hai trăm quân chỉ trừ hơn 20 người được cứu thoát, toàn bộ đều hy sinh anh dũng.

    Đặng Thế Xương vốn tên là Vĩnh Xương,người Phiên Vũ, Quảng Đông. Năm 18 tuổi, ông đến Duyên Chính Đường ở Phúc Châu học hàng hải. Năm 1875, ông làm Quản đái pháo hạm Hải Đông Vân. Năm 1880, ông được điều đến hạm đội Bắc Dương làm Quản đái phi đình pháo hạm, năm 1887, được cử đi Đức mua 4 tàu trong đó có tàu Chí Viễn, về nước, ông làm Quản đái tàu Chí Viễn rồi đến chiến đấu ở Hoàng Hải. Đặng Thế Xương lúc sinh thời là người nghiêm khắc trong huấn luyện, rất tinh thông nghiệp vụ quân sự, mọi người thường khen ông điều khiển con tàu như cưỡi ngựa. Đặng Thế Xương thường nói: “Người ta ai cũng chết nhưng phải chết sao cho đáng!”  Sau cuộc chiến đấu ở Phong Đảo, hầu hết tướng sĩ ở hạm đội đều xúc động, thề cùng quân Nhật sống chết trên biển. Đặng Thế Xương nói với tướng sĩ cấp dưới: “Nếu có bất trắc, thề cùng chìm với tàu giặc”. Ông cùng phần lớn tướng sĩ trên tàu Chí Viễn cuối cùng đã thực hiện lời thề ấy.

    Ngoài Chí Viễn, tàu Kinh Viễn do Quản đái Lâm  Vĩnh Thăng chỉ huy cũng chiến đấu quyết liệt với tàu địch. Lâm Vĩnh Thăng trúng đạn hy sinh, tàu Kinh Viễn cũng bị chìm. Toàn bộ quân lính trên tàu hơn 200 người chỉ có 6 người sống sót, còn lại đều hy sinh anh dũng. Hai tàu phía trái Tế Viễn và Quảng Giáp của hạm đội Bắc Dương thấy Chí Viễn bị chìm liền bỏ chạy. Quản đái Phương Bá Khiêm, Ngô Kí Vinh trở thành tội đồ nghìn năm của dân tộc.Trong cuộc chiến đấu ở Hoàng Hải, phía Nhật Bản bị trọng thương 5 tàu, hạm đội Bắc Dương chìm 5 tàu, tổn thất của hạm đội Bắc Dương lớn hơn hạm đội Nhật Bản. Nhưng hạm đội Bắc Dương đã đảm bảo sức chiến đấu tương đương. Sau này,Lý Hồng Chương để bảo vệ lợi ích của mình không dám để hạm đội chiến đấu, đưa nó về Uy Hải Vệ để đến tháng 2 năm 1895 bị Nhật Bản tiêu diệt. Cuối cùng Trung Quốc thất bại!

    Từ thất bại đó, Trung Quốc bị ép ký điều ước bất bình đẳng.  Ngày 17 tháng 4 năm 1895, hoà ước được ký, lịch sử gọi là “Điều ước Mã Quan”, nội dung tóm tắt như sau:

1. Trung Quốc xác nhận Triều Tiên là một nước độc lập, tự chủ.

2. Trung Quốc nhượng bán đảo Liêu Đông, Đài Loan và Bành Hồ cho Nhật Bản.

3. Trung Quốc bồi thường cho Nhật Bản chiến phí 200 triệu lượng.

4. Mở cửa Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu, Hàng Châu để người Nhật vào buôn bán.

5. Nhật Bản được tự do chế tạo các loại máy móc công nghiệp, chỉ phải nộp thuế nhập khẩu ở Trung Quốc.

6 Quân Nhật chiếm Uy Hải Vệ ba năm, sau khi Trung Quốc hoàn thành việc bồi thường chiến phí sẽ được nhận lại, quân phí do Trung Quốc chi trả.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here