Từ những năm cuối đời Tây Tấn đến lúc này, sự chia cắt nam bắc có nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn dân tộc. Cuối Bắc triều, các quý tộc Tiên Ty quân phiệt hoá, đặc biệt là cuộc đấu tranh trong sản xuất và đấu tranh giai cấp đã thúc đẩy các dân tộc hoà hợp; sau khi họ Dương của Hán tộc được thay bằng họ Chu, mâu thuẫn dân tộc với chính quyền Tiên Ty đã chấm dứt, điều kiện để thống nhất nam bắc đã chín muồi. Khi ấy, lực lượng chính trị, kinh tế và quân sự của triều Tuỳ đã tương đối mạnh. Vì thế, triều Tuỳ có nhiệm vụ lịch sử kết thúc gần 300 năm chia cắt. Một quốc gia phong kiến trung ương tập quyền thống nhất lại được xây dựng.
Sự chia cắt lâu dài đã cản trở việc thống nhất, tình trạng xung đột quân sự dần mất đi, một số nhà nghiên cứu lịch sử khi nói đến vấn đề này thường nói đến sự vĩ đại của tư tưởng thống nhất. Nhưng truyền thống tư tưởng chỉ có thể có tác dụng khi tổ chức xã hội đã đạt đến một trình độ nào đó (?) 138
Chuẩn bị diệt Trần
Cuối đời Nam Bắc triều, ở Trung Quốc tồn tại ba chính quyền là Bắc Chu, Đột Quyết và Trần. Sau khi Bắc Chu Vũ Đế chết quyền hành rơi vào tay đại thần Dương Kiên. Tháng 2 năm 581 Dương Kiên ép vua Tĩnh Đế mới 9 tuổi nhường ngôi, kiến lập triều Tuỳ, đặt kinh đô ở Trường An. Lúc đó, cương vực của triều Tuỳ đại thể bao gồm phía bắc sông Trường Giang, phía nam đến Trường Thành của đời Hán, phía đông đến biển, phía tây đến khu vực Tứ Xuyên rộng lớn. Dương Kiên lấy cơ sở ở Bắc Chu và Bắc Tề, tiến thêm một bước trong việc xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền, thực hiện phát triển kinh tế xã hội khiến cho chính trị, quân sự và kinh tế của triều Tuỳ ngày một lớn mạnh.
Đột Quyết là một dân tộc du mục ở phía bắc nước ta, thừa cơ Bắc Tề và Bắc Chu chiến tranh liên miên, không ngừng mở rộng và khiêu khích về phía nam. Sau khi triều Tuỳ kiến lập, lập tức chấm dứt việc triều cống vải lụa cho Đột Quyết, vì thế tầng lớp thống trị Đột Quyết tăng cường quấy nhiễu, uy hiếp sự thống trị của nhà Tuỳ. Triều Trần khi Trần Thúc Bảo làm chủ chỉ bảo vệ được khu vực nam Trường Giang, phía đông đến biển, chính trị mục nát, tô thuế nặng nề, luật pháp hà khắc, nhân dân oán giận mâu thuẫn giai cấp vô cùng gay gắt. Vương triều Trần muốn mượn địa thế hiểm yếu của sông Trường Giang để ngăn cản triều Tuỳ xâm phạm, nhưng ngoài một số điểm xung yếu ở phía bắc Trường Giang đến Ba Thục đều đã bị Tuỳ chiếm mất, sự hiểm yếu của sông Trường Giang không thể giúp được gì nhiều.. Từ hoàn cảnh ấy mà xét, triều Tuỳ ở Trung Nguyên, dân số đông, kinh tế văn hoá tương đối phát đạt, thực lực quân sự cũng tương đối mạnh, có điều kiện để thống nhất cả nước. Nhưng Dương Kiên lên nắm chính quyền không lâu, nội bộ lủng củng, bên ngoài lại bị Đột Quyết và triều Trần đe doạ. Quân số của triều Tuỳ tuy đông, nhưng khó có thể đối phó với kỵ binh hùng hậu của Đột Quyết, thuỷ quân lúc ấy cũng khó có thể vượt được sự hiểm trở của sông Trường Giang. Vì thế, tiến trình thống nhất Trung Quốc phải hơn 10 năm sau mới có thể thực hiện được.
Sau khi Dương Kiên nắm được chính quyền, lập tức có ý muốn thôn tính phương nam. Nhưng do vương triều Tuỳ mới kiến lập, thực lực chưa mạnh, lại nhiều lần bị Đột Quyết quấy nhiễu, bèn quyết dịnh trước hết củng cố nội bộ, tăng cường sức mạnh để tiến xuống phía nam diệt Trần, sau đó mới đánh lên phía bắc diệt Đột Quyết để thống nhất thiên hạ. Sau đó, do những cuộc khiêu khích xuống phía nam của Đột Quyết ngày càng lớn nên Tuỳ Văn Đế muốn thay đổi chiến lược giữa nam và bắc, định lại trước đánh bắc sau mới đánh nam. Khi ấy, lần lượt triều Tuỳ đã thực hiện được những việc lớn: về kinh tế thì ban bố lệnh quân điền và tô thuế mới, đưa ruộng hoang ban cho nông dân cày cấy, giảm nhẹ tô thuế lao dịch, chăm lo việc thuỷ lợi thúc đẩy việc khôi phục và phát triển kinh tế, tích trữ lương thực chuẩn bị chiến tranh. Về chính trị tăng cường sức mạnh của cơ cấu chính trị trung ương tập quyền, hoàn thiện chế độ quan lại, bãi bỏ những hình phạt tàn khốc, đồng thời thực hiện chính sách phân hoá cô lập Đột Quyết, liên tiếp đưa sứ đến triều Trần biểu thị tinh thần hữu nghị, thực hiện dò la tình hình, làm cho triều Trần lơ là mất cảnh giác. Về quân sự, Triều Tuỳ cải tiến chế độ của Bắc Chu, tập trung binh quyền, tăng cường huấn luyện quân đội, củng cố Trường Thành, huấn luyện thuỷ quân. Dương Kiên lợi dụng cơ hội nội bộ Đột Quyết đang chém giết lẫn nhau tiến công cả hai mặt cô lập về chính trị và trấn áp về quân sự.
Thống nhất cả nước
Sau khi buộc Đột Quyết phải xưng thần khuất phục, Dương Kiên đưa toàn bộ sức lực chuẩn bị diệt Trần. Sau một thời gian bí mật chuẩn bị, tháng 10 năm Khai Hoàng thứ 8 (588), Dương Kiên phát lệnh tiến quân. Ông cho lập sở chỉ huy ở Thọ Xuân thuộc tỉnh Nam Hành, cử Tấn vương Dương Quảng làm Thượng thư lệnh. Lại giao cho Tấn vương Dương Quảng, Tần vương Dương Tuấn, Thanh Hà công Dương Tố làm hành quân nguyên sư, chỉ huy 51, 8 vạn thuỷ lục quân, đồng thời từ thượng, trung, hạ du Trường Giang chia làm 8 đường tiến công diệt Trần. Sắp xếp cụ thể là: Dương Tuấn mang thuỷ lục quân từ Tương Dương tiến về Hán Khẩu, Dương Tố mang thuỷ quân từ Vĩnh An (nay là Phụng Tiết, Tứ Xuyên) tiến về phía đông, Thứ sử Kinh Châu Lưu Nhân Ân ra Giang Lăng hợp binh cùng Dương Tố, Dương Quảng ra Lục Hợp, Tổng quản Lư Châu Hàn Cầm Hổ ra Lư Giang (nay là Hợp Phì, An Huy), Tổng quản Ngô Châu Hạ Nhược Bật ra Quảng Lăng (nay là Dương Châu, Giang Tô, Thứ sử Kỳ Châu Vương Thế Tích mang thuyền ra Kỳ Xuân đánh Cửu Giang, Tổng quản Thanh Châu Yên Vinh mang thuyền ra Đông Hải (nay là cảng Liên Vận, Giang Tô) men theo Hải Nam vào Thái Hồ tiến công huyện Ngô (nay là Tố Châu, Giang Tô).
Ba lộ trước do Dương Tuấn chỉ huy, được coi là thứ yếu, mục tiêu chỉ là tiến về Vũ Xương, ngăn cản quân Trần từ thượng du cơ động về hạ du để bảo đảm cho quân Tuỳ giữ được Kiến Khang. Năm lộ sau do Dương Quảng chỉ huy, đây là phương hướng tác chiến chủ yếu.Yên Vinh, Vương Thế Tích chia làm hai đường đông, tây cùng phối hợp, chia cắt không cho Kiến Khang liên hệ với bên ngoài, bảo đảm cho hành động của quân chủ lực. Quân Tuỳ vượt sông, phía đông ra đến biển, phía tây đến Ba Thục, kéo dài hàng nghìn dặm, đây là một cuộc tác chiến vượt sông quy mô vào loại lớn nhất trong lịch sử nước ta. Để đảm bảo tính bất ngờ của việc vượt sông, trước khi tiến quân quân Tuỳ đã bắt giữ sứ Trần, chấm dứt việc qua lại giữ gìn bí mật quân sự. Đồng thời, lại đưa một lực lượng vào biên giới nước Trần tiến hành phá hoại làm rối loạn hậu phương.
Toàn bộ các hành động tác chiến đồng thời được triển khai ở hai mặt trận thượng và hạ du sông Trường Giang. Tháng 12 năm Khai Hoàng thứ 8 (588) Dương Tuấn mang hơn 10 vạn thuỷ lục quân tiến vào Hán Khẩu, phụ trách chỉ huy cánh quân ở thượng du, lại đưa quân đánh bờ nam Phàn Khẩu (nay là tây bắc Ngạch Thành, Hồ Bắc) để khống chế thượng du Trường Giang. Chu La Hầu, chỉ huy quân Trần ở thượng du tập hợp toàn bộ quân Trần ở đây tiến hành chống lại, ra lệnh cho quân ở các nơi tự do hành động. Sau thấy tình thế bất lợi, lại giữ binh lực về phòng thủ Giang Hạ (nay là Vũ Xương), ngăn cản quân của Dương Tuấn ở thượng du tiếp ứng cho quân Tuỳ. Hai bên giằng co bất phân thắng bại. Dương Tố mang thuỷ quân men theo Tam Hiệp tiến về phía đông, đến bãi Lưu Đầu (nay là tây Nghi Xương, Hồ Bắc), tướng Trần Thích Khâm lợi dụng địa thế hiểm yếu của bãi Lang Vĩ (nay là tây bắc Nghi Xương) mang quân cố thủ. Dương Tố lợi dụng đêm tối, không để cho quân Trần phát hiện mang hàng nghìn chiếc thuyền thuận dòng sang phía đông nhằm thẳng vào quân kỵ ở hai bờ nam bắc Trường Giang mà tiến, Lưu Nhân Ân cũng từ bờ bắc tiến về phía tây, đánh chiếm bãi Lang Vĩ, bắt được toàn bộ quân Trần đóng giữ ở đây. Trần nam Khang nội sử Lữ Trung Túc giữ Kỳ Đình (nay là HIệp Khẩu Tây Lăng tây bắc Ngi Xương Hồ Bắc) (?) . Dương Tố, Lưu Nhân Ân mang một số quân lên bờ phối hợp cùng thuỷ quân tiến công quân Trần ở bờ bắc, qua hơn 40 trận cuối cùng sang tháng giêng năm sau đánh phá quân Trần, giết được Thiết Tiêu làm cho chiến dịch càng thuận lợi. Lúc đó, Thứ sử Kinh Châu phòng thủ Công An là Trần Tuệ Ký thấy thế không có lợi đốt tất cả rồi mang hơn 3 vạn quân và rút về phía đông cứu viện Kiến Khang nhưng bị Dương Tố chặn lại ở phía tây Hán Khẩu. Chu La Hầu, Trần Tuệ Ký cũng bị buộc phải về Giang Hạ đến Hán Khẩu, không có cách nào để hỗ trợ cho Kiến Khang.
Ở mặt hạ du sông Trường Giang, tin tức lục quân truyền đến, quân Trần cố thủ ở đây nhiều lần được cấp báo nhưng tin Thi Văn Khánh Trầm Khách Khanh bị bắt bị triều đình giữ kín. Khi quân Tuỳ tiến đến bờ sông, Thi Văn Khánh đang đón tiết xuân trong trướng, không chịu mang quân tăng cường cho Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang Giang Tô), Thái Thạch (nay là bắc Đương Từ, An Huy) phòng thủ. Ngày 1 tháng giêng năm Khai Hoàng thứ 9 (589) Dương Quảng tiến đánh núi Đào Hiệp ở phía nam Lục Hợp, thừa lúc quân Trần ở xung quanh Kiến Khang đang mở hội đón xuân, đem quân chia đường vượt sông: cử Tổng quản hành quân Vũ Văn Thuật mang 3 vạn quân từ Hiệp Sơn vượt sông giữ núi Thạch Khẩu (nay là tây bắc huyện Giang Ninh, Giang Tô), Hạ Nhược Bật từ Quảng Lăng xuống phía nam chiếm lĩnh Kinh Khẩu, Hàn Cầm Hổ từ Hoàn Giang (nay là đông nam huyện Hoà, An Huy) vượt sông vào ban đêm. Quân Trần đang hội hè do Tết nguyên đán mê mải say sưa hoàn toàn không chống cự, quân của Hàn Cầm Hổ chẳng vất vả mà chiếm được Thái Thạch. Ngày 3 tháng giêng Hậu chủ của Trần triệu tập các công khanh bàn bạc việc đánh giữ, ngày hôm sau hạ chiếu “thân ngự lục sư”, cử Tiêu Ma Kha đốc quân nghênh chiến, Thi Văn Khánh làm Đại giám quân. Trần Thúc Bảo, Thi Văn Khánh không thạo về quân sự, tập kết đại quân ở đô thành cử một số quân thuỷ đi Bạch Hạ (nay là bắc thành Nam Kinh Giang Tô), phòng thủ quân Tuỳ ở phía Lục Hợp, đẹm số quân khác giữ nam Dự Châu (nay là Đương Từ An Huy) ngăn cản Hàn Cầm Hổ tiến công Thái Thạch. Sau khi đột phá được qua sông Trường Giang quân Tuỳ nhanh chóng tiến công. Hạ Nhược Bật sau 6 ngày chiếm được kinh Khẩu tiến đánh Khúc A (nay là Đan Dương Giang Tô), kiềm chế và ngăn cản quân Trần ở Ngô Châu, phần lớn quân tiến đến Kiến Khang. Hàn Cầm Hổ sau 7 ngày chiếm được Cô Thục (nay là Đương Từ, An Huy) men theo sông tiến xuống phía nam, quân Trần ở đây phải đầu hàng. Ngày 7 tháng giêng Hạ Nhược Bật đem 8000 quân tinh nhuệ tiến đánh đồi Bạch Thổ ở phía nam Chung Sơn (nay là núi Tử Kim, Nam Kinh), Hàn Cầm Hổ từ Nam Lăng (nay là vùng gần Đồng Lăng, An Huy) vượt sông hợp quân với hơn 2 vạn quân của Đỗ Ngạn ở Tân Lâm (nay là tây nam Nam Kinh), Vũ Văn Thuật mang hơn 3 vạn quân tiến đánh Bạch Hạ, đại quân Tuỳ tiếp tục vượt sông cùng tiến. Lúc đó, tiền quân Tuỳ đã hoàn thành việc bao vây Kiến Khang. Kiến Khang là nơi có thế đất hiểm yếu rồng cuộn hổ ngồi, quân Trần ở xung quanh vùng này có đến hơn 10 vạn,nhưng Trần Thúc Bảo bỏ không giữ đem toàn bộ quân đội về giữ vùng trong ngoài đô thành, lại không nghe theo lời khuyên đánh khi quân Tuỳ còn đang chưa kịp ổn định, cuối cùng diệt vong.