Đọc sách báo trước năm 1945, hình như chẳng bao giờ thấy từ “vinh dự”. Theo cuốn  Đại từ điển tiếng Việt, “vinh dự” nghĩa là “1. biểu hiện cụ thể của sự đánh giá cao, thường là về mặt cống hiến của tập thể xã hội đối với cá nhân nào đó (ví dụ nhận huân chương)” và “2. sự sung sướng về tinh thần khi được nhận vinh dự.” (Nguyễn Như Ý chủ biên – Đại từ điển tiếng Việt – Nhxb thành phố Hồ Chí Minh năm 2011, tr. 1.766 ).

Nhớ lại hồi kháng chiến chống Pháp, đọc báo hay dự các cuộc hội họp, người ta thường nói một nơi nào đấy “vinh dự” được ông Hồ Chí Minh tới thăm. Những chuyến thăm ấy đều được ghi lại bằng hình ảnh mà bây giờ vẫn có thể thấy trong các lưu trữ. Đó là một đơn vị bộ đội, một gia đình nông dân, một lớp học, …Hai chữ “vinh dự” khi ấy được cho là hợp lý vì trước hết, người tới thăm, ông Hồ Chí Minh được suy tôn là “cha già dân tộc”, “là quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” nên cái nơi được ông tới thăm đâu có nhiều. Mặt khác, chuyện đánh giá thành tích lúc ấy cũng còn nghiêm túc. Cái nơi được ông Hồ về thăm quả là cũng xứng đáng vì nổi trội hơn nhiều nơi. Một thời gian sau, hai chữ “vinh dự” không còn là đặc quyền của ông Hồ nữa mà đã mở rộng ra tới nhiều ông hơn (vì sao thì chắc có rất nhiều lý do, mỗi người có thể tự tìm hiểu), nhưng số người giành được đặc quyền ấy cũng không nhiều. Quan trọng là ở cả hai phía, người trao hay nhận cái “vinh dự” ấy vẫn được coi là xứng đáng, những cán bộ cao cấp vẫn còn được người dân ngưỡng mộ và tôn kính, những người, những nơi được nhận cái “vinh dự” ấy cũng còn có vẻ là tiêu biểu.

Nhưng bước vào những năm 80 của thế kỷ trước, niềm “vinh dự” ấy đã có thể mua được bằng tiền. Kinh tế khủng hoảng, đời sống khó khăn nên các vị có quyền ban phát “vinh dự” cũng rất biết cách làm ăn. Trong các cuộc triển lãm đủ loại, đủ kiểu ở Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ, các gian hàng của các ngành, các địa phương muốn “vinh dự” được các vị “tai to mặt lớn” tới thăm hôm khai mạc đều được toại nguyện nếu chịu chi tiền cho Ban Tổ chức. Tất nhiên, Ban Tổ chức chỉ là cái cầu trung gian có hưởng “hoa hồng”. Cái “vinh dự” đến lúc này chỉ dành cho bọn háo danh để tuyên truyền đánh lừa công luận.

Nhưng từ khi internet phát triển, những sự thực trần trụi dần lộ ra trước mắt của bàn dân thiên hạ, tất cả các khuôn mặt mang đến cho người ta cái “vinh dự” kia đã không còn vẻ uy nghiêm đáng kính trọng, trái lại nhiều khi còn mang dáng vẻ trần trụi của những kẻ đê tiện. Muốn nhận cái “vinh dự” ấy tất nhiên càng phải có tiền, và càng cần nhiều tiền nếu muốn được tiếp đón  cấp cao. Chung quy, đó là sự lừa dối. Kẻ được đón rước long trọng tưởng mình “oai phong”, kẻ nhận “vinh dự” cứ tưởng mình nổi trội, hơn người, nhưng thực chất ngay cả họ cũng hiểu “nói vậy mà không phải vậy”. Còn người bình thường, mỗi khi nghe hai tiếng “vinh dự” chỉ còn phản ứng bằng nụ cười mai mỉa.

Thế mà tới nay, sau hơn hai chục năm, người ta vẫn tuyên truyền cho cái “vinh dự” ấy thì thật lố bịch, bất chấp sự thực. Cho tới nay, các quan chức từ cao xuống thấp, đều chỉ còn là đại diện cho các nhóm lợi ích, hầu như không còn một ai có thể được coi là người vì nước vì dân. Vì có tiền (mà tiền không phải do tài năng hay sức lao động, hoàn toàn do bòn rút, đục khoét ngân sách), những kẻ “tài năng có hạn, khốn nạn vô biên” đã nghiễm nhiên nhảy lên ngồi hết ghế này tới ghế khác. Những cuộc thăm viếng chỉ còn lại là những trò mua bán. Mỗi lần về địa phương, cấp trên chỉ nhằm nhận sự xu nịnh, tỏ lòng trung thành của cấp dưới. Ngược lại, cấp dưới, mỗi lần được cấp trên về thăm đều coi đó là dịp may hiếm có để tỏ lòng “cúc cung tận tụy” của bọn ưng khuyển. Những  dục vọng  của cấp trên được chúng thỏa mãn ở mức tối đa, kể cả bất chấp đạo lý, dùng quyền lực cưỡng bức không ít các chị em dưới quyền, những người thấp cổ bé họng nhưng có đôi chút nhan sắc làm trò mua vui.

Nếu còn coi những lần thăm viếng ấy là “vinh dự” thì thật ngu xuẩn.

Dùng quyền lực cưỡng bức con nhà lành làm chuyện vô luân, lại coi đó là “nhiệm vụ chính trị”, là “vinh dự” để hãnh diện thì cái “chính trị” ấy thật đê tiện, cái “vinh dự” ấy thật khốn nạn.

3 BÌNH LUẬN

  1. Khi quyền lực là chân lý thì mọi chuẩn mực đạo đức đảo lộn.
    Tất cả những “tấm gương lãnh tụ , vinh dự cao quý…” trong thể chế này thực tế đã chứng minh đều là giả dối, bất lương chỉ nhằm phục vụ kẻ cai trị.
    Một xã hội phong kiến kiểu mới trá hình đang tàn phá mọi giá trị quyền con người.

  2. Lợi dụng” nhiệm vụ chính trị ” làm suy đồi đạo đức,phá nát gia can người dưới quyền… thì bị xử tội ra sao ?

Trả lời Tho Phan Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here