Sau khi Bắc Tống diệt vong, nhà Kim hậu thuẫn cho tên bán nước Trương Bang Xương lên làm Hoàng đế bù nhìn. Khi biết tin này, lão tướng Tông Trạch (1) vô cùng tức giận, lớn tiếng chửi Trương Bang Xương là đồ hèn nhát, kẻ tiểu nhân bán nước. Được biết Triệu Cấu còn hơn tám vạn binh mã, ông đã cùng với một số đại thần của triều Tống cũ ủng hộ Triệu Cấu xưng đế, lập lại triều Tống. Không lâu sau, Tông Trạch được Triệu Cấu cử làm Lưu thú Đông Kinh kiêm Tri phủ Khai Phong.

Sau khi  Tông Trạch tiến vào Biện Kinh, tình hình lúc này rất khẩn trương. Quân chủ lực của Kim tuy đã lui về phương bắc, nhưng số quân còn lưu lại bờ nam sông Hoàng Hà còn không ít, trong thành Biện Kinh, không kể ngày hay đêm đều có thể nghe thấy tiếng trống trong các trại quân Kim. Các công sự phòng ngự và trại quân cũ ở Biện Kinh cũng đã bị phá hoại triệt để, quân lính không có nơi đóng quân, đành phải ở lẫn với cư dân trong thành. Một số thừa cơ trộm cắp của dân, có những nguời tự phát muốn dùng vũ khí đánh lại quân Kim. Trong khi nguời có ý thức chống lại quân Kim mong muốn  sẽ có được một số vũ khí thì bọn trộm cắp liều mạng chiếm đoạt tài sản của dân, trật tự xã hội hỗn loạn. Khi Tông Trạch tới nơi, ông đã dựa vào dân để giải quyết tình hình này, bắt và giết những kẻ trộm cắp, vì dân trừ hại. Ông còn chủ động liên lạc với những nguời chống lại quân Kim, tập hợp  và phát vũ khí cho họ.

Có một nguời tên Vương Thiện là một anh hùng dân dã ở Hà Đông, trong tay có bảy tám vạn nguời và hơn một vạn chiến xa. Sau khi  quân Kim dời Biện Kinh rút về phía bắc, ông ta muốn thừa cơ chiếm Biện Kinh, tự mình xưng vương. Tông Trạch hiểu được mục đích của Vương Thiện đầu tiên là muốn đánh lại quân Kim, bảo vệ tài sản của mình. Quân của ông ta phần lớn là nông dân. Tông Trạch không quản ngại có thể gặp nguy hiểm, một mình một ngựa tới gặp Vương Thiện, khuyên ông ta hợp tác với quan quân của triều đình. Vương Thiện nghe lời khuyên, đồng ý phục tùng sự chỉ huy của Tông Trạch. Sau đó, Tông Trạch lại thuyết phục một nguời khác là Dương Tiến có biệt hiệu “trâu một sừng”, thu nạp đội ngũ của ông ta. Từ đó, nghĩa quân tự nguyện hợp tác với Tông Trạch ngày một đông, tình hình Biện Kinh rất nhanh chóng  ổn định. Các cửa hiệu đang đóng cửa dần mở cửa trở lại, những nguời bỏ đi xa cũng dần dần trở về nhà của mình.

Tông Trạch bẩm báo tình hình này với Tống Cao Tông Triệu Cấu, mời Triệu Cấu trở lại Biện Kinh để tiến thêm một bước ổn định lòng nguời, chuẩn bị tiến quân lên phía bắc, thu lại đất đai, đón hai vua trở về.

Nguời Kim nghe nói Tông Trạch đã xoay chuyển được tình thế ở Biện Kinh, muốn rõ thực hư, cho nguời tới phủ Khai Phong dò la. Tông Trạch lập tức hạ lệnh bắt giam những nguời này, chuẩn bị đem giết. Tống Cao Tông nghe nói, sợ quân Kim sẽ quay lại hỏi tội, vội hạ lệnh cho Tông Trạch phải đối đãi với nguời của quân Kim tử tế,  không được xúc phạm. Nhận được lệnh này, Tông Trạch vô cùng tức giận, lập tức dâng thư lên Tống Cao Tông, nói:

– Quốc gia qua những ngày thái bình, nảy sinh tư tưởng an nhàn sợ sệt, thực là một điều vô cùng sỉ nhục cho triều Tĩnh Khang. Nay nguời Kim cho quân đến thám thính tin tức của chúng ta, giết chúng chính là cảnh cáo nước Kim. Mệnh lệnh của bệ hạ, hạ thần không thể tiếp thụ.

Tống Cao Tông đọc thư của Tông Trạch, sợ Tông Trạch chống lệnh đem sứ giả quân Kim giết liền đích thân viết một phong thư, cử nguời ngay trong đêm tới Biện Kinh, buộc Tông Trạch phải ngay lập tức thả sứ giả nguời Kim.

Trước việc Tống Cao Tông trì hoãn chưa trở lại Biện Kinh, lại muốn cùng quân Kim nghị hòa, rồi còn muốn tiếp tục lui về phía nam, Tông Trạch vô cùng bất mãn. Một lần nữa, ông dâng thư lên Tống Cao Tông, nói tiếp tục lui về phía nam là mắc mưu của nguời Kim, nói kinh sư là tâm phúc của thiên hạ, bỏ kinh sư chạy về phía nam khác nào tự sát. Làm như thế là sai lầm. Nhưng những tấu thư của Tông Trạch  đều bị kẻ đứng đầu phái đầu hang là Hoàng Tiềm Thiện giấu đi, không thể tới được tay Tống Cao Tông. Nhưng giả sử Tống Cao Tông có được đọc những tấu thư này chắc vua cũng không thể tiếp nhận được những ý kiến của Tông Trạch. Nghe nói quân Kim đang đặt cầu phao qua sống Hoàng Hà, chuẩn bị tái chiếm Biện Kinh, Tông Trạch bèn cử bộ tướng là Lưu Diễn tới Hoạt Châu, Lưu Đạt tới Trịnh Châu cùng với Biện Kinh tạo thành thế chân vạc có thể hỗ trợ cho nhau. Thấy Tông Trạch đã có sự chuẩn bị, quân Kim đành dỡ cầu phao lui quân. Năm sau, quân Kim tập kích Trịnh Châu, tiến quân tới Bạch Sa, áp sát Biện Kinh. Nguời trong thành Biện Kinh lo lắng vì sợ tai họa giáng xuống đầu mình. Các bộ tướng cũng không khỏi sốt ruột xin nghênh chiến. Nhưng chỉ thấy Tông Trạch đang ngồi đánh cờ với khách. Nghe nguời tới báo cáo, Tông Trạch chỉ cười, nói:

– Việc này có gì mà phải sợ hãi, ta đang đợi chúng đến đây!

Nói xong, ông quay lại ván cờ đang đánh dở. Xong ván cờ, ông mới cho mấy nghìn tinh binh đi tiếp ứng cho Lưu Diễn. Quân Kim đang giao tranh với Lưu Diễn, đột nhiên thấy quân Tống đánh vào phía sau, sợ bị đánh cả hai mặt vội vứt cả vũ khí bỏ chạy tán loạn. Vì Tông Trạch đã chiến thắng quân Kim nhiều lần nên quân Kim chỉ mới nghe tiếng ông đã hoảng sợ, sau lưng ông, chúng gọi ông “Tống gia gia”. Nhưng Tống Cao Tông lại coi thường những chiến công của Tông Trạch, vẫn không chịu nghe lời mời của Tông Trạch trở lại Biện Kinh. Một lần nữa, Tông Trạch cử con là Tông Dĩnh tiếp kiến Tống Cao Tông, nói rõ tầm quan trọng của việc vua trở lại Biện Kinh, nhưng Tống Cao Tông không chịu tiếp kiến, còn gọi Hàng Châu là “hành tại” (3) lấy Trường Giang làm công trình phòng thủ. Thấy hơn hai mươi lần đề xuất ý kiến vẫn không được nhà vua tiếp nhận, Tông Trạch buồn rầu sinh bệnh, sau lưng mọc một cái nhọt to bằng miệng bát, máu mủ đầm đìa. Biết mình không thể làm gì được, suốt ngày ông ngồi ngâm ngợi bài thơ Đỗ Phủ ca tụng Gia Cát Lượng. Mỗi lần đọc đến câu: “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, Trường sử anh hùng lệ mãn khâm” (Xuất quân, chưa báo tin thắng trận, thân đã chết, Khiến cho khách anh hùng mãi mãi nước mắt đầy vạt áo), ông không khỏi rơi lệ.

Năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), trên đường tiến xuống phía nam, quân Kim phát động cuộc tiến công quyết liệt, lão tướng Tông Trạch từ trần khi chưa đầy 70 tuổi. Trước khi mất, ông không trối trăng điều gì, chỉ kêu lên ba lần: “Vượt sông! Vượt sông! Vượt sông!”. Ông vẫn không quên việc vượt sông Bắc phạt, giành lại đất đai đã mất.

 

Chú thích:

  • Tông Trạch (1060 – 1128), nguời Nghĩa Ô, Chiết Giang.
  • Hoàng Tiềm Thiện ( ? – 1130), nguời Thiệu Vũ (nay thuộc Phúc Kiến)
  • Hành tại: vốn là “hành tại sở” tức nơi ở của Hoàng đế, dựa vào câu: “Thiên tử dĩ thiên hạ vi gia, Tự vị sở cư vi hành tại sở”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here