Đến năm 1955, Hà Nội có 5 tuyến tàu điện. 4 tuyến chạy qua Bờ Hồ là Bờ Hồ – Cầu Giấy, Bờ Hồ – Hà Đông, Bờ Hồ Chợ Bưởi và Bờ Hồ – Chợ Mơ, 1 tuyến không qua Bờ Hồ là Yên Phụ – Bạch Mai.

Từ Chợ Bưởi đến Chợ Mơ thực ra vẫn chỉ là một chuyến tàu ấy. Từ Bưởi, tàu chạy qua đường Thuỵ Khê, qua Quán Thánh rồi vào Hàng Giấy, qua Chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang hàng Đào đến Bờ Hồ, rồi sau đó theo đường Đinh Tiên Hoàng, qua Hàng Bài, phố Huế, phố Bạch Mai, đến điểm cuối cùng là Chợ Mơ. Tàu Cầu Giấy và Bưởi – Chợ Mơ thường có 2 toa. Tàu Hà Đông đưòng xa hơn, đông khách nên có 3 toa. Riêng tàu Yên Phụ – Bạch Mai chỉ có 1 toa. Tàu xuất phát từ Yên Phụ, đi theo đường đê, rẽ xuống dốc Hàng Than qua Hàng Cót, đến phố Nhà Hoả thì đi vào đường Phùng Hưng,  rẽ vào Hàng Bông, qua Cửa Nam rồi chạy dọc phố Hàng Lọng (bây giờ là phố Lê Duẩn), thẳng xuống Bạch Mai. Tàu này thường vắng vì lúc ấy, đến đầu phố Khâm Thiên đã là ngoại ô rồi. Trường Đại học Bách khoa bây giờ xây dựng khoảng những năm 60 thế kỷ trước trên đất một nghĩa trang, chôn cất những người chết ở bệnh viện Bạch Mai.

Hai tuyến Cầu Giấy và Hà Đông có một đoạn dài đi chung đường: từ Bờ Hồ, qua Hàng Gai, Hàng Bông rẽ vào Nguyễn Thái Học, đến hết Văn Miếu thì tàu Hà Đông rẽ vào phố Hàng Bột (bây giờ là phố Tôn Đức Thắng), còn tàu Cầu Giấy đi thẳng, theo đường Nguyễn Thái Học, qua Kim Mã về Cầu Giấy. Mỗi lần đến đây, một người bán vé phải xuống tàu dùng một thanh sắt “bẻ ghi” để tàu chuyển hướng về Hà Đông, nếu không có người “bẻ ghi”,  tàu sẽ chạy thẳng về Cầu Giấy. Chỗ bẻ ghi chính là nơi người ta cứ hay hương khói ở góc Nguyễn Thái Học và Hàng Bột bây giờ. Chuyện “hương khói” này là cũng mới có gần đây.

Cuối mỗi ngày, các tàu đều về Sở Xe điện ở phố Thuỵ Khê. Trừ đường Hà Đông xa nhất, ở Cầu Mới, có một đoạn đường xe điện có mái ngói. Đó là nơi chuyến tàu đầu tiên của mỗi ngày trên đường Bờ Hồ – Hà Đông đỗ qua đêm dể đến sáng, vào Hà Đông cho gần. Buổi sáng, từ rất sớm, chuyến đầu tiên đã phải từ Thuỵ Khê chạy về các hướng để khoảng năm giờ rưỡi là xuất phát về Bờ Hồ.

Tàu Cầu Giấy – Bờ Hồ cứ khoảng 1 giờ có một chuyến. Có 3 tàu chạy tuyến này. Các tàu tránh nhau ở Ngọc Khánh, Nguyễn Thái Học hoặc Cửa Nam. Tàu đỗ ở các điểm Voi Phục, Qua-dơ-măng (croisement – chỗ tránh tàu), bây giờ là khoảng  số nhà 400 – 450  Kim Mã, Kim Mã, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thái Học (quãng số nhà 58 – 60 nay), An-pô, Hàng Trống và điểm cuối là Bờ Hồ. Mỗi tàu có 2 toa. Toa sau thường chở hàng hoá, chủ yếu là rau từ Láng ra các chợ ở Hà Nội. Vào buổi sáng đi học,  chưa rõ mặt người, đứng chờ tàu, hương của đủ các thứ rau thơm, rau mùi, tía tô, kinh giới, húng chó nức mũi. Mỗi khi tàu đến, các bà các chị giúp nhau đưa  rau lên tàu. It khi thấy to tiếng vì toàn người làng cả. Toa đầu đồng thời là đầu kéo, chia làm 2 khoang. Một khoang nhỏ ở đầu, hai bên lối đi , mỗi bên có 2 cái ghế có đệm quay mặt vào nhau như toa xe hoả, ngồi được 8 người. Đây là chỗ ngồi hạng sang, giá vé đăt hơn 2 xu. Phần lớn toa có hai hàng ghế gỗ chạy dọc lối đi. Đây là hạng bình thường. Lúc ấy giá đi suốt từ Cầu Giấy ra Bờ Hồ là 6 xu. Nửa đường đến Kim Mã là 4 xu. Những người đi thường xuyên, học sinh đi học, viên chức đi làm thì mua “các”, tức là vé tuần. “Các” là một tấm bìa màu hồng bằng độ bàn tay người lớn, giữa để ghi tên tuổi người sử dụng. Mép trên có 6 ô, mép dưới có 6 ô. Mỗi lần đi tàu, người bán vé lấy bút chì gạch chéo vào một ô. Như vậy nếu có ngày đi nhiều hơn thì những ngày sau phải mua vé. Cả tuần, đi về 12 lượt mất có 4 hào tám xu (nếu mua vé hàng ngày thì mất 7 hào 2 xu). Muốn mua “các”, ngày thứ 7 phải ra Bờ Hồ. Trụ sở làm việc của Sở Xe điện là cái nhà 2 tầng chỗ bây giờ là nhà “Hàm Cá mập”. Đây là nơi những người bán vé sau mỗi chuyến về nộp tiền, nhận vé mới, … Mỗi tuần, được 5 hào mua “các” thì còn 2 xu, ăn lạc rang.

Trên mỗi toa có một người bán vé, mang một cặp vé bằng da. Trong đó có nhiều tập vé, mỗi vé độ bằng 2 đốt ngón tay. Thỉnh thoảng, có người kiểm tra vé. Ông này đi khắp các tuyến. Cứ đến chỗ các tàu tránh nhau lại chuyển sang tàu khác. Ông ấy mang theo một tập vé, cứ lặng lẽ làm việc, hỏi vé từng người, nếu ai chưa mua, ông ấy xé cho một vé rồi thu tiền. Hết toa nọ đến toa kia, không cần tàu đỗ, ông ấy vẫn chuyển toa được. Có khi chẳng thấy ông ấy nói câu nào. Không biết khi phát hiện có người chưa mua vé thì người bán vé có bị làm sao không, nhưng tôi chưa thấy ông này quát nạt hay nặng lời với ai, kể cả hành khách chưa có vé.

Khi tới bến cuối, người bán vé toa trên phải làm thêm một việc. Đó là giúp người lái tàu chuyển hướng. Sau khi làm việc này xong, họ vào hàng nước ngồi nghỉ, Khoảng 20 phút lại đi tiếp. Hàng ngày đi học tôi thường phải dạy sớm để đi chuyến tàu đầu tiên. 6 giờ rưỡi đã vào học rồi. Muốn đi được chuyến này phải dạy từ khoảng 4 giờ rưỡi sáng. Mùa rét thì ngại vô cùng. Nhưng rồi cũng quen. Không cần đồng hồ báo thức, vì cứ vào giờ ấy, những người bán rau đã gánh hàng lên chờ tàu để đi vào các chợ trong thành phố. Phần lớn là phụ nữ, họ vừa đi vừa nói chuyện râm ran, khua guốc lóc cóc trên đường nhựa. Ban đầu tôi thấy các bà đi chợ còn mặc áo tứ thân. Mỗi sáng thứ 2, Ông tôi ra cơ quan cũng phải đi chuyến tàu này. Cứ mỗi lần đi cùng, Ông đều cho vào cửa hàng cháo lòng tiết canh của bà Trại trên Cầu Giấy ăn sáng.

Nếu có việc đi vào những giờ khác, cũng không cần lên Cầu Giấy ngồi chờ. Cứ  ở nhà, khi nào nghe tiếng bánh xe rít trên đường ray mới cần đi. Đó là tiếng bánh xe phát ra khi tàu vào khúc quanh chỗ Voi Phục. Những năm ấy còn rất vắng vẻ. Từ Hà Nội ra, đến phố Núi Trúc bây giờ đã là ngoại ô rồi. Từ đó về đến Cầu Giấy chỉ có 3, 4 cái nhà: một cái nhà gạch ở góc phố Ngọc Khánh bây giờ. (Phố Ngọc Khánh vốn chỉ là một con đường làng lát gạch rộng chừng 40 phân), một quán nước dưới gốc đa cổ thụ ở khoảng chỗ bãi đỗ xe, một nhà làm nước mắm đoạn Trung tâm văn hóa Nga. Thế thôi! Hai bên toàn là ruộng rau muống. Trường Lê Duẩn bây giờ lúc ấy còn là cái nghĩa trang. Trong nghĩa trang có mấy cây thông cổ thụ. Vài năm sau, khi đã lớn, đi học bằng xe đạp, mỗi lần họp hành buổi tối về muộn, qua đây, nghe tiếng thông reo mà rợn tóc gáy. Vào khoảng năm 1962, 1963, nghĩa trang này mới chuyển đi để xây dựng một bãi chiếu bóng ngoài trời. Khoảng 20 năm sau, ông Lê Duẩn được Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin, ủng hộ số tiền giải thưởng để xây dựng cái trường này.

Phố Cầu Giấy lúc ấy cũng hầu hết là nhà lá, chỉ có vài cái nhà gạch một tầng. Tối đến chỉ có mấy ngọn đèn dầu le lói. Còn từ Cầu Giấy về đến nhà tôi bây giờ chỉ có 3 nhà. Đầu tiên là nhà cụ Tú Mỡ (bạn với Ông Bà tôi, chúng tôi quen gọi là ông Hiếu), tiếp theo là nhà 2 tầng biệt thự Song An cũ của Ông Bà tôi, rồi đến nhà tôi ở, cũng vẫn là trên đất của Ông Bà, xuống phía dưới có chùa Chu Tiên khuất bên trong, sau đó là nhà hộ sinh chỗ góc phố Chùa Nền bây giờ, rồi đến nhà Đỏ. Từ đó suốt đến Ngã Tư Sở hình như không còn cái nhà nào nữa. Hai bên đường toàn ruộng rau. Khoảng nhá nhem tối là không có bóng người đi lại.

 Đi tàu điện như thế nhưng tôi nhớ cũng không bao giờ bị muộn học. Chỉ có một lần, tàu đến đoạn tránh phố Nguyễn Thái Học thì có sự cố sao đấy không nhớ nữa, tôi đang đi bộ về nhà thì Bố nhìn thấy khi cũng đang trên đường đi làm về. Thế là không phải đi bộ. Hồi mới hòa bình, rất ít khi trục trặc vì mất điện hay trật bánh như khoảng những năm 80 sau này. Tôi hỏi. Một ông bán vé giải thích là đường ray, dây điện dùng lâu quá, mòn vẹt hết rồi nên hay trật bánh, đứt dây. Sau này, đọc “Đi dọc đi ngang Hà Nội” của Nguyễn Ngọc Tiến mới biết dây điện, đường ray sử dụng từ  năm 1900, gần một thế kỷ rồi còn gì! Những phố hàng Đào, hàng Ngang vốn đã hẹp, mỗi khi tàu điện hỏng dừng lại, chẳng còn lối nào mà đi, nhất là khi có cái xe ô tô. Có lẽ vì thế người ta mới cho phá dỡ hết đường xe điện. Không biết làm thế là đúng hay sai. Hôm xem Euro 2012 trên ti vi thấy cảnh Ba Lan vẫn còn những chuyến tàu điện kiểu như thế chạy trên đường phố.

        Vài kỷ niệm ghi lại theo lối “nhớ gì ghi nấy” dành cho những người thích biết về quá khứ.

7 BÌNH LUẬN

  1. Cháu cũng nhớ tàu điện bác ạ. Ngày cháu còn bé,thường được bà ngoại cho đi tàu điện từ Ô Chợ Dừa-Hàng Bột lên Bách hóa tổng hợp Bờ Hồ và ăn kem Tràng Tiền.

  2. Bác có trú nhiws rất tốt, chính xác đến từng chi tiết. Em ở Hàng Bông có đường xe điẹn chạy qua đấy bác, rất nhớ Hanoi xưa.

  3. Bài hay quá. Làm tôi nhiứ lại hồi liứp 7( niên khóa 1965- 1966) trong nội thành HN k có trường học vì Mỹ đánh bom, các anh chị cấp 3 sơ tán theo trường, tôi đi học ở trường Nhân chính. Hàng ngày đi xe điện từ đầu Nguyễn thái Học vào đến chỗ nhà vòm ở cạnh nhà máy cơ khí Hà nội( luć đó là cơ khí Trung qui mô ) thì xuống và men theo tường nhà máy vào trường.Khi đó ở trường cấp 2 Nhân chính nhiều cây muỗm lắm. Bây giơ chắc chặt hết lấy đất xây nhà rồi, vì cách 1 đoạn là cầu Quan nhân hiện nay..

  4. Tôi thường đi từ vườn hoa Hàng Đậu đến rạp tháng Tám để đến trường Trưng Vương,hêt 5 xu,nhiều hôm đến nhà tròn thấy tầu xuôi Bờ Hồ,sợ muộn học nên đã nhảy tầu ở đây, liều thật ! Vậy mà còn dám lý sự : ở đấy là đoạn đường cong nên tầu chạy chậm

  5. Hồi còn nhỏ, em là trùm nhảy tầu điện tuyến Bưởi – bạch Mai với nhiều kiểu nhảy, thích nhất là “nhảy bổ” ngược chiều tàu chạy

Trả lời Đào Thúy Hoàng Hủy trả lời

Please enter your comment!
Please enter your name here