Nghiêu là ông vua hiền đức nổi tiếng vào thời Viễn cổ, ông là đế thứ 4 trong Tam hoàng ngũ đế. Ông không “duy tân thị cử” mà hết sức để đưa Thuấn có tài năng thành người kế nhiệm mình. Đây cũng chính là truyền thuyết  mà lịch sử gọi là  “Nghiêu Thuấn thiền nhượng”. Nhưng bây giờ bắt đầu có những người đã hoài nghi tính chuẩn xác của truyền thuyết này. Rốt cuộc, đây chỉ là một truyền thuyết từ thời Viễn cổ được lưu truyền lại, đến thời kỳ Xuân Thu mới có người ghi chép thành văn tự. Cho nên, sự thật việc chuyển giao quyền lực giữa Nghiêu và Thuấn xảy ra như thế nào đã là một nghi án từ cả nghìn năm nay, những người đời sau ai nấy đều phân vân, chưa có sự nhất trí, nhưng cho dù có tranh luận suốt thời gian ấy, cũng chưa ai giải đáp được câu hỏi. Câu chuyện vẫn chỉ là truyền thuyết  rất  đẹp đẽ được lưu lại từ nghìn xưa.

Phần lớn mọi người đều cho rằng thuyết “cử hiền” là phản ánh tinh thần “đại công vô tư” của dân tộc Trung Hoa, với truyền thống tốt đẹp đó, ai có tài sẽ được đề cử. Trong truyền thuyết, Thuấn họ Diêu, cha của ông là một người bị mù, mẹ ông mất từ rất sớm. Về sau, người cha mù lấy vợ kế. Mẹ kế của Thuấn lòng dạ hẹp hòi mà tâm địa lại hiểm độc. Khi mẹ kế sinh một người con, đặt tên là Tượng. Tính của Tượng thích ăn lười làm, ngông nghênh càn rỡ, trước mặt cha mẹ, thường  nói xấu anh, cha của Thuấn cũng bị họ lừa dối, thường đứng về phía họ. Cho nên, cha mẹ và Tượng hay bàn với nhau, nếu tìm được cơ hội sẽ hại chết Thuấn. Như vậy, Tượng sẽ có thể thừa kế toàn bộ gia sản của cha mẹ. Nhưng Thuấn là con người tốt bụng, hoàn toàn không bao giờ làm gì xấu đối với họ. Thuấn còn tỏ ra hiếu thuận nhất là với người cha mù của mình, đối với mẹ kế và em cũng cư xử rất tốt.

Lúc đó, Nghiêu đã 86 tuổi, nhà vua đã cảm thấy tuổi cao sức yếu,  nên tập hợp  mọi người “tiếp ban nhân” để tiến cử người hiền tài. Mọi người đều nhất trí Thuấn là người rất có uy tín. Nghe mọi người nói, Nghiêu quyết định sẽ thử thách Thuấn. Nghiêu bèn gả hai người con gái mình là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời  cử Thuấn đi các nơi. Trước hết, Nghiêu cử Thuấn tới vùng núi Lịch Sơn. Trước khi Thuấn tới, ở đây nông dân thường tranh giành ruộng đất khiến luôn luôn xảy ra xung đột. Sau khi Thuấn tới, được Thuấn giáo hóa và lãnh đạo họ trở nên hòa hợp với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, sản xuất ngày càng phát triển. Thuấn lại tới vùng Hà Tân nơi sản xuất đồ gốm. Vốn đồ gốm ở đây rất nhiều nhưng thô kệch, chất lượng rất kém. Khi tới nơi, Thuấn tổ chức lại, giúp đỡ mọi người sản xuất ra những sản phẩm đẹp đẽ. Tóm lại, Thuấn tới đâu, mọi người đều thấy ông là người có ích cho họ. Vào lúc này, chế độ phụ quyền đã xác lập, mọi người có tài sản của riêng mình. Nhờ tài năng của Thuấn, tài sản của mỗi người ngày càng nhiều lên.

Người cha mù và Tượng nghe nói Thuấn ngày càng giàu có nảy sinh ý xấu. Một lần, cha gọi Thuấn về để sửa mái kho lương thực. Trong khi Thuấn đang ở trên mái nhà, cha và em phóng hỏa đốt kho, muốn Thuấn chết cháy. Đang trên mái nhà, thấy lửa bốc cháy, Thuấn tìm thang để xuống , nhưng thang đã bị cha và em đem giấu mất. Nhưng thật may mắn, Thuấn có mang theo hai chiếc nón để che nắng. Thuấn hai tay cầm hai nón, giang rộng như con chim dùng hai cánh để hạ xuống đất một cách nhẹ nhàng mà không bị thương tích. Thuấn cũng chẳng mảy may trách móc gì họ  như vì kính già yêu trẻ. Việc chưa thành, họ còn tìm các mưu kế khác. Một hôm, người cha bảo Thuấn đào giếng. Thấy Thuấn đang ở dưới giếng sâu, người cha mù cùng Tượng đem đá ném xuống giếng để muốn chôn sống Thuấn. Thuấn thông minh đã moi một hàm ếch bên cạnh giếng để tránh rồi từ đó đào đất xuyên lên trên để thoát thân. Dù người cha và đứa em đối với mình rất độc ác, nhưng Thuấn vẫn dùng hòa khí đối xử với họ, cho nên mọi người vẫn sống rất hòa thuận.

Nghiêu nghe nói Thuấn có tấm lòng bao dung dại lượng như thế rất yên tâm. Vì thế, chọn ngày lành tháng tốt, ở phía nam Kinh thành Nghiêu tổ chức nghi thức Thiền nhượng một cách trọng thể. Trong khi Nghiêu nghiêm trang trao quyền lực cho, Thuấn thì cung kính tiếp nhận quyền lực ấy, tiếng hoan hô như sấm dậy. Đây chính là sự kiện mà lịch sử gọi là “Nghiêu Thuấn thiền nhượng”. Bởi vì nhờ nó mà quần chúng có thể tiến cử hoặc người lãnh đạo có thể nhận quyền lực. Cho nên mọi người gọi đó là “Cử hiền thuyết”.

Còn có một thuyết khác là “ủng đới thuyết”. Thuyết nói rằng khi Nghiêu đã già, nhưng chưa muốn trao ngôi cho Thuấn, lúc ấy Đan Chu là con của Nghiêu cũng rất muốn nối ngôi cha, nhưng vì uy tín của Thuấn rất lớn chưa biết làm thế nào. Sau khi Nghiêu chết, để tránh phát sinh xung đột, Thuấn tránh Đan Chu tới phía  nam Nam Hà. Nhưng các chư hầu không tới triều kiến Đan Chu mà tới triều kiến Thuấn. Nếu muốn làm quan, họ phải  đến triều kiến Đan Chu  mà lại tới tìm Thuấn. Ngoài dân gian, có những bài ca dao không ca tụng Đan Chu mà ca tụng Thuấn. Cho nên, qua việc được chư hầu và dân chúng ủng hộ, Thuấn tiếp nhận ý kiến của mọi người, tiếp nhận ngôi của Nghiêu. Về việc này, Tuân Tử và Mạnh Tử cũng có ý tán đồng. Tuân Tử cho rằng, Thuấn sở dĩ có thể lên ngôi báu vì dựa vào đạo đức của bản thân mình; Mạnh Tử thì cho rằng Thuấn lên ngôi là nhờ ý trời và sự ủng hộ của dân chúng.

Về “Nghiêu Thuấn thiền nhượng”, có người về cơ bản đã phủ định, họ cho rằng “thiền nhượng” chẳng qua là do một số Nho gia thần thánh và mỹ hóa việc mất chức của Nghiêu, thực tế là Thuấn đã thoán đoạt đại quyền của Nghiêu. Các chuyên gia sử học đã dựa vào ghi chép của “Sử ký”: Sau khi giành được đại quyền quản lý hành chính, Thuấn đã tiến hành một loạt các thay đổi nhân sự. Thí dụ: Thuấn bắt đầu sử dụng “bát khải”, “bát nguyên”, những người đã bị Nghiêu gạt ra ngoài trung tâm quyền lực. Đây là biểu hiện rõ nhất chứng tỏ Thuấn nâng đỡ những người thân tín. Trong khi Nghiêu đã giảm sút hoặc không còn lòng tin, Thuấn lại đưa họ vào trung tâm quyền lực trọng dụng họ. Lịch sử gọi hiện tượng này là “khứ tứ hung”. Đây rõ ràng  là xóa bỏ sự khác biệt. Chẳng qua lịch sử sau nhiều lần thay đổi, đại thế của Nghiêu đã không còn, số phận bi thảm của ông ta cũng bắt đầu. “Quát địa thư” dẫn Trúc thư kỷ niên”, nói: “Tích Nghiêu đức biểu, vi Thuấn sở hồi dã”. Lại nói: “Thuấn quốc Nghiêu … sứ bất dữ phụ tương kiến.” Ý tứ đại khái là: Trước hết, Thuấn đem Nghiêu giam lỏng, về sau cũng không bằng lòng cho ông ta đưa con trai nối ngôi, có người thân thích bên cạnh, buộc Nghiêu phải nhường ngôi. Sau đó, con Nghiêu là Đan Chu cũng bị đày đi Đan Thủy.

Về việc chuyển giao quyền lực giữa Nghiêu và Thuấn là ôn hòa hay cưỡng bức, từ xưa đến nay có rất nhiều giả thuyết. Do lịch sử đương thời không ghi chép lại chính xác, đây cũng đã trở thành một câu hỏi vẫn chưa có lời giải.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here