“Vụ” Trà Vinh chưa hết nóng, theo VTV1 ngày 13/3, nữ sinh Q.T.P.Hà, học sinh lớp 11 Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng vì hiểu lầm từ những dòng trạng thái em viết trên mạng xã hội Facebook. Cô Hằng (mẹ nạn nhân) cho biết: “Lúc con tôi bị đánh về thì đầu tóc bù xù, mặt sưng tím, môi chảy máu. Ăn cũng không ăn được, ngủ cũng không được thế nhưng bé vẫn cứ cố ăn cháo loãng rồi đi học”.

    Hôm nay (17.3), báo VnExpress.com lại đưa tin: “Trao đổi với VnExpress chiều 16/3, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng THCS Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), xác nhận các nhân vật tham gia vụ đánh nhau là học sinh khối 9 của trường. Vụ việc xảy ra vào giờ tan học ngày 10/3, tại đoạn đường vắng gần trường.”…

Với từ khóa “bạo lực học đường”, riêng báo Thanhnien.com đã cho nhiều kết quả. Bạn nào chưa tin, xin tự kiểm tra, tôi không dám làm mất thời gian của đông đảo bạn đọc.

Có thể thấy, chuyện “bạo  lực học đường” không chỉ còn là hiện tượng cá biệt, nó đòi hỏi những nguời có trách nhiệm phải có suy nghĩ và những giải pháp nghiêm túc. Qua  thực tế những  năm tháng làm nghề dạy học, tôi xin góp phần lý giải hiện tượng này, hy vọng có thể giúp phần nào vào việc tìm các biện pháp ngăn chặn. Ở đây, tôi không muốn nói tới các nguyên nhân khách quan, học trò chịu ảnh hưởng từ chuyện của nguời lớn hay ảnh hưởng do phim ảnh (kiểu như đến cỡ lãnh đạo cấp Sở còn “choảng” nhau gây thương tích…). Vì điều đó ai cũng thấy. Tôi chỉ muốn nói tới nguyên nhân chủ quan từ nội bộ ngành giáo dục.

    1. Trước kia, “học trò đánh nhau” là chuyện thường chỉ xảy ra ở bậc tiểu học. Từ cấp 2 (trung học cơ sở hiện nay) trở lên đó là hiện tượng rất hiếm gặp. Mà có đánh nhau cũng chỉ là “một chọi một” và lập tức được bè bạn ngăn cản nên hậu quả thường cùng lắm cũng chỉ là “bươu đầu sứt trán”. Bên cạnh tác động của đạo đức xã hội, còn có một nguyên nhân học sinh càng lên lớp trên, càng được sàng lọc, đúng với quy luật của đời sống. Hàng năm, lớp nào cũng có một số học sinh bị “lưu ban” (ở lại lớp) do học lực hoặc do đạo đức tư cách kém. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh riêng, những học sinh này có thể học lại hoặc thôi học, đi làm. Nếu học lại, họ được một bài học nhớ đời: phải chăm chỉ và biết giữ gìn tư cách đạo đức. Từ đó, chắc chắn những năm học sau họ sẽ trở thành những học trò ít nhất cũng không còn thuộc diện “cá biệt”. Bè bạn cùng trường, cùng lớp cũng được một tấm gương nhãn tiền để tự răn mình. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng là một nguyên nhân khiến những nguời đã được cắp sách tới trường là phải học một cách thực sự, là học trò với đúng nghĩa của nó.

     Nhưng từ nhiều năm gần đây, do quan niệm “trong số lượng đã có chất lượng”, lại được bệnh thành tích kích thích, giáo dục của chúng ta đã phát triển một cách vô tội vạ, chỉ lấy số lượng làm chỉ tiêu hàng đầu, hoàn toàn không có sự sàng lọc. Ở đâu, năm học nào cũng lên lớp “trăm phần trăm”, đặc biệt  cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Hiện tượng học sinh học tới lớp 6 lớp 7  vẫn chưa đọc thông viết thạo, học tới lớp 9 vẫn không làm nổi một phép chia đơn giản, …đã trở thành phổ biến. Rất nhiều học sinh vừa học kém vừa không đủ những tiêu chuẩn về đạo đức, hạnh kiểm cũng vẫn được lên lớp. (Học lực kém sinh chán học, từ chán học dẫn tới hư hỏng là khoảng cách không xa). Có phải thi lại thì cuối cùng vẫn lên lớp. Có phải rèn luyện trong hè vì đạo đức yếu kém, dù qua ba tháng hè, làm sao thay đổi được tâm tính nhưng việc xét kết quả của việc rèn luyện này vô cùng hình thức nên cuối cùng, họ vẫn được lên lớp trên. Thế là sau từng năm học, mỗi  lớp tích tụ dần nhiều lên những học sinh vừa học kém vừa có vấn đề về đạo đức, trước hết là ý thức kỷ luật. Trong mỗi lớp còn không ít học sinh đến trường không phải vì ham học mà vì thích có bạn cùng chơi; nhiều gia đình cho con đi học chỉ vì mong con đỡ hư hơn ở nhà nhờ mỗi ngày có một buổi được nhà trường quản lý, …Thậm chí không ít thường hợp cha mẹ thấy con đi học chẳng những không có ích mà còn có hại, đã cho con nghỉ học, tìm nơi học nghề sẽ có lợi hơn nhưng các thầy cô giáo lại tới vận động đi học để “đảm bảo chỉ tiêu” khiến số nguời hàng ngày cắp sách tới trường nhưng không thể gọi là học sinh càng gia tăng. Họ tới lớp mà không cần sách vở, càng không bao giờ học hay làm bài; giáo viên không thể cho điểm kém vì như thế chẳng những không có tác dụng gì  mà còn ảnh hưởng tới thi đua của trường, của  lớp; nghe giảng, họ không hiểu nên thường gây ra rất nhiều chuyện ảnh hưởng tới việc học của bè bạn. Họ “nói leo”, trêu chọc các bạn xung quanh, thậm chí làm nhiều việc “phá đám” công việc của cả lớp để gây sự chú ý.

Thế là môi trường giáo dục bị số ít học sinh này phá vỡ. Chính họ là nguyên nhân gây nên những chuyện đánh nhau mỗi khi có một va chạm nhỏ thậm chí những lần đánh nhau mang tính chất tập thể, chí ít cũng là những nguời nhiệt tình cổ vũ cho những đám đánh nhau.

     2.Nguyên nhân thứ hai phải nói tới là chủ trương giáo dục một cách dễ dãi, bất chấp nguyên tắc giáo dục “tôn trọng nhân cách và yêu cầu cao”, chỉ nhấn mạnh thậm chí hiểu sai việc “tôn trọng nhân cách” mà quên hẳn việc đưa ra những yêu cầu chặt chẽ với học sinh.

     Những trường hợp vi phạm nội quy, ý thức kỷ luật kém, nhà trường thường xuê xoa hoặc thi hành kỷ luật với mức độ thấp thiếu tác dụng răn đe. Vì thế, những học sinh này chẳng mấy chốc mà “nhờn thuốc” và từ đó tạo nên những tấm gương xấu cho những học sinh khác. Kỷ luật với những học sinh ở Trà Vinh mới đây là điển hình cho cách ứng xử rất phản giáo dục ấy. Những nguời đưa ra chủ trương này thường viện cớ “thương yêu học sinh”, thông cảm với học sinh vì “trẻ nguời non dạ”. Những lời nói ấy có vẻ như rất “nhân văn”, rất “thương yêu học sinh” nhưng thực ra đã bỏ qua nguyên tắc phải đảm bảo hài hòa giữa “nghiêm khắc” và “tận tình”. Lòng yêu thương học sinh không thể pha trộn với những biểu hiện ủy mị, mềm yếu và thiếu yêu cầu nghiêm khắc đối với các em, mà ngược lại. Không phải tự nhiên, sách Tam tự kinh xưa đã buộc tội lười cho những ông thầy dễ dãi với học trò: “Giáo bất nghiêm, sư chi nọa” (dạy mà không nghiêm là ông thầy lười).

      Để những học sinh ấy trong lớp vừa cản trở công việc của giáo viên vừa ảnh hưởng tới việc học của cả lớp. Có mấy thầy cô đang say sưa với nội dung bài giảng có thể giữ được nhiệt tình sau khi phải dừng lại để giải quyết những vấn đề thuộc về “trật tự trị an”? Học sinh cả lớp đang tập trung nghe giảng sao có thể tiếp tục giờ học một cách đầy hứng khởi sau khi có những hành vi quấy rối? Kỷ luật nghiêm khắc với những học sinh này chính là để bảo vệ quyền lợi của số đông học sinh, là đảm bảo điều kiện cần thiết để thầy cô giáo hoàn thành trách nhiệm của mình.

     3. Một số giáo viên do nhiều nguyên nhân khác nhau đã phải dùng cách “dĩ độc trị độc” để đối phó với những học sinh này. Bên cạnh khuyến khích một số học sinh làm tai mắt cho mình, sẵn sàng “mật báo” tình hình trong lớp (khiến không ít học sinh trở thành mất nhân cách, chuyên “mách lẻo”) còn cử một học sinh học không kém lắm nhưng có tác phong, cốt cách “anh chị” làm lớp trưởng. Tất nhiên những học sinh này luôn nhận được sự ưu ái của các thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm vì chúng đã rất đắc lực giúp đỡ thầy cô hoàn thành nhiệm vụ. Biện pháp dùng “vũ lực” của lớp trưởng kiểu này khiến không một học sinh nào trong lớp dám “ho he”. Nhìn bên ngoài, mọi việc ở lớp diễn ra bình thường, thậm chí nhiều việc còn hoàn thành ngoài sự mong đợi của thầy cô chủ nhiệm lớp, nhưng thực tế, cả lớp sống dưới sự “cai trị” của những “bàn tay sắt”. Ngay một số học sinh thấy chuyện này khó chấp nhận cũng đành phải im lặng nếu muốn “yên thân” vì luôn bị đe dọa. Em học sinh nữ lớp 7 ở Trà Vinh bị lớp trưởng cùng một nhóm học sinh trong lớp “trừng trị” mà phải sau khi sự việc xảy ra tới hai tháng, nhờ có một đoạn clip trên mạng, mọi người kể cả nhà trường mới biết có thể do nguyên nhân này. 

      Trước khi có thể giải quyết những nguyên nhân mang tính chất xã hội, ngành giáo dục cần quan tâm tới những vấn đề trên nếu thực sự muốn nhà trường trở thành môi trường lành mạnh đào tạo con người cho tương lai. Bên cạnh việc sàng lọc một cách chặt chẽ sau mỗi năm học, cùng với phát triển các trường Phổ thông nói chung, mỗi địa phương cần có những trường giáo dưỡng với nội dung chương trình và phương pháp thích hợp dành cho số học sinh không bình thường về học lực và tư cách đạo đức.

 

 

 

11 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết chi tiết, tâm huyết nhưng cái gốc của vấn đề là căn bệnh thành tích, là sự dối trá đang lan tràn làm băng hoại cả xã hội…Căn bệnh đó không thể chữa???

  2. Thầy viết đúng 100%. Đúng là giáo dục phổ thông vẫn phải theo hình chóp.
    Nhưng xu thế phổ cập cấp 3 là hiện thực không thể chối bỏ.
    Như vậy, có thể nói nguyên nhân chính là họ tiến hành phổ cập cấp 3 mà vẫn giữ nguyên phương pháp giáo dục cũ nên dẫn đến bất ổn.
    Vậy thầy có cao kiến gì không ạ?

  3. Vụ Trà Vinh cũng còn có Happy Ending là thầy HT xin từ chức & bé P đã được 1 trường chuyên tài trợ cho ăn học hết lớp 12
    Chuyện hiếm thời “đồ đểu”

  4. Những nguyên nhân Thầy đưa ra đều chính xác; em “kết” nhất là nguyên nhân đầu. “Gieo gió thì gặt bão”, nhưng…khốn nạn (từ miền Bắc)cho đất nước mình: người lớn (nhưng cái ĐẦU có chút xíu)gieo gió, để trẻ em nhận bão. Thế mới đau!

  5. Có những cuốn sách HỌC LÀM NGƯỜI như”Tâm hồn Cao Thương” của De Amicis hay “Quốc Văn Giáo khoa Thu”hay những câu ngạn ngữ ,cách ngôn người xưa dậy cách xử thê nhu”chưa đánh ngừoi mặt đỏ như vang,đánh người thì mặt vàng như nghê”hoặc “Tha thứ thì vĩ đại hơn trả thu”Tổng thống Abraham Lincoln,Tổng thống Nelson Mandela vĩ đại được cả thế giới cảm phục vì KHÔNG BIẾT TRẢ THÙ

  6. Các nhà nghiên cứu trong Viện nghiên cứu giáo dục VN đi đâu mà ko lên tiếng trước hiện tượng này ?

Trả lời Lợi Vũ Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here