Ở Trung Quốc, truyện Tây Du ký có thể nói “nhà nhà đều biết, người người đều hay”, đó là chuyện kể Đường Tăng, Tôn Ngộ Không và các đồ đệ trên đường đi lấy kinh. Những câu chuyện kỳ lạ kể về trên đường đi, họ đã gặp  bao nhiêu yêu ma quỷ quái.  Trong tiểu thuyết đã kể bao nhiêu võ nghệ cao cường của Tôn Ngộ Không để chiến thắng Bạch Cốt Tinh, dùng mưu thắng được Ngưu Ma Vương, … và trong việc lấy kinh đã có công lao không ít của ngay con ngựa. So với những điều đó, nhân vật Đường Tăng hiện lên rõ ràng là người do dự thiếu quyết đoán, thậm chí là nhu nhược, vô năng.

Nhưng trong thực tế, nhân vật nguyên mẫu của Đường Tăng chính là nhà sư Huyền Trang, có thể coi là một đại công thần của Phật giáo Trung Quốc, thậm chí cả Phật giáo thế giới. Ông cũng là cao tăng có công lớn nhất trong lịch sử cầu pháp Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn với Phật giáo sau này.  Nhưng trong lịch sử Trung Quốc, đi lấy kinh từ phương Tây có phải Huyền Trang là người duy nhất? Về điều này, có rất nhiều cách nhìn nhận khác nhau.

Một số sách vở  đã thể hiện rõ điều này. Căn cứ vào những ghi chép trong lịch sử, Huyền Trang khi ấy đã vượt qua muôn trùng gian khổ đi sang phương Tây lấy kinh. Sau khi người đồng hành với ông là Hồ Tăng bỏ cuộc, ông đã một thân một mình , kiên trì vượt qua sa mạc với bao khó khăn. Năm Đường Thái Tông Trinh Quán thứ 3 (629), từ Trường An, ông lên đường đi về phía Tây. Qua Cô Tạng (nay là Vũ Uy, Cam Túc), rồi Đôn Hoàng, qua vùng nay là Trung Á, … qua bao hiểm nguy, ông đã tới được Ấn Độ. Ở đây, ông đã qua rất nhiều các trung tâm Phật giáo, học tập và  nghiên cứu được rất nhiều các trước tác Phật giáo. Đến năm Trinh Quán thứ 19 (645) ông trở về tới Trường An. Sau 17 năm, vượt qua khoảng năm vạn dặm, đi qua hơn trăm quốc gia (đặt chân và nghe nói tới 136 nước), Huyền Trang khi trở về đã mang theo một số lớn kinh điển bằng tiếng Phạn. Từ những điều tai nghe mắt thấy, ông đã viết thành bộ sách “Đại Đường Tây vực ký”, trong đó giới thiệu một cách chi tiết phong thổ, nhân tình và sự thịnh suy của Phật giáo những nơi ông đã đặt chân. Bộ sách không chỉ là một kho tư liệu quý giá cho những người nghiên cứu lịch sử mà còn là một căn cứ quan trọng cho khảo cổ học hiện nay. Có thể nói, Huyền Trang là nhân vật quan trọng số một  trong truyền bá Phật giáo ở Trung Quốc.

Nhưng cũng có những người phủ nhận giả thuyết trên. Họ cho rằng, Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trong tiếng Trung Quốc, Tây thiên thường là một danh từ để chỉ một miền đất cuối cùng tồn tại chân lý, vì Phật giáo được người từ Tây vực truyền tới Trung Quốc từ xưa. Thế kỷ 6 đến thế kỷ 5 trước Công nguyên, sau khi Phật giáo được sáng lập ở lưu vực sông Hằng, Ấn Độ, không lâu sau, nó được truyền bá sang các nước lân cận. Vào đời Hán, khi Trương Khiên đi Tây vực khai thông con đường tơ lụa đã bắt đầu đưa Phật giáo về phương Đông. Phật giáo khởi nguồn từ Tây bắc Ấn Độ, qua Thông Linh, men theo con đường tơ lụa được truyền vào Trung Quốc. Nhưng những người truyền giáo sớm nhất vào Trung Quốc đều là các tăng lữ hết lòng tin theo Phật giáo vùng Trung Á, chứ không phải các tăng lữ Ấn Độ. Căn cứ vào nghiên cứu của học giả Lý Tiển Lâm ở trường Đại học Bắc Kinh, Phật giáo được truyền vào đất Hán sớm nhất  không phải trực tiếp từ tiếng Phạn mà thông qua các bản dịch ngôn ngữ cổ đại vùng Trung Á. Đại bộ phận các bản dịch này đều là dịch miệng dựa vào những thói quen suy nghĩ của người Tây vực, người Trung Quốc không dễ tiếp thu. Kết quả là, những tư tưởng Phật giáo sau khi được du nhập không hoàn toàn là tư tưởng Phật giáo nguyên gốc, trong quá trình lưu truyền lại xuất hiện thêm hiện tượng khác biệt thậm chí mâu thuẫn. Sau khi Phật giáo đã thịnh hành, một số tín đồ Phật giáo muốn thay đổi tình trạng này nên đã quyết định một lần nữa sang phương Tây, bắt đầu một cuộc vận động “Tây hành cầu pháp”, mở ra một thời kỳ mới của Phật giáo. Khi Phật giáo thịnh hành ở thời Tây Tấn và Đại Đường, số người “Tây hành cầu pháp” nhiều không kể xiết. Dựa vào cuộc tranh cãi trong “Đại Đường Tây vực cầu pháp cao tăng truyền”, con số này có thể tới gần 60. Nhưng thời cổ đại, trình độ còn hạn chế, hoàn cảnh đi lại vô cùng khó khăn, từ Trung Quốc tới Ấn Độ dù đi bằng đường bộ hay đường biển  đều phải trải qua thời gian rất dài với rất nhiều gian khổ, thậm chí có thể đổi bằng tính mạng. Theo ghi chép của lịch sử Phật giáo, trong hàng trăm, hàng nghìn các cao tăng đi cầu pháp, số may mắn trở về không nhiều, thành công trong việc học mà trở về lại càng ít. Nói thế để thấy, sự trở về thành công của Huyền Trang là một sự may mắn hiếm có, nhưng không hẳn là người đầu tiên.

  Vậy nếu Huyền Trang không phải người duy nhất thì ai là người đầu tiên đi Tây vực lấy kinh? Xem các tư liệu hiện còn lại, người ta cho rằng thời Tam Quốc đã có Chu Sĩ Hành là người “Tây hành cầu pháp” sớm nhất. Ông là một tăng nhân nước Ngụy, vốn là người Dĩnh Xuyên (nay là huyện Vũ, tỉnh Hà Nam). Chu Sĩ Hành xuất gia từ nhỏ, vào thời Gia Bình (249 – 253), ông bắt đầu thụ giới trở thành tỳ khưu. Sau khi xuất gia, ông bắt tay vào học tập và nghiên cứu kinh điển. Ở Lạc Dương, khi giảng “Đạo hành ban nhược kinh”,  ông cảm thấy những bản kinh dịch miệng có rất nhiều bất cập, có những chỉnh sửa rất khó hiểu. Vì thế, ông có nguyện vọng muốn “Tây hành cầu pháp” để có thể tìm được nguyên gốc. Năm Ngụy Cam Lộ thứ 5 (260), Chu Sĩ Hành xuất phát từ Trường An, trải qua bao gian nguy, ông đã tới được Vu Điền (nay là một vùng thuộc Tân Cương) nới tập trung rất nhiều kinh điển của Phật giáo Đại Thừa. Qua hơn 20 năm, ông mới tìm được nguyên bản “Phóng quang ban nhược kinh” gồm 40 chương bằng tiếng Phạn, khoảng hơn 60 vạn chữ. Ông hy vọng có thể nhanh chóng trở về nước để dịch sang chữ Hán, nhưng do sự can ngăn của các học trò, mãi tới năm thứ 3 Thái Khang thời Tây Tấn (282), một đệ tử của ông là Phất Như Đàn (chữ Hán dịch là Tác Pháp Nhiêu) và hơn chục người khác mới về tới Lạc Dương. Năm Nguyên Khang nguyên niên (291), Vô La Xoa và Trúc Thúc Lan mới hoàn thành bản dịch, tất cả 20 quyển. Còn Chu Sĩ Hành cuối cùng đã không bao giờ có thể trở về Trung Quốc, ông đã mất năm 80 tuổi do bệnh nặng. Tuy kinh đưa về chỉ có một bản “Phóng quang ban nhược kinh”, bản dịch cũng chưa thật hoàn chỉnh, nhưng dù sao lúc ấy cũng có nhiều ảnh hưởng lớn. Rất nhiều các học giả đương thời như Bạch Pháp Tộ, Chi Hiếu Long, Trúc Pháp Uẩn, Khang Tăng Uyên, Trúc Pháp Thải, … đều thông qua cuốn sách này để hoằng dương ban nhược học, về sau, có người còn dựa vào nó để viết thành “Chu Sĩ Hành Hán lục”, đáng tiếc là những bản sách này cũng đã thất truyền. Nhưng từ sau Chu Sĩ Hành, các tăng lữ “Tây hành cầu pháp” đã gặp nhiều thuận lợi hơn. Từ Tam Quốc đến đời Đường, sự đi lại đã bớt khó khăn. Nhưng những chuyến đi thành công vẫn còn rất ít, thậm chí vô cùng ít, mà sử sách ghi chép lại cũng không được nhiều.

Tấm lòng khao khát chân lý đã tạo nên sức mạnh khiến biết bao người đổ bao công sức “Tây hành cầu pháp”, họ “cam tâm nguyện ý” đời sau nối tiếp đời trước đi về phía Tây với hy vọng tìm được chân kinh. Chính sức mạnh tinh thần ấy đã tạo nên văn minh vĩ đại thời Thịnh Đường của dân tộc Hán.

1 BÌNH LUẬN

  1. Chú ơi! cháu rất thích những bài viết của chú. Cháu xin cảm ơn chú đã cho cháu mở mang kiến thức.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here