Hồi kháng chiến chống Pháp, nhất là trong cải cách ruộng đất, mình còn nhỏ, nhưng cứ nghe nói bao người lên án xã hội cũ bất công, giai cấp thống trị bóc lột quen “ăn trên ngồi trốc” thì căm giận lắm và chưa biết gì nhưng cũng thật vui sướng, chờ đợi một xã hội công bằng, bình đẳng sắp được xây dựng ở nước ta. Những chuyện của chế độ cũ mình chưa được chứng kiến, chủ yếu biết được qua những  bài báo, những truyện ngắn, tiểu thuyết  của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Bùi Huy Phồn… Nhưng từ khi còn nhỏ, tới nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm” thấy chính cái xã hội mình là bất bình đẳng nhất quả đất, phân biệt giàu nghèo, sang hèn đến triệt để. Phân biệt đủ thứ, từ xe ô tô, nhà ở, rồi mọi thứ tiêu chuẩn cho các loại cấp bậc to bé. Thời cơm gạo còn thiếu thốn, cũng là cán bộ nhà nước cả, nhưng người thì được mua hàng ở Tôn Đản, thấp hơn thì ở Nhà Thờ, Đặng Dung…Chẳng thế mà ca dao dân gian đã có câu:

Tôn Đản là của vua quan

Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần

Đồng Xuân là của thương nhân

Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

Đấy là khi khỏe mạnh. Tới khi ốm đau, sự phân biệt cao thấp, sang hèn cũng không hết. Cán bộ cỡ từ chuyên viên trở lên thì nằm ở Việt – Xô, thấp thì ở các bệnh viện bình thường. Từ khoảng giữa những năm 1980 thì thêm một cấp nữa, tầng lớp sắp  tới cấp chuyên viên thì khi ốm đau vào bệnh viện E.

Trước năm 1975, đây là một cơ sở chữa bệnh và điều dưỡng cho cán bộ từ miền Nam ra do Trung Quốc viện trợ. (Những chăn màn, gối, và đồ dùng trong bệnh viên còn mang chữ hàng Trung Quốc to màu đỏ, không phải đề nơi sản xuất).  Từ sau khi thống nhất, các cán bộ đối tượng này không còn nên được chuyển sang cho Bộ Y tế, mang tên bệnh viện E, chuyên khám chữa bệnh cho cán bộ nhà nước cỡ cán sự 5, cán sự 6 và tương đương  trước khi đạt tiêu chuẩn vào Việt-Xô.

Cuối những năm 80, sau hơn 20 năm hành nghề, mình đã đạt tiêu chuẩn khám chữa bệnh ở bệnh viện E. (Trước khi đạt tiêu chuẩn này thì tới bệnh viện huyện). Khi nhận quyết định tăng lương, được biết mình bắt đầu có tiêu chuẩn như thế, chứ cũng không mấy khi tới bệnh viện. Một là vì nhờ giời, mình cũng chưa lần nào bị bệnh nặng, lại cũng có chút hiểu biết về chăm sóc sức khỏe nên có thể  tự điều trị những bệnh thông thường. Thứ hai là ngại quá mỗi lần đi khám bệnh, đông nên chờ đợi nhiều khi cả buổi. Mà chờ đợi là cái khổ nhất trong những cái khổ phải chịu đựng trong đời người. Lần ấy viêm họng rất nặng, thử bấm huyệt, xúc miệng nước muối, xông… đủ cách nhưng vẫn không khỏi. Biết là kiểu này cần có thuốc kháng sinh, mà cái món đặc biệt này thì chỉ có ở bệnh viện. Thế là lần đầu tiên thụ hưởng tiêu chuẩn do nhà nước ban cho.

Biết là đông nên phải đi sớm. Nào ngờ, còn có nhiều người sớm hơn mình. Tất cả người tới khám đều ngồi chờ trên những cái ghế gỗ kê dọc hành lang. Mình mang theo cuốn sách, vừa để đỡ phí thời gian, vừa để đỡ sốt ruột, nhưng đọc đến mỏi mắt vẫn chưa thấy tên gọi. Đứng lên, đi lại cho đỡ mỏi rồi ngồi đọc tiếp. Cứ thế đến ba bốn lần mới thấy gọi đến tên. Bác sĩ khám bệnh cho mình là một phụ nữ đã đứng tuổi.

Nghe mình than đến từ khi chưa tới giờ làm việc mà đã gần tới giờ nghỉ mới đến lượt, bác sĩ cười thanh minh:

–         Mọi khi có hai người khám, nhưng hôm nay tới phiên chị bác sĩ ở phòng khám bên cạnh trông xe đạp nên bệnh nhân tập trung cả vào một mình tôi.

Hóa ra chuyện người ta kể với mình là sự thật. Hàng ngày, nhân viên trong bệnh viện từ bác sĩ tới y tá, hộ lý chia nhau trông xe đạp, cũng phải “đấu tranh” ghê lắm mới có phần (khi ấy xe máy còn ít lắm). Ngày đến lượt  trông xe, sau khi nộp một khoản quy định vào quỹ chung (gọi là quỹ ba lợi ích) mỗi người trực tiếp trông xe cũng được một khoản tiền bằng mấy ngày lương. Vì thế, bác sĩ cũng như y tá, cả tháng chỉ mong ngóng  tới ngày được trông xe.

Bà bảo mình há miệng để xem họng, rồi bảo kéo áo để nghe tim phổi. Vừa chạm tay vào người, bà đã giật mình, nói “Anh đang sốt cao đấy!” Rồi: “Họng sưng to quá!” Nhìn bà ấy hí hoáy viết cái đơn thuốc mình mừng quá, vì bệnh đã được xác định chính xác, chắc thuốc sẽ có ngay. Nhận cuốn y bạ  từ tay bà bác sĩ, mình liếc nhìn, thấy có ghi một cái tên thuốc lạ còn cái thứ thuốc mình vẫn chờ đợi là “tê-t’ra-xi-clin” thì chẳng thấy đâu. Mình hỏi:

–         Cái “kli-on” này là thuốc gì ạ?

Bà ấy trả lời:

–         Đây là loại thuốc  chữa bệnh kiết lị rất tốt.

Mình ngạc nhiên, hỏi lại:

–         Nhưng tôi viêm họng, có bị kiết lị đâu!

Bà ấy cười buồn, bảo:

–         Tất nhiên tôi biết anh viêm họng, nhưng hôm nay không còn một viên tê-t’ra-xy-clin nào. Thôi, cái công anh chờ đợi cả buổi sáng, cứ lĩnh thuốc này về, thế nào chẳng có lúc cần tới.

Thất vọng vô cùng. Tất nhiên không thể để chết vì cái viêm họng vớ vẩn này. Mình nhớ tới phương châm sống đã được đúc kết “Vỉa hè là của nhân dân anh hùng” nên đi ra Cửa Nam.

Quãng ngã tư Nam Bộ – Nguyễn Thái Học trước cửa Bách hóa số 5 Nam Bộ đã hình thành một cái chợ cóc trên vỉa hè. Hàng gì cũng có nhưng mỗi người thường mua bán một trong ba loại chính: bách hóa, phụ tùng xe đạp và thuốc chữa bệnh. Mỗi bà, mỗi cô một cái mẹt, trên đó bày vài mặt hàng tượng  trưng. Nhưng cái gì cũng có nếu được hỏi đến. Họ mua những hàng hóa mà cán bộ cao cấp được phân phối nhưng dùng không hết và bán lại cho cán bộ cấp thấp hoặc dân thường đang có nhu cầu. Mỗi khi thấy bóng công an, quản lý thị trường, họ chạy như vịt tản vào các ngõ ngách gần đấy. Các chức dịch nhà nước vừa khuất bóng, họ lại xuất hiện và việc mua bán lại diễn ra “cu như ỹ”. Mất hai ngày lương, mình có được hai chục viên thuốc đúng theo yêu cầu.

Từ đó, luôn thầm nhắc, phải  nhớ mình ở cái nấc nào trong thang bậc của xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đến nay sau giải phóng 1975, đất nước thống nhất đã gần 40 năm, nhưng cái sự phân định “vỉa hè là của nhân dân anh hùng” vẫn không hề thay đổi. Vỉa hè, hàng rong không những vẫn tiếp tục phát triển trên mọi  đường phố mà còn lan vào tới tận các ngõ ngách. Cung là bà con nông dân khắp nơi mang hàng hóa từ  các nơi xa xôi về phục  vụ, cầu tất nhiên vẫn chỉ là “nhân dân anh hùng”, những người không đủ tiền vào siêu thị hay các nhà hàng sang trọng.

7 BÌNH LUẬN

  1. Bài của Thày thường thâm thuý sâu sắc, riêng những bài như thế này thêm chút hài hước dí dỏm, cười mà chua xót cho cái phận “nhân dân anh hùng” sau 40 năm vẫn vậy, nếu không muốn nói là cơ cực hơn!

  2. Thầy ơi, mình đang ở thiên đường CNXH nên dân được tự lo, thích gì móc túi tự lo, ko tiền thì cho chết. Còn ở xưs tư bản giãy chết, lãnh đạo NN cấp cao và dân cùng móc túi tự lo hết mà. Sự khác biệt là chỗ đó ạ

  3. XHTB (phương Tây) hoàn toàn không có sự phân chia giai cấp. Phân biệt đối xử (giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, etc…) dù bất cứ hình thức nào cũng bị cấm vì đó là vi phạm nhân quyền. VN đấu tranh giai cấp nhưng thật ra phân chia giai cấp triệt để nhất. Thử nghĩ, nếu có phân chia giai cấp, thành phần thì làm sao có người Việt làm Toàn Quyền tiểu bang Nam Úc (Ô. Lê Văn Hiếu – https://www.youtube.com/watch?v=4oL8YJ4-4q0). Nhưng tại sao phải “đấu tranh giai cấp”, phải “phân biệt thành phần”? 1 người nông dân, nếu khg thích họ có thể trở thành công nhân, làm 1 thời gian có tiền, họ đi buôn, trở thành tư sản. Chính sự “đấu tranh giai cấp”, phải “phân biệt thành phần” làm cảm bước phát triển của con người. Chính vì thế nó vi phạm trầm trọng quyền con người.

Trả lời Mỗ Lao Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here