Trường Giang là con sông lớn nhất Trung Quốc có chiều dài 6.385 km, đứng thứ ba trong các dòng sông trên thế giới (chỉ sau sông Nin ở châu Phi và sông A-ma-dôn ở châu Mỹ. Bắt nguồn Từ Thanh Hải, dòng sông hướng về phía đông đổ vào biển Hoa Đông. Trước đây, nguời Việt Nam thường biết dòng sông này với cái tên Dương Tử (vốn do sông dài, qua mỗi miền đất đều có những tên gọi khác nhau, Dương Tử là tên gọi của đoạn cuối sông trước khi đổ ra biển, nguời phương Tây đặt chân tới Trung Hoa ban đầu ở vùng này nên dùng tên Dương Tử để gọi cả dòng sông. Qua sách vở của họ, tên Dương Tử trở thành phổ biến).

Khác với sông Hoàng Hà ở phía bắc, đồng bằng do sông Trường Giang bồi đắp rất màu mỡ, hình thành một vùng Giang Nam trù phú về mọi mặt. Ngồi trên tàu cao tốc từ Bắc Kinh đi Thượng Hải mới thấy sự phân biệt rõ rệt của vùng châu thổ của hai con sông. Phía nam sông Hoàng Hà có tỉnh Sơn Đông, đất đai cằn cỗi, mới cuối thu mà cây cối phần lớn đã trụi lá, những cánh đồng chỉ còn gốc rạ và thân ngô khô xác sau khi thu hoạch (vì phù sa sông Hoàng Hà nhiều sét). Làng mạc hai bên đường phần lớn là nhà một tầng cũ kỹ, dù cũng có hàng lối nhưng không tránh được cảm giác ảm đạm. Nhưng chỉ cần qua Nam Kinh vào địa phận Giang Nam, quang cảnh đã khác hẳn, khắp nơi đều một màu xanh mát mắt, các khu nhà ở nông thôn đều hai hoặc ba tầng, hàng lối ngay ngắn có thiết kế đồng bộ, thoáng nhìn đã thấy sự trù phú. Chẳng phải ngẫu nhiên, sau khi lên ngôi, Tùy Dạng Đế (569 – 618) đã hạ lệnh trong vòng 6 năm hoàn thành Đại Vận hà nối các sông hồ sẵn có để tạo thành con đường thủy từ Bắc Kinh về Giang Nam phục vụ các chuyến đi của nhà vua tới đây ăn chơi. Dòng sông đào này sau được mang tên Kinh Hàng đại vận hà (Bắc Kinh là điểm khởi đầu, Hàng Châu là điểm kết thúc). Đời nhà Thanh, hai vua Khang Hy (1654 – 1722) và Càn Long (1711 – 1799)  mỗi ông cũng năm sáu lần về Giang Nam du ngoạn trong thời gian trị vì.

    Tô Châu, Hàng Châu là hai thành phố lớn thuộc vùng Giang Nam, nguời Trung Quốc đã có câu “Thượng hữu thiên đàng, hạ hữu Tô Hàng” (Trên trời có Thiên đàng, dưới đất có Tô Hàng).  “Sinh ở Tô Châu, sống tại Hàng Châu,…” cũng là câu ngạn ngữ mà mỗi nguời Trung Hoa đều biết.

Tô Châu là thành phố du lịch thuộc tỉnh Giang Tô, có dân số khu phố cổ hơn 2 triệu người (thủ phủ tỉnh này là thành phố Nam Kinh đã không phải chỉ một lần là thủ đô Trung Quốc trong các thời kỳ khác nhau). Thành phố này có tên gọi cổ là Câu Ngô, Ngô, hay Cối Kê, … nó là cái nôi của văn hóa Ngô, một trong những đô thị cổ nhất trong lưu vực sông Dương Tử. Từ cuối đời nhà Thương (1766 – 1122 trước Công nguyên), Thái Bá đã tới đây để lập ra nước Ngô. Năm 514 trước Công nguyên, vua Hạp Lư cũng đã tới đây lập kinh đô, sau khi vua mất đã được mai táng ở Hổ Khâu (nay là một khu thuộc thành phố Tô Châu).

Vùng đất miền nam gió hòa mưa thuận đã nuôi dưỡng  nhiều tài tử  giai nhân nổi tiếng. Trong lịch sử số ngưòi Tô Châu đỗ tiến sĩ đều nhiều hơn bất kỳ tỉnh nào, các nhà văn, nghệ sĩ , các nhà khoa học đời nào cũng nhiều. Con nguời Giang Tô nói chung,  Tô Châu nói riêng  nhã nhặn, có nhiều môn đệ thư huơng, nhà ở đẹp, món ăn ngon, con gái cũng đa tài đa nghệ, hiền dịu đảm đang nổi tiếng. Tây Thi, một trong bốn “tứ đại mỹ nhân” của Trung Quốc ra đời ở đây. Nơi đây, con gái rất được trân trọng, các gia đình có tục lệ, khi sinh một con gái, nguời cha đều tự tay trồng một cây long não (hương thụ) trước cửa nhà và dựng một căn phòng có cửa sổ hướng ra sân. Khi cô gái lớn lên, đi lấy chồng, cây long não sẽ được hạ, lấy gỗ đóng hòm đựng của hồi môn và cửa sổ sẽ vĩnh viễn khép lại. Cho nên, đếm số cửa sổ trong một ngôi nhà, có thể biết gia đình đó có bao nhiêu con gái và số cửa sổ vẫn hàng ngày đóng khép sẽ cho các chàng trai biết  số cơ hội để chờ đợi. Nam giới ở đây dù nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ từ tốn nhưng rất thông minh, những nguời xa quê tới khắp nơi thành đạt đứng đầu cả nước.

Khu phố cổ của Tô Châu vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng. Dọc theo các đường phố rộng rãi, rợp bóng cây, các căn nhà nhiều nhất là hai tầng với tường màu trắng, mái xám đen (tượng trưng cho màu trang giấy và màu mực quen thuộc của truyền thống thư hương) nay đã trở thành các cửa hàng giới thiệu các sản vật địa phương cho khách du lịch. Tô Châu cổ nổi tiếng bởi những dòng sông ở khắp nơi và hơn 1.600 cây cầu đá mà phía dưới, thuyền bè có thể xuôi ngược phục vụ cho sinh hoạt và chuyên chở hàng hóa, nó đã được coi là một “Vơ-ni-dơ phương đông”. Giờ đây, việc đi lại đã có xe đạp điện, xe buýt, những con thuyền trở thành phương tiện để du khách ngoạn cảnh khắp thành phố.

Nói tới Tô Châu, không thể không nói tới các viên lâm, nguời ta cũng đã gọi thành phố này là “hoa viên chi thành” (thành phố của các hoa viên). Đây là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật kiến trúc vườn giản dị, tinh tế và lãng mạn, vừa có vẻ đẹp tự nhiên, vừa có nét độc đáo riêng của nghệ thuật tạo vườn, có thể nói đây là những khu vườn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc vườn của Trung Hoa. Mỗi viên lâm đều có nét riêng về kết cấu và phong cách. Trong bốn lâm viên đẹp nhất Tô Châu, Sư Tử Lâm đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sư Tử Lâm được xây dựng vào cuối thời Nguyên do nhà sư Thiên Như dựng lên để tưởng nhớ về một người thầy của ông có tên là Trung Phong. Sở dĩ vườn có tên là Sư Tử Lâm vì ở chỗ nào ta cũng gặp những tảng đá, những hòn núi giống như những con sư tử. Trong vườn sư tử, người ta xây dựng nhiều hang động nhân tạo rất kỳ ảo chẳng khác nào những mê cung. Cũng có một cách giải thích khác về cái tên này: đây là tặng vật dâng thầy (sư) của một nguời học trò (tử) cũ. Trong những căn nhà cổ, rất nhiều  đồ nội thất bằng  gỗ quý tinh xảo vẫn còn được bảo tồn. Ngoài vườn, đá quý được xếp thành giả sơn len lỏi khắp khuôn viên theo trận đồ bát quái mà đến nay vẫn đầy kỳ bí. Du khách rất dễ lạc trong cái mê cung đá ấy. Với nhiều giả sơn đẹp và hoành tráng, đây cũng là nơi đã được lấy làm ngoại cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng như Tây Du Ký.

Quy hoạch vườn Sư Tử rất chặt chẽ, tinh tế, là đỉnh cao của kiến trúc Viên lâm Trung Hoa. Phía Đông Nam là núi non, phía Tây Bắc là sông suối ao hồ, các tòa lâu đài đặt ở hai cánh Đông và Bắc. Các quần thể kiến trúc này được nối với nhau bằng một hành lang dài. Sư tử lâm còn lưu giữ một bức hoành trên có hai chữ “chân thú” do vua Càn Long viết nhân ghé thăm trong một lần du ngoạn Giang Nam. Trên vách hành lang còn lưu lại  nhiều bút tích của thư pháp gia đời Tống như Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Thái Nhượng… Sau nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, Sư Tử lâm ngày nay vẫn là một trong những điểm tham quan du lịch đặc biệt thu hút mọi du khách đến Tô Châu.

Tô Châu còn nổi tiếng với Hàn Sơn tự. Đây là ngôi chùa cổ trên diện tích hơn một héc-ta nằm ở phía tây trấn Phong Kiều cách Tô Châu khoảng 5 km. Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ VI, niên hiệu Thiên Giám thời vua Lương Vũ Đế nhà Lương (502 – 519) với tên gọi ban đầu là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện. Trong loạn Thái Bình Thiên Quốc chùa bị phá hủy và được xây lại năm 1905. Tên gọi Hàn Sơn  được đặt từ niên hiệu Trinh Quán (627-649) thời  Đường Thái Tông nhằm tưởng nhớ đến nhà sư trụ trì nơi đây. Nó liên quan đến chuyện kể về hai người bạn kết nghĩa anh em có tên là Hàn Sơn và Thập Đắc. Khi gia đình đi hỏi vợ cho mình, Hàn Sơn mới biết cô dâu tương lai chính là người yêu của Thập Đắc. Vì sợ buồn lòng em, chàng đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi và dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ. Thập Đắc nghĩ rằng vì mình mà Hàn Sơn ra đi nên cũng quyết đi tìm anh. Cuối cùng, như duyên trời định, họ lại gặp nhau tại chính ngôi chùa nơi Hàn Sơn ẩn mình. Họ lại cùng nhau sống như huynh – đệ ngày nào. Cảm động vì câu chuyện, tên gọi Hàn Sơn đã được đặt cho ngôi chùa để tưởng nhớ. Sau những thăng trầm, Hàn Sơn tự đã được các triều từ Tống tới Thanh gìn giữ, tu bổ cho đến ngày nay.

Chùa có kiến trúc trang nghiêm và cổ kính với các công trình như: Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Phổ Minh Tháp Viện, Hàn Thập Ðiện …Đặc sắc đầu tiên của chùa Hàn Sơn không thể không nói tới là tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Đó  là một di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Tô Châu. Tiếng chuông ngân lên vang vọng, thanh thoát xóa tan những ưu tư phiền muộn. Chuông được đúc theo bí quyết sáu phần đồng, một phần thiếc nên tiếng có thể vang rất xa và để lại những dư  âm khó quên. Thực ra, so với nhiều ngôi chùa ở Trung Quốc, về kiến trúc, quy mô, chùa Hàn Sơn không thật nổi bật. Nguời ta chú ý tới ngôi chùa vì một lý do có thể coi như “ngoài tín ngưỡng”, đó là nhờ bài thơ nổi tiếng “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế. Theo giai thoại, Trương Kế người Tương Châu một lần đi thi tiến sỹ nhưng trượt, ông theo dòng Vận Hà trở về. Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều bên chùa Hàn Sơn (vào thời ấy (đời Đường) người ta có “phân dạ chung” (chuông chia đêm) đánh vào lúc nửa đêm…(riêng đêm trừ tịch, chuông được gióng 108 tiếng). Đang trong tâm trạng buồn (vì thi trượt) nằm trong thuyền bên ngọn lửa chập chờn của ngư ông giữa trời sương, trăng lặn nghe tiếng quạ kêu cùng tiếng chuông chùa Hàn Sơn nửa đêm vọng tới…tức cảnh sinh tình, Trương Kế hạ bút để lại một Phong Kiều Dạ Bạc lưu truyền hậu thế. 

“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”.

 

Bản dịch của thi sĩ Tản Ðà:

“Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.

Đáng lưu tâm là trong những ngôi chùa ở Trung Quốc, kể cả chùa Phật Ngọc nổi tiếng nhất Thượng Hải, tôi không thấy những hành vi tín ngưỡng như ở Việt Nam. Những nguời tới chùa đều ăn mặc giản dị với vẻ thư thái, từ tốn và dáng điệu nghiêm trang. Ít nguời mang theo lễ vật kể cả hương nến. Số đông vái lạy trước ban thờ hay các tháp, điện khi  đã có đèn hương thắp sẵn. Một số ít nguời mang theo hương và vàng mã nhưng cũng không nhiều. Không thấy hoa hay các phẩm vật khác vì ai đặt phẩm vật lên bàn thờ đều được “dọn sạch” ngay. Nhìn thấy trên tường gần cổng vào có tấm biển nhỏ đề “đơn vị tiên tiến”, tôi hỏi nguời hướng dẫn: ai khen nhà chùa thế này? Anh ấy giải thích: đây là khen tặng với Ban quản lý chùa. Ở Trung Quốc, các nhà sư được yên tâm niệm kinh thờ Phật, thực hiện bổn phận của những nguời tu hành, không phải “dính dáng” tới những công việc trần thế. Mỗi chùa có một Ban quản lý chịu trách nhiệm mọi mặt, từ bán vé (khách tới chùa đều phải mua vé, giá khoảng 70.000 đ Việt Nam, công đức thấp nhất  là mua dải băng đỏ, ghi tên và lời nguyện ước rồi buộc vào các tháp trong chùa là 50 “tệ”, khoảng 175.000 đ Việt Nam), nhận tiền công đức dưới các hình thức khác nhau; giữ gìn an ninh trật tự; vệ sinh trong ngoài và sửa chữa, trùng tu khi cần thiết, … Không biết có phải vì thế mà nhìn vẻ mặt các nhà sư ở những ngôi chùa đã tới, tôi đều thấy cái thiện lương, thuần phác của những nguời  đã rũ sạch bụi trần, quên hết cả “tham sân si” hướng về nơi Phật Tổ chí cao.

Tô Châu (hay đất Giang Nam) còn có một món ăn đặc sắc. Đó là món thịt kho gần giống với “thịt kho Tàu” ở ta. Miếng thịt lợn hình vuông, mỗi chiều khoảng gần 20 cm, nhưng kho ít nước, màu sắc đỏ xậm,  đậm đà và nhìn vô cùng hấp dẫn. Nó được kho nhừ tới mức khi ăn, có thể dùng đũa để “xắn” nhỏ. Người Trung Quốc đặt tên món thịt đó là “thịt Đông Pha” (Đông Pha nhục) để tưởng nhớ cụ Tô, vì cụ là nguời có sáng kiến làm món ăn này. Người ta dùng loại thịt lợn, loại ba chỉ  xắt thành miếng to bản, sau khi ướp muối, đường, thịt được để  vào nồi đất cùng với rượu vàng Thiệu Hưng làm chất nước để ninh; đậy nắp cho kín hơi, ninh cho đến khi ráo nước, có màu sắc đỏ au là được. Đó là món ăn có tiếng, không thể thiếu ở các nhà hàng ở miền đất này. Thiên hạ đồn rằng, khi xưa lúc giữ chức vụ Thái thú Hàng Châu, cụ đã làm được rất nhiều việc  ích nước lợi dân. Vào ngày hoàn thành công cuộc vét sạch đáy Tây Hồ, dân chúng đua nhau dâng hiến nhiều thịt lợn và rượu Thiệu Hưng (loại rượu màu vàng) để tỏ lòng kính mến, biết ơn. Cụ Tô không thể từ chối tấm thịnh tình ấy bèn hướng dẫn gia nhân nấu món thịt đó, rồi chia cho những nguời đã tham gia vét sạch hồ ăn. Từ đó món thịt trở thành món ăn danh tiếng của Hàng Châu, rồi phổ biến khắp Giang Nam.

Cũng xin nói thêm một chuyện vui: nguời bắc hay gọi loại bát to (bát múc canh) là “bát ô tô”, nguời nam thì gọi “bát tô”. Cái tên “ô tô” hay “tô” đó theo nhiều nhà ngôn ngữ có xuất xứ từ chữ “cô tô”. Đó là loại bát do nguời thành Cô Tô (thuộc Tô Châu) làm ra. Đồ sứ Trung Quốc vốn đã nổi tiếng được vẽ cảnh Cô Tô với nét bút tinh tế, điêu luyện  càng hấp dẫn và khi sang Việt Nam, nó được gọi là “bát Cô Tô”. Rồi theo thời gian, nó “chệch” đi thành “ô tô” hay “tô” . Về sau, bát cỡ ấy do nguời Việt Nam sản xuất dù không vẽ cảnh Cô Tô cũng vẫn giữ tên gọi cũ. Thế là ngay ẩm thực Việt Nam cũng có nhiều chuyện liên quan tới văn hóa Trung Quốc.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here