Thời tôi học tiểu học, ở lớp có một cuốn vở, gọi là “Vở luân chuyển”. Đúng như tên gọi của nó, cuốn vở này của nhà trường, nhưng nó được luân chuyển hết người này qua người khác để chép  bài hàng ngày. Mỗi cuốn vở đều dày hơn vở bình thường. Mỗi học sinh  có trách nhiệm chép bài vào cuốn vở đó một ngày, hôm sau lại chuyển cho người khác. Tất nhiên, vì đã chép vào  cuốn vở chung, nên người đó phải mang vở về nhà vừa để  làm bài tập vừa  chép lại  vào vở riêng của mình để bài vở được liên tục. Hôm sau, nộp cuốn vở cho thầy, thầy xem qua, nhận xét đánh giá, nếu có điều cần, thầy nhắc nhở, lưu ý chung cho cả lớp, rồi giao cuốn vở cho người khác. Bao giờ hết vở, nhà trường lại phát cho cuốn vở mới. Cứ lần lượt như thế, trong một năm học, mỗi người có nhiều lần để lại dấu ấn trong cuốn vở chung của lớp.

 Mỗi lần nhận cuốn vở luân chuyển do thầy giáo đưa cho, học trò luôn có cảm giác được giao một trách nhiệm nặng nề và thiêng liêng. Thầy vẫn bảo đó là bộ mặt của lớp, nhìn vào đó, người ta có thể biết học sinh trong lớp đã học tập như thế nào. Nhưng với mỗi chúng tôi, không phải chỉ có thế. Phần mình ghi chép trong đó còn thể hiện năng lực, trình độ của bản thân. Chữ đẹp hay xấu, trình bày có sáng sủa không, bài làm đúng sai thế nào, … tất cả đều thể hiện qua cuốn vở. Cho nên chẳng đứa nào dám cẩu thả mỗi khi nhận cuốn vở. Dòng đầu tiên phía bên phải ghi “Thứ, … ngày, … tháng, … năm…”, còn phía bên trái ghi tên của người giữ cuốn vở hôm ấy. Tên tuổi rõ ràng, còn lưu giữ mãi mãi, khiến chúng tôi cảm thấy mình không thể coi thường. Mỗi khi nhận vở, hầu như đứa nào cũng lật lại những trang trước, xem các bạn đã chép bài, làm bài thế nào, vừa để tấm tắc, để học theo, vừa để rút kinh nghiệm tránh lặp lại những lỗi mà các bạn trước đã mắc phải.

Chỉ cần qua cuốn vở, người thầy biết được từng học sinh qua những ghi chép của họ hàng ngày và nhà trường cũng chỉ cần qua cuốn vở có thể biết được người thầy đã giảng dạy, theo dõi, uốn nắn học sinh ở lớp như thế nào.

Và khi có thanh tra, kiểm tra của cấp trên, chỉ cần qua những cuốn vở của từng lớp, cấp trên từ xa tới trong thời gian không dài, cũng chẳng cần nghe báo cáo có thể biết người thầy đã dạy dỗ cho học trò những gì, bài nào bị cắt xén, bài nào bị bỏ qua. Và nhất là biết được sản phẩm của người thầy là những học trò trong lớp trình độ ra sao,  biết được Hiệu trưởng quan tâm sâu sát tới công việc của các lớp trường mình như thế nào.

Làm sao có thể đối phó bằng “vở sạch chữ đẹp”?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here