Ngay từ năm 1945, ngày 2 tháng 9, ngày Quốc khánh  đã được gọi là ngày Tết Độc lập. Trước đó là nô lệ, là bị chà đạp, dân sống trong cảnh “lầm than đắm đuối”. Khi ấy, mình còn  quá nhỏ, chẳng biết gì. Sau lớn lên một chút, chỉ nghe người lớn, nhất là Ông ngoại kể lại. Ông kể nhiều chuyện, nhưng mình nhớ nhất chuyện này:

 Làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương, lương rất cao. Một tháng được 130 đồng, trong khi một bát phở ngon nhất có 5 xu, anh  xe kéo xe tay hàng ngày đưa đón  Ông đi làm tiền công  mỗi  tháng có 1 đồng. Trong nhà nuôi đến 3, 4 người giúp việc. Mà Ông mình cũng chỉ mới ở hạng viên chức  “thường thường bậc trung” đấy! Mấy người bạn đồng sự thường có cái thú rủ nhau đi ăn hiệu, “ăn cao lâu” vào buổi chiều  ngày cuối tuần (bây giờ gọi là đi ăn nhà hàng), có hôm ở Hàng Buồm, trong mấy hiệu Tàu, có hôm ở Phú Gia, khách sạn kiểu Tây. Một lần, mấy người đã tới, ngồi vào bàn rồi, chờ “bồi” mang thức ăn ra. Đang trò chuyện thì có mấy người Tây, người Nhật tới, họ kéo ghế ngồi ngay hai bàn bên cạnh. Rồi họ chỉ trỏ, bàn tán, dè bỉu tỏ ý khinh miệt người bản xứ. Bàn người Tây họ nói tiếng Pháp, các cụ đều hiểu, bàn nói tiếng Nhật thì không hiểu, nhưng chỉ nhìn điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, rồi cách chỉ trỏ mà các cụ đành đứng dậy trả tiền mặc dù chưa đụng tới thức ăn vì thấy những kẻ ngoại bang nó khinh thường mình, khinh thường người bản xứ quá, không thể  ngồi ăn được. Dân nô lệ thật nhục nhã!

Ông bảo, mình là người có học, cũng được coi là thuộc loại sang trọng mà nó còn khinh bỉ ra mặt như thế, với người dân nghèo nó còn coi ra gì. Chính vì thế, dù lương cao, cuộc sống sung sướng, nhưng Ông và mấy người con khi ấy mới mười tám, đôi mươi, có người đang học An-be Xa-rô hẳn hoi đã theo Việt Minh làm cách mạng, giành chính quyền. Ông bảo gọi là Tết Độc lập là rất đúng. Ngày vui nhất trong một năm là ngày Tết. Bây giờ Việt Nam ta ngoài Tết Nguyên đán còn có Tết Độc lập, vì từ ngày này, mình được trở thành người dân một nước tự do.

Vẫn nhớ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đi đâu cũng thấy hát: “Đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày, đợi ngày…Ngày mai bao ấm no, diệt tan quân cướp kia, cười vang ta hát câu tự do”. (Không nhớ tên bài hát, chỉ thuộc, giờ vẫn thuộc nhiều đoạn).

Tết Nguyên đán có từ lâu lắm rồi, nhưng từ những  năm cách mạng, nhất là từ sau 1954, Tết Nguyên đán mình có cảm giác không được coi trọng như Tết Độc lập. Tết Nguyên đán là cái Tết chỉ diễn ra trong từng gia đình. Phố xá vắng ngắt, nhà nào cũng nghỉ để ăn Tết (cửa hàng cửa hiệu phải sau Rằm tháng Giêng mới hoạt động trở lại). Sau 1945, đình chùa, đền miếu biến thành lớp học, thành nhà kho chứa đủ mọi thứ, những lễ hội truyền thống đều bị lãng quên, ngay ngày giỗ trong mỗi gia đình cũng không còn được coi trọng. Một phần do bị coi là mê tín dị đoan, một phần do thiếu ăn triền miên, khó có thể tổ chức được bữa cỗ thịnh soạn cho người trong cả gia đình lớn. Có gia đình, giỗ cha cũng chỉ có đĩa xôi và con gà. Coi  thế là quá đạm bạc, bà mẹ mắng con là “bất hiếu”. Nhưng rồi sau đó vài năm, đến ngày giỗ, chỉ còn nải chuối và nén hương. Cho nên ngày Tết Nguyên đán luôn tới trong tình trạng “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ cái giọng ngậm ngùi, buồn bã của Mẹ mỗi khi ngày Tết sắp đến.

Nhưng Tết Độc lập thì khác. Cách hơn chục ngày, từ 19 tháng Tám khắp phố phường cờ hoa đã rợp trời, rồi khẩu hiệu, biểu ngữ đỏ rực  khắp các cơ quan, trường học, nhà máy. 1963 về trước,  năm nào cũng có mít tinh. (từ 5.8.1964, xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc mới dừng tổ chức, tránh tập trung đông người). Những năm ấy, mình còn đi học nên không buổi mít tinh nào  vắng mặt, học sinh, sinh viên là thành phần không thể thiếu trong những hoạt động này.

Nhớ những năm còn tuổi thiếu niên quàng khăn đỏ, mỗi lần sắp tới ngày Quốc khánh là rất ghen tức với bọn bạn sinh năm 1945. Chẳng là thế này: Học cùng một lớp có học sinh nhiều độ tuổi khác nhau. Cùng lứa với mình, sinh năm 1945 là loại học sớm, còn phần lớn sinh 1943, 1944. Có người sinh năm 1941, 1942 (do đang học gia đình khó khăn về kinh tế phải nghỉ vài ba năm, có người do bị ở lại lớp, …). Cứ đến Quốc khánh là bọn sinh năm 1945 luôn được chú ý, được tuyển chọn làm những công việc có tính chất đặc biệt như đồng diễn, tặng hoa, đi đầu trong các cuộc diễu hành, giương cao cờ, khẩu hiệu khi mít tinh, … Vì chúng được coi là những người “sinh ra cùng đất nước”. Cùng năm 1945 mà! Mà năm nào cũng thế mới “ức” chứ. Có lúc đã “oán” sao mình không ra đời chậm hơn một năm nhỉ!!

Đúng là trẻ con thời nào cũng là trẻ con!

Những năm ấy, ngày Tết Độc lập luôn có mưa. Những cơn mưa ngắn quãng (tên gọi của cơ quan dự báo thời tiết, dân gian gọi là mưa bóng mây) thường diễn ra vào buổi sáng. Nhưng mưa không to, chỉ “rào” một đợt có khi chỉ khoảng dăm ba phút lại tạnh. Trong một bài hát trẻ con, nhạc sĩ đã hóm hỉnh: “Mưa cũng làm nũng mẹ, Vừa khóc xong đã cười” để tả những cơn mưa này. Rồi trời lại nắng, không còn gay gắt của nắng hè mà là cái nắng hanh hao, chớm có cái se lạnh của mùa thu.

Sau cuộc mít tinh và diễu binh, diễu hành vào buổi sáng là bắn pháo hoa vào buổi tối ở hồ Gươm. Bác mình nhà ở phố Hàng Gai, nhà 3 tầng nên lên sân thượng thì nhìn ra hồ rõ mồn một (chỉ khuất mất một góc chỗ công an Hàng Trống). Thế là cứ khoảng 5, 6 giờ chiều, mấy anh em đã tới nhà bác chơi, đợi tới 7 giờ thì leo lên sân thượng xem pháo hoa. (Còn nhớ phải leo lên bằng cái thang tre,  không có cầu thang vì nhà chẳng bao giờ sử dụng cái sân thượng).

Nhìn xuống hồ, đèn màu rực rỡ treo trên các cành cây, viền quanh cầu Thê Húc, trên Tháp Rùa. Xung quanh hồ, người đông nghịt, nhìn mọi người chen vai thích cánh, càng thấy sung sướng vì được ngồi từ trên cao, nhìn khắp nơi mà rất thoải mái, không phải chen chúc, xô đẩy.

Rồi bỗng “bụp! bụp!”, những phát pháo hiệu được bắn lên. Rồi sau đó cả một bầu trời lộng lẫy những sắc màu. Tất cả đều hướng lên bầu trời, quên đi những ngày còn gian khó, còn thiếu thốn.

Mười lăm phút trôi qua, tất cả lại trở về với cuộc sống đời thường, nuối tiếc những  phút giây huy hoàng, tráng lệ và chờ đợi tới Tết Độc lập năm sau.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here